4 ĐIỀU CẦN LƯU TÂM KHI NGHĨ VỀ CÔNG VIỆC CỦA BẠN

Đối với một số người trong chúng ta, công việc hiện tại có thể là cánh cổng dẫn đến những gì chúng ta mong đợi sẽ trở thành sự nghiệp có ý nghĩa. Đối với một số người khác, có lẽ công việc chỉ là một giai đoạn tiếp theo trong dòng đời mà chúng ta đang trôi theo. Với những người khác, công việc chính là sinh kế.

Bất kể bạn cảm thấy thế nào về công việc của mình lúc này, hãy biết rằng Chúa quan tâm sâu sắc đến bạn và luôn ở cùng bạn. Bạn không cần phải bước vào công việc một mình đâu.

Sau đây là 4 điều cần lưu tâm mà Kinh Thánh đã chỉ ra cho chúng ta khi chúng ta kinh nghiệm đời sống làm việc.


1. Hãy lưu tâm đến địa vị của bạn trong Chúa Jêsus (Cô-lô-se 3:12)

“Bạn làm công việc gì?” Đây là câu hỏi phổ biến chúng ta thường hay đặt ra khi làm quen với người khác. Nhưng trước khi nghiêm túc trả lời bằng chức danh công việc của mình, chúng ta cần nhớ rằng địa vị của chúng ta không gói gọn ở những việc chúng ta dành phần lớn thời gian trong tuần để làm nhưng ở trong con người chúng ta mà Chúa đã tạo dựng để sống mỗi ngày trong tuần.

Hãy đọc Cô-lô-se 3:12, Phao-lô bày tỏ rằng Cơ Đốc nhân là ‘người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời’. Bởi vì đời sống chúng ta gắn kết với đời sống của Chúa Jêsus bởi sự chết và sống lại của Ngài (Cô-lô-se 3:3), bất kể điều gì chúng ta nói hay làm đều được làm trong danh của Ngài (Cô-lô-se 3:17).

Thay vì xem bản thân mình là một kế toán Cơ Đốc, một nghệ sĩ Cơ Đốc hay là một đầu bếp Cơ Đốc, Phao-lô đang nói với chúng ta rằng, đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta là những Cơ Đốc nhân đang làm công việc của một kế toán, một nghệ sĩ hoặc một đầu bếp.

Khi hiểu rõ địa vị của mình trong Chúa Jêsus, chúng ta có thể đưa ra quyết định, cư xử và làm việc theo những cách phù hợp với con người mà Chúa đã tạo dựng. Cô-lô-se 3:12 cũng cho chúng ta một danh sách hữu ích để bắt đầu: hãy làm việc với tấm lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và nhịn nhục.


2. Hãy lưu tâm đến những thực tế của sự lao khổ nhọc nhằn (Sáng Thế Ký 3:17-19)

Có rất nhiều nơi làm việc và công ty tuyển dụng quảng cáo công việc như là một cơ hội để đạt được mọi ước mơ của bạn, thay đổi thế giới và theo đuổi những gì bạn yêu thích, trong khi được trả lương. Tuy nhiên, bạn có thể nhanh chóng nhận ra rằng công việc thường kèm theo những kỳ hạn, những nhiệm vụ nhàm chán, áp lực, thất bại, cắt giảm ngân sách, những gián đoạn, những đòi hỏi vô lý và những mối quan hệ khó khăn.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta không cần phải tô vẽ cho những khía cạnh tiêu cực của công việc. Thực tế, khi đọc Sáng Thế Ký 3:17-19, chúng ta nhớ rằng mình sống trong một thế giới tan vỡ và rằng đất đai đã từng sinh trái giờ đây trở thành sự khó nhọc cho loài người.

Khi biết được thực tế này, chúng ta có thể trình dâng những nỗi thất vọng về công việc lên cho Chúa trong lời cầu nguyện, cũng như không lo sợ khi chia sẻ với người khác về thực tế công việc. Chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc sống được thêu dệt trên mạng xã hội; bạn không cần phải giả vờ trước Chúa, bởi Ngài nhìn thấy và chăm sóc bạn (I Phi-e-rơ 5:6-7).

3. Hãy lưu tâm đến tiếng gọi phục vụ (Ma-thi-ơ 22:36-40)

Nhiệm vụ của chúng ta trong vai trò Cơ Đốc nhân chính là học cách hoàn thành mạng lệnh của Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 22:36-40 – yêu Chúa và yêu người lân cận cách trung tín nhất có thể. Và tình yêu thương thường giống như việc phục vụ.

Câu hỏi quan trọng cần được đặt ra nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về mục đích công việc của mình: điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm công việc của mình một cách kém cỏi? Hãy thử tưởng tượng phản ứng dây chuyền từ những sự kiện và ai có thể bị ảnh hưởng bởi vì bạn thiếu sự cam kết, nỗ lực và sự quan tâm.

Ví dụ, công việc của nhân viên bảo hiểm tài sản là phải đánh giá một cách đúng về các rủi ro hỏa hoạn và thiên tai liên quan đến tài sản. Nếu họ làm công việc của mình cách bất cẩn và tài sản không được bảo hiểm, chủ tài sản sẽ phải chịu sự đau buồn và thất vọng khi thảm họa xảy đến.

Điều ngược lại cũng đúng! Ai sẽ được phục vụ tốt nếu tôi trung tín làm công việc của mình? Hãy xem xét một Cơ Đốc nhân hoạt động trong ngành giáo dục. Họ đang tích cực phục vụ những sinh viên trong lớp và bất kì cộng đồng tương lai nào mà sau này, những sinh viên ấy sẽ mang những kỹ năng và trình độ của mình đến.

Chúa tiếp tục sự chăm lo của Ngài cho cõi tạo vật thông qua công việc của loài người và ngay cả trong nỗi khó nhọc của chúng ta, Ngài cho chúng ta một mục đích.

4. Hãy lưu tâm đến sự ở gần của Chúa (Giăng 14:26, Cô-lô-se 3:16)

Công việc có thể gây nản lòng – học cách cộng tác với nhóm, học hỏi những kỹ năng mới, thích nghi với những thay đổi trong nhịp sống. Với những nơi làm việc còn đang hồi phục sau đại dịch, một số trong các bạn có thể đang bắt đầu công việc mới tách biệt với những đồng nghiệp khác trong văn phòng.

Trong những lúc chúng ta cảm thấy cô đơn trong công việc, hãy nhớ rằng Chúa luôn ở gần. Ngài không rời bỏ bạn sau khi bạn ra khỏi nhà thờ vào Chúa nhật. Ngài đã ban cho chúng ta Đức Thánh Linh (Giăng 14:26) và món quà là Lời đời đời của Ngài (Cô-lô-se 3:16). Hơn thế nữa, Chúa đã gọi chúng ta vào mối thông công với những tín hữu khác – rất nhiều trong số đó cũng ở trong môi trường làm việc. Hãy cân nhắc về việc kết nối với những tín hữu khác trong tuần làm việc để cầu nguyện và cùng phục vụ.

Mỗi ngày bạn đi làm, hãy biết rằng Chúa luôn ở bên bạn. Đấng nhìn thấy rõ mọi khía cạnh trong cuộc đời bạn là Đấng thành tín, Lời phán của Ngài là đáng tin cậy và Ngài sẽ đồng hành với bạn trên mỗi bước đường.

Về tác giả: Sharon là một nhân viên tại City Bible Forum và hiện đang hoàn thành khóa học Thần học tại Ridley College ở Úc. Cô thích tạo ra những không gian nơi cộng đồng được xây dựng thông qua việc khám phá những câu hỏi lớn của cuộc đời và khám phá Chúa Jêsus trong Kinh Thánh. Trước đây cô từng làm trong lĩnh vực tài chính và tại đó cô đã hình thành tình yêu sâu sắc dành cho cà phê (một điều phải làm khi ở Melbourne!)

Chuyển ngữ: Kim Nga

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/06/4-things-to-consider-when-thinking-about-your-job/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/