4 LĨNH VỰC MÀ CÓ LẼ MỤC SƯ CỦA BẠN ĐANG TRANH CHIẾN NHIỀU HƠN BẠN NGHĨ


Nguồn: https://ymi.today/2018/10/4-ways-your-pastor-might-be-struggling-more-than-you-think/

Khi tin tức về vụ tự sát của Mục sư Andrew Stoecklei ở Hội thánh Inland Hills, bang California loan ra, một người bạn quan tâm đến tôi đã gởi cho tôi một tin nhắn để bày tỏ sự trân trọng về công việc tôi đang làm và người bạn đó muốn biết tôi khỏe không. Đó là cử chỉ đẹp xuất phát từ cảm giác sốc giống như nhiều người khác trên thế giới. Làm thế nào mà một mục sư là người dường như có tinh thần mạnh mẽ vững vàng, lại quá choáng ngợp trước những áp lực của chức vụ và đời sống cá nhân đến nỗi tước đi mạng sống mình?

Trong thời đại của nền văn hóa người nổi tiếng, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng tôn sùng những người tài năng, nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng. Trong bối cảnh hội thánh, Cơ Đốc nhân cũng đối xử như vậy. Chúng ta kính trọng những người lãnh đạo tận tâm và tài năng, nhưng sự kính trọng này thường dẫn đến những suy nghĩ phi thực tế về họ. Sự thật là, mục sư cũng là những người tan vỡ – cũng yếu đuối và dễ mắc sai lầm như bất cứ con người nào khác.

Tin lành ân điển mà các mục sư rao giảng cũng là tin lành ân điển mà họ cần và họ nương dựa mỗi ngày. Dù đã là Cơ Đốc nhân bao lâu, thì tất cả chúng ta – kể cả mục sư và những người không phải mục sư – sẽ luôn cần sự giúp đỡ từ thân thể Đấng Christ cho đến ngày chúng ta bước vào sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng đây là bốn lĩnh vực mà có lẽ mục sư của bạn đang tranh chiến nhiều hơn bạn nghĩ.


1. Kiêu ngạo và nương cậy sức riêng

Nếu bạn từng được người khác tôn sùng, bạn sẽ biết rằng đó không phải là cảm giác tệ. Đúng là vậy, cho đến khi bạn chân thật đủ để nhận ra rằng con người mà người khác tôn sùng đó không hề tồn tại, mà chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Nhiều mục sư vật lộn với vô số mong đợi của những người luôn ngưỡng mộ họ – và cố gắng để sống theo những mong đợi đó. Từ trong sâu thẳm, họ bị lèo lái bởi nhu cầu được chấp nhận, hoặc nỗi sợ làm người khác thất vọng. Đáng tiếc là các mục sư khó có thể nhận ra rằng sự bất an này bắt nguồn từ sự kiêu ngạo và nương cậy sức riêng. Điều bắt đầu như là ao ước chân thành muốn quên mình phục vụ hội thánh, theo thời gian có thể trở thành điều chúng ta dựa vào để phê chuẩn giá trị của mình. Áp lực của suy nghĩ “phụ thuộc vào tôi cả” có thể đang đè bẹp họ.

Là tín hữu trong hội thánh, thật quan trọng để nhìn mục sư của mình đơn giản là những người được kêu gọi “để các thánh đồ được trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:12-13). Dù không hề sai khi kính trọng các mục sư, nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng chức vụ của mục sư không nhằm hướng chúng ta tới các mục sư, mà là Đấng Christ.


2. Hôn nhân và gia đình

Cả hai vợ chồng chúng tôi đã bật cười khi lần đầu tiên có người nói với vợ tôi rằng kết hôn với mục sư chắc hẳn là một phước hạnh tuyệt vời. Giá như họ biết rằng chúng tôi cũng đầy thiếu sót, và chúng tôi cũng vật lộn với những công việc hằng ngày của đời sống hôn nhân giống như mọi người khác.

Tôi đã nói chuyện với nhiều mục sư và biết rằng lãnh đạo một hội thánh có lẽ dễ hơn làm mục sư của chính gia đình mình. Tôi có thể áp dụng tốt kỹ năng lắng nghe tích cực khi phục vụ ai đó tại văn phòng làm việc, nhưng tôi lại khó làm điều đó với vợ mình. Dù tôi hoàn toàn chắc chắn rằng vợ con là những người yêu quý nhất đối với tôi, nhưng hành động của tôi thường bày tỏ cho họ điều ngược lại. Chẳng hạn, đã nhiều lần tôi hy sinh thời gian gia đình cho chức vụ. Nhưng ngay cả khi tôi có mặt ở nhà với gia đình thì tâm trí tôi lại đang ở hành tinh khác.

Trong những năm qua, tôi thật biết ơn vì vợ tôi đã chịu đựng những điều tệ nhất trong tôi mà tôi thậm chí không biết. Chúng tôi đã khóc, cầu nguyện và giãi bày tâm sự với người khác, ăn năn tội lỗi của mình và đặt niềm tin nơi Đấng Christ hết lần này đến lần khác khi chúng tôi đối diện với những vấn đề khó khăn. Chúng tôi là lời chứng về tình yêu giữ giao ước của Chúa, Ngài đã thành tín gìn giữ hôn nhân của chúng tôi bởi ân điển, và chúng tôi sẽ tiếp tục nương dựa vào tình yêu đó.

Thay vì suy nghĩ rằng mục sư và gia đình của mục sư “luôn vững vàng mạnh mẽ”, có lẽ chúng ta nên dành thời gian để khích lệ và nhắc mục sư dành sự ưu tiên và tình yêu cho vợ mình.

Có lẽ chúng ta nên chủ động quan tâm đến đời sống của con cái mục sư, và hướng chúng đến với Chúa Jêsus bằng lời nói và hành động của mình. Các mục sư và gia đình của họ cần ân điển, tình yêu, sự hỗ trợ và sự giúp đỡ thiết thực như bất cứ tín hữu nào khác trong hội thánh.


3. Mệt mỏi về tinh thần

Hầu hết các mục sư rao giảng lẽ thật tốt hơn áp dụng cho chính mình, và “trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài” (I Phi-e-rơ 5:7) là một ví dụ kinh điển. Những lo lắng và gánh nặng cảm xúc thường dính chặt vào tôi dù tôi cố gắng để trao chúng cho Chúa.

Ở tuổi 37, tôi vẫn cảm thấy khỏe mạnh và sung sức. Điều khiến tôi kiệt sức không phải là sự mệt mỏi thể xác, mà là sự mệt mỏi về tinh thần đến từ công tác chăm sóc và rao giảng. Bảng mô tả công việc của tôi không phản ánh những điều mà tôi thường thấy ở chính mình – như là lựa lời để an ủi những người đang gánh chịu những nỗi đau vượt sức tưởng tượng, mang gánh nặng của những người đang tranh chiến với sự đau khổ và tuyệt vọng, giữ bình tĩnh để phản ứng bằng ân điển với những người khó chịu và gây tổn thương (dù cố ý hay vô tình), và tự dằn vặt về những sai lầm của mình. Vào một ngày vô cùng khó khăn, tôi đã cảm thấy quá nặng nề trước những cơn sóng cảm xúc và suy nghĩ mà tôi không biết phải làm gì hay cầu nguyện thế nào. Khi tôi nói với mọi người rằng Chúa chọn người yếu đuối và kém hiểu biết như tôi để làm công việc Ngài, tôi thật sự nói điều đó từ đáy lòng.

Dù vậy, xin đừng ngại đến với chúng tôi khi bạn có những gánh nặng! Yêu thương và chăm sóc bầy chiên là trách nhiệm mà tất cả mục sư tốt đều vui mừng gánh lấy. Tuy nhiên, xin cũng hãy nhắc nhở chúng tôi nghỉ ngơi, và cư xử hòa nhã với chúng tôi khi chúng tôi không có thời gian.

Hãy hiểu rằng mục sư của bạn không phải lúc nào cũng có mọi câu trả lời cho những câu hỏi khó trong cuộc sống. Cũng hãy hiểu rằng mục sư sẽ không thể đáp ứng mọi mong đợi của bạn. Đôi khi, mục sư cần một đến hai ngày để trả lời email hay tin nhắn của bạn. Khi bạn thấy mục sư chật vật để đáp ứng công việc, thì món quà tuyệt nhất bạn có thể tặng cho mục sư là tiếp tục tin tưởng rằng mục sư đang cố gắng hết sức, chứ không phải mục sư không quan tâm.


4. Rối loạn sức khỏe tinh thần

Theo Viện Sức Khỏe Tinh Thần Singapore, khoảng 5.8% người trưởng thành ở Singapore rơi vào tình trạng Rối Loạn Trầm Cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Các hội thánh ở Singapore (và khắp thế giới) dường như không được trang bị đủ để hiểu và giúp đỡ những người gặp phải các vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng. Tôi không nói rằng hội thánh phải có trách nhiệm cung cấp sự chữa trị. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự hiểu biết căn bản về vấn đề quan trọng này để có thể nhận ra các triệu chứng của những rối loạn phổ biến này và cung cấp sự hướng dẫn về nơi mà họ có thể tìm được sự giúp đỡ thích hợp.

Tôi biết có những hội thánh quá cực đoan đến nỗi nhanh chóng quy cho những triệu chứng này là bởi quyền lực của ma quỷ, và cũng có những hội thánh quá bảo thủ đến nỗi tránh xa ngành trị liệu tâm lý, ngành tâm thần học và việc sử dụng thuốc. Lỗ hỏng này, kết hợp với ba ý trên của tôi, có thể là lý do khiến cho một số mục sư âm thầm chịu đựng những tranh chiến trong sức khỏe tinh thần, như trầm cảm và rối loạn lo âu, mà có lẽ hội thánh không nhận ra trong suốt nhiều năm. Đến khi những tranh chiến về sức khỏe tinh thần này cuối cùng lộ ra, thường là vì một điều gì đó nghiêm trọng và đau buồn. Tôi cầu nguyện rằng các hội thánh sẽ ngày càng hiểu và áp dụng thần học về Phúc Âm tốt lành vào những vấn đề phức tạp này của cuộc sống trong một thế giới tan vỡ.

Ở hội thánh chúng tôi, chúng tôi liên kết với một mục vụ tâm vấn Cơ Đốc và thường xuyên mời những người lãnh đạo và tín hữu trong hội thánh tham dự các khóa trực tuyến. Mục vụ này cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu thiết thực có nền tảng thần học để giúp chúng tôi đáp ứng một số nhu cầu liên quan đến công tác tư vấn. Nếu hội thánh của bạn cũng được tiếp cận với những tài liệu này, tôi khích lệ bạn trang bị cho chính mình và học biết thêm về cách để chúng ta có thể giúp đỡ nhau tốt nhất qua những thách thức khác nhau mà chúng ta đối diện trong cuộc sống.


Những suy nghĩ cuối

Nếu có vẻ như tôi đang than phiền về hội thánh và công tác mục sư, tôi muốn nói rằng đó hoàn toàn không phải là ý định của tôi. Tôi trân trọng chức vụ mục sư. Tôi cảm thấy đó là đặc ân khi được Chúa kêu gọi để công bố tin mừng vĩ đại nhất – là tin mừng về Đấng Cứu Chuộc đã đến giải cứu tôi khỏi chính mình và phục hồi sự đổ vỡ của thế giới này. Điều này thật sự là phương thuốc chữa trị lâu dài nhất và sâu xa nhất cho mọi tranh chiến của chúng ta.

Để yêu thương và chăm sóc các mục sư thật tốt, chúng ta đừng cho rằng chúng ta hoàn toàn hiểu rõ tội lỗi ảnh hưởng nhiều thế nào đến tất cả chúng ta. Tội lỗi không chỉ ảnh hưởng đến hành động và cách sống của chúng ta, mà cũng ảnh hưởng đến tấm lòng và những cảm xúc sâu kín nhất. Đó là sự rối loạn tâm thần vô cùng lớn mà làm mù quáng ngay cả những người thuộc linh nhất giữa vòng chúng ta.

Vì thế, các mục sư cần ân điển, lời cầu nguyện và khích lệ của bạn. Họ cần được nhắc nhở liên tục để tìm thấy sự an nghỉ và hy vọng chỉ nơi Đấng Christ mà thôi. Họ cần được hướng tới Tin Mừng mà họ thường xuyên rao giảng.

Tất cả chúng ta đều là một phần của cùng một câu chuyện, và không ai trong chúng ta là nhân vật chính. Vị anh hùng thật sự là một Đấng khác – là Chúa Jêsus. Có lẽ mục sư của bạn giảng về câu chuyện đó rất tốt, nhưng mục sư cũng phải thật sự “nhận lấy” điều đó trong sâu thẳm lòng mình.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/