4 LỜI LỪA DỐI KHIẾN BẠN CÁCH XA LỜI CHÚA

Sự khởi đầu của một năm mới thường trôi qua một cách yên bình đối với tôi. Ngày đầu tiên của tháng Một đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới trong các cam kết thường ngày tại gia đình, công ty, hội thánh, mục vụ và với những người bạn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã xem xét lời khuyên phổ biến là không thiết lập bất cứ quyết tâm hay kế hoạch nào cho năm mới – vì sợ rằng tôi sẽ làm thất vọng chính bản thân mình. Tuy nhiên cùng lúc, tôi cũng tự nghĩ rằng: Trong ngày đầu tiên của mỗi năm trôi qua, tôi há không nên chú ý đến sự tăng trưởng thuộc linh của chính mình sao?

Là một Cơ Đốc nhân, tôi được kêu gọi để tăng trưởng trong Đấng Christ bằng cách cứ ở trong Ngài để tôi có thể kết nhiều trái (Giăng 15:4-5). Nhưng tôi nên ở trong Chúa Jêsus như thế nào? Tôi nhận ra rằng sự tăng trưởng thuộc linh của tôi phụ thuộc vào thời gian tôi dành cho Chúa trong Lời Ngài và trong sự cầu nguyện. Tôi biết rằng càng thực hành những kỷ luật thuộc linh cách đều đặn thì đời sống tâm linh của tôi sẽ càng tăng trưởng hơn.

Vào đầu năm nay, tôi đã bị thuyết phục, cũng như được khích lệ bởi những gì Chúa phán với dân Y-sơ-ra-ên trong Giê-rê-mi 29:13 “Các con sẽ tìm Ta và gặp được khi các con tìm kiếm Ta hết lòng”. Chúa đã bày tỏ chính Ngài cho con người, nếu tôi thực sự muốn tăng trưởng trong Ngài, tôi cần phải đọc những gì Chúa đã bày tỏ về chính Ngài trong Kinh Thánh.

Nhưng trước nhất, tôi phải vượt qua bốn lời lừa dối khiến tôi cách xa Lời Chúa. Những lời lừa dối này thường xuyên xuất hiện trong các cuộc hội thoại của bạn bè Cơ Đốc, nhưng thực tế là những lời bào chữa xuất phát từ bản chất tội lỗi của loài người chúng ta, thể hiện sự kém thiếu trong việc đặt mối ưu tiên và kỷ luật cá nhân để đọc Lời Chúa.

#1: Kinh Thánh quá khó hiểu

Trong nhiều năm trước, tôi đã thử đọc Kinh Thánh mỗi lần một chương, nhưng điều này không đủ cho tôi, vì tôi là một người thích học “toàn cảnh”. Chỉ khi bắt đầu hiểu Kinh Thánh từng sách một, tôi mới có thể nắm bắt tốt hơn về mục đích và ý định ban đầu của mỗi sách – đặc biệt trong câu chuyện lớn của cả Kinh Thánh.

Việc đọc nhiều tài liệu khác bên cạnh Kinh Thánh (như Mở Khóa Kinh Thánh của David Pawson, video đồ họa Dự án Kinh Thánh, Bức Tranh Lớn Của Đức Chúa Trời bởi Vaughan Roberts) cũng đã giúp tôi hiểu được chủ đề chung và cấu trúc của từng sách. Điều đã giúp tôi được sáng tỏ hơn là khi thảo luận những phân đoạn Kinh Thánh khó cùng với người thân trong gia đình và trong cộng đồng đọc Kinh Thánh.

#2: Tôi không có thời gian để đọc Kinh Thánh

Vào giữa tháng 6 năm nay, tôi đã gác sang một bên lời bào chữa của mình và bắt đầu đọc Kinh Thánh theo từng sách, bắt đầu từ Sáng Thế Ký. Là một người học theo kiểu nghe-nhìn, tôi đã đồng thời nghe file audio của Kinh Thánh trong lúc đọc Kinh Thánh bản in. Tôi đã đọc Kinh Thánh trong thời gian ngồi trên phương tiện công cộng để đi làm, bởi vì đó là khi tôi tập trung nhất và ít bị phân tâm nhất. Và bởi vì có những ngày tôi phải ngồi trên xe cả 2 tiếng đồng hồ, nên tôi đã hoàn thành việc đọc Kinh Thánh trong 7 tháng, từ tháng Sáu đến tháng Mười Hai.

Càng thường xuyên đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, thì những kỷ luật thuộc linh này càng trở thành thói quen mà tôi không thể sống thiếu. Mỗi trang Kinh Thánh cứ như thể trở nên sống động và những quan điểm mới về Chúa và kế hoạch cứu chuộc của Ngài đã khiến tôi được tươi mới mỗi ngày!

#3: Tôi không có khả năng làm theo Lời Kinh Thánh dạy

Trong lúc đọc qua Kinh Thánh, tôi đã lướt qua những phân đoạn khó, đặc biệt những phân đoạn liên quan đến tội lỗi. Chẳng hạn, tôi nhớ mình đã bị ấn tượng bởi hình ảnh trong Ê-xê-chi-ên 16 rằng Chúa cảm thấy bị bội bạc khi dân sự của Ngài chạy theo những thần tượng không khiến họ được thỏa mãn trong khi Ngài đã ban cho họ điều tốt nhất.

Quan điểm mới về tình yêu của Chúa đã làm tan vỡ tấm lòng tôi và một lần nữa tôi được cáo trách để ăn năn bất kỳ tội thờ thần tượng nào trong đời sống mình, cầu xin Chúa giúp đỡ để vâng lời Ngài và chia sẻ với vài người bạn Cơ Đốc để giúp tôi luôn có trách nhiệm giải trình.

Thật được an ủi khi nhớ rằng Chúa đặt luật pháp của Ngài vào lòng chúng ta và ghi tạc chúng vào tâm trí chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:16), và Ngài là Đấng đang hành động để chúng ta vừa muốn vừa làm theo luật pháp của Ngài (Phi-líp 2:13). Kinh Thánh đầy dẫy những người cảm thấy không thể tuân giữ Lời Chúa nhưng Chúa luôn tỏ ra sự nhân từ và cung ứng những gì cần thiết để chúng ta vâng lời Ngài. Chỉ duy bởi năng lực và sự chu cấp của Ngài mà tôi có thể vâng lời và sanh bông trái (Giăng 15:5).

#4: Kinh Thánh không liên quan đến cuộc sống của tôi ngày nay

Khi đọc Kinh Thánh, tôi cũng bắt gặp những phân đoạn mà đem đến cho tôi sự hiểu biết tươi mới về cách Lời Chúa tiếp tục phán với chúng ta ngày nay.

Ví dụ, khi đọc sách Áp-đia, tôi tự hỏi tại sao lại có lời rao truyền của Áp-đia về sự phán xét chống lại Ê-đôm (Áp-đia 1:1-21). Tuy nhiên, khi xem xét bối cảnh của toàn bộ câu chuyện Kinh Thánh về sự công bình và thương xót của Chúa trong kế hoạch cứu chuộc của Ngài, tôi đã được thông hiểu.

Dựa theo các nguồn tài liệu khác, tôi biết được rằng vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Ê-đôm không còn tồn tại như là một quốc gia nữa, điều này đã chứng minh cho những lời cảnh báo của Chúa về sự phán xét tội lỗi (Áp-đia 1:18). Cá nhân tôi đã học được một bài học nghiêm túc từ sách Áp-đia rằng Chúa đầy nhân từ khi Ngài đưa ra lời cảnh báo trước và cho họ thời gian để ăn năn, nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi. Chúa là Đấng công bình và Ngài sẽ thực hiện sự phán xét mà Ngài đã báo trước nếu chúng ta tiếp tục chống nghịch Ngài.

Tôi đã nhớ đến sách Áp-đia khi đọc lời cảnh báo tương tự của Chúa trong Khải Huyền 20:15 và tôi đã được nhắc nhở để làm mới tinh thần cấp bách trong việc chia sẻ Phúc Âm. Điều này đã khích lệ tôi chia sẻ Phúc Âm qua các chương trình truyền giảng vào thời điểm cuối năm cũng như các chuyến truyền giáo. Sự tin quyết này đã khiến câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 4:12 trở nên sống động đối với tôi: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng”.

Tôi nhận thấy rõ ràng rằng Kinh Thánh vô cùng liên quan đến cuộc sống của chúng ta ngày nay. Hai câu hỏi đã giúp tôi vượt qua những phân đoạn khó của Kinh Thánh là: Bản văn này có ý nghĩa gì đối với độc giả ban đầu? Và từ ý nghĩa ban đầu đó, tôi có thể áp dụng vào những tình huống nào trong cuộc sống ngày nay của tôi?

Thật là một hành trình thú vị khi được đồng hành với Chúa qua Lời Ngài! Và tôi đã đạt được những gì? Không còn cảm thấy bối rối, khó khăn và không liên quan, tôi đã nhận được sự thông hiểu, sự gần gũi và có thể áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống của mình.

Nếu có bất cứ lời lừa dối nào ngăn trở bạn đào sâu trong Lời Chúa, tôi khuyến khích bạn thú nhận những điều này với Ngài, nương cậy nơi tình yêu, sự tha thứ và sức lực của Ngài để tìm kiếm lẽ thật của Ngài trong Kinh Thánh – vì chỉ duy chân lý của Chúa mới có thể chống lại bất cứ sự dối trá nào từ kẻ thù. Năm mới này, chúng ta hãy nỗ lực và dạn dĩ hướng về mối quan hệ sâu sắc với Chúa – Đấng yêu thương chúng ta, nâng đỡ và mong ước chúng ta được tăng trưởng tâm linh trong Ngài!

Tác giả: Sarah Tso

Chuyển ngữ: Sen Pang

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2020/01/lies-that-keep-us-from-the-word/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/