4 LỜI NHẮC NHỞ KHI CHÚA DƯỜNG NHƯ IM LẶNG VỚI NỖI ĐAU CỦA CHÚNG TA

Có nhiều điều tồi tệ xảy ra vào đầu năm 2019. Tôi đã khóc cùng những người bạn New Zealand khi các giáo đường ở Christchurch bị tấn công dẫn đến khoảng 50 người thiệt mạng. Tiếp theo, tôi lại khóc khi chị gái tôi gần như mất đi nhà cửa trong trận lụt kinh hoàng ở một tỉnh tại Papua, Indonesia. Trận lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người lâm vào cảnh vô gia cư.

Lòng tôi tan vỡ khi biết tin các Cơ Đốc nhân bị bắt bớ và những nhóm tôn giáo thiểu số đối diện với mối đe doạ thường xuyên về bạo lực, hãm hiếp, tù đày và thậm chí là cái chết trên toàn thế giới. Câu chuyện của họ khiến chúng ta đau buồn và những nhu cầu dường như quá lớn. Nếu hàng ngàn người vô tội chịu khổ dưới tay kẻ giết người điên rồ hoặc vì bầu khí quyển của trái đất thay đổi đột ngột, thì tại sao Đức Chúa Trời dường như vẫn im lặng? Điều này có công bằng và hợp lý không?

C.S. Lewis lập luận rằng vấn đề của sự đau khổ không nằm ở việc Đức Chúa Trời là ai, nhưng ở việc chúng ta là vật thọ tạo theo hình ảnh của Ngài. Trong quyển The Problem of Pain (tạm dịch: Vấn Đề Nỗi Đau), ông giải thích: “Cố gắng loại bỏ tình trạng đau khổ liên quan đến quy luật tự nhiên và sự hiện hữu của ý chí tự do thì bạn nhận ra rằng mình đã loại bỏ chính sự sống vậy.”

Kinh Thánh khẳng định rõ ràng rằng Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ. “Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). “Ngài yêu sự công chính và điều chính trực” (Thi Thiên 33:5). “Trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào.” (I Giăng 1:5). Nhưng dù Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ, nhưng chúng ta lại không như vậy. Chúa ban cho chúng ta quyền lựa chọn và đáng buồn thay, hệ quả của những lựa chọn đó ảnh hưởng đến cả người tốt lẫn người xấu. Tội lỗi của chúng ta đã làm hư hoại thế giới này, đồng thời bệnh tật, tai họa và thiên tai là hậu quả mà mọi loài sống phải gánh chịu.

Chúng ta có thể làm gì để vượt qua nỗi đau? Làm cách nào chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời khi đối diện với những “cơn bão” trong đời sống? Bốn điều sau đây đã giúp tôi tập chú vào sự nhân từ không đổi dời của Đức Chúa Trời:

1. Thành thật với Đức Chúa Trời

Tôi từng nghĩ rằng tôi chỉ đến với Chúa trong sự cầu nguyện sau khi đã cố gắng hết sức mình. Nhưng Chúa muốn chúng ta kêu cầu danh Ngài khi chúng ta cần Ngài giúp đỡ. Khi tôi trình dâng cho Chúa sự giận dữ và nỗi đau của mình, tôi nhận thấy có một sự thay đổi thật sự trong tấm lòng mình.

Mối liên hệ với bố đã giúp tôi hiểu rõ hơn về cách mà tôi có thể đến gần hơn với Cha Thiên thượng. Bố tôi luôn ở bên cạnh tôi. Khi tôi chia sẻ những tranh chiến của mình với bố thì chúng tôi càng gần gũi với nhau hơn. Việc làm này giúp tôi nhận ra rằng nếu tôi có thể chân thành với bố của mình thì tôi cũng cần thành thật với Cha Thiên Thượng.

Kinh Thánh cung cấp nhiều tấm gương chân thành thưa chuyện với Cha Thiên Thượng. Trong một Thi Thiên của mình, vua Đa-vít thúc giục chúng ta dốc đổ lòng mình với Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh (Thi Thiên 62:8). I Sa-mu-ên 1:15 ký thuật về việc bà An-ne đã khóc với Chúa về nỗi đau hiếm muộn của mình. Chúng ta có thể không hiểu hết vì sao những đau khổ lại xảy ra nhưng Chúa muốn chúng trình dâng mọi điều đó lên cho Ngài. Chúng ta là con cái của Ngài và Ngài quan tâm đến nỗi đau của chúng ta.

2. Nhận biết thử thách giúp chúng ta tăng trưởng

Việc đặt đức tin nơi Đấng Christ là món quà quý giá, nhưng Kinh Thánh không hứa rằng cuộc sống của chúng ta sẽ thuận lợi. Thậm chí sứ đồ Phao-lô nói rằng chúng ta sẽ đối diện nhiều thử thách lớn hơn nữa khi theo Chúa Jêsus. Nhưng chúng ta hãy xem tất cả những thử thách đó như là ơn phước vì cớ Phúc m (Rô-ma 8:17). Sau tất cả, nỗi đau và thử thách giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.

Ở độ tuổi thiếu niên, tôi đã trải qua bệnh tật kéo dài và bị người khác bắt nạt. Tôi tin rằng những trải nghiệm này giúp tôi cảm thông hơn đối với người khác – những người dễ bị tổn thương và yếu thế. Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng mối tương giao giữa tôi với Chúa Jêsus càng mật thiết hơn trong khoảng thời gian tối tăm nhất của cuộc đời. Việc nhận ra rằng tôi không thể nào giải quyết mọi chuyện bằng sức của mình đã rèn giũa tôi phải tin cậy Chúa hoàn toàn. Nhờ đó, tôi có thể nương dựa vào Ngài để cầu xin Ngài chỉ dẫn mình.

Sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Không những thế, chúng ta cũng vui mừng trong gian khổ nữa, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hi vọng, và hi vọng không làm chúng ta hổ thẹn, vì tình thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:3-5).

3. Vượt qua nỗi đau để giúp đỡ người khác

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phản ứng ra sao đối với những hành động bạo lực? Chúng ta phản ứng ra sao với Đức Chúa Trời khi những điều tồi tệ xảy đến cho những người tốt? Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta phải yêu thương lẫn nhau và yêu thương người lân cận (Mác 12:31, Giăng 13:34). Nhưng không chỉ như thế, Ngài còn kêu gọi chúng ta thương yêu kẻ thù nghịch của mình (Ma-thi-ơ 5:43-46).

Phản ứng của các hội thánh, chính trị gia và nhóm cộng đồng đối với vụ xả súng ở New Zealand là minh chứng rõ rệt cho hành động yêu thương. Mọi người cùng cầu nguyện với những người bạn Hồi giáo, bày tỏ lòng yêu thương với họ không kể niềm tin hoặc văn hoá. Tương tự, khi thành phố của chị tôi bị lũ lụt thì chị đã khóc vì những hành động nhân ái mà cộng đồng bày tỏ cho nhau. Các hội thánh, trường học, các viên chức cảnh sát và các nhà lãnh đạo đồng lòng với nhau để chăm sóc những người cần giúp đỡ. Mặc dù thực tế nhiều người trong số họ cũng mất đi nhà cửa và tài sản. Họ vượt qua hoàn cảnh của mình để giúp đỡ người khác.

Những hành động nhân ái, tốt đẹp này khích lệ tôi tra xét lòng mình cẩn thận hơn và tìm kiếm nhiều cách để yêu thương những người xung quanh, ngay cả trong thời điểm khó khăn.

4. Chúa Jêsus thấu hiểu và Ngài yên ủi chúng ta trong nỗi đau

Đức Chúa Trời hiểu rõ khổ đau hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Chúa Jêsus là một đầy tớ chịu khổ, Đấng bị chế nhạo, chịu nhục nhã, bị vu oan, đau đớn, đánh đập và tội lỗi của nhân loại đều chất trên Ngài khi Ngài chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta (Ê-sai 53:3). Thật là sự an ủi lớn lao khi biết rằng Đấng Tạo Hóa của toàn cõi vũ trụ này chẳng những nghe những lời than khóc của chúng ta mà Ngài còn cảm nhận được nỗi đau của chúng ta. Khi chúng ta đau đớn, thì Ngài cùng chịu nỗi đau đó với chúng ta.

II Cô-rinh-tô 1:3-4 đề cập đến việc Đức Chúa Trời yên ủi chúng ta trong cơn hoạn nạn. Do đó chúng ta có thể yên ủi những người đang ở trong hoạn nạn. Khi tôi đau buồn về việc hai bạn thanh niên qua đời và tranh chiến với nỗi sợ hãi về sức khỏe của mình, tôi cảm thấy muốn bỏ cuộc. Tôi nhận thấy chẳng có cách nào khác ngoài việc than khóc với Chúa và trình dâng nỗi đau lên cho Ngài. Tôi không nhận được sự chữa lành ngay tức thì, nhưng tôi có thể chân thành nói rằng tôi cảm nhận được “sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết” khi tôi ở trong cánh tay yêu thương của Chúa (Phi-líp 4:7). Sự bình an này khiến tôi có thể yên ủi người bạn mất đi người thân yêu.

Hiếm khi chúng ta hiểu được nỗi đau và sự chịu khổ. Khi ở giữa cảnh khổ đau thì chúng ta dễ dàng oán trách Chúa hoặc cho rằng Ngài không quan tâm đến chúng ta. Nhưng bạn đừng ngã lòng. Chúng ta có thể thưa với Chúa về cảm xúc của mình, nhớ rằng Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta dù thuận cảnh hay nghịch cảnh. Chúng ta cũng hãy giúp đỡ người khác vượt qua nỗi đau của họ.

Chúng ta nhận biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành vì Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi chịu đau đớn thay cho chúng ta. Chúng ta không thể hiểu hết mọi điều xảy ra nhưng những điều đó giúp chúng ta hiểu rằng Chúa quan tâm đến chúng ta. Ngài cũng thấu hiểu nỗi đau của chúng ta. Nỗi đau không tồn tại mãi mãi. Thậm chí nỗi đau kéo dài trong nhiều năm thì chúng ta vẫn có thể hướng đến tương lai trong niềm trông đợi về sự vinh quang đời đời với Chúa Cứu Thế. Niềm trông đợi này vượt trổi hơn nỗi đau tạm thời (II Cô-rinh-tô 4:17).

Về tác giả

Deborah rất biết ơn Chúa khi sử dụng khóa huấn luyện về Thông Tin và Truyền Thông (Media and Communications) để chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về việc Đức Chúa Trời biến đổi cuộc đời của nhiều người ở khắp thế giới trong cương vị là nhà báo và chuyên viên truyền thông của Hội Chuyển Ngữ Kinh Thánh Wycliffe ở Úc. Deborah cũng thích viết bài cho YMI. Cô dùng chính câu chuyện chưa hoàn hảo của mình để giúp người khác nhận biết tình yêu và năng quyền diệu kỳ của Đức Chúa Trời. Ngoài viết lách, Deb còn yêu thích tiếng La-tinh, khiêu vũ và nhảy điệu swing. Cô cũng thích đọc sách lịch sử, là một người mê nhạc jazz đặc trưng ở Melbourne. Cô quen uống cà phê, nghe nhạc jazz, thích ảnh nghệ thuật trưng bày và trang phục theo phong cách cổ điển.

Tác giả: Deborah Fox

Nguồn: https://ymi.today/2019/07/4-reminders-when-god-seems-silent-in-our-suffering/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Biên dịch: Ngọc Nguyên

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/