4 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ VIỆC THEO CHÚA JÊSUS

Theo Chúa Jêsus có nghĩa là gì? Có phải tất cả chỉ là bổn phận và trách nhiệm – “phải làm điều này” và “cần làm điều kia” không?

Đôi khi, quan điểm của chúng ta về đời sống Cơ Đốc nhân có thể biến nó thành một việc phiền toái, như thể có cả một danh sách dài những việc bạn biết là bạn cần làm nhưng lại không làm tốt hoặc không làm đủ, nên bạn liên tục tranh chiến (và thất bại) để “sống đúng theo những kỳ vọng”. Chúng ta biết rằng mình không làm việc lành để được cứu hay để có được tình yêu của Chúa. Nhưng chúng ta cũng biết rằng mình được cứu để làm việc lành, và tình yêu của Chúa thôi thúc chúng ta yêu mến và làm điều lành, và đó vẫn thật sự là một thách thức lớn lao.

Trong lúc tranh chiến để hiểu đúng các lời dạy này, chúng ta sẽ dễ tập trung vào một, hai chân lý mà bỏ qua những chân lý khác. Điều này khiến chúng ta trở nên cực đoan và đánh mất tầm nhìn đúng đắn, cũng làm cho việc theo Chúa Jêsus trở nên một hành trình theo đuổi khổ sở.

Nếu bạn đang cảm thấy khó để kinh nghiệm được niềm vui trong mối liên hệ của mình với Chúa, hãy suy nghĩ xem liệu rằng có điều nào trong những điều này đang kìm hãm bạn và khiến bạn suy nghĩ khác – theo một cách không đúng đắn – về tình yêu của Chúa không.

4-Misconception_1

Quan niệm sai lầm #1: Đời sống Cơ Đốc chỉ toàn đau khổ và không hề hạnh phúc

Sự thật: Chúa muốn chúng ta kinh nghiệm niềm vui lâu bền nhờ tìm thấy sự thỏa nguyện nơi Ngài.

Người ta thường bảo rằng sự đau khổ là một phần không thể thiếu trong đời sống Cơ Đốc (I Phi-e-rơ 4:12; I Giăng 3:13), điều đó có thể khiến chúng ta nản lòng và thất vọng, vì nghĩ rằng tất cả những gì Chúa muốn là chúng ta phải chịu khổ và không bao giờ được hạnh phúc.

Nhưng Kinh Thánh không hề nói rằng việc theo Chúa đồng nghĩa với một cuộc sống không hạnh phúc. Sự thật là ngược lại, hạnh phúc và sự thỏa lòng đến từ Đức Chúa Trời (Truyền Đạo 3:12-13; Công Vụ 14:17), Ngài kêu gọi chúng ta hãy vui mừng (Phi-líp 4:4) và vui thỏa trong Ngài (Thi Thiên 37:4). Kinh Thánh Cựu Ước ghi chép nhiều về các kỳ lễ và yến tiệc cho dân Chúa, và khi Chúa Jêsus đến thế gian, Ngài đã chơi cùng con trẻ, ăn uống với mọi người và được mời dự lễ cưới.

Ma quỷ muốn chúng ta nghĩ rằng khổ đau và hạnh phúc không thể cùng tồn tại, và nếu Chúa cho phép đau khổ xảy đến thì Ngài chắc hẳn Ngài không muốn ban hạnh phúc. Thật dễ để rơi vào dòng suy nghĩ ấy vì quan niệm của chúng ta về sự hạnh phúc thường gắn liền với sự nhàn hạ, tự hưởng thụ, và không có chút khó khăn nào. Với chúng ta, hạnh phúc là những gì chúng ta muốn, không cần biết đó là gì.

Chúa muốn chúng ta biết rằng Ngài mong muốn chúng ta vui mừng, hạnh phúc và Ngài ban niềm vui qua nhiều cách khác nhau, từ việc tận hưởng tạo vật của Ngài, tận hưởng những khoảnh khắc kỷ niệm với người thân yêu, hay tìm kiếm sự vui thỏa từ công việc của mình. Và quan trọng nhất là Ngài muốn chúng ta biết rằng sự vui mừng thật sự đến từ việc vâng lời Ngài (Thi thiên 68:3). Chúa Jêsus bảo chúng ta hãy cứ ở trong tình yêu của Ngài bằng việc vâng giữ các mạng lệnh Ngài, “để cho niềm vui của chúng ta trở nên trọn vẹn” (Giăng 15:10-11).

Không chỉ là cảm giác thoáng qua hay một ý nghĩ ảo tưởng bất chợt, đây là sự vui mừng thật đến từ việc giao phó hoàn toàn cuộc đời mình cho một Đấng biết rõ chúng ta, Đấng đã phó sự sống Ngài và tất cả của Ngài cho chúng ta, và chỉ sẽ làm những điều tốt nhất cho chúng ta.

4-Misconception_2

Quan niệm sai lầm #2: Chúa “khiến mọi sự sinh ra ích lợi”, vậy nên cuối cùng mọi việc phải tốt đẹp

Sự thật: Không phải mọi việc sẽ luôn luôn tốt đẹp, nhưng Chúa sẽ luôn hành động trong chúng ta và qua chúng ta vì sự vinh hiển của Ngài.

Một số người trong chúng ta lại rơi vào thái cực khác, suy nghĩ rằng nếu chúng ta thật sự tin cậy Đức Chúa Trời và đặt đức tin vào Chúa Jêsus thì Ngài sẽ vùa giúp chúng ta và đến cuối cùng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.

Nhưng sự tốt đẹp trong suy nghĩ của chúng ta thường (dù không phải luôn luôn) khác với Chúa. Trong trường hợp ở Rô-ma 8:28, có thể chúng ta nghĩ rằng Chúa khiến mọi thứ trở nên ích lợi hẳn có nghĩa là kết cục tốt đẹp mà chúng ta hình dung, sẽ diễn ra.

Kết quả là, khi hoàn cảnh không trở nên tốt hơn, theo bản năng chúng ta sẽ nghĩ rằng Chúa không quan tâm đến mình hoặc có thể đơn giản là chúng ta không có đủ đức tin. Chúng ta đã quá quen thuộc với việc sống theo công thức (“làm việc chăm chỉ rồi thành công sẽ đến với bạn”) và tự suy diễn Kinh Thánh (“Chúa Jêsus đã hứa ‘sự sống dư dật’, điều đó có nghĩa là phải nhiều hơn và tốt hơn”), khiến chúng ta không thể không nghĩ rằng, Tin vào Chúa để làm gì nếu điều đó không làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn?

Nhưng nếu đọc Rô-ma 8:28 trong văn mạch của nó, chúng ta sẽ thấy rằng Chúa không chỉ quan tâm đến việc thay đổi hoàn cảnh bên ngoài mà còn hành động bên trong và qua chúng ta vì lợi ích của chúng ta và vinh hiển của Ngài, để chúng ta có thể trở nên “giống như hình bóng Con Ngài” (Rô-ma 8:29). Điều này có nghĩa là ngay cả khi kết quả tốt đẹp mà chúng ta hy vọng không thành hiện thực, thì Ngài vẫn hành động trong chúng ta để chúng ta được thay đổi trong sự tốt lành, rằng qua những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta lớn lên trong sự trưởng thành, kiên nhẫn và giống như Đấng Christ.

Nhờ đó, chúng ta có thể sống bằng đức tin ngay cả khi đối mặt với những hoàn cảnh vượt ngoài sự hiểu biết và khả năng kiểm soát của mình. Giống như tất cả các thánh đồ đã đi trước, khi chúng ta vâng lời Chúa bằng cách đặt đức tin nơi Ngài, tin cậy vào bản tính và thời điểm của Ngài, thì Ngài xác quyết đức tin của chúng ta với sự đảm bảo từ Lời Ngài và thân thể Ngài, đồng thời Chúa hứa sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường.

4-Misconception_3

Quan niệm sai lầm #3: Quên đi điều tôi muốn, chỉ quan tâm đến điều Chúa muốn… phải không?

Sự thật: Chúa ban cho chúng ta có ước muốn và ý chí tự do, và khi chúng ta mang những điều này đến với Ngài, Ngài sẽ giúp chúng ta trưởng thành để chúng ta cũng sẽ yêu mến điều Ngài yêu mến.

Một quan niệm sai lầm khác mà chúng ta mắc phải là, khi Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta “từ bỏ chính mình” (Ma-thi-ơ 16:24) thì chúng ta nghĩ rằng Ngài muốn chúng ta từ bỏ mọi ước muốn của mình, rồi chúng ta kết luận rằng điều chúng ta muốn không còn quan trọng nữa, bởi vì chúng ta chỉ có thể muốn những gì Chúa muốn.

Khi suy nghĩ theo cách này, chúng ta bắt đầu nhìn thế giới qua lăng kính của sự phân chia sai lầm giữa “thuộc linh” và “thế tục”, tức là chúng ta nên đọc Kinh Thánh chứ không nên xem phim, chúng ta nên đi chơi với bạn bè trong nhà thờ hơn là bạn bè người ngoại, chúng ta nên nghĩ về Chúa mọi lúc, ngay cả khi chúng ta đang làm việc, v.v.

Từ đó, mọi thứ chúng ta đang tận hưởng đều trở nên không tin kính và không đáng mong muốn, và bất cứ điều gì Chúa muốn đều trở nên không thể đạt được. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong chúng ta cảm thấy không hứng thú (ít nhất là như vậy) khi nghĩ về Chúa và Kinh Thánh!

Và đó không phải là điều Chúa muốn.

Khi Chúa kêu gọi chúng ta từ bỏ chính mình, Ngài đang kêu gọi chúng ta từ bỏ bản chất tội lỗi của mình chứ không phải những ước muốn, những cá tính độc đáo hay những ân tứ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Nếu Chúa không quan tâm đến chúng ta và mong muốn của chúng ta, thì Ngài đã không ban cho chúng ta sự tự do để có thể lựa chọn. Nếu tất cả những gì Ngài muốn là chế ngự ý chí của chúng ta và khiến chúng ta phải khuất phục, thì toàn bộ kế hoạch cứu chuộc của Ngài – thể hiện tình yêu của Ngài với chúng ta và khao khát chúng ta đáp ứng lại với Ngài bằng tình yêu – sẽ không cần thiết nữa.

Hãy nghĩ theo cách này: khi chúng ta còn trẻ, thật khó để hiểu tại sao cha mẹ lại không cho chúng ta điều gì đó, hoặc cho thứ chúng ta không thực sự muốn. Nhưng khi chúng ta lớn lên và trưởng thành hơn trong suy nghĩ, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được tấm lòng và mong muốn của cha mẹ mình hơn.

Tương tự như vậy, sứ đồ Phao-lô đã nhiều lần kêu gọi các hội thánh hãy lớn lên trong sự trưởng thành (ví dụ: Ê-phê-sô 4-5, Phi-líp 3) để họ (và chúng ta) bắt đầu yêu thích những điều đẹp lòng Chúa, và biết cách làm cho các ân tứ và ước muốn của chúng ta phù hợp với kế hoạch của Ngài dành cho cuộc đời mình.

4-Misconception_4

Quan niệm sai lầm #4: Tha thứ có nghĩa là dung dưỡng những hành vi độc hại (tội lỗi)

Sự thật: Tha thứ không phải là cố tình dung dưỡng cho tội lỗi, mà là chọn cách không căm ghét hay giày vò bằng sự tổn thương.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được dạy phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và sự báo thù thuộc về Chúa (Rô-ma 12:19), vì vậy việc của chúng ta là “tha thứ” và “bỏ qua”. Chúng ta thường coi điều đó có nghĩa là chúng ta nên nhu mì và nhẹ nhàng “để mọi chuyện trôi qua” và thể hiện “sự chấp nhận” vô điều kiện đối với những hành vi độc hại (tội lỗi) mà không buộc người khác phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Chỉ đọc Thi Thiên thôi cũng đủ để nhắc nhở chúng ta rằng Kinh Thánh không che đậy sự gian ác và bất công, nhưng tin cậy Chúa sẽ đoán xét mọi việc. Thật vậy, các tác giả Thi Thiên thường kêu gọi Chúa trừng phạt, điều này có thể khá khó chịu đối với đôi tai “yêu hòa bình” trong thời hiện đại của chúng ta.

Và nếu chúng ta xem xét những lời dạy trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy những trường hợp khác nhau mà với tư cách là tín đồ thì chúng ta được kêu gọi để khiển trách và sửa chữa tội lỗi (Ma-thi-ơ 18:15-17, Lu-ca 17:3), và không được có phần gì chung với những người không chịu ăn năn (I Cô-rinh-tô 5:9-12, II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6, Tít 3:10).

Qua những điều này, chúng ta thấy rằng sự tha thứ không phải là cố tình dung túng hay phớt lờ việc sửa chữa những gì rõ ràng là sai, đặc biệt là trong thân thể của Đấng Christ, mà là lựa chọn không ôm hận hay khắc sâu vào nỗi đau mà chúng ta đã trải qua.

Đừng để những suy nghĩ cực đoan này làm giảm sự hiểu biết của bạn về tình yêu của Chúa. Khi sự nghi ngờ và vỡ mộng bắt đầu, hãy chạy đến với Ngài và cầu xin sự thông hiểu. Hãy cầu xin Ngài giúp bạn nếm biết và thấy rằng Ngài là Đấng tốt lành.

Và khi chúng ta học cách vâng theo các mạng lệnh của Ngài dành cho chúng ta, thì chúng ta cũng cần hiểu sự chu cấp và lời hứa của Ngài—rằng chính Chúa Jêsus là Đấng sống trong chúng ta, chính Đức Thánh Linh là Đấng ban cho chúng ta sự hiểu biết và năng lực, và chính Đức Chúa Cha là Đấng sẽ hoàn thành công việc tốt lành mà Ngài đã bắt đầu trong chúng ta.

Nội dung & Minh họa: YMI

Chuyển ngữ: Ân Phước

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/03/4-misconceptions-about-following-jesus/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/