5 BÀI HỌC VỀ TÌNH YÊU & HÔN NHÂN TỪ CÁC CẶP ĐÔI TRONG KINH THÁNH
Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta sự dạy dỗ khôn ngoan về nhiều chủ đề khác nhau và theo nhiều cách khác nhau. Tìm hiểu về những cặp đôi trong Kinh Thánh có thể là một cách hay để biết Kinh Thánh nói gì về mối quan hệ tình cảm. Dưới đây là một số cặp đôi trong Kinh Thánh có thể tác động đến cách nhìn của bạn về vấn đề tình yêu và hôn nhân.
1. Y-sác và Rê-bê-ca
2. Bô-ô và Ru-tơ
3. Giô-sép và Ma-ri
4. A-qui-la và Bê-rít-sin
5. Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét
Tôi từng nghĩ rằng tôi có thể bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, miễn là mình cảm thấy đúng đắn; tôi không nhận ra rằng tôi cần phải dành thời gian cầu nguyện với Chúa trước. Tôi từng nghĩ rằng chia tay là việc cần làm khi tình cảm đã phai nhạt; tôi không nhận ra rằng mối quan hệ cần được nuôi dưỡng. Tôi từng nghĩ rằng tôi sẽ là người lý trí trong chuyện tình cảm; tôi không nhận ra rằng cuối cùng tôi đã ghét đối phương thậm tệ và giữ mãi sự cay đắng khi người đó ra đi.
Từ chuyện tình học trò ở phổ thông đến hẹn hò ở đại học, rồi độc thân sau khi tốt nghiệp, tôi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc. Tôi thậm chí đã có lúc cảm thấy dường như Chúa không còn yêu thương tôi nữa. Tại sao người khác có thể bắt đầu một mối quan hệ và nhìn thấy mối quan hệ đó đơm hoa kết trái, còn chuyện tình cảm của tôi thì chẳng đi tới đâu? Và tại sao cuối cùng tôi không chỉ làm tổn thương chính mình, mà còn làm tổn thương người khác mặc dù tôi đã hẹn hò với ý định tiến tới hôn nhân?
Chỉ đến sau này tôi mới nhận ra rằng tôi đã tìm kiếm các mối quan hệ qua lăng kính của riêng tôi. Khi cảm thấy mọi thứ đúng đắn, tôi lập tức bước vào một mối quan hệ, cho rằng cảm xúc đó đến từ “Đức Thánh Linh”. Rồi khi vấn đề nảy sinh khiến tôi kiệt quệ cả về thể chất lẫn cảm xúc, tôi cho rằng đó là dấu hiệu để chia tay, và kết quả là buông bỏ mối quan hệ của mình.
Phim ảnh, truyền hình, các chương trình hẹn hò trực tuyến, v.v. đều bảo rằng chúng ta phải dựa vào cảm xúc của mình. Chúng ta được khuyên phải theo đuổi sự lãng mạn và vui vẻ, hạnh phúc. Khi những cảm xúc đó tan biến thì việc hẹn hò và hôn nhân cũng sẽ kết thúc. Nhưng điều đó có đúng không? Đâu là quan điểm của Kinh Thánh cho vấn đề tình yêu và hôn nhân?
Một ngày nọ, tôi chợt nghĩ: Tại sao không học từ các cặp đôi tin kính trong Kinh Thánh để biết cách nhìn của Đức Chúa Trời?
Tôi muốn chia sẻ những điều mình học được từ 5 cặp đôi trong Kinh Thánh.
1. Y-sác và Rê-bê-ca
Rê-bê-ca là một cô gái thuộc trong vòng bà con của Áp-ra-ham, đã được người đầy tớ của Áp-ra-ham lựa chọn để làm vợ Y-sác (con trai của Áp-ra-ham) sau khi người đầy tớ này cầu nguyện tìm kiếm ý muốn Chúa. Tại đây tôi thấy một nguyên tắc rất quan trọng cho các mối quan hệ: hãy chọn người phối ngẫu trong vòng con cái Chúa. Sự lựa chọn này không phải là ngẫu nhiên, cũng không dựa trên cảm xúc – nhưng là kết quả của sự trung tín cầu nguyện. Nếu kết hôn với những người không cùng niềm tin, chúng ta sẽ phải đối diện với rất nhiều khác biệt về niềm tin, giá trị sống hoặc tệ hơn nữa là chúng ta đi theo tôn giáo của người kia và rời bỏ Chúa cũng như sự dạy dỗ của Ngài.
Điều thứ hai tôi học được từ mối quan hệ của họ là: tình yêu là một quyết định. Mặc dù Y-sác và Rê-bê-ca chưa từng gặp nhau trước khi kết hôn, nhưng họ đã yêu nhau trọn đời. Vào thời đó, đàn ông có nhiều vợ là điều bình thường, tuy nhiên Y-sác đã chọn dành cả cuộc đời mình chỉ với Rê-bê-ca. Mối quan hệ của họ cho chúng ta thấy rằng khi quyết định yêu một người và một giao ước thánh được thiết lập, chúng ta có thể nương cậy nơi Chúa để Ngài giúp chúng ta cứ tiếp tục yêu nhau đến cuối cùng ngay cả khi có nhiều khó khăn trong hôn nhân.
2. Bô-ô và Ru-tơ
Ru-tơ là người nữ ngoại bang và là một góa phụ. Nhưng cô yêu thương Na-ô-mi, mẹ chồng của mình. Sau đó, cô nghe theo lời khuyên của Na-ô-mi và bày tỏ tình cảm của mình với Bô-ô, và chúng ta đều biết, một cái kết hạnh phúc đã dành cho Bô-ô, Ru-tơ và Na-ô-mi. Từ câu chuyện này, tôi học được rằng Chúa không coi khinh bất cứ ai dù họ có xuất thân như thế nào. Điều Chúa quan tâm là tấm lòng của chúng ta. Ru-tơ chọn tin cậy Đức Chúa Trời – Đấng mà mẹ chồng của cô đã tin cậy. Cô cũng vâng phục mẹ chồng của mình và cuối cùng cô đã được ban phước, thậm chí được ghi tên trong gia phổ của Chúa Jêsus.
Tôi từng nghĩ rằng chỉ những người kết hôn với mối tình đầu mới được Chúa ban phước cho mối quan hệ của mình. Nhưng không. Chúa chấp nhận chúng ta, dù quá khứ của chúng ta ra sao. Điều thú vị mà tôi nhìn thấy từ cuộc hôn nhân của Ru-tơ và Bô-ô là người nữ không nhất thiết phải chờ người nam chủ động trong mối quan hệ. Đôi khi, các bạn nữ có thể bày tỏ tình cảm cách thích hợp và đúng lúc cho những người nam “kém tinh ý”. Tất nhiên, điều này đi kèm với điều kiện là mọi hành động phải phù hợp với ý muốn của Chúa. Còn những bạn nam thì nên suy nghĩ thấu đáo và hỏi ý kiến người lớn trước khi quyết định tiến tới.
3. Giô-sép và Ma-ri
Khi Ma-ri mang thai Chúa Jêsus bởi Đức Thánh Linh, Giô-sép muốn tránh việc từ hôn cô cách công khai để bảo vệ danh dự và mạng sống của cô. Vào thời kỳ đó, người nam đã đính hôn có quyền công khai từ hôn và người nữ sẽ bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình. Nhưng Giô-sép đã không làm như vậy vì ông yêu Ma-ri và ông cũng kính sợ Đức Chúa Trời. Ma-ri cũng là một người nữ kính sợ Chúa nên cô sẵn lòng chấp nhận rủi ro khi mang thai.
Việc yêu thương một ai đó cần được chứng minh bằng hành động. Giô-sép đã chứng minh tình yêu dành cho Ma-ri bằng cách tôn trọng, bảo vệ và kết hôn với cô. Khi những kẻ xấu truy đuổi họ để giết Chúa Jêsus, Giô-sép và Ma-ri đã hỗ trợ lẫn nhau trong suốt hành trình. Đây là cặp đôi kính sợ Chúa đã chia ngọt sẻ bùi với nhau vì danh Chúa. Việc có cùng niềm tin và sẵn lòng cam kết Chúa và với nhau, là một điều tuyệt vời.
4. A-qui-la và Bê-rít-sin
Mặc dù cặp đôi này không nổi tiếng như những cặp đôi khác trong Kinh Thánh mà chúng ta đã nói đến, nhưng tôi thực sự ngưỡng mộ sự tận hiến của họ dành cho Chúa, như được ký thuật trong Tân Ước. Dù bận rộn với công việc, họ luôn niềm nở chào đón các tôi tớ Chúa là Phao-lô và A-bô-lô (Công Vụ 18). Họ mở cửa nhà mình để làm nơi nhóm lại (I Cô-rinh-tô 16) và nắm bắt mọi cơ hội để đưa dắt nhiều người vào vương quốc của Chúa.
Chúa không chỉ muốn các gia đình được cứu, nhưng Ngài còn muốn chúng ta phục vụ Ngài. Việc sử dụng nhà mình làm nơi nhóm lại không chỉ phát sinh thêm chi phí, mà còn tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tại đây, chúng ta nhìn thấy tấm gương về sự tích cực phục vụ của các tín hữu bình thường: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37) và “tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15).
Bên cạnh đó, hai người hơn một. Ngoài việc chia sẻ với nhau những thăng trầm trong cuộc sống, vợ chồng có thể cầu thay cho nhau, phục vụ Chúa và cùng nhau phục vụ người khác. Đây là một bức tranh thật đẹp. Khi tôi nghĩ về những gia đình mà tôi biết, chỉ một người có tâm tình phục vụ Chúa, còn người kia thì không, tôi càng tin chắc hơn về tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho người phối ngẫu tương lai có đồng tâm tình với mình. Chỉ khi hai người cùng trưởng thành thuộc linh và cùng tâm tình với nhau, họ mới có thể xây dựng một gia đình có Chúa làm chủ.
5. Xa-cha-ri và Ê-li-za-bét
Theo Lu-ca 1, Xa-cha-ri và Ê-li-za-bét vẫn trung tín phục vụ Chúa dù đã cao tuổi. Tôi đặc biệt nhớ phân đoạn khi Xa-cha-ri đang làm công tác tế lễ theo phiên thứ thì thiên sứ của Chúa hiện đến với ông và nói rằng Chúa đã nhậm lời cầu xin của ông và Ngài sẽ ban cho ông một con trai. Điều này nhắc nhở tôi rằng Chúa luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng lời cầu xin có được nhậm hay không còn tùy thuộc vào ý muốn của Chúa.
Mặc dù chúng ta cũng thấy sự yếu đuối của Xa-cha-ri và Ê-li-za-bét – Xa-cha-ri tạm thời bị câm vì thiếu đức tin và lúc đầu Ê-li-za-bét cũng sợ nói với mọi người về việc mình có thai – tuy nhiên điều này không ngăn trở Chúa sử dụng họ để hoàn thành kế hoạch của Ngài. Khi con trai ra đời, họ vâng lời Chúa và đặt tên cho con là Giăng. Sau rất nhiều năm cầu nguyện xin Chúa ban cho một đứa con, Xa-cha-ri và Ê-li-za-bét đã sẵn lòng dâng con của mình cho công việc Chúa. Sự đầu phục này là điều tôi cần học hỏi.
Năm cặp vợ chồng này đều có những yếu đuối, nhưng họ có một điểm chung: cả hai đều kính sợ và vâng phục Chúa. Tấm gương của A-qui-la và Bê-rít-sin đặc biệt nhắc nhở tôi rằng tôi phải hầu việc Chúa bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào.
Tìm hiểu thêm về các cặp đôi khác trong Kinh Thánh
Kinh Thánh có rất nhiều tấm gương khác có thể dạy chúng ta về mối quan hệ tình cảm. Năm cặp đôi trên chỉ là một vài trong số đó, nhưng họ là những cặp đôi đã tác động sâu sắc đến tôi. Khi học hỏi từ họ, tôi có thể đối mặt với những bất an và thiếu tự tin xuất phát từ các mối quan hệ trong quá khứ. Những cặp đôi này cũng khích lệ tôi phải có cái nhìn đúng đắn và đẹp lòng Chúa về mối quan hệ tình cảm, cũng như nhắc nhở tôi tập trung vào chính Ngài. Tôi hy vọng rằng những điều tôi học được cũng giúp ích cho bạn trong mối quan hệ tình cảm của mình.
Nguồn: https://ymi.today/2017/08/what-5-bible-couples-teach-us-about-romance/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/