5 BƯỚC ĐỂ RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

Bạn có cảm nhận Chúa đang kêu gọi bạn bước vào một điều gì đó mới mẻ – một công việc mới, một mối quan hệ mới, một lĩnh vực phục vụ mới hoặc một nơi ở mới – nhưng suy nghĩ đó khiến bạn sợ hãi? Hoặc có lẽ bạn cảm thấy được thúc giục để chia sẻ Phúc m với một người bạn hay người thân, hoặc hòa giải với một thành viên trong gia đình, nhưng tưởng tượng đến những rắc rối phải trải qua khiến bạn khựng lại.

Hầu hết chúng ta đều thích ở trong “vùng an toàn” – là nơi chúng ta thường lui tới để “giảm thiểu căng thẳng và lo âu”. Nó quen thuộc và an toàn – nhưng nếu ở đó quá lâu, chúng ta trở nên lười biếng, tự mãn và cứng nhắc. Và quan trọng nhất, chúng ta hiểu sai về sự an toàn và điều đó sẽ cản trở chúng ta tăng trưởng trong sự tin cậy và vâng lời Chúa.

Bước ra khỏi vùng an toàn không phải lúc nào cũng là thay đổi hoàn toàn, mạo hiểm, hoặc làm điều khác chỉ vì gượng ép, mà là ra khỏi – trong những cách lớn nhỏ – để chúng ta tăng trưởng trong mối liên hệ với Đấng Christ và tạo ảnh hưởng cho Ngài trong cuộc đời của chúng ta.

Bạn có sẵn sàng để bước ra khỏi những điều quen thuộc? Đây là vài bước giúp bạn bắt đầu:

Comfort Zone #1

1. Biết rõ những gì đang kìm giữ bạn

Đó có phải là cảm giác không thoải mái với những gì bấp bênh và không chắc chắn? Hay nỗi sợ thất bại? Hoặc là sự lười biếng?

Hãy suy nghĩ kỹ về lý do khiến bạn ngần ngại thử điều mới, bạn sẽ nhận ra nhiều điều về những bất an của chính mình.

Đôi khi, nỗi sợ có thể là chính đáng, bởi vì bước ra khỏi vùng an toàn có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng mọi thứ. Hãy nghĩ về Hoàng hậu Ê-xơ-tê và sự mạo hiểm bà đã chấp nhận (bà có thể mất mạng sống mình) khi quyết định đến với vua để cầu xin vua cứu dân tộc mình (Ê-xơ-tê 4:7-17). Nhưng bà đã giao phó chính mạng sống mình cho Chúa và lấy đức tin đến với nhà vua, nên Chúa đã ban thưởng cho sự vâng lời của bà bằng cách giải cứu họ.

Dù vậy, phần lớn những thứ kìm giữ chúng ta lại không phải là những hậu quả nghiêm trọng. Bạn có nhớ Môi-se và nỗi sợ nói trước đám đông của ông (Xuất. 4:10-17)? Chúa không chỉ hứa sẽ ở với ông (Xuất. 4:12), mà còn đảm bảo với Môi-se rằng anh trai của ông, A-rôn, sẽ là người phát ngôn cho ông. Có phải sẽ dễ dàng hơn nếu Chúa chọn A-rôn ngay từ đầu không? Rõ ràng, Chúa muốn giúp Môi-se vượt qua những bất an của ông, hơn là lựa chọn điều dễ hơn hoặc có vẻ hợp lý hơn.

Hãy giao phó những bất an cho Chúa và nhìn thấy Ngài cung ứng những nguồn lực và sức mạnh chúng ta cần để làm những gì Ngài giao phó.

Comfort Zone #2

2. Nhớ lại những lúc Chúa đã giúp bạn vượt qua một tình huống khó khăn

Bạn có nhớ lần gần nhất mà bạn kêu khóc với Chúa trong một giai đoạn thử thách và cách Ngài đã chăm sóc bạn không? Có lẽ đó là một cuộc trò chuyện khó khăn với sếp, bạn bè hoặc thậm chí là gia đình. Hoặc khi bạn đối mặt với một môi trường không quen thuộc (hoặc có lẽ là sự chống đối) trong một thành phố mới, trường mới hoặc nơi làm việc mới mà bạn không biết bất kỳ ai.

Đừng giống người Y-sơ-ra-ên quên đi những điều kỳ diệu và những phép màu mà Chúa đã thực hiện khi dẫn họ ra khỏi Ai Cập (Thi Thiên 78:11-12). Hãy dành thời gian để đếm lại những phước lành và nhắc nhở bản thân rằng Ngài sẽ giúp bạn vượt qua thử thách như Ngài đã làm trước đây.

Nếu có thể, hãy viết lại những khoảnh khắc này hoặc ghi âm vào điện thoại để bạn có thể nhìn lại, và tìm được sức mạnh và sự can đảm từ những công việc diệu kỳ Chúa đã làm trong cuộc đời bạn.

Nhớ về sự giải cứu thành tín của Chúa qua những giai đoạn khó khăn sẽ giúp chúng ta tin chắc rằng Ngài sẽ ở với chúng ta mỗi bước trên hành trình.

Comfort #3

3. Ngưỡng trông Chúa và nhìn thấy bức tranh lớn hơn

Có lẽ chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng để làm những gì Chúa kêu gọi, hoặc cảm thấy rằng công việc hoặc nhiệm vụ đó quá lớn cho chúng ta. Hãy nhớ đến Giô-suê và Ca-lép – hai thám tử duy nhất trong số 12 người – đã bày tỏ lòng tin rằng Chúa sẽ ban cho họ vùng đất Ca-na-an mặc dù đã thấy sự cao lớn của dân địa phương (Dân Số Ký 13:25-14:9).

Chúng ta cũng thấy Áp-ra-ham đáp lại lời kêu gọi của Chúa để rời khỏi dòng tộc mình ở tuổi 75 và ra khỏi quê hương an toàn để đến vùng đất xa lạ (Sáng Thế Ký 12:1-6).

Liệu chúng ta có như Áp-ra-ham, Giô-suê và Ca-lép, bước đi bằng đức tin vì chúng ta tin chắc vào lời hứa của Chúa, rằng khi chúng ta làm việc của Ngài, Ngài sẽ luôn ở với chúng ta ‘cho đến tận thế’ (Ma-thi-ơ 11:19-20), và rằng ở trong Ngài, “[chúng ta] sẽ được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28-29)?

Nhìn xa hơn hoàn cảnh trước mắt và bám vào những lời hứa lớn hơn của Chúa giúp chúng ta can đảm để bước vào những điều chưa biết.

Comfort #4

4. Chấp nhận sự thật rằng bạn sẽ sợ hãi… và bạn sẽ thất bại

Thật đáng sợ khi làm một điều mới, và chúng ta có thể thất bại. Nhưng không sao cả.

Chúng ta không thể hoàn toàn tránh được những thất vọng và thất bại trong cuộc sống. Những gì chúng ta có thể làm là học từ những kinh nghiệm và lỗi lầm, không để những điều này ngăn cản chúng ta tiến về phía trước và thử lại lần nữa. Trên hết, chúng ta có thể được an ủi rằng là người được Chúa chọn, chúng ta sẽ được Ngài chỉ dẫn từng bước. Ngay cả khi chúng ta vấp ngã, cũng sẽ không nằm sải dài (Thi Thiên 37:23-24).

Môi-se là một ví dụ đáng suy ngẫm. Mặc dù ông được chọn bởi chính Chúa để dẫn người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, ông vẫn phạm những sai lầm lớn trong hành trình – đập vỡ bảng luật pháp đầu tiên vì cơn giận đối với tội lỗi của Y-sơ-ra-ên và đập vào tảng đá khi Chúa chỉ dẫn cụ thể là chỉ nói với tảng đá. Và ông đã phải trả giá cho những lỗi lầm của mình khi không được phép bước vào miền đất hứa Ca-na-an.

Tuy nhiên, ông không bị loại khỏi miền đất hứa trong cõi đời đời, và vẫn được xem là một trong những nhà tiên tri vĩ đại nhất mọi thời đại, qua đó Đức Chúa Trời đã bày tỏ những dấu lạ và phép màu tuyệt vời của Ngài (Phục Truyền 34:10-12)

Học cách chấp nhận thất bại khiến chúng ta không phải mang gánh nặng rằng mình phải làm mọi việc ‘đúng’ ngay lần đầu tiên, và dạy chúng ta biết phụ thuộc vào Đấng Christ.

Comfort #5

5. Bắt đầu với việc nhỏ – làm những việc góp phần đưa bạn đến đích cuối cùng

Bây giờ khi chúng ta đã giao phó mọi bất an cho Chúa, ôn lại những cách Ngài đã giúp chúng ta trong quá khứ, nhớ lại những lời hứa của Ngài, và chấp nhận rằng thất bại cũng không sao cả, vậy thì đã đến lúc để bắt đầu.

Nhưng khi nào là ‘thời điểm đúng đắn’ để bắt đầu? Thật sự là, nếu chúng ta bắt chước nhà truyền đạo (Truyền Đạo 11:1-10), thì có lẽ chúng ta sẽ không làm gì cả nếu chờ đến ‘thời điểm hoàn hảo’. Thay vì vậy, chúng ta nên sử dụng những gì chúng ta có để làm những điều mình có thể, và để Chúa quyết định kết quả trong thời điểm của Ngài (c.5-6).

Đây là một số cách chúng ta có thể tiến hành từng bước nhỏ để bước ra khỏi vùng an toàn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống:

Comfort #6

Cá nhân: Thực hiện một số thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp bạn tăng trưởng trong mối liên hệ với Chúa.

  • Thức dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày để cầu nguyện và đọc một đoạn Kinh Thánh.
  • Mỗi tuần dành ra một ngày ‘không Netflix/ không Youtube/ không mạng xã hội” để đọc một quyển sách Cơ Đốc hay.

Gia đình: Quyết tâm làm những điều tốt để phục vụ những thành viên trong gia đình thường xuyên.

  • Dành thời gian giúp đỡ việc nhà
  • Dành riêng 1 hoặc 2 ngày một tuần để dùng bữa cùng gia đình.

Bạn bè: Có những hành động thực tế để bày tỏ sự quan tâm đến nhu cầu của bạn bè.

  • Mỗi ngày nhắn tin cho một người bạn để hỏi thăm họ.
  • Giúp đỡ những người bạn đang cần (những cha mẹ trẻ, những người đang chăm sóc cha mẹ già, bạn bè bị bệnh).

Hội thánh: Chủ động suy nghĩ cách chúng ta có thể gây dựng nhau.

  • Chọn một lĩnh vực để phục vụ và sẵn sàng thử những điều mới
  • Dành thời gian để công nhận và khích lệ những ai đang phục vụ, và cầu nguyện cho họ.

Công việc: Tìm kiếm cơ hội để trở thành đại sứ của Đấng Christ cho các đồng nghiệp.

  • Nắm bắt cơ hội để thể hiện sự quan tâm: đãi họ một bữa ăn, lắng nghe họ, mời họ tham dự các sự kiện, cầu nguyện cho họ vượt qua thời kỳ khó khăn, chia sẻ hành trình đức tin của bạn.

Đừng chờ đợi “thời điểm hoàn hảo”. Thay vào đó, hãy nắm bắt mọi cơ hội và giao phó kết quả vào tay Chúa.

Comfort #7

Là con người, chúng ta thường sợ hãi và lo lắng khi ở trong những tình huống không quen thuộc, nhưng không bao giờ là quá trễ để ‘bước ra’, và để Chúa chỉ cho chúng ta thấy Chúa vĩ đại hơn biết bao so với những gì chúng ta nghĩ.

Cuối cùng, niềm an ủi của chúng ta nằm ở chỗ biết rằng Đức Chúa Trời mà chúng ta phục vụ là Đấng đáng tin cậy hơn nhiều so với bất kỳ vùng an toàn nào mà chúng ta có.

Chuyển ngữ: Nhựt Hồng

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2021/10/5-steps-to-get-us-out-of-our-comfort-zone/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/