5 CÁCH CHUẨN BỊ CHO LỄ PHỤC SINH

Nguồn: https://ymi.today/2019/04/5-ways-to-prepare-for-easter/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

“Mẹ Phục Sinh với con chứ?”

Con gái của tôi ở với mẹ tôi vào ngày hôm đó, và tôi nghe nói rằng hai bà cháu đã lấy ra những món đồ trang trí cho lễ Phục Sinh. Khi tôi đến đón cháu, cháu hớn hở và trìu mến nhìn tôi, tay cầm giỏ trứng đầy và hỏi: “Mẹ Phục Sinh với con chứ?”

Mới đầu, tôi mắc cười với lỗi cú pháp của con. Nhưng sau một lúc, tôi nhận ra rằng cháu đã nói một điều rất sâu sắc.

Phục sinh là một động từ. Hay ít nhất nó nên là động từ. Phục Sinh là kỳ lễ hàng năm để chúng ta kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Jêsus. Nhưng “phục sinh” có ý nghĩa gì trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

Tiếp đón Ngài

Khi Chúa Jêsus đến thành Giê-ru-sa-lem vào Chúa nhật trước khi Ngài chịu chết, đám đông trải nhánh cây và áo choàng của mình dưới đất, để chào đón Ngài. Họ biết rằng đây không phải là con người bình thường bước vào thành mình, vì vậy họ kêu lên: “Hô-sa-na Con của Đa-vít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na trên nơi chí cao!” (Ma-thi-ơ 21:9).

Chúng ta gọi ngày này là Chúa nhật Lễ Lá, và thường kỷ niệm ngày này trong hội thánh với lời ngợi khen hân hoan. Đây không chỉ là lúc để ghi nhớ việc Chúa Jêsus được chào đón vào thành Giê-ru-sa-lem, nhưng cũng là lúc để cầu xin sự hướng dẫn và lãnh đạo của Ngài trong đời sống chúng ta. Đó là ngày chào đón, ngày để sửa lại chính mình theo Ngài.

Gần đây, tôi đã làm điều này bằng cách viết ra danh sách những vai trò của mình, những mối quan hệ chính yếu trong cuộc đời tôi, và những nơi mà tôi thường có mặt. Rồi từng cái một, tôi mời Chúa Jêsus bước vào những vai trò, mối quan hệ và những nơi chốn này. Chắc chắn, Ngài đã hiện diện trong những nơi đó rồi vì Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tôi cần sẵn lòng tiếp đón Ngài và công nhận một lần nữa rằng Ngài là Đấng có quyền. Đây là cách để nói rằng: “Không theo ý con, mà theo ý Chúa”.

Điều này không dễ dàng. Khi tôi tiếp đón Chúa Jêsus vào gia đình, hôn nhân của mình, vai trò làm mẹ của mình, lớp học, các mối quan hệ bạn bè, những thần tượng và đồn lũy của mình, tôi nhận ra rằng sự hiện diện của Ngài đòi hỏi một số thay đổi trong những lĩnh vực này. Nói dối, lo lắng và những đồn lũy không thể cai trị ở nơi Ngài đã được tiếp đón nữa. Một phần của sự tiếp đón này là tin và khẳng định sự xứng đáng của Ngài trên tất cả. Chúng ta hãy tiếp đón Đấng Christ trong mùa Phục Sinh này, dù với bất cứ giá nào.

Nhớ đến Ngài

Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Jêsus đã kỷ niệm Lễ Vượt Qua với các môn đồ – đây là dịp dễ kỷ niệm Đức Chúa Trời đã giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Trong bữa ăn này, Chúa Jêsus đã thiết lập lễ Tiệc Thánh. Khi Ngài cùng các môn đồ ngồi quanh bàn, Ngài bẻ bánh và phán rằng: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho. Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.” Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén trao cho các môn đồ và phán: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta vì các con mà đổ ra” (Lu-ca 22:19-20).

“Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta”, lời này của Chúa Jêsus rất ấn tượng với tôi. Ngài muốn chúng ta nhớ đến sự hy sinh của Ngài qua việc ăn bánh và uống chén nước nho. Điều này cần có trong việc kỷ niệm Lễ Phục Sinh năm nay. Khi chúng ta nhận bánh và chén, chúng ta đang dự phần với Ngài. Chúng ta đang nói rằng: “Chúng con muốn dự phần”. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ chịu khổ với Ngài nhưng cũng có nghĩa rằng là con cái Ngài, tương lai của chúng ta được bảo đảm; chúng ta sẽ sống lại với Ngài.

Hãy nhớ đến sự hy sinh của Đấng Christ theo cách này khi bạn dự lễ Tiệc Thánh trong tuần lễ Phục Sinh.

Đau buồn với Ngài

Thứ sáu của tuần lễ Vượt Qua đó, Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Sau nhiều giờ chịu đau đớn, Ngài kêu lên: “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46), rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng. Ma-thi-ơ cho chúng ta biết rằng động đất xảy ra khi Chúa Jêsus chết (Ma-thi-ơ 27:51), và chúng ta cũng được biết rằng khắp đất đều tối tăm từ khoảng giữa trưa cho đến ba giờ chiều hôm đó (Lu-ca 23:44-45).

Bạn có tưởng tượng được không khí ngột ngạt thế nào khi đứng dưới chân thập tự giá không? Trải qua cơn động đất trong bóng tối? Tận mắt nhìn thấy sự hủy phá của tội lỗi và hổ thẹn trút lên thế giới? Tất cả điều này nói lên tầm quan trọng của các sự kiện ngày hôm đó. Con Đức Chúa Trời bị đóng đinh. Đức Chúa Cha quay lưng với Con Ngài. Điều này dường như là ngày tồi tệ nhất trong lịch sử.

Chúng ta có bước vào nỗi đau này không? Làm thế nào chúng ta kinh nghiệm được sức nặng của điều xảy ra vào ngày hôm ấy? Tôi nghĩ câu trả lời rõ ràng là điều chúng ta không thật sự thích – chúng ta cần ở lại với nó, không vội vã trôi qua, không bỏ qua để tới Chúa Nhật. Chúng ta cần ở lại một chút với ngày thứ sáu, và chúng ta cần đau buồn không chỉ về sự chết của Chúa Jêsus, mà còn vì tội lỗi của chúng ta đã khiến Ngài phải ở đó.

Chúng ta cần cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu nhiều nhất tầm quan trọng của sự hy sinh của Ngài, của sự mất mát và hổ thẹn mà thế giới trải qua ngày thứ sáu ấy. Và chúng ta đau buồn. Chúng ta đau buồn về tội lỗi và sự hổ thẹn đã ảnh hưởng và tiêm nhiễm thế giới. Chúng ta đau buồn cho phần của chúng ta trong đó, và việc chúng ta bị phân cách với Đức Chúa Trời. Dù vậy, hãy yên tâm vì câu chuyện chưa kết thúc tại đây…

Chờ đợi Ngài

Bạn có tưởng tượng được ngày thứ bảy đó như thế nào không, khi Chúa Jêsus nằm bất động trong phần mộ? Liệu các môn đồ có cảm thấy mất hy vọng, nghĩ rằng họ đã sai lầm? Hay có số ít người nào đó, bằng sự hiểu biết từ Đức Thánh Linh, bắt đầu kết nối tất cả những lời dạy của Chúa Jêsus lại với nhau và trông đợi ngày Ngài trở lại?

Chúng ta không được bỏ qua sự căng thẳng của ngày thứ bảy – giữa sự chết của Chúa Jêsus vào ngày thứ sáu và sự phục sinh của Ngài vào Chúa Nhật. Chúa Jêsus chết và một số người theo Ngài cảm thấy tuyệt vọng. Tuy vậy, chúng ta biết rằng Chúa Nhật sẽ đến và Chúa Jêsus sẽ sống lại. Thời gian chuyển tiếp thật khó khăn. Sự sẵn lòng chờ đợi, đối diện với căng thẳng, cho thấy chúng ta hiểu rằng mình không nắm quyền kiểm soát. Cũng giống như đau buồn, chúng ta đừng bỏ qua điều này. Niềm vui của Chúa Nhật sẽ vô nghĩa nếu không có sự bất an của ngày thứ bảy.

Việc chờ đợi Đấng Christ ngày nay trông như thế nào? Trong mùa Phục Sinh, và cũng trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Có lẽ chúng ta “ở giữa” hoàn cảnh của mình ngay lúc này. Chúng ta được đòi hỏi phải chờ đợi ở đâu và cách nào, để sống trong điều vẫn chưa tới? Làm thế nào chúng ta bám chắc vào Đấng Christ trong lúc chờ đợi này? Và chính xác thì chúng ta đang chờ đợi điều gì?

Là Cơ Đốc nhân, điều cuối cùng chúng ta chờ đợi là sự trọn vẹn của vương quốc Đức Chúa Trời. Chúng ta chờ đợi ngày Chúa Jêsus trở lại và phục hồi mọi điều, và tội lỗi sẽ không còn cai trị thế giới. Và, trong lúc chờ đợi, chúng ta hướng mắt về Chúa Nhật…

Vui mừng trong Ngài

Vào buổi sáng Chúa nhật, Chúa Jêsus phục sinh đã hiện ra với bạn bè, gia đình và môn đồ Ngài. Phần mộ không thể cầm giữ Ngài. Ngài đã đối mặt với sự chết và Ngài chiến thắng sự chết. Ngài gánh lấy cơn thịnh nộ đối với tội lỗi và sự hổ thẹn, và chuộc tội cho chúng ta cách hoàn toàn.

Bạn có tưởng tượng ra ngày này không? Tất cả buồn đau và tuyệt vọng bị xóa bỏ? Cơn ác mộng tồi tệ nhất được chứng minh là không đúng? Môn đồ mong nhớ và trông chờ Chúa Jêsus và giờ đây Ngài đứng trước mặt họ, trong xác thịt. Ngài thật sự đúng như những gì Ngài phán về chính mình. Ngài là Đấng Cứu Chuộc được hứa từ lâu, Ngài đến để cứu dân Ngài ra khỏi tội lỗi vì sự vinh hiển của Ngài. Món nợ mà chúng ta không thể trả, đã được trả xong hoàn toàn. Ngài đã mở ra con đường cho bạn và tôi để được biết Ngài và sống với Ngài mãi mãi. Tội lỗi không còn phân cách chúng ta với Vua của mình nữa, và Chúa Nhật đó là ngày tuyệt vời nhất trong cả lịch sử.

Mùa Phục Sinh năm nay, chúng ta hãy tận hưởng niềm vui đến bởi Đấng Christ phục sinh. Chúng ta hãy hát lớn tiếng vui mừng ca ngợi Ngài. Chúng ta hãy mở rộng đôi tay để tiếp nhận sự tha thứ, ân điển và sự tốt lành của Ngài. Chúng ta hãy ôm lấy anh chị em trong Chúa, và cùng với hội thánh khắp thế giới công bố rằng Ngài đã sống lại! Thật vậy, Ngài đã sống lại! Thánh Augustine đã nói rõ trong bài giảng của ông về sách Thi Thiên rằng: “Chúng ta là người Phục Sinh và Ha-lê-lu-gia là bài ca của chúng ta!”

Bạn thân mến, năm nay bạn có bằng lòng Phục Sinh với tôi không?

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/