5 CÁCH ĐỂ CÓ GIỜ NHÓM Ý NGHĨA VÀ VUI VẺ TẠI NHÀ

Tác giả: Anne Soh

Lược dịch từ: https://biblical-parenting.org/articles/how-to-have-a-fun-and-meaningful-service-at-home/

Với sự tạm ngưng của các chương trình thiếu nhi và thậm chí là các sinh hoạt cuối tuần ở một số hội thánh để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, một số phụ huynh có lẽ đang tự hỏi họ cần làm gì với con của mình trong nhiều tuần tới.

Dù gì thì chúng ta cũng phải giữ ngày của Chúa đặng làm nên ngày thánh, ngừng công việc và tập trung vào Chúa là nguồn của mọi phước hạnh (Xuất. 20:8-11).

Nhưng chúng ta sẽ làm cách nào khi chính mình không phải là giáo viên Trường Chúa Nhật có kinh nghiệm, cũng không phải là người giảng dạy được đào tạo?

Nếu đọc kỹ Phục truyền 6:5-7, chúng ta có thể thấy rằng những phẩm chất cần thiết để dạy con cái biết về Chúa là một tấm lòng yêu kính Ngài và sự sẵn lòng giữ điều răn của Ngài.

Thêm vào đó, việc dạy Lời Chúa cho con cái không nên chỉ xảy ra mỗi tuần một lần ở nhà thờ, mà nên là việc tiếp diễn hằng ngày tại nhà.

Vì vậy, hãy cùng suy nghĩ làm thế nào để khiến “buổi nhóm” tại nhà đầy vui vẻ và ý nghĩa cho con mình – không chỉ trong thời gian dịch Covid-19, mà là mỗi ngày và mọi ngày:

1. Mời Mọi Người Góp Phần

Giờ nhóm tại nhà sẽ hấp dẫn khi mọi người đều có cơ hội góp phần. Chẳng hạn, hãy cho mọi người có quyền chọn bài hát. Hãy cởi mở để hát những bài hát thờ phượng bằng bất cứ phong cách nào bởi vì Chúa không nhìn vào âm nhạc mà nhìn vào tấm lòng. Với trẻ nhỏ hơn, hãy cho các cháu tự do phụ họa bằng các nhạc cụ như trống tự chế, hoặc để trẻ hướng dẫn cả nhà làm cử điệu. Các cháu thiếu niên có thể chơi nhạc cụ hoặc hướng dẫn hát.

Mọi người có thể thay phiên để đọc lớn tiếng từng câu Kinh Thánh.

Khi chia sẻ điều học được từ Kinh Thánh, hãy mời con bạn đóng góp những suy nghĩ và đáp ứng của chúng. Có thể chúng ta sẽ bị đánh động hoặc thậm chí học hỏi từ suy nghĩ sâu sắc của chúng, dù nhỏ tuổi nhưng các cháu cũng có cùng Đức Thánh Linh là Đấng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật (Giăng 16:13).

Hãy nhớ rằng từ miệng con trẻ, Chúa đã định sự ngợi khen mà khiến kẻ thù nín lặng (Thi Thiên 8:2). Thật vậy, khi Chúa Jêsus trích dẫn câu Kinh Thánh này trong Ma-thi-ơ 21:16, trẻ con ca ngợi Ngài trong khi một số người lớn giận dữ với Chúa vì đã đuổi những người buôn bán khỏi sân đền thờ (Ma-thi-ơ 21:12-15).

2. Thử Những Điều Mới Mẻ

Giờ nhóm gia đình không cần phải đi theo một khuôn khổ như giờ nhóm của hội thánh. Tuần này, chúng ta có thể dành thời gian ca hát ngợi khen Chúa, tuần tới có thể tập trung vào việc cầu nguyện cho những nhu cầu của nhau. Không có công thức nhất định, miễn là chúng ta cùng nhau tìm kiếm Chúa, dù là qua việc hát ngợi khen Chúa, học Kinh Thánh hay cầu thay.

Cũng vậy, hãy thử những hình thức khác nhau mà bạn không thể thực hiện ở nhà thờ nhưng có thể làm được tại nhà.

Nếu con bạn thích nghệ thuật, chúng ta có thể vẽ hoặc tô màu, có lẽ về điều gì đó trong cõi tạo vật tuyệt vời của Chúa, như một hình thức ngợi khen Đấng tạo dựng trời và đất.

Gia đình có thể hiểu hơn về một phân đoạn Kinh Thánh khi cùng vẽ ra biểu đồ tư duy hoặc mỗi người đóng vai một nhân vật Kinh Thánh.

Trong lúc cầu nguyện cho những người gặp khó khăn, chúng ta có thể biến lời cầu thay thành hành động bằng cách viết ra những lời khích lệ cho người khác.

Hãy suy nghĩ sáng tạo và để Chúa soi dẫn chúng ta hầu có những ý tưởng sáng tạo để con bạn sẽ không bao giờ than phiền rằng giờ nhóm gia đình thật chán.

3. Sử Dụng Công Nghệ Cách Sáng Tạo

Hãy tận dụng những nguồn tài liệu phong phú, hầu hết đều có sẵn trên mạng. Chúng ta có thể tạo và chia sẻ một danh sách bài hát thờ phượng yêu thích của gia đình trên YouTube.

Chúng ta cũng có thể nhờ các con giúp tìm lời bài hát hoặc định nghĩa về những từ ngữ khó hiểu trong Kinh Thánh. Có vô số video câu chuyện Kinh Thánh và bài giảng mà có thể tìm thấy trên mạng, chưa kể đến những tài liệu tĩnh nguyện dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.

4. Linh Hoạt Và Điều Chỉnh Khi Cần

Hãy khích lệ con bạn tham gia, đừng ép buộc chúng. Nếu chúng không muốn tham gia vào giờ nhóm gia đình, hãy tìm hiểu lý do. Hãy cố gắng hiểu suy nghĩ của chúng và điều chỉnh những gì cần thiết để phù hợp với chúng.

Nếu chúng ta thấy chúng mất hứng thú, hãy suy nghĩ những cách tích cực để thu hút sự chú ý của chúng (ví dụ, đừng chia sẻ dài, đừng rầy la). Chúng ta có lẽ phải bỏ qua một số mục trong bài chia sẻ hoặc thậm chí bỏ qua chương trình thờ phượng đã chuẩn bị sẵn để thực hiện một hoạt động khác cùng nhau.

Nếu thấy con bạn buồn ngủ, hãy cân nhắc đổi giờ nhóm gia đình sang ngày khác trong tuần hoặc đổi sang giờ khác mà con bạn ít mệt mỏi hơn.

5. Khích Lệ Nhau

Hãy khích lệ con bạn chia sẻ những vấn đề cảm tạ và cầu thay. Điều đó không chỉ giúp chúng ta hiểu hành trình thuộc linh của chúng và điều chúng đang kinh nghiệm trong cuộc sống, hoạt động đó cũng truyền tải thông điệp rằng chúng có giá trị và chúng ta (cũng như Chúa) luôn quan tâm đến chúng.

Chúng ta cũng có thể chia sẻ những tranh chiến và những đắc thắng của cá nhân, tất nhiên là phải phù hợp với lứa tuổi. Tất cả những điều này sẽ giúp gia đình gần gũi hơn và quan trọng hơn là giúp con bạn thấy niềm tin Cơ Đốc là chân chính và gần gũi.

Và cùng với con bạn, hãy suy nghĩ đến nhu cầu của những người xung quanh, trong đất nước và ở những nơi khác trên thế giới.

Hãy suy nghĩ xem Chúa đang hành động thế nào trong mọi hoàn cảnh và làm thế nào để chúng ta có thể là sứ giả bày tỏ tình yêu của Ngài trong cộng đồng và thế giới. Ngay cả khi có những mối quan tâm mà chúng ta không thể làm gì cả, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện và xin Chúa bày tỏ quyền năng và vinh hiển của Ngài.

Khi nhìn ra, chúng ta sẽ khích lệ con mình trở nên muối và ánh sáng của thế giới, như điều chúng ta được kêu gọi (Ma-thi-ơ 5:13-16).

Trong gia đình của tôi, giờ nhóm lễ bái hàng tuần của gia đình luôn cho các con cơ hội để hướng dẫn, điều đó sẽ giúp các con cảm thấy tự nhiên để khởi xướng và hướng dẫn thì giờ cầu nguyện và thờ phượng Chúa ở trường, các kỳ trại và ở nhà thờ.

Vì vậy, ngay cả khi lúc đầu các con không hưởng ứng lắm, hãy cứ kiên trì và cứ tiếp tục cố gắng cho đến khi cả gia đình thích thú giờ thờ phượng Chúa tại nhà.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/