5 CÁCH ĐỂ LUÔN GẮN KẾT VỚI LỜI CHÚA

Có nhiều điều ngăn cản chúng ta đọc Lời Chúa. Chúng ta thường nói rằng mình thiếu thời gian, nhưng thật ra là chúng ta quá mệt mỏi, kiệt quệ vì vô số công việc và nghĩa vụ. Rồi đến khi có thời gian để đọc Kinh Thánh, chúng ta lại cảm thấy khó chịu vì Lời Chúa quá khó hiểu – chẳng rõ ngữ cảnh và ý nghĩa của những câu chữ ấy có liên hệ gì với hoàn cảnh hiện tại của mình.

Và đôi khi, dù hiểu Lời Chúa, chúng ta vẫn khó lòng làm theo những gì mình đã đọc – Yêu thương những kẻ làm hại chúng ta? Điều đó quá khó! Tha thứ cho họ? Vậy còn nỗi đau trong lòng chúng ta thì sao? Cho đi không tính toán? Nhưng chúng ta chẳng có gì để cho…

Ma quỷ luôn ngăn cản và làm chúng ta nản chí bằng cách khiến chúng ta nghĩ rằng mình không thể nào đọc Lời Chúa được. Nhưng Chúa ban cho chúng ta Lời Ngài không phải để làm gánh nặng, mà là để nâng đỡ chúng ta. Lời Ngài không phải là một nghĩa vụ, mà là nguồn phước hạnh, vì qua đó chúng ta được học về danh Chúa và tình yêu Ngài dành cho chúng ta.

Nếu sau ngần ấy thời gian, bạn vẫn không biết làm sao để chuyên tâm đọc Kinh Thánh và tương giao với Lời Chúa, thì sau đây là một số gợi ý giúp bạn đứng vững:

5 WAYS TO KEEP-1

1. Xin Thánh Linh ban ơn giúp đỡ

Khi muốn làm một điều gì đó, chúng ta thường chỉ nghĩ về những việc bản thân mình có thể làm được. Đặt mục tiêu, lập kế hoạch, lên danh sách những việc cần làm, đặt lời nhắc.

Nhưng việc lắng nghe và áp dụng Lời Chúa phụ thuộc vào sự dẫn dắt của Thánh Linh. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải cố gắng, nhưng chính Thánh Linh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ sứ điệp từ Kinh Thánh, ghi nhớ và áp dụng vào đời sống mình (Giăng 14:26, 16:13; I Cô-rinh-tô 2:10-16).

Để nhờ Thánh Linh giúp đỡ, chúng ta phải cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện không thôi, khiêm nhu cầu xin Chúa tiếp tục bày tỏ chính Ngài (Thi Thiên 119:18, Ê-phê-sô 1:18) để chúng ta có thể sống theo ý muốn Ngài. Chúng ta cần xưng nhận và xin Chúa tha thứ cho bất kỳ tội lỗi nào đang cản trở chúng ta lắng nghe và vâng theo Lời Ngài.

Chúng ta cầu nguyện để biết rằng mình phải nương cậy nơi sự khôn ngoan và dẫn dắt của Thánh Linh khi đọc Kinh Thánh, dâng những thắc mắc của mình lên cho Thánh Linh và cầu xin Ngài ban sự hiểu biết, cũng như xin Ngài giúp chúng ta ghi nhớ những điều mình đã đọc và nghe.

Cầu nguyện và Lời Chúa luôn đi đôi với nhau, chính Lời Chúa cũng dạy chúng ta về sự hiện diện và công việc của Thánh Linh (ví dụ: Rô-ma 8). Thánh Linh chỉ cảm thúc khi chúng ta vừa đọc về Chúa qua Lời Ngài vừa trò chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện.

5 WAYS TO KEEP-2

2. Liên tục tiếp nhận Lời Chúa theo nhiều cách khác nhau

Đọc Kinh Thánh rất quan trọng nhưng đó không phải là cách duy nhất để chúng ta tiếp nhận Lời Chúa.

Cô-lô-se 3:16 chép rằng: “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.”

Thật tuyệt vời, Chúa muốn chúng ta không chỉ đọc Lời Ngài mà còn dùng Lời ấy để ca ngợi Ngài! Ngài biết rằng âm nhạc có thể thu hút tâm hồn chúng ta ở một mức độ hoàn toàn khác. Trong những ngày cảm thấy khó đọc Kinh Thánh, tại sao bạn không thử bắt đầu bằng một bài Thánh Ca? Hãy tìm những bài ca được phổ nhạc từ lời Kinh Thánh và giàu tính thần học – những bài Thánh Ca tôn cao danh Chúa và tất cả những ơn phước dành Ngài dành cho nhân loại.

Khi cảm thấy không thể tập trung đọc, hãy thử nghe Lời Chúa. Chúng ta có thể nhận lãnh Lời Chúa bằng cách nghe Kinh Thánh âm thanh, chương trình tĩnh nguyện, chương trình phát thanh hoặc các bài giảng trực tuyến. Trước khi để tâm trí lang thang với những dòng suy nghĩ vẩn vơ, chúng ta có thể chọn nghe Lời Chúa, dù qua bài hát hay sứ điệp.

Không nhất thiết phải nghe và hiểu từng lời, nhưng một khi đã quyết định lắng nghe, hãy cầu xin Chúa hướng dòng suy nghĩ của mình đến với những điều chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi (Phi-líp 4:8).

5 WAYS TO KEEP-3

3. Suy ngẫm – cho đến khi thấm nhuần

Trước khi hướng dẫn chúng ta cách sống đẹp lòng Chúa, Kinh Thánh vốn là sự mặc khải về danh Đức Chúa Trời. Chúa muốn chúng ta biết Ngài (Giăng 20:31) và tự mình kinh nghiệm Ngài. Thi Thiên 34:8 chép: “Hãy nếm thử và nhận biết Đức Giê-hô-va tốt đẹp dường bao!” Càng nghiền ngẫm lời Ngài, chúng ta càng có khả năng nếm biết và tôn cao những bản tính tuyệt vời của Ngài, cũng như những lẽ thật nuôi dưỡng tâm linh.

Hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cứ đọc đi đọc lại cùng một phân đoạn trong vài ngày (hoặc thậm chí vài tuần) và dành thời gian để suy ngẫm xem những câu từ đó có ý nghĩa gì? Chúng ta cũng có thể viết ra những câu gốc và dán ở nơi dễ nhìn thấy, dễ tiếp cận (ví dụ: trên bàn làm việc, điện thoại), để có thể xem lại những lời này và suy ngẫm bất cứ khi nào (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:18, 20).

Chúng ta cũng có thể suy ngẫm qua việc đặt câu hỏi. Ví dụ: khi đọc tới chỗ “đừng lo lắng”, thay vì cố gắng dập tắt ngay những âu lo của mình, chúng ta có thể lùi lại một bước và đặt những câu hỏi như: Điều gì ẩn sau nỗi lo lắng khiến chúng ta không thể giao phó mọi điều Chúa, và lý do là gì? Trong khi Chúa dạy chúng ta đừng lo lắng, Lời Ngài còn mô tả điều gì về bản tính và lời hứa của Ngài?

Những người suy gẫm Lời Chúa được ví như “cây trồng gần dòng nước” (Thi Thiên 1:2-3) – cây cần nhiều thời gian hấp thụ chất dinh dưỡng để lớn lên và sinh hoa trái. Và II Ti-mô-thê 2:3-7 khuyến khích chúng ta kiên trì trong đức tin như một người lính, một vận động viên và một nông dân – những người có đặc thù công việc đòi hỏi phải kiên trì, lặp đi lặp lại, những người hết mình cống hiến, siêng năng, chịu đựng – đổi lại, cũng phải tin chắc rằng Chúa sẽ ban sự hiểu biết khi chúng ta kiên trì suy ngẫm về các lẽ thật của Ngài.

5 WAYS TO KEEP-4

4. Chia sẻ với người khác

Có khi nào bạn cảm thấy cực kỳ bế tắc, nhưng sau khi chia sẻ với người khác, bạn bỗng nhiên tỉnh táo và hiểu ra mọi chuyện? Hoặc, đã bao giờ chia sẻ với người khác về kinh nghiệm của mình hoặc những gì mình đã đọc, và rồi cuộc trò chuyện khiến bạn ghi nhớ sâu sắc hơn về điều đó?

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra khi chúng ta chia sẻ Lời Chúa với nhau. Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:6-7 chép: “Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay … phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy.” Khi chia sẻ với nhau những gì mình đã đọc và nghe từ Kinh Thánh, bài học sẽ đọng lại trong tâm trí chúng ta lâu hơn, giúp chúng ta suy ngẫm sâu hơn.

Với rất nhiều ứng dụng hiện đại ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng liên hệ với bạn bè để chia sẻ những kiến thức mình vừa học được. Chỉ cần đơn giản như: “Hôm nay tôi đã đọc được/nghe thấy câu này/thông điệp này và điều đó khiến tôi nghĩ đến … Còn bạn nghĩ sao?” Khi mời gọi bạn bè chia sẻ suy nghĩ của họ, chúng ta còn được nghe thêm một góc nhìn khác giúp làm phong phú sự hiểu biết của mình về Lời Chúa.

5 WAYS TO KEEP-5

5. Áp dụng Lời Chúa vào đời sống

Ngoài việc chia sẻ những suy nghĩ và hiểu biết sâu sắc của mình, điều quý giá nhất là chúng ta cùng nhau tìm cách biến Lời Chúa thành hành động và nhờ bạn bè cầu thay cũng như nhắc nhở mình làm điều đó.

Chẳng hạn, chúng ta nên làm gì để bày tỏ tình yêu thương dành cho mọi người trong đời sống hàng ngày? Có người nào mà chúng ta chưa đủ yêu thương không, và làm cách để thay đổi điều đó? Để bắt đầu, ta có thể thực hiện những bước đơn giản nào? Khi cùng nhau suy ngẫm và đưa ra những bước cụ thể, chúng ta sẽ có thêm động lực hơn để làm theo Lời Ngài.

Thực hành luôn là phần khó nhất. Tuy nhiên, lần đầu tiên gặp Chúa Jêsus, dù các môn đồ chưa biết danh thật sự của Ngài, họ vẫn quyết định bước những bước đầu tiên theo tiếng gọi của Ngài, nhờ vậy mà họ được phước.

Tương tự, chúng ta cũng có thể bước những bước đầu tiên của sự vâng lời, có thể là bắt đầu dâng hiến một khoản nhỏ, hay kiềm chế không nói lời bực dọc với người khác mà thay vào đó cầu xin Ngài ban cho chúng ta sự bình an trong lòng.

Chúa nhìn thấy tấm lòng của chúng ta và Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta để tiếp tục vâng lời vì vinh hiển Ngài và lợi ích của chúng ta (Phi-líp 2:12-13).

5 WAYS TO KEEP-6

Thi Thiên 119 chép rằng rằng Chúa sẽ thêm sức, làm những điều ích lợi cho chúng ta, ban sự hiểu biết, hướng dẫn từng bước đi và giữ gìn cuộc đời chúng ta, tất cả đều bởi Lời Ngài (c.25,28,65,133,169). Xin điều này khích lệ chúng ta giữ Lời Chúa trong lòng, biết rằng Đấng đã ban cho chúng ta Lời Ngài là thành tín sẽ làm thành những gì Ngài phán (Ê-sai 55:11).

Nội dung & Minh họa: YMI

Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2023/08/5-ways-to-keep-ourselves-rooted-in-gods-word/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/