5 CÁCH XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ CÓ CHÚA LÀM CHỦ

Minh họa: YMI X Barbs Jenjaroentham (@barbsiegraphy)

Biên dịch và biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Được dịch từ trang YMI, mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries: https://ymi.today/2019/07/5-ways-to-do-christ-centered-friendship/

Chúng ta được tạo dựng cho các mối quan hệ. Những người bạn thật sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta trong lúc khó khăn, cầu thay cho chúng ta khi chúng ta quá mệt mỏi đến nỗi không thể tự cầu nguyện cho chính mình, và nhẹ nhàng hướng chúng ta đến con đường đúng đắn khi chúng ta lạc bước. Việc chủ động xây dựng tình bạn, đặc biệt tình bạn theo gương mẫu của Đấng Christ, cần có sự hy sinh và đầu tư thời gian, và đôi khi có một chút bất tiện. Nhưng dù phải trả giá nào thì vun trồng tình bạn bền chặt là điều đáng để làm. Tình bạn của bạn sâu sắc thế nào? Hãy xem điều gì tạo nên một tình bạn có Chúa làm chủ.

Hãy thử bắt đầu những cuộc trò chuyện sâu sắc với bạn bè của bạn. Chúng ta có thể đi xa hơn những câu hỏi chung chung như “Bạn có khỏe không?”, và thay vào đó hãy hỏi thăm về đời sống thuộc linh hoặc thời gian tĩnh nguyện của bạn mình. Những câu hỏi chân thành như thế có thể tạo nên mối liên hệ sâu sắc hơn khi chúng ta khích lệ nhau trong đời sống thuộc linh. Kinh Thánh dạy chúng ta đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, nhưng cũng quan tâm đến lợi ích của người khác nữa (Phi-líp 2:4), và chúng ta có thể bày tỏ sự quan tâm đó qua những cuộc trò chuyện chân thành như thế.

Hãy trở thành người sẵn lòng giúp đỡ. Thật dễ để nhắn tin cho một người bạn bị bệnh rằng: “Chúc bạn mau khỏe. Nhớ nghỉ ngơi nhiều nha!” nhưng phải chăng sẽ tốt hơn nếu chúng ta đem thức ăn đến thăm bạn mình? Không phải lúc nào cũng dễ có một, hai tiếng đồng hồ trong thời gian biểu bận rộn để đến thăm một người bạn bị bệnh hoặc hy sinh ngày cuối tuần để giúp bạn chuyển nhà. Nhưng hành động có ý nghĩa hơn lời nói, và không có gì nói lên sự quan tâm của chúng ta nhiều hơn là khi chúng ta cố gắng để giúp đỡ bạn mình. Kinh Thánh nói rằng hai người tốt hơn một, vì nếu một người ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên (Truyền Đạo 4:9-10).

Chúng ta thường được khuyến khích “lắng nghe trái tim” trong mọi điều mình theo đuổi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lựa chọn đó dẫn chúng ta, hoặc bạn bè chúng ta đi vào con đường hủy diệt? Trong những lúc như thế, liệu chúng ta có đủ can đảm để hướng bạn mình trở lại con đường đúng bằng Phúc Âm? Tương tự như vậy, liệu chúng ta có sẵn lòng lắng nghe lời khuyên từ những người bạn quan tâm đến ích lợi của chúng ta, mặc dù điều đó không dễ chịu? Kinh Thánh nói rằng: “Bạn bè gây thương tích do lòng yêu thương chân thật, còn hơn kẻ thù hôn hít cách giả tạo” (Châm Ngôn 27:6). Việc đưa ra lời khuyên và đón nhận lời khuyên không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng người bạn thật sẽ luôn mong muốn điều ích lợi nhất cho bạn của mình.

Tình bạn đòi hỏi sự chân thành, nhưng chúng ta thường tìm cách trốn tránh những vấn đề khiến chúng ta phiền muộn. Cũng thật dễ để giả vờ rằng mọi việc đang diễn ra hết sức tốt đẹp trong khi sự thật không phải như thế. Có lẽ nỗi sợ bị xem là “kém cỏi” ngăn trở chúng ta nói ra sự thật trước mặt bạn bè mình, hoặc có lẽ chúng ta lo ngại rằng câu chuyện của chúng ta sẽ bị kể lại cho người khác. Tuy nhiên, tình bạn chân thành và cởi mở cho phép chúng ta chia sẻ những yếu đuối của bản thân mà không phải lo lắng. Hãy chủ động vun đắp một tình bạn như thế, một tình bạn mà chúng ta có thể đến với nhau cùng những thiếu sót của bản thân, giải trình với nhau và nhớ đến nhau trong lời cầu nguyện (Gia-cơ 5:16).

Đôi khi chúng ta không biết phải phản ứng thế nào trước hoàn cảnh mà bạn mình gặp phải. Có thể chúng ta chưa trải qua điều mà họ đang kinh nghiệm, hoặc chúng ta không muốn nói những lời khiến bạn mình tổn thương thêm. Dù có thể bị hạn chế trong lời nói, nhưng chúng ta có thể cầu thay cho bạn mình trong lúc họ quá mệt mỏi để cầu nguyện cho chính họ. Trên hết, chúng ta biết rằng không ai trong chúng ta có thể giải quyết nan đề của người khác, và cầu nguyện là cách để thừa nhận rằng chúng ta có một Đức Chúa Trời có thể làm những điều vượt quá sự cầu xin và suy tưởng của chúng ta (Ê-phê-sô 3:20).

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/