5 DẤU HIỆU CHO THẤY CHÚA ĐANG HÀNH ĐỘNG TRONG CUỘC ĐỜI BẠN

Chúng ta đều biết rằng việc trở thành Cơ Đốc nhân và đặt niềm tin nơi Chúa không giúp che chắn hay miễn trừ chúng ta khỏi những đau khổ của cuộc đời. Dù vậy, khi đối diện với khó khăn, thử thách hoặc thậm chí là “sự im lặng” của Chúa dưới dạng lời cầu nguyện chưa được nhậm, chúng ta cũng không tránh khỏi cảm giác thất vọng hoặc cảm thấy bị Chúa quên lãng.

Kinh Thánh nói rõ rằng chúng ta phải chịu khổ trong cuộc đời này (I Phi-e-rơ 4:12) – nhưng làm cách nào chúng ta có thể học cách “chịu khổ” và chịu đựng những điều đó? Làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng mình không để những khoảnh khắc đó làm tấm lòng chúng ta chai cứng, khiến chúng ta chán nản và xoay bỏ Chúa?

Trước tiên, chúng ta có thể quả quyết trong lòng rằng chúng ta có một Đấng Cứu chuộc biết rõ những đau buồn, luôn hiện diện với chúng ta ngay cả trong những thử thách khốc liệt nhất. Thứ hai, chúng ta được vây quanh bởi “nhiều người chứng kiến… như đám mây rất lớn” (Hê-bơ-rơ 12:1) từ những thế hệ trước đã trải qua cùng những thử thách mà chúng ta phải đối diện và đã vượt qua điều đó với đức tin mạnh mẽ hơn.

Và như sự chịu khổ của Chúa là vì mục đích cứu chuộc – tất cả mọi giai đoạn khó khăn và “tàn tro” của sự tan vỡ của chúng ta cũng vậy, phục vụ cho mục đích công bố vẻ đẹp của kế hoạch cứu chuộc và quyền tể trị của Đấng Christ.

Vậy nên, nếu bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn (hoặc biết một ai đó đang gặp thử thách), hãy can đảm và vững lòng! Sau đây là một vài lời khích lệ để nhắc bạn tiếp tục đầu phục Thợ Gốm, tin cậy rằng Chúa vẫn đang hành động trong cuộc đời bạn.

5-Signs_1

1. Bạn gặp trở ngại hoặc thất bại

Nhiều người trong chúng ta thường rơi vào cái bẫy của việc tin rằng đời sống Cơ Đốc nhân thành công được đánh dấu bởi những đỉnh cao liên tiếp hoặc là sự tăng trưởng “từ vinh quang đến vinh quang” (II Cô-rinh-tô 3:18) có nghĩa là chúng ta không phải đối diện với bất kỳ trở ngại nào. Vì thế, chúng ta thường tranh chiến với mặc cảm hoặc nghi ngờ bản thân khi đối diện với thất bại.

Nhưng đời sống Cơ Đốc nhân hiếm khi phát triển theo một đường thẳng. Hãy thử nghĩ về hành trình mà một số nhân vật Kinh Thánh yêu thích phải trải qua. Trước khi Giô-sép trở thành cánh tay phải của Pha-ra-ôn, một lời buộc tội oan đã khiến ông phải ngồi tù (Sáng Thế Ký 39:6-23). Phải mất rất nhiều năm chờ đợi và kinh nghiệm sâu sắc về sự phản bội hoặc bất công trước khi ông được đặt vào vị trí mà ông có thể nhìn thấy cách Đức Chúa Trời biến “điều dữ” nghịch cùng ông trở thành “điều lành” để làm ích lợi cho những người xung quanh ông (Sáng Thế Ký 50:20).

Đôi khi, những trở ngại chúng ta đối diện trong cuộc sống xảy ra vượt quá tầm kiểm soát. Có lúc chúng ta lại kinh nghiệm thất bại vì không đưa ra quyết định khôn ngoan nhất, giống như Áp-ra-ham, người đã chờ đợi 25 năm trước khi ông thấy sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời về một đứa con trai, chúng ta thường chen tới trước để “giúp” Chúa một tay và cuối cùng là làm mọi thứ rối tung. Nhưng mỗi khi đối diện với những hoàn cảnh như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng mình không thể kiểm soát được cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa không bao giờ để chúng ta phải cố gắng khắc phục mọi thứ một mình.

Dù hoàn cảnh có thể cản trở hoặc khiến bạn thất bại, bạn có để điều đó dạy bạn biết rằng bạn cần Chúa và cần nương dựa nơi Ngài thế nào không? Bạn có để Chúa kiểm soát cuộc đời mình và để Ngài kéo bạn càng gần Ngài và mục đích của Ngài cho cuộc đời bạn hơn không?

5-Signs_2

2. Bạn trải qua những thử thách khốc liệt

Không gì lay chuyển hoặc củng cố đức tin của chúng ta bằng việc đối diện với một thử thách khốc liệt. Có thể là người thân vừa nhận được một chẩn đoán sức khỏe nghiêm trọng hoặc khi bạn cầu nguyện cho việc có con nhưng mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch. Bạn không thể không tự hỏi: “Chúa đang ở đâu trong những lúc này?”

Mặc dù biết rằng Đức Chúa Trời sử dụng hoàn cảnh khó khăn và thử thách để thánh hóa chúng ta, hầu cho chúng ta được tăng trưởng và trọn vẹn (Gia-cơ 1:4), nhưng thật dễ để mong ước rằng chúng ta có thể nhanh chóng vượt qua sự đau khổ hoặc tự động đạt đến điểm mà chúng ta có thể dễ dàng “vui mừng trong gian khổ” (Rô-ma 5:3-5).

Khi bị cám dỗ theo lối suy nghĩ đó, hoặc cảm thấy quá sức chịu đựng, hãy nhìn xem Chúa Jêsus, “Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:2). Ngài là Đấng đã đi trước chúng ta, cho chúng ta thấy điều gì vượt trổi hơn sự chịu khổ của mình – và Ngài là Đấng sẽ “ban cho [chúng ta] năng lực bởi Thánh Linh Ngài, để con người bên trong của anh em trở nên mạnh mẽ” (Ê-phê-sô 3:16), luôn “hành động trong chúng ta” (Ê-phê-sô 3:20) và sẽ hoàn thiện chúng ta khi chúng ta bám chặt lấy Ngài trong lúc thử thách.

Hãy nghĩ về sự rạng rỡ trên gương mặt của những người bạn biết rằng họ đã trải qua những đau thương và trổi lên với niềm tin mạnh mẽ hơn về quyền năng của Chúa trong đời sống họ.

Hoặc hãy nghĩ về cách sứ đồ Phao-lô chịu đựng năm lần bị đánh 39 roi, ít nhất ba lần bị đòn và bị ném đá, đắm tàu cũng như đối diện với vô số những khó khăn và thử thách khác (II Cô-rinh-tô 11:24-29) vì Phúc Âm.

Nguyện chúng ta giống như họ, nhìn thấy sự chịu khổ là đặc ân và cơ hội để biết rõ Đấng Christ và “quyền năng phục sinh của Ngài”, để chia sẻ sự thương khó của Ngài (Phi-líp 3:10). Nguyện chúng ta ngày càng nương cậy nơi sự bồng ẵm của Đức Chúa Trời càng hơn, để kinh nghiệm sự an ủi từ Cha nhân từ, Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi (II Cô-rinh-tô 1:3) và khi có dịp, chúng ta sẽ an ủi người khác (II Cô-rinh-tô 1:4).

5-Signs_3

3. Bạn cảm thấy không thỏa lòng

Vậy là bạn đã đạt được mọi mục tiêu trong đời, có được công việc mơ ước, tìm thấy người bạn muốn cùng xây dựng cuộc sống và có thể thoải mái tận hưởng những thú vui xa xỉ mà bạn đã mơ ước. Hoặc có thể bạn đã bắt đầu theo đuổi cuộc sống lý tưởng mà bạn chưa từng có. Sau đó, bạn truy cập vào mạng xã hội, sự không thỏa lòng bắt đầu len lỏi vào tấm lòng bạn và bạn không thể không cảm thấy trống trải hoặc mất mát.

Bạn thực sự không biết điều gì tiếp theo – nhưng thế giới xung quanh nói rằng bạn phải tiếp tục: tiếp tục tăng trưởng về mặt tài chính, tiếp tục leo lên các nấc thang, tiếp tục nâng cấp những vật dụng tốt hơn hoặc một ngôi nhà lớn hơn.

Mọi thứ sẽ kết thúc ở đâu?

Như người truyền đạo cảnh báo chúng ta trong Truyền Đạo 6:9 “Điều mắt thấy tốt hơn là điều mơ ước viển vông. Đây cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi”.

Nếu bạn cảm thấy đồng cảm với suy nghĩ của người truyền đạo, hãy để những khoảnh khắc không thỏa lòng này giúp bạn nhận thức rằng liệu bạn có đang xây dựng cuộc sống của mình trên nền tảng lung lay của hy vọng hão huyền hay không. Có lẽ, thay vì tự hỏi bản thân: “Tiếp theo là gì?” hoặc đặt mình ở một thái cực khác và tuyên bố rằng cuộc sống này là “vô nghĩa”, thì một câu hỏi hay hơn nên đặt ra là: Trong quá trình theo đuổi thành công, chúng ta có Đấng Christ không? Chúng ta đang tìm thấy sự thỏa lòng trong việc làm đẹp lòng Ngài hay dựa vào vẻ bề ngoài của những cái bẫy thành công để tìm kiếm sự thỏa mãn trong cuộc sống?

Hoặc, có thể chúng ta giống như sứ đồ Phao-lô, “xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jêsus, Chúa tôi, là quý hơn hết” (Phi-líp 3:8). Hãy học cách buông bỏ những điều trong cuộc đời này và thay vào đó xây dựng niềm hy vọng của chúng ta trên nền tảng tình yêu thương không bao giờ chuyển lay của Đấng Christ, để chúng ta cũng có thể học được bí quyết thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh (Phi-líp 4:12), đồng thời có thể đứng vững ngay cả khi những việc chúng ta đã nỗ lực hoặc có giá trị trong cuộc sống bị cất đi khỏi chúng ta.

5-Signs_4

4. Bạn vật lộn với những lời cầu nguyện không được nhậm

Bạn cảm thấy thế nào khi Chúa không nhậm lời cầu nguyện của mình? Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn đã cảm thấy bị bỏ rơi, không được yêu thương, hoặc bối rối. Thật khó để nghe câu trả lời “không” từ Chúa. Nhưng ngay cả những lúc Chúa nói “không”, nếu lùi lại trước những cảm xúc trong khoảnh khắc này, chúng ta có thể nghĩ về những thời điểm trong cuộc sống khi Chúa sử dụng một câu trả lời “không” bất kỳ và dùng nó như một điều ích lợi.

Khi cảm thấy dường như Chúa giữ lại những điều tốt đẹp với chúng ta, hãy để những câu Kinh Thánh này neo chắc chúng ta trong chân lý về bản tính không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời:

Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời và là cái khiên; Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh quang; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành nào. (Thi Thiên 84:11)

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao? (Rô-ma 8:32)

Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài. (II Phi-e-rơ 1:3)

Có ai trong các con, khi con mình xin bánh lại cho đá? Hay là xin cá, mà lại cho rắn chăng? Vậy nếu các con vốn là người xấu, còn biết cho con mình các vật tốt, huống chi Cha các con ở trên trời lại không ban những vật tốt cho những người xin Ngài sao? (Ma-thi-ơ 7:9-11)

Như nhà truyền giáo người Mỹ Elisabeth Elliot đã viết: “Đức Chúa Trời không bao giờ giữ lại điều gì mà tình yêu thương và sự khôn ngoan của Ngài gọi là tốt lành với con cái Ngài. Lời từ chối của Đức Chúa Trời luôn tràn đầy lòng nhân từ – đôi khi là “lòng nhân từ nghiêm khắc”, nhưng luôn là lòng nhân từ. Đức Chúa Trời không bao giờ từ chối những điều lòng chúng ta ước ao, trừ khi để ban cho chúng ta điều gì đó tốt đẹp hơn.”

Nếu đang vật lộn với những lời cầu nguyện chưa được nhậm, bạn có xin Chúa bày tỏ bất kỳ động cơ hoặc khao khát ẩn giấu nào đang trú ngụ trong tấm lòng bạn không? Hãy để Ngài đem bạn đến nơi an tịnh, đầu phục và thỏa lòng (Thi Thiên 131:2) khi bạn điều chỉnh những mong muốn của mình cho phù hợp với ý muốn của Chúa. Và nếu có một lời kêu gọi chờ đợi thời điểm hoàn hảo của Chúa, bạn có xin Chúa ban cho bạn sự kiên nhẫn và chịu đựng để có thể chờ đợi không?

5-Signs_5

5. Bạn cảm thấy đau đớn vì mối quan hệ tan vỡ

Không ai trong chúng ta muốn trải qua cảm giác bị từ chối hoặc một mối quan hệ tan vỡ. Nhưng đôi khi, dù chúng ta có ý định tốt, những mối quan hệ vẫn đổ vỡ. Cho dù đó là một lời chia tay khó chịu, một sự rạn nứt đột ngột trong tình bạn, lớn lên trong một gia đình tan vỡ hay thậm chí là phải đối mặt với sự tổn thương và thất vọng từ cộng đồng trong hội thánh, cảm giác đau đớn và xa cách đó có thể dày vò tinh thần và cảm xúc của chúng ta.

Tin tức tốt lành là nếu chúng ta để Chúa bước vào tấm lòng mình qua nỗi đau khi đối diện với mối quan hệ tan vỡ, Ngài có thể sử dụng nó để bày tỏ điều gì đó sâu sắc hơn về chính chúng ta, để phơi bày những thần tượng trong đời sống chúng ta, để định hình chúng ta trở nên giống như Đấng Christ. Và khi học cách đầu phục nỗi sợ hãi sâu xa nhất và những tội lỗi giấu kín của mình, chúng ta càng tin chắc vào bản chất tuyệt vời của Chúa, chiều sâu của tình yêu Ngài dành cho chúng ta và sự chu cấp cũng như sức mạnh của Ngài khi chúng ta yêu thương người khác.

Vì vậy, đừng để những mối quan hệ tan vỡ khiến chúng ta cảm thấy vỡ mộng – hoặc e ngại việc xây dựng những mối quan hệ sâu sắc mới. Thay vào đó, hãy để những giới hạn trong tình yêu của con người kéo chúng ta đến với vòng tay của Cha yêu thương, cũng như để tình yêu Ngài định hình cách chúng ta đáp lại người khác, đặc biệt là những người từng tổn thương chúng ta.

Khi chúng ta châm rễ và lập nền trong tình yêu của Chúa, Ngài sẽ dạy chúng ta cách để có được mối quan hệ lành mạnh, có thể bày tỏ “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).

Hãy để Chúa dạy chúng ta cách yêu thương như Ngài đã yêu thương.

Bất kể bạn phải trải qua những gì, không có nơi nào an toàn hơn ở trong bàn tay của Chúa. Ngài vẫn đang nắm giữ cả thế giới – và bạn – trong bàn tay Ngài.

Vậy, hãy cứ nắm lấy Chúa và để Ngài viết tiếp câu chuyện của bạn.

Chúa vẫn đang hành động trong đời sống bạn, ngay cả khi điều đó có vẻ không giống như vậy.

Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/02/5-signs-god-is-deep-at-work-in-your-life/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/