5 LẼ THẬT CẦN NHỚ KHI BẠN SỢ CHIA SẺ PHÚC ÂM
Chia sẻ niềm tin đôi khi đem lại cảm giác sợ hãi. Dù nhiều người trong chúng ta mong muốn giới thiệu cho người khác biết về Chúa Jêsus, nhưng đôi khi chúng ta lại mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn như thế này: Chúng ta yêu mến Chúa nhưng có lẽ không biết nên bắt đầu thế nào để chia sẻ Phúc Âm. Chúng ta yêu thương đồng nghiệp và bạn bè của mình nhưng lại sợ họ khước từ, nên chúng ta chọn giữ im lặng.
Rồi theo thời gian, chúng ta dần để vuột mất những cơ hội chia sẻ về Chúa Jêsus với người khác. Làm sao để bắt đầu cuộc nói chuyện cấp thiết này khi tôi đã im lặng quá lâu? Vì vậy mà chúng ta tiếp tục tránh đề cập đến hội thánh hay những điều mà mình tin quyết, như thể chúng ta có một bí mật đáng xấu hổ…
Làm sao để phá vỡ vòng luẩn quẩn này và mạnh dạn chia sẻ Phúc Âm trở lại?
Thật tuyệt vì Chúa Jêsus, trong ân điển của Ngài, có nhiều điều muốn nói với những Cơ Đốc nhân đang cảm thấy yếu đuối như tôi và bạn đây, đó là những lời nhẹ nhàng và đầy yêu thương. Sau khi dạy dỗ về sự nhân từ và khiêm nhường cho đoàn dân đông thiếu những phẩm chất này, Chúa Jêsus kể một ẩn dụ trong Lu-ca 14:15-24 về một bữa ăn tối tại nhà của một lãnh đạo tôn giáo.
Một người ngồi cùng bàn với Đức Chúa Jêsus nghe những điều nầy, thì thưa với Ngài: “Phước cho người nào được ăn bánh trong vương quốc Đức Chúa Trời!” Nhưng Ngài đáp: “Có một người dọn tiệc lớn, mời nhiều người đến dự. Đến giờ ăn, ông sai đầy tớ mình đi nói với những người được mời rằng: ‘Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.’ Nhưng tất cả đều xin cáo lỗi. Người thứ nhất nói: ‘Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi xem. Xin cho tôi cáo lỗi.’ Người khác nói: ‘Tôi có mua năm đôi bò cần phải đi xem. Xin cho tôi cáo lỗi.’ Người khác nữa nói: ‘Tôi mới cưới vợ, do đó, tôi không thể đi được.’ Đầy tớ trở về trình việc ấy cho chủ mình. Chủ nổi giận, bảo đầy tớ: ‘Hãy đi mau ra ngoài đường phố và các ngõ hẻm trong thành đem những người nghèo khó, tàn tật, đui mù và què quặt vào đây.’ Đầy tớ lại nói: ‘Thưa chủ, điều chủ dạy, tôi đã làm rồi, thế mà vẫn còn trống chỗ.’ Chủ nhà lại bảo đầy tớ: ‘Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào ép mời người ta vào cho đầy nhà ta. Vì ta bảo các ngươi, trong những người đã được mời trước kia, sẽ không một ai được nếm bữa tiệc của ta.’ ”
Câu chuyện này chứa đựng rất nhiều lẽ thật quan trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về 5 điều trong số đó:
1. Phúc Âm là lời mời đến bữa tiệc
Thật thú vị khi tưởng tượng đến một bữa tiệc – có gà nướng cùng rượu vang ngon tuyệt, cùng với nhạc sống, và có lẽ có cả tháp sô-cô-la cho món tráng miệng nữa? Tất cả đều đã sẵn sàng và đang chờ đợi những vị khách đến.
Ở đây, Chúa Jêsus đang nói rằng làm Cơ Đốc nhân – nhận biết Chúa và tình yêu lớn lao của Ngài đối với bạn trong Đấng Christ – giống như việc ngồi dự trong một bữa tiệc sang trọng. Một bữa tiệc mà bạn ước sẽ không bao giờ kết thúc, là nơi có những người đồng tham dự tuyệt vời, mọi món ăn đều ngon, và mỗi khoảnh khắc đều đáng giá.
Đây chính là Phúc Âm. Và chia sẻ Phúc Âm đơn giản là mời ai đó đến dự bữa tiệc này.
Nhiều lúc, chúng ta thấy công tác truyền giảng thật khó bởi vì chúng ta quên đi phước hạnh của việc nhận biết Chúa. Những áp lực của cuộc sống hằng ngày khiến chúng ta bị sao nhãng khỏi vẻ đẹp của Phúc Âm. Chúng ta dần không còn thấy phấn khởi với Tin Lành của Chúa Jêsus và cảm giác Ngài thật nhàm chán, thật ích kỷ; Ngài dồn ép cuộc đời tôi và khiến nó tồi tệ đi, chứ không phải giải cứu cuộc đời tôi và khiến nó trở nên trọn vẹn. Và thật khó để chia sẻ một cái gì đó mà chúng ta không được thuyết phục hoàn toàn rằng nó tốt.
Làm Cơ Đốc nhân là một đặc ân tuyệt vời. Chúng ta hãy cùng nhắc nhở chính mình về điều đó mỗi ngày, suy nghĩ thường xuyên hơn về tình yêu đã khiến Chúa Jêsus chết thay bạn trên thập tự giá, về vinh quang Ngài đắc thắng trong sự phục sinh, về sự vui mừng Ngài ban cho bạn trong một tương lai được bảo đảm.
Và khi chúng ta nhắc nhở bản thân về những điều này, Đức Thánh Linh sẽ hành động để hình thành và phát triển tình yêu của chúng ta cho đến khi nó tuôn tràn dư dật. Bắt đầu cuộc trò chuyện về những điều này sẽ dễ hơn rất nhiều khi chúng ta không ngừng suy nghĩ về Chúa Jêsus – Đấng chúng ta yêu mến.
2. Phúc Âm không thuộc về bạn
Hãy lưu ý điều này, người đàn ông trong câu chuyện là người chuẩn bị bữa tiệc, nên bữa tiệc là của ông ấy. Đầy tớ chỉ là người được sai đi để mời khách.
Phúc Âm cũng tương tự như vậy. Bữa tiệc của Phúc Âm thuộc về Chúa, và Ngài là Đấng đưa ra lời mời. Mọi việc phải xảy đến để đem lại sự cứu chuộc cho chúng ta đã được hoàn tất trong cuộc đời, sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus. Không còn điều gì cần được thực hiện hơn nữa và cũng không có chi tiết nào trong câu chuyện cần thay đổi. Công việc của chúng ta chỉ là rao ra lời mời gọi của Ngài.
Đây là một lẽ thật quan trọng – rằng chính Chúa Jêsus mới là Đấng tạo ra Phúc Âm và chính Chúa Jêsus là Đấng quyết định để nhìn thấy Phúc Âm được lan truyền khắp nơi. Ngài là Đấng quyết định Phúc Âm sẽ được đón nhận như thế nào; công việc của chúng ta chỉ là truyền thông điệp đó. Chúng ta không cần phải sợ bị khước từ; nếu người nghe không thích điều chúng ta chia sẻ thì không phải họ khước từ chúng ta mà họ đang khước từ Chúa Jêsus.
3. Phúc Âm dành cho tất cả mọi người
Chắc hẳn đó là bữa tiệc lớn vì người đàn ông trong câu chuyện không quan tâm lắm về việc mời khách! Ông mời tất cả những vị khách ban đầu, rồi sau đó sai đầy tớ đi mời những người ăn xin và nghèo khó trong thành, trước khi cuối cùng là ông sai đầy tớ đi mời những người ở ngoài đường nữa. Ông không dừng lại cho đến khi ngôi nhà đầy khách mời tham dự bữa tiệc.
Phúc Âm cũng như thế – dành cho tất cả mọi người! Có thể chúng ta thấy ngoài kia có những người để tiếp cận, có những người sẽ đáp ứng tích cực, nhưng chúng ta không thật sự quyết định được những điều đó. Bất kể ai ở tầng lớp nào, Phúc Âm cũng đều dành cho họ!
Chúng ta không cần phải chờ đến lúc biết rõ một ai đó mới trao lời mời; hay chúng ta cũng không nên chỉ mời những người lạ! Chúng ta sẽ không thật sự là những đầy tớ trung tín của chủ nếu không chịu mời người thân, hàng xóm, đồng nghiệp, trợ lý bán hàng, nhân viên bán thuốc, bảo vệ – bất cứ những ai và tất cả những ai chúng ta gặp được.
4. Sẽ có người từ chối, nhưng đừng nản lòng
Phần đáng buồn nhất của câu chuyện này là những vị khách ban đầu nói không. Và tất cả họ đều có những cái cớ dở tệ. Hãy tưởng tượng xem có ai mua một cánh đồng mà không hề đi xem trước. Hay bỏ lỡ bữa tiệc để đi chăm bò. Hay mặc kệ chỉ vì mới kết hôn, như thể những ai kết hôn rồi thì không thích dự tiệc.
Khía cạnh đáng buồn của Phúc Âm là biết rằng một số người sẽ từ chối lời mời gọi đến với sự sống đời đời. Và đôi lúc, những người nói không là những người lẽ ra phải biết rõ hơn, đã nghe về vẻ đẹp của Phúc Âm và quen thuộc với nhu cầu của con người. Điều này thật có thể gây thất vọng! Phúc m là lời mời tuyệt nhất mà thế giới đổ vỡ này có thể tưởng tượng và những lý do để khước từ thật tầm thường.
Song, Chúa Jêsus biết rõ điều này và Ngài báo trước cho chúng ta về những gì có thể xảy ra. Ngài chuẩn bị chúng ta trước để chúng ta cứ luôn kiên trì vì cũng sẽ có những đáp ứng tích cực.
5. Hãy vui mừng vì sẽ có người đón nhận
Người chủ tiệc không dừng lại chỉ vì có những người khước từ; ông tiếp tục mời nhiều người khác. Ông thậm chí gần như giận dữ về việc đó, ông sai đầy tớ ‘đem họ vào trong’. Bữa tiệc sẽ được tổ chức và nhiều người sẽ vui mừng vì được dự, nhất là những ai không có gì để trả ơn.
Và điều này không chỉ đúng trong câu chuyện nhỏ này. Thế giới thực sự vẫn còn rất nhiều người muốn biết Chúa Jêsus. Ai sẽ tò mò nhờ một lời mời đến nhà thờ hay một cơ hội nói chuyện về những điều quan trọng của cuộc sống, nếu như có người ngỏ lời. Có thể sẽ vô cùng bất ngờ!
Không phải là kỹ xảo hay cách nói chuyện tài giỏi, khi Chúa Jêsus muốn dạy môn đồ Ngài về việc truyền giảng, Ngài cho họ sự tin chắc – những lẽ thật mà chúng ta có thể tin tưởng vào sự tốt lành của Ngài trong khi chuẩn bị bữa tiệc, năng quyền của Ngài để nhìn thấy những người đáp ứng với lời mời gọi của Ngài, sự thấu hiểu của Ngài về những ai sẵn sàng nghe và vào lúc nào. Chúng ta không cần phải sợ hãi khi chúng ta tin vào kế hoạch và công việc của Người Chủ.
Chúa sẽ có mọi hạng người đến đầy nhà của Ngài để tham gia bữa tiệc. Chúng ta hãy cứ vui vẻ đi ra và tìm kiếm họ.
Tác giả: James Bunyan, England
Về tác giả: James Bunyan là người không thể ngồi yên một chỗ. Việc anh không thể ngồi yên dường như thể hiện trong mọi phương diện cuộc sống của anh. James thích du lịch, anh cũng giỏi viết lách, giỏi thể thao (trừ môn ném đĩa), nhận biết mục đích mà Phúc m mang đến với anh, những loại trà ngoại và thích thú khi có thể gỡ miếng sticker một cách trơn tru. Anh sống ở Teddington (London), nơi anh đang được đào tạo để trở thành linh mục cho Hội Thánh Anh Quốc. Đối với James và vợ là Lois, lệnh phong tỏa ở London trở nên dễ chịu hơn khi họ chào đón sự ra đời của con gái Galilee.
Chuyển ngữ: Thiên Ái
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2022/01/5-truths-for-when-youre-afraid-of-sharing-the-gospel/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore. Mục số 5 trong bản dịch tiếng Việt được điều chỉnh để phù hợp với độc giả Việt Nam.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/