5 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ THIÊN ĐÀNG

Chẳng phải tất cả chúng ta đều muốn lên thiên đàng sao? Nhưng thành thật mà nói thì không phải tất cả mọi thứ về thiên đàng đều hấp dẫn đối với chúng ta, phải không? Ví dụ, nếu tất cả những gì chúng ta làm trên thiên đàng là ca hát ngợi khen Chúa – chắc chắn đây là một điều tốt – vậy thì có hơi nhàm chán không, nhất là đối với những người không giỏi về ca hát lắm.

Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta đã hiểu sai về thiên đàng? Sau khi nghiên cứu để tìm ra Kinh Thánh thật sự nói gì về thiên đàng, tôi đã khám phá ra 5 quan niệm sai lầm sau về thiên đàng.

1. Sẽ không có biển ở thiên đàng

Sứ đồ Giăng nói với chúng ta rằng ông thấy trời mới đất mới, và “biển cũng không còn nữa” (Khải. 21:1). Đối với những người có sở thích bơi lội, câu cá, tham gia các bộ môn lặn, điều này có vẻ như không phải là tin vui.

Trong Sáng Thế Ký, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên trời đất, cũng như biển (Sáng. 1:1-10). Vậy, tại sao Ngài lại loại bỏ biển trong sự sáng tạo mới của Ngài? Có phải bởi vì từ “biển” trong Khải Huyền ám chỉ đến điều khác hơn chỉ là vùng nước? Đối với người xưa, biển là biểu tượng của ma quỷ và một thế giới không đoán trước được (Ê-sai 57:20). Vậy nên, việc loại bỏ biển được hiểu như là sẽ không còn những hỗn loạn và ma quỷ trong trời mới, đất mới.

Nhưng kể cả khi câu Kinh Thánh này có thực sự đề cập đến biển theo đúng nghĩa đen, nhiều người đã tranh luận rằng vẫn sẽ có những khối nước lớn trên trời. Tác giả Tin lành người Mỹ, Randy Alcorn đã viết trong cuốn sách Touchpoints rằng: Thiên đàng mà “Kinh Thánh cho chúng ta biết một con sông lớn chảy qua thành… Trái đất mới có thể có các hồ thậm chí lớn hơn nữa, đặc biệt nếu chúng không có đại dương để chảy vào. Trên thực tế, các hồ lớn có thể là đại dương nước ngọt” (Khải Huyền 22:1).

Thử hình dung được tận hưởng một vùng nước rộng lớn với những kỳ quan tuyệt đẹp mà không có bất kỳ cơn sóng nào hoặc cơn sóng thần đe dọa. Hãy tưởng tượng một thế giới không có hỗn loạn và ma quỷ — đó là điều đáng để chúng ta mong đợi, phải không?

2. Chúng ta sẽ dừng mọi công việc và nghỉ ngơi mãi mãi trên thiên đàng

Hê-bơ-rơ 4:9-10 nói với chúng ta rằng “ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc của mình”. Thiên đàng, nơi ngự trị của Đức Chúa Trời, là nơi để yên nghỉ. Nghỉ ngơi thật là tuyệt. Với guồng quay của những lịch trình bận rộn, chúng ta có lẽ luôn ước có được nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi. Chúng ta hy vọng rằng năm ngày làm việc và hai ngày nghỉ mỗi tuần được đảo thành hai ngày làm việc và năm này nghỉ. Nhưng bạn có tưởng tượng được không nếu ngày nào cũng là ngày nghỉ, ví dụ việc đó diễn ra trong vòng 50 năm? Dù sao thì, nếu sống mà không làm việc còn khiến cho chúng ta dễ rơi vào nhiều phiền muộn hơn. Thế còn việc nghỉ ngơi hoàn toàn không làm việc suốt đời thì sao? Chắc chúng ta sẽ chết vì buồn chán mất? Ồ, nhưng mà chúng ta không chết trên thiên đàng – nhưng chẳng phải đó sẽ là một sự tồn tại buồn chán kinh khủng sao?

Vấn đề với kết luận này là giả định công việc là một trong những hình phạt của Chúa dành cho tội lỗi của con người và vì thế nên trên thiên đàng, mọi điều đó sẽ hoàn toàn biến mất. Nhưng giả định này lại có vẻ không đúng với cách nhìn của Kinh Thánh bởi vì Sáng Thế Ký nói rằng loài người được tạo dựng để làm việc. Loài người được giao nhiệm vụ cai quản, trông nom trái đất mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng kể cả trước khi con người phạm tội (Sáng. 1:26, 2:15). Công việc không phải là hậu quả của tội lỗi… tuy nhiên tội lỗi khiến công việc trở nên cực nhọc và không còn hứng thú hay thỏa vui.

Bạn có nhớ điều Chúa Jêsus nói trong Giăng 15:7? “Cha Ta lúc nào cũng làm việc, và ta cũng vậy.” Đó chẳng phải đã nói lên rằng Đức Chúa Trời coi làm việc là quan trọng sao? Thế nên, trong lúc chúng ta được đảm bảo rằng nơi ngự của Chúa là nơi an nghỉ, không có nghĩa rằng chúng ta sẽ sống một cuộc sống nhàm chán và tồn tại vô nghĩa. Thay vào đó, chúng ta nên xem thiên đàng là môi trường lý tưởng để làm việc, là nơi mà tất cả chúng ta làm theo ý muốn của Chúa. Công việc sẽ tràn ngập niềm vui, sẽ không còn gánh nặng hay khổ cực.

3. Tất cả những gì chúng ta làm mỗi ngày là hát ca ngợi Chúa

Hãy quay lại với ví dụ đầu tiên mà tôi đề cập – ca hát. Trong sách Khải Huyền, chúng ta thấy rằng tất cả mọi người trên thiên đàng sẽ thờ phượng và ca ngợi Chúa (Khải. 4:9; 5:9-14). Những nhạc sĩ và các thành viên trong ban hát chắc hẳn sẽ rất vui về điều này, nhưng nhiều người trong chúng ta có lẽ sẽ thất vọng nếu ca hát là hoạt động duy nhất mà chúng ta làm trên thiên đàng. Phải chăng nó có nghĩa là những công việc khác thì kém ý nghĩa hơn, và trên thiên đàng chúng ta sẽ không còn có những điều đó nữa?

Hãy tìm hiểu xem Kinh Thánh đã nói gì. Kinh Thánh nói rằng chúng ta không chỉ sống trên thiên đàng với Đức Chúa Trời, mà còn cùng sống với những người được cứu từ các dân tộc, quốc gia và các ngôn ngữ khác (Khải. 7:9). Chúng ta sẽ được trải nghiệm một cộng đồng tuyệt vời và đầy sống động trong thành của Chúa. (Khải. 21:24-27). Và chúng ta sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời cùng với nhau (Khải. 5:13), hưởng yến tiệc cùng với Ngài (Ê-sai 25:6), và cùng trị vì với Đấng Christ (Khải. 22:5). Nếu như vậy thì sẽ thế nào? Rõ ràng, ca hát không phải là việc duy nhất mà chúng ta sẽ làm – chúng ta sẽ là một phần của một cộng đồng đầy phấn khởi và cùng làm mọi việc với nhau.

4. Thiên đàng ở trong những đám mây

Nhiều người trong chúng ta có lẽ hình dung thiên đàng ở đâu đó trong những đám mây trên bầu trời. Suy cho cùng thì nhiều bộ phim và truyện cổ tích đã cho chúng ta biết rằng khi con người chết, linh hồn của họ sẽ đi lên trời.

Điều thú vị là mặc dù I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17 nói với chúng ta rằng những người theo Chúa Jêsus, mà còn ở lại trên đất này đến ngày cuối cùng sẽ được gặp Chúa ở giữa những đám mây khi Ngài đến, Kinh Thánh không nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ ở nơi không trung mãi mãi. Mặt khác, Khải Huyền 21:1-3 nói với chúng ta rằng Chúa sẽ ngự trên đất này. Thành Thánh của Đức Chúa Trời sẽ từ trời giáng xuống trong trời mới đất mới, và những người được cứu chuộc sẽ ở đó với Ngài mãi mãi.

Quan niệm thiên đàng ở trên trời không phải là cái nhìn của người Do Thái. Thực tế thì nó gần giống với khái niệm của trường phái tư tưởng Plato mà cho rằng thế giới vật lý này là ma quỷ, và một ngày nào đó hồn của chúng ta sẽ được thoát khỏi thế giới vật lý ma quỷ này.

Trái lại, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng khi Đức Chúa Trời tạo ra thế giới này, Ngài đã thấy tất cả những gì Ngài làm nên và gọi hết thảy là “tốt lành” (Sáng. 1:31). Nhưng thế giới rất “tốt lành” này đã bị phá hủy bởi tội lỗi. Chúng ta cũng được biết rằng cuối cùng thế giới sẽ được khôi phục lại trong vinh hiển của Đức Chúa Trời. Không chỉ chúng ta sẽ có những thân thể mới (I Cô-rinh-tô 15), trời và đất cũng sẽ mới (Sáng Thế Ký 21-22) và Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta.

Ngày nay, chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một chút vẻ đẹp ban đầu của công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời qua nhiều phương diện. Hãy tưởng tượng nó sẽ đẹp đẽ hơn biết nhường nào khi ở trong thế giới mới đầy vinh hiển!

5. Chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo và không còn gì mới để khám phá

Những câu Kinh Thánh như I Cô-rinh-tô 13:12 và Hê-bơ-rơ 12:23 cho chúng ta biết rằng đến cuối cùng chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo và “biết trọn mọi điều”. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta không có gì mới để học hỏi nữa sao? Phải chăng đây sẽ là tin buồn cho những người thích học hỏi suốt đời và những người sẵn sàng mạo hiểm để khám phá kiến thức và những điều mới mẻ?

Có lẽ, cách chúng ta hiểu cụm từ “biết trọn mọi điều” hoặc “được làm cho vẹn lành” cần được làm rõ. Đầu tiên, chúng ta không thể đánh đồng những cụm từ này với sự trọn vẹn và hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Nói gì đi nữa thì, chúng ta vẫn chỉ là con người – chúng ta là tạo vật của Đức Chúa Trời, không phải là Đấng Tạo Hóa. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ biết mọi thứ theo nghĩa tốt hơn, sâu xa hơn, nhưng không phải chúng ta biết-hết-tất-cả. Chúng ta sẽ phản chiếu hình ảnh của Chúa trọn vẹn hơn, – tức là, chúng ta sẽ không lầm lạc hoặc bị cám dỗ phạm tội – nhưng chúng ta sẽ không bao giờ là Đức Chúa Trời.

Thứ hai, công việc của Đức Chúa Trời là bất tận. Ngay cả khi Chúa ban điều ước cho nhà thơ người Indonesia – Chairil Anwar, người có dòng trích dẫn là “Tôi muốn sống thêm nghìn năm nữa” – tôi tin rằng ông ấy cũng sẽ không thấy đủ. Ngay cả một ngàn năm vẫn còn quá ngắn để khám phá và “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của tình yêu thương của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:18). Chắc chắn rằng chúng ta sẽ cần cả cõi đời đời để khám phá tất cả sự vĩ đại của Ngài!

Về tác giả:

Tác giả Markus Boone đã gắn bó với công tác phục vụ trong hội thánh suốt 10 năm qua. Ông từng phục vụ với vai trò là Mục sư cho giới trẻ, trưởng bộ phận giảng dạy của hội thánh, và cũng là giám đốc của một trường Cơ Đốc. Ông có bằng Cử nhân Thần học và hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Thần học, cũng như cùng lúc phục vụ Chúa bán thời gian tại một hội thánh ở thủ đô Jakarta. Ông đã kết hôn và có hai cậu con trai, Lyonel 6 tuổi và Ethan 3 tuổi.

Chuyển ngữ: Nguyệt Ánh

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2016/03/5-myths-about-heaven/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/