5 THÁI ĐỘ TIN KÍNH NÊN ÁP DỤNG NƠI LÀM VIỆC
“Lạy Chúa, xin ban cho con một công việc mà con sẽ thấy vui khi thức dậy vào mỗi buổi sáng trong 40 năm”. Đó là lời cầu nguyện chân thành của tôi trước khi tốt nghiệp đại học. Trong khi tất cả bạn bè đồng trang lứa chia sẻ về các cuộc phỏng vấn và ký hợp đồng làm việc trước tốt nghiệp thì tôi vẫn không chắc chắn về nghề nghiệp mà mình sẽ theo đuổi.
Dầu vậy, tôi chắc chắn Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi cho Ngài, và như Ngài đã thành tín với tôi trong những năm tháng qua, tôi biết chắc rằng Ngài sẽ tiếp tục dẫn dắt tôi trong công việc để tôi làm sáng danh Ngài. Tôi cầu nguyện xin Chúa bày tỏ về con đường tôi nên đi và Ngài đã đáp lời theo cách tôi không ngờ đến.
Vào năm cuối đại học, một người bạn trong mục vụ sinh viên đã khích lệ tôi đọc toàn bộ Kinh Thánh trong một năm cùng với cậu ấy. Khi tôi đối diện với những ngã rẽ sau tốt nghiệp, sợ rằng mình “hiểu sai” và “làm hỏng chương trình của Chúa” cho cuộc đời mình thì những điều nổi bật tôi nhận thấy là câu chuyện của năm nhân vật Kinh Thánh đã thể hiện thái độ làm việc tin kính:
1. Giô-sép: Trung tín trong việc nhỏ và việc lớn
Câu chuyện Giô-sép bị bán làm nô lệ khi còn là cậu thiếu niên ngây ngô là câu chuyện rất nổi tiếng, ông bị kết tội oan và nhốt vào ngục trước khi được giao cho trọng trách lớn lao – 13 năm sau khi Chúa bày tỏ cho ông thấy tương lai của mình (Sáng Thế Ký 37-50).
Một trong những bài học mà tôi rút ra được từ thái độ của Giô-sép đối với công việc là ông luôn trung tín trong vị trí của mình – ngay cả khi công việc đó không phù hợp. Dù được đặt ở đâu, Giô-sép đều chọn cách lắng nghe tiếng Chúa và nhận biết nhu cầu của những người xung quanh thậm chí khi ông ở trong tù (đọc Sáng Thế Ký 40). Và điều đó trở nên hữu ích khi cuối cùng Giô-sép được cất nhắc lên vị trí tể tướng của Ai Cập, nơi ông đã sử dụng những điều Chúa bày tỏ để cứu thế giới khỏi nạn đói.
Chúa Jêsus nhắc lại thái độ này trong Lu-ca 16:10: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ cũng trung tín trong việc lớn, ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ cũng bất nghĩa trong việc lớn”. Giô-sép không xem thường khởi đầu khiêm tốn của mình và do đó, khi được giao nhiều trọng trách hơn (Thi Thiên 105:19), ông có thể trung tín thực hiện những công việc đó vì lợi ích của nhiều người.
Suy ngẫm: Bạn có đang cảm thấy rằng mình không phù hợp với nơi làm việc hiện nay không? Liệu Chúa có đang chuẩn bị bạn ngay tại nơi này cho điều gì đó lớn lao hơn – ở nơi này hoặc nơi khác? Làm cách nào bạn có thể luôn luôn trung tín tại nơi Chúa đặt để bạn – ngay cả khi đó là nơi bạn không mong muốn? Hãy trình dâng những ước mơ và cả những ngờ vực của bạn lên cho Chúa.
2. Nê-hê-mi: Tìm kiếm sự khôn ngoan của Chúa để vượt qua thách thức
Nê-hê-mi đã đối diện với sự chống đối rất lớn khi ông làm công việc mà ông biết là đúng đắn – xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem. Kẻ thù của ông nghi ngờ khả năng xây dựng của dân Do Thái và thậm chí còn đe dọa giết dân Chúa (Nê-hê-mi 4:2, 8, 11). Dầu vậy, thay vì nản lòng và ngừng công việc, Nê-hê-mi đã cầu nguyện với Chúa và dành riêng một nửa số người để canh gác trong khi một nửa còn lại tiếp tục xây dựng vách thành. Trong khi đó, thậm chí những người đang tập trung xây dựng vách thành cũng cầm vũ khí trên tay (4:16-18).
Khi họ hoàn tất công việc trong 52 ngày thì kẻ thù của dân sự run sợ và nhận ra rằng Đức Chúa Trời giúp họ hoàn thành công việc này (Nê-hê-mi 6:16).
Nê-hê-mi trình dâng công việc mỗi ngày của họ cho Chúa và áp dụng biện pháp phòng vệ cả về thuộc linh lẫn thuộc thể (lời cầu nguyện và vũ khí). Và Đức Chúa Trời ban phước cho họ bằng kết quả mà chỉ có Ngài mới làm được.
Suy ngẫm: Bạn có đối diện với sự chống đối trong công việc vì những điều bạn biết là đúng đắn trong mắt Chúa không? Hãy cầu nguyện cho những người chống đối bạn, và cầu xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan để biết nên áp dụng biện pháp phòng vệ thuộc linh nào và tiếp tục làm việc với sự khích lệ của Chúa.
3. Đa-ni-ên: Đứng vững trong Chúa và phục vụ với sự chính trực
Đa-ni-ên thuộc trong nhóm người bị lưu đày, sống trong đất nước thờ thần tượng nhưng ông không để môi trường xung quanh làm đức tin ông bị lung lay. Mặt khác, Đa-ni-ên tiếp tục bày tỏ đức tin của mình qua việc tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, thậm chí trong chế độ ăn hằng ngày (Đa-ni-ên 1:8) và cầu nguyện ba lần mỗi ngày dù điều đó vi phạm chiếu chỉ của vua (Đa-ni-ên 6:10).
Điều đáng chú ý là không ai có thể phiền trách thái độ làm việc của Đa-ni-ên vì Kinh Thánh ký thuật rằng thậm chí kẻ thù nghịch của ông biết rằng: “ông là người trung tín, không hề sơ suất hay mắc sai lầm” (Đa-ni-ên 6:4). Ông luôn là người chính trực và tận hiến cho Chúa trong suốt thời gian phục vụ trong triều đình, ít nhất dưới ba triều vua (Nê-bu-cát-nết-sa, Bên-tơ-xát-sa và Đa-ri-út) và đều được trọng dụng vì sự khôn ngoan của ông. Điều này đã khiến các vị vua ngoại bang này đều nhận biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua Đa-ni-ên.
Suy ngẫm: Bạn có đang ở trong hoàn cảnh mà bạn cảm thấy đức tin bị lung lay không? Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn đứng vững và không bị ảnh hưởng bởi những chuẩn mực của thế gian nhưng tiếp tục thực hiện công tác theo cái nhìn của Đức Chúa Trời. Hãy cam kết hành động chính trực và làm lành trong mọi hoàn cảnh để bạn không chỗ trách được trước mặt con người.
4. Ta-bi-tha: Dùng những gì bạn có để giúp đỡ người xung quanh
Cuộc đời của Ta-bi-tha thường ít được chú ý đến. Bà là môn đồ trung tín tại thành Giốp-bê mà Phi-e-rơ đã gặp và di sản cuộc đời bà được đúc kết bằng câu: “bà làm nhiều việc thiện và hay bố thí” (Công Vụ 9:36). Ta-bi-tha chăm sóc những tín hữu là goá phụ. Nhiều người trong số họ cần được giúp đỡ.
Công Vụ 9:39 ghi lại rằng Ta-bi-tha đột ngột qua đời. Một số góa phụ đi tìm sứ đồ Phi-e-rơ và cho ông xem quần áo và áo choàng mà Ta-bi-tha đã may cho họ khi bà còn sống. Thật vậy, cuộc đời và việc làm của Ta-bi-tha đã tác động đáng kể đến từng cá nhân mà bà quan tâm chăm sóc.
Suy ngẫm: Bạn để lại di sản nào khi bạn làm trọn công tác được giao trên đất này? Bạn nhận thấy một số nhu cầu thuộc linh và thuộc thể nào xung quanh bạn – tại nơi làm việc, tại hội thánh hay nhà riêng? Làm thế nào để những nhiệm vụ hằng ngày của bạn có thể góp phần đáp ứng những nhu cầu đó? Xin Chúa ban cho bạn lòng thương xót và sự can đảm để bày tỏ đức tin qua việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này.
5. Chúa Jêsus: Bước đi cách khiêm nhường và tìm kiếm cơ hội để đem người khác đến với Đức Chúa Trời
Không có tấm gương nào tuyệt vời hơn Chúa Jêsus khi nói đến thái độ làm việc hoàn hảo và làm những công việc có ý nghĩa đời đời. Chúa Jêsus không đến thế gian đầy tội lỗi của chúng ta với thái độ “kiêu ngạo hay quyền lực”, nhưng với tấm lòng khiêm nhường. Ngài đến chẳng phải để người ta phục vụ mình nhưng để phục vụ người khác (Mác 10:45) và phó sự sống của Ngài để chúng ta được làm hòa với Đức Chúa Trời (Giăng 14:6).
Gần đây, tôi nghe một podcast mà diễn giả chia sẻ góc nhìn của Eugene Peterson về việc Chúa Jêsus chẳng bao giờ hối hả nhưng luôn nhẫn nại khi bị gián đoạn (chữa lành người phụ nữ bị mất huyết trên đường đến nhà Giai-ru, đọc Lu-ca 8:40-48). Sự thật là Ngài chẳng bao giờ bị gián đoạn vì Ngài biết thời điểm và phương cách để đáp ứng nhu cầu của người khác và trong khi làm điều đó, Chúa Jêsus bày tỏ tin tức tốt lành về chính Ngài.
Suy ngẫm: Bạn có sẵn lòng chịu bất tiện để phục vụ người khác không? Đức Thánh Linh ban năng lực thế nào để giúp bạn bày tỏ tấm lòng khiêm nhường và nhẫn nại trong mọi việc bạn làm để rao truyền Phúc Âm? Hãy cầu nguyện cho những người xung quanh bạn nhận biết Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài giúp bạn biết cách dự phần trong công tác cứu chuộc của Ngài dù bạn ở bất kỳ nơi nào – bằng cách trở thành sứ giả của Phúc Âm!
Đức Chúa Trời đã sử dụng Giô-sép, Nê-hê-mi, Đa-ni-ên, Ta-bi-tha và quan trọng hơn hết là Chúa Jêsus để thiết lập vương quốc của Ngài khi họ trung tín thực hiện công tác tại nơi mà Ngài đặt để.
Chắc chắn thái độ làm việc của họ sẽ trở thành tấm gương để tôi noi theo khi làm việc mỗi ngày và giúp tôi lựa chọn nghề nghiệp có thể phục vụ những nhu cầu cấp thiết trong xã hội và đảm bảo những ranh giới lành mạnh (ví dụ như chỉ làm việc vào những giờ/ngày nhất định để tôi có thể tiếp tục công tác mục vụ buổi tối và hằng tuần; đồng thời có những ngày nghỉ phép để dành cho các sự kiện của mục vụ hoặc những chuyến truyền giáo).
Mỗi ngày tại nơi làm việc – đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc – tôi có nhiều cơ hội để lắng nghe và đáp ứng nhu cầu, giúp đỡ người khác bằng những gì tôi có, đứng về phía điều đúng đắn và phục vụ với sự khôn ngoan và khiêm nhường vì vinh hiển Chúa. Khi làm như vậy, Chúa ban năng lực cho tôi để nhẫn nại và vượt qua những thách thức và nhìn xem cách Chúa đang hành động tại nơi làm việc của mình. Nhờ đó, tôi có thể đồng công với Ngài qua việc chăm sóc và đại diện cho thành viên trong nhóm khi chúng tôi trải qua giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời gặp gỡ và khích lệ đồng nghiệp khi họ đối diện với những vấn đề quan trọng trong đời sống.
Nhiều điều đã xảy ra sau lời cầu nguyện khẩn thiết của tôi trước lễ tốt nghiệp – nhưng giờ đây tôi có thể làm chứng rằng Chúa thật sự đã đáp lời tôi và tiếp tục tôi luyện tôi để trở nên con cái và tôi tớ của Ngài tại nơi làm việc. Sau thời gian dạy học, hoàn tất bằng thạc sĩ và bốn năm trong vai trò chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, tôi có thể nói rằng Đức Chúa Trời thật sự là Đấng thành tín khi tôi tiếp tục học cách làm việc để làm vinh hiển Ngài.
Nguồn: YMI https://ymi.today/2021/05/5-godly-attitudes-to-bring-into-your-workplace/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/
Biên dịch: Ngọc Nguyên
Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày