5 THẦN TƯỢNG ĐỪNG QUAY LẠI KHI ĐẠI DỊCH COVID-19 KẾT THÚC
Mọi người đang nói về trạng thái “bình thường mới” khi đại dịch Covid kết thúc. Nhưng điều này khiến tôi tự hỏi, vậy “bình thường cũ” là gì? Chúng ta đã tin và nương cậy vào điều gì, và tại sao chúng ta không nên làm như vậy nữa?
Dù COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng đại dịch đã giúp ích cho chúng ta một điều — đó là bộc lộ những yếu đuối và niềm tin mà chúng ta đã nắm giữ. Có lẽ chúng ta nên dành thời gian để xem xét một số “thần tượng” cần loại bỏ khi đại dịch kết thúc.
1. Buổi lễ thờ phượng
Hay quan điểm cho rằng: “Trọng tâm của Hội Thánh là buổi lễ thờ phượng.”
Đối với một số người trong chúng ta, khái niệm hội thánh – và có lẽ niềm tin Cơ Đốc – có xu hướng xoay quanh các buổi nhóm thờ phượng vào Chúa Nhật. Chúng ta nghĩ rằng: “Buổi lễ thờ phượng là ‘linh hồn’ của Hội Thánh”, “miễn tôi trung tín đi lễ vào Chúa Nhật thì tôi sẽ ổn.”
Nếu điều đó đúng thì hội thánh đã chết từ hai tháng trước, khi tất cả các nghi lễ tôn giáo bị dừng lại. Và niềm tin của chúng ta cũng vậy. Nhưng không phải vậy, bởi vì chúng ta đã nhận ra rằng có những điều khác quan trọng hơn. Gọi điện thoại cho anh chị em trong Chúa để hỏi thăm, giúp đỡ họ những điều cần thiết, gặp gỡ nhau trên Zoom, học Kinh Thánh và cầu nguyện cùng nhau – những điều này đã cho thấy đời sống của Hội Thánh, cũng giống như việc nhóm lại vào mỗi Chúa Nhật.
Nói như vậy không có nghĩa là buổi lễ thờ phượng không quan trọng; đó là một phần quan trọng trong sự thờ phượng chung. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố của đời sống thân thể Đấng Christ.
Khi thúc giục hội thánh tiếp tục thực hiện điều mà Chúa đã định, tác giả Hê-bơ-rơ 10:24-25 đưa ra lời kêu gọi đặc biệt về nhiều khía cạnh: “Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”.
2. Sự ổn định
Hay quan điểm cho rằng: “Cuộc sống rồi sẽ trở lại bình thường thôi.”
Một số người trong chúng ta (tôi thú nhận là một trong số đó) muốn tin rằng một ngày nào đó, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Khủng hoảng rồi cũng sẽ qua đi, mặt trời sẽ chiếu sáng trở lại, hoa sẽ nở, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Rồi chúng ta sẽ quay lại cuộc sống thường nhật với những công việc của mình.
Ngoại trừ rằng… không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy. Bạn có nhớ sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã thay đổi bộ mặt an ninh như thế nào? Hãy nghĩ đến việc kiểm tra an ninh tại sân bay. Thực tế thì cuộc sống vô cùng mong manh như Truyền Đạo 9:12 nói: “Loài người chẳng hiểu biết thời thế của mình”.
Suy nghĩ tích cực dựa trên niềm hy vọng hão huyền là điều vô nghĩa. Sự thật là cuộc sống sẽ luôn bất ổn và ngắn ngủi. Nơi duy nhất mang lại sự vững bền thực sự là Đức Chúa Trời, Đấng mà chúng ta có thể nói: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi; Cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài (Thi Thiên 91:2).
3. Tự lực
Hay quan điểm cho rằng: “Tôi không cần người khác. Miễn là tôi có thể làm những gì cần làm, tôi sẽ ổn. “
Covid-19 đã chỉ ra rằng vào một lúc nào đó, của cải, khả năng, trí tuệ và kỹ năng của chúng ta không đủ để kéo chúng ta ra khỏi tình huống nguy khó. Cuối cùng, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ từ người khác. Nếu bạn bị cách ly ở nhà và các cửa hàng trực tuyến quá bận để giao hàng hoặc hết hàng, bạn sẽ cần một người giúp bạn mua hàng.
Dịch Covid cũng cho chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự sống một mình. Việc các hạn chế được dỡ bỏ không chỉ phụ thuộc vào việc bạn hay tôi có tuân thủ các quy định một cách nghiêm túc hay không; toàn bộ cộng đồng phải hợp tác, nếu không tất cả sẽ gặp khó khăn. Điều này nhắc tôi về trải nghiệm lúc tôi tham gia nghĩa vụ quân sự, một người gây rắc rối thì cả đội sẽ bị phạt.
Sống trong một cộng đồng, chúng ta luôn cần những người xung quanh. Như Truyền đạo 4: 9-10 đã nói: “Hai người hơn một… Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên!”
4. Ích kỷ
Hay quan điểm cho rằng: “Tôi không cần giúp người khác, tôi chắc rằng họ sẽ ổn.”
Covid-19 đã bộc lộ sự dễ tổn thương và nhu cầu của nhiều người. Những người cao tuổi có vẻ ổn cho đến khi gặp khó khăn trong việc mua hàng hóa tại các cửa hàng vì những quy định hạn chế, hoặc cảm thấy bị cô lập và trầm cảm tại nhà vì họ không biết sử dụng thiết bị kỹ thuật như vào Zoom để liên lạc với người khác.
Nhiều lao động như nhân viên vệ sinh, lái xe và nhân viên cửa hàng gặp khó khăn vì họ là những người đầu tiên bị cắt lương hoặc phải nghỉ việc khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chúng ta cũng thấy hoàn cảnh của những lao động nhập cư bị hạn chế tại nơi trọ của họ.
Nhiều người không biết về sự trợ giúp sẵn có hoặc không thể tiếp cận với sự trợ giúp. Đây là thời điểm mà chúng ta được kêu gọi để đi ra và giúp đỡ họ. Phi-líp 2:3-4 thúc giục chúng ta: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.”
5. Sự an toàn
Hay quan điểm cho rằng: “Chúng ta không cần phải lo lắng, miễn là còn tiền của và còn có thể tự lo liệu được”.
Đất nước của chúng ta đã có những lúc được ghi nhận là thành công trong công tác phòng chống dịch. Tuy vậy, đợt dịch thứ tư đã diễn biến vô cùng khốc liệt trong những tháng qua khi số lượng ca nhiễm gia tăng nhanh chóng và tỉ lệ tử vong ở mức cao của thế giới. Mặc dù một số người lập luận rằng con số lây nhiễm cao là do việc xét nghiệm diện rộng, tuy nhiên sự lây lan nhanh chóng của vi-rút cho thấy rằng chúng ta cũng dễ bị tổn thương như bất cứ quốc gia nào khác.
Nhiều khi chúng ta tự hào về sức mạnh của quốc gia hay sức mạnh của bản thân và khả năng phục hồi của mình. Nhưng sự thật là những điều đó không mang lại sự an toàn lâu dài. Nơi duy nhất đem đến cho chúng ta sự an ninh thật sự là Chúa: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn lũy tôi, Đấng giải cứu tôi; Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương náu mình; Ngài cũng là cái khiên tôi, sừng cứu rỗi tôi, và là nơi náu ẩn cao của tôi” (Thi Thiên 18:2).
Đừng trở lại với “Bình thường cũ”!
Tôi thấy các thần tượng thời hiện đại đặc biệt hấp dẫn, bởi vì chúng vô cùng tinh vi. Ngay cả những điều tốt hoặc có vẻ như là thói quen “Cơ Đốc” cũng có thể trở thành thần tượng, nếu chúng ta bắt đầu cho là nó quan trọng và nổi bật.
Vì vậy, khi chờ đợi cuộc sống trở lại “bình thường” sau đại dịch Covid-19, tôi luôn nhắc nhở bản thân không nên trở lại trạng thái “bình thường cũ”, với những thần tượng khi đặt niềm tin sai trật nơi những điều thuộc về con người và thế gian. Thay vào đó, tôi cầu xin Chúa giúp tôi đặt trọn hy vọng, sự an ninh và niềm tin của mình nơi những điều thuộc về Chúa. Trong trạng thái “bình thường mới” này, tôi sẽ:
1. Ghi nhớ rằng “hội thánh” là cộng đồng những anh em cùng niềm tin, chứ không phải là buổi lễ thờ phượng.
2. Ghi nhớ rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hy vọng duy nhất mà chúng ta có thể nắm giữ là từ Chúa.
3. Ngừng suy nghĩ cho rằng tôi có thể làm mọi thứ, và hãy nhớ rằng chúng ta phụ thuộc lẫn nhau.
4. Quan tâm và chăm sóc người khác, ngay cả những người có vẻ “ổn”.
5. Hãy nhìn lên Chúa để tìm kiếm sự an ninh thực sự, đừng dựa vào khả năng riêng.
Về tác giả: Leslie Koh là nhà báo làm việc hơn 15 năm cho tờ The Straits Times trước khi chuyển sang Our Daily Bread Ministries. Anh nhận thấy việc chuyển từ tin xấu sang tin tốt là điều khiến anh thỏa lòng nhất và tin rằng cách tiếp cận mọi người tốt nhất là kể những câu chuyện hay và hấp dẫn. Anh rất thích ẩm thực, du lịch, chạy bộ, biên tập và viết lách.
Nguồn: https://odb-covid.org/5-idols-not-to-return-to-when-covid-19-is-over/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore. Mục số 5 trong bản dịch tiếng Việt được điều chỉnh để phù hợp với độc giả Việt Nam.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/