5 THƯỚC ĐO THÀNH CÔNG TỐT HƠN
Tất cả chúng ta đều khao khát thành công, nhưng làm sao chúng ta biết được khi nào mình thật sự thành công? Có phải dựa vào lương bổng, chức danh công việc và những thành tựu trong cuộc sống? Hay chúng ta xem mình thành công khi chứng minh người khác sai hoặc giỏi hơn đối thủ đáng gờm của mình? Có lẽ mục tiêu của cuộc đời bạn là đảm bảo bạn có sẵn một kế hoạch nghỉ hưu vững chắc, để không phải phụ thuộc vào con cháu.
Chúng ta đều có những thước đo thành công khác nhau. Đó có thể là sự công nhận của bố mẹ, bạn bè, hoặc được quyết định bởi tiêu chuẩn không ngừng thay đổi của thế giới. Nhưng là Cơ Đốc nhân, câu hỏi quan trọng hơn cần đặt ra là: “Ai định nghĩa sự thành công của tôi?”
Có thể bạn cảm thấy mình chẳng thể nào thành công hoặc cuộc đời bạn chỉ toàn nỗi thất vọng, thất bại, thụt lùi. Tuy nhiên, khi biết Chúa là Đấng định nghĩa sự thành công thì chúng ta biết rằng Ngài có thước đo khác.
Điều gì quan trọng đối với Chúa khi nói về sự thành công?
1. Ưu tiên sự trung tín
Những con số giúp chúng ta theo dõi xem bản thân tăng trưởng thế nào, nhưng Ma-thi-ơ 25:23 lại cho chúng ta biết sự trung tín mới là điều khiến Chúa vui lòng. Có thể bạn đã trải qua vô số những thất bại và thất vọng khiến bạn muốn bỏ cuộc. Nhưng thay vì nhìn thấy mục tiêu cuối cùng còn xa vời bao nhiêu thì hãy tận dụng những thất bại này để nhắc nhở bản thân phụ thuộc vào Chúa càng hơn (II Cô-rinh-tô 12:10).
Thành công bắt đầu khi chúng ta hiểu rằng những tài năng và nguồn lực mình có là món quà Chúa ban và nhận ra rằng thất bại là một phần trong quá trình Chúa rèn luyện tính kiên nhẫn của chúng ta (Rô-ma 5:3-5) để chúng ta được trưởng thành và trọn vẹn (Gia-cơ 1:4)
Vì vậy, thay vì tự hỏi: “Tôi phải cố gắng bao nhiêu nữa?”, thì tại sao chúng ta lại không hỏi: “Chúa có vui lòng với những việc tôi đang làm không?” Và quan trọng hơn là tôi đang quản trị những điều Chúa giao phó như thế nào? Tôi có đang phát triển các ân tứ Chúa ban hay tìm cách rèn giũa những kỹ năng của mình không?
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì đối diện với những thất vọng và thất bại, hãy vững lòng vì biết rằng Chúa có thể sử dụng những điều đó để giúp chúng ta trưởng thành và trọn vẹn hơn.
2. Đừng để mình bị rơi vào bẫy so sánh
Có thể nhiều người trong chúng ta lớn lên với nỗi đau mang tên bị so sánh – và với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhìn vào những điểm nổi bật của người khác và cảm thấy bản thân mình chẳng có gì khi so sánh với họ. Có thể chúng ta mệt mỏi khi nhìn thấy hình ảnh gia đình hạnh phúc của bạn bè trong khi chúng ta phải cố gắng để chấp nhận sự độc thân của mình như một “ân tứ”. Có lẽ công việc thoải mái, nhẹ nhàng của người bạn cũ khiến chúng ta ghen tị và tự hỏi mình đã vụt mất điều gì trong đời.
Nếu bạn đang ở trong những trường hợp đó, có lẽ bạn sẽ đồng cảm với câu hỏi của Phi-e-rơ khi Ngài nói trước cho ông về cách ông sẽ chết thế nào. Phi-e-rơ đã hỏi về một môn đồ khác: “Thưa Chúa, còn người này thì sao?” Chúa Jêsus đáp lại khiến ông sửng sốt: “…can hệ gì đến con? Phần con, hãy theo Ta” (Giăng 21:22). Có lẽ giống như Phi-e-rơ, chúng ta cũng cần lắng nghe những lời này của Chúa Jêsus và đừng để mình bị phân tâm với chuyện người khác sẽ như thế nào, nhưng cứ tập chú vào sự dẫn dắt của Chúa trong hành trình của riêng mình.
I Cô-rinh-tô 12:4-6 nhắc nhở rằng chúng ta đều được ban cho các ân tứ khác nhau, được kêu gọi đến những lãnh vực phục vụ khác nhau và sẽ thấy Chúa hành động trong cuộc đời chúng ta qua những cách khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời – Đấng làm cho chúng ta mạnh mẽ và kêu gọi chúng ta vâng phục Ngài. Sẽ không có vấn đề gì nếu chúng ta xuất phát chậm, gặp những chướng ngại vật trên đường hoặc cần thêm sự giúp đỡ để làm mạnh mẽ đầu gối yếu đuối của chúng ta ở cuối chặng đua – vì tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng như nhau.
Thay vì cạnh tranh với người khác thì tại sao chúng ta không tự hỏi, làm thế nào để chúng ta chạy cùng nhau và khích lệ lẫn nhau để kết thúc chặng đua thật tốt đẹp (Hê-bơ-rơ 12:15)?
Nếu bạn đang vật lộn với cảm giác thất bại và không xứng đáng, hãy nhớ rằng Chúa đã chuẩn bị những hành trình khác nhau để hướng chúng ta đến với Ngài.
3. Tập chú vào phần thưởng cuối cùng
Bạn đã chạm tới đỉnh cao của thành công, nhưng bạn cảm thấy một chút trống rỗng. Hay bạn đang bị áp lực phải giữ những điều đạt được càng nhiều hơn nữa để tiếp tục tận hưởng thành công? Hoặc có thể, bạn trở nên quá tập trung vào việc xây dựng sự nghiệp, tích lũy của cải, tạo dựng danh tiếng, như người giàu trong Lu-ca 12:16-21, bạn đặt niềm tin vào việc làm chăm chỉ, tài năng, trí khôn của mình chứ không phải vào Chúa và vào sự chu cấp của Ngài.
Khi làm mọi cách để giữ vị trí đứng đầu, chúng ta dễ quên đi ý nghĩa thật sự của cuộc đời này. Gia cơ 4:14 nhắc chúng ta rằng sự sống chúng ta như hơi nước – xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay. Nếu cuộc sống của chúng ta bị cất đi trong đêm thì “của cải ngươi đã dự trữ sẽ thuộc về ai? (Lu-ca 12:20)?
Trong Ma-thi-ơ 22:36-40, Chúa Jêsus đã tóm lại mục đích của cuộc đời chúng ta với hai mạng lệnh: Yêu Chúa và yêu người. Bạn đang sử dụng thành công của mình cho điều gì? Xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân hay cho vương quốc Đức Chúa Trời? Bạn có đang hướng về Chúa và sử dụng những gì bạn đang có để giúp đỡ những người thiếu thốn?
Mặc dù việc tìm kiếm và theo đuổi thành công trên đất không sai – và chúng ta nên vui hưởng chúng (Truyền Đạo 5:18-19), nhưng nhớ đừng để thành công khiến bản thân phân tâm khỏi việc tìm kiếm và xây dựng vương quốc Đức Chúa Trời.
Nếu sự thành công trên đất khiến bạn mệt mỏi và vỡ mộng, hãy nhìn lên và suy nghĩ xem bạn có thể sử dụng những điều Chúa ban để xây dựng vương quốc Ngài như thế nào.
4. Đầu tư vào những điều chắc chắn
Nhiều người trong chúng ta tin rằng chăm chỉ là chìa khóa để thành công. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn đặt cược hết vào sự chăm chỉ, đề ra kế hoạch 5 năm chắc chắn và chuẩn bị xong mọi thứ cần làm nhưng cuộc sống dường như chẳng đi đến đâu.
Nếu có một bảo đảm trong cuộc sống này thì đó chính là chẳng có gì là bảo đảm! Người giảng sư khôn ngoan nhắc nhở chúng ta: “Hãy rải bánh của con trên mặt nước, vì sau nhiều ngày, con sẽ tìm lại được. Hãy chia phần con cho bảy hoặc tám người, vì con không biết tai họa nào sẽ xảy ra trên đất” (Truyền Đạo 11:1).
Sự thành công và thất bại nhắc nhở rằng chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được số phận của mình, và sự thành công phụ thuộc vào Chúa – “Đấng tạo dựng muôn vật” (Truyền Đạo 11:5), chứ không phải vào khả năng, nỗ lực hay trực giác của chúng ta. Đời sống kết quả quan trọng với Chúa Jêsus, nhưng thành công thật là cứ ở trong cây nho (Giăng 15:5), nhớ rằng nếu không ở trong Ngài, chúng ta “không làm gì được”.
Khi ở trong Ngài, chúng ta không còn phải lo lắng làm sao để thành công, nhưng phó thác kết quả của mọi việc mình làm vào tay Chúa.
Nếu bạn cảm thấy mình làm việc không ngừng nghỉ mà chẳng có kết quả, hãy lùi lại một bước để an nghỉ trong Ngài và phó thác kết quả vào tay Chúa.
5. Tập trung vào việc hoàn tất cách tốt đẹp
Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về các nhân vật, như vua Sau-lơ, là người có khởi đầu tốt, làm những việc lớn lao trong suốt cuộc đời mình, nhưng lại không có kết thúc tốt đẹp (I Sa-mu-ên 16:1). Những cuộc đời như vậy nhắc chúng ta rằng vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta vươn đến đỉnh cao nhanh như thế nào, nhưng nằm ở việc chúng ta có thể đi được bao xa. Vấn đề không phải là hào quang nhất thời mà là kết thúc chặng đua cách tốt đẹp (Truyền Đạo 7:8).
Sự thành công của chúng ta chỉ có giá trị trong thế gian này hay cũng cho thế giới hầu đến? Chúng ta có đang hướng đến mục đích vĩnh cửu, biết rằng phần thưởng chúng ta đang chờ đợi không hư nát và còn lại đời đời (I Cô-rinh-tô 9:25) không? Liệu cuộc đời của chúng ta được đo lường bằng những gì chúng ta đã làm, đã đạt được hay bằng việc chúng ta nhận biết chân lý của Chúa và rao truyền công việc kỳ diệu của Ngài cho thế hệ mai sau (Thi Thiên 71:18, 145:4)?
Nếu bạn đang băn khoăn không biết điều quan trọng hơn hết là gì, hãy làm việc hướng đến mục đích đời đời – là điều sẽ tồn tại lâu bền hơn sự sống của chúng ta trên đất.
Nguồn: https://ymi.today/2021/05/5-better-measures-of-success/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Biên dịch: Thiên Ái
Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/