Tác giả: Ajith Fernando
Tôi không có mặt tại nhà thờ ở thành phố Colombo vào sáng Chúa nhật Phục Sinh vì tôi bị bệnh, phải nghỉ ở nhà. Rồi tôi nhận rất nhiều tin nhắn báo tin về một vụ đánh bom, sau đó là nhiều vụ đánh bom khác ở quê nhà và tại hai thị trấn khác. Một vụ xảy ra chỉ cách nhà tôi vài cây số.
Mười năm sau khi cuộc nội chiến dai dẳng kết thúc, tôi nhận ra rằng Sri Lanka, đất nước thân thương của tôi lại đang đối diện với nhiều cuộc tấn công bạo lực. Tôi đã giảng nhiều lần tại nhà thờ Zion ở Batticaloa, một trong số các nhà thờ bị tấn công. Người chị đồng nghiệp của tôi có mặt trong buổi nhóm hôm đó, và đã bị thương nghiêm trọng. Chị ấy vẫn đang chiến đấu để giành giật sự sống. Số người chết đã tăng lên tới 320 người. Thật không thể tin được.
Bất cứ khi nào bi kịch ập đến một quốc gia, Cơ Đốc nhân cần suy nghĩ đâu là cách đáp ứng phù hợp với Kinh Thánh. Bởi vì Cơ Đốc giáo là tôn giáo nhấn mạnh đến sự hiệp nhất như một thân thể, sẽ tốt khi các Cơ Đốc nhân gặp nhau và thảo luận về đáp ứng chung đối với những thách thức. Chúng ta không thể chậm trễ đưa ra đáp ứng của mình. Có những đáp ứng tức thì và có những đáp ứng mang tính lâu dài để chữa lành vết thương của người dân mình.
Tôi đã suy nghĩ tới ít nhất 6 đáp ứng cần thiết mà Cơ Đốc nhân nên có về điều đã xảy ra:
1. Đau buồn cho sự mất mát
Cơ Đốc nhân có thể cùng với đất nước của chúng tôi đau buồn và than khóc cho sự mất mát này. Các tín hữu Tin Lành hơi thiếu ủng hộ thần học than thở (Rô-ma 8:23), là điều sẽ dẫn đến sự than khóc (dù dường như đang thay đổi). Cựu Ước có nhiều thí dụ về phong tục than khóc được chuẩn bị kỹ lưỡng, và chúng ta cũng có thể thấy điều đó trong Tân Ước. Khi đối diện với cái chết của Ê-tiên, hội thánh đã “than khóc ông rất nhiều” (Công vụ 8:2; 9:39). Mỗi đất nước có cách than khóc khác nhau theo văn hóa, và chúng ta phải tìm kiếm những cách phù hợp với Cơ Đốc giáo. Không chỉ là thời điểm của Lễ Phục Sinh, tháng Tư cũng là Năm Mới ở Sri Lanka và hầu hết Cơ Đốc nhân đã hủy những lễ hội thông thường bởi vì sự việc này.
2. Lên Án Tội Ác
Kinh Thánh nói rất nhiều đến việc lên án tội ác xảy ra trong một quốc gia, chức vụ của các tiên tri đã minh họa rõ ràng cho điều này. Khi có thể và bằng cách thích hợp, chúng ta cần mạnh mẽ lên án, chứ không thờ ơ về những hành động man rợ đã xảy ra.
3. Xoa Dịu Nỗi Đau
Một phần trong sự đáp ứng của Cơ Đốc nhân đối với vấn đề tội ác là hành động để xoa dịu nỗi đau, bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, Đấng đang hành động. Kinh Thánh nhiều lần khuyên dạy chúng ta quan tâm đến những người bị tổn thương. Chúng ta phải tìm cơ hội để giúp đỡ họ. Đó có thể là những dự án của các tổ chức Cơ Đốc hoặc nỗ lực chung của cộng đồng. Đó có thể là những đáp ứng của cá nhân. Là người đại diện của Đức Chúa Trời của mọi sự an ủi, chúng ta hãy tìm cách an ủi những người đang bị tổn thương (II Cô-rinh-tô. 1:3-4). Tôi đã có cơ hội cầu nguyện với người hàng xóm theo Ấn Độ giáo, khi anh ấy trở về nhà vào Chúa Nhật đó và nói với tôi rằng vợ chồng em gái của anh và đứa cháu đã chết trong vụ đánh bom. Đến thăm những người đang điều trị ở bệnh viện, hiến máu, giúp đỡ việc đi lại của những người đang gặp khó khăn, chu cấp thức ăn, cho người dân tạm trú trong nhà, đây là những việc làm mà Cơ Đốc nhân có thể làm, cũng là điều bày tỏ lối sống Cơ Đốc.
4. Nhường Sự Báo Thù Cho Chúa
Chúng ta phải áp dụng nguyên tắc “tình yêu thánh khiết” của Chúa khi suy nghĩ về tình huống đó. Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời thánh khiết sẽ hình phạt tội lỗi. Lý do chúng ta “đừng tự tay mình báo thù ai” là vì chúng ta “nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:19). Khi xảy ra tội ác, chúng ta nói: “Điều đó đáng bị trừng phạt”. Đó là suy nghĩ theo Kinh Thánh. Chúa đã trao thẩm quyền cho các bậc cầm quyền để trừng phạt người phạm tội (Rô-ma 13:3-4). Chúng ta phải để công lý thực thi vai trò của nó. Nhưng ngay cả khi điều đó không được thực thi trên đất, chúng ta biết rằng nó sẽ xảy ra trong ngày phán xét cuối cùng.
Giáo lý về sự phán xét trên đất và vào thời kỳ cuối cùng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với tội ác xảy ra trên đất. Chúa giải phóng chúng ta để chúng ta không phải nhúng tay vào vòng xoáy báo thù. Thay vì làm điều mình có thể làm, chúng ta được dạy phải yêu kẻ thù và chúc phước cho họ (Rô-ma 12:17-20). Không có giáo lý phán xét, chúng ta sẽ cay đắng đến nỗi không thể tha thứ và bày tỏ tình yêu với những người gây tổn thương. Vì được giải phóng khỏi sự cay đắng nên chúng ta có thể đem đến sự chữa lành và giải hòa. Điều này đặc biệt đúng trong tình huống như các vụ tấn công ở Sri Lanka, mà được xem là hành động trả thù cho các cuộc tấn công nhà thờ hồi giáo ở Christchurch. Chúng ta có thể chấm dứt vòng lẩn quẩn của sự báo thù, là điều khiến bạo lực gây thêm bạo lực và hậu quả là sự hủy diệt hàng loạt.
Trong văn hóa của Sri Lanka, báo thù thường được xem là phản ứng đáng khen ngợi trước những tổn hại. Điều đó xuất phát từ quan niệm đúng rằng tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng đã bị áp dụng sai thành sự trả thù cá nhân. Chúng ta phải dạy dân mình rằng trả thù cá nhân không giải quyết được vấn đề. Chúng ta hãy để việc báo thù cho chính quyền và Chúa. Đó là bài học khó để chấp nhận. Nhưng tôi tin rằng khi điều đó đến từ dạy dỗ của Chúa, thì mọi người có cơ sở thuyết phục để làm theo. Thật quan trọng để dạy những khía cạnh này trong bản tính của Đức Chúa Trời cho Cơ Đốc nhân trước khi bi kịch ập đến.
5. Không Kết Tội Sai Trật
Kinh Thánh lên án hành động kết tội sai trật và làm hại người vô tội. Thành kiến chủng tộc và tôn giáo thường xuất phát từ việc đánh đồng vô số người chỉ vì vài thành viên cực đoan trong cộng đồng mà họ thuộc về. Tôi không muốn ngờ nghệch về những âm mưu của một số nhóm Hồi Giáo nhằm kiểm soát thế giới và sử dụng bạo lực để đạt được mục đích. Nhưng ở Sri Lanka, chúng tôi đã sống hòa bình với người Hồi giáo suốt nhiều thế kỷ. Tôi thường cảm thấy rằng những người hàng xóm Hồi giáo còn tốt với tôi hơn tôi đối với họ. Nếu chúng ta đánh đồng tất cả người Hồi giáo và cho rằng tất cả người Hồi giáo đều đồng tình với khủng bố, thì chúng ta rất bất công với nhiều người trong số đó, và Chúa ghét điều đó. Thái độ này có thể cô lập họ đến mức đẩy họ tới chỗ tìm nơi nương tựa ở các thành phần cực đoan. Rõ ràng việc dùng bạo lực chống lại người Hồi giáo đã thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta phải vì cớ lương tâm mà làm mọi điều có thể để ngăn chặn điều đó xảy ra.
Bên cạnh đó, hãy nhìn người Hồi giáo qua lăng kính của thập tự giá – với ánh mắt được biến đổi bởi Phúc Âm. Họ cần nghe Phúc Âm cứu rỗi được ban bởi Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương họ. Làm sao họ có thể nghe Phúc Âm từ chúng ta nếu chúng ta không làm bạn với họ? Chúng ta phải chủ động làm bạn với người Hồi giáo sống xung quanh chúng ta. Nếu thấy họ đứng trước nguy cơ bị tấn công, chúng ta phải làm những gì có thể để giúp đỡ, trấn an và bảo vệ họ.
6. Cầu Nguyện
Dù có vẻ như dại dột để dành thời gian cầu nguyện trong lúc khủng hoảng và có quá nhiều thứ cần làm, nhưng đây là điều mà con dân Chúa đáng làm nhất trong lúc đất nước gặp khủng hoảng (I Các vua 19). Chúng ta cần khích lệ Cơ Đốc nhân cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện chung. Các lãnh đạo phải đi đầu trong việc kêu gọi cầu nguyện. Cơ Đốc nhân ở Sri Lanka thường mất hy vọng khi đối diện với những tin tức xấu liên tục ập đến. Nhưng chúng ta không cầu nguyện với tinh thần của người thất bại. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đang xây dựng vương quốc của Ngài mà đỉnh điểm là sự tái lâm của Đấng Christ, và hành động của chúng ta sẽ giống như từng viên đá được xây dựng.
Tình yêu thánh khiết cuối cùng sẽ chiến thắng. Amen. Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến (Khải huyền 22:20).
Ajith Fernando đang là giám đốc về giảng dạy của tổ chức Youth for Christ ở Sri Lanka và là tác giả của quyển Discipling in a Multicultural World (tạm dịch: Môn Đồ Hóa Trong Thế Giới Đa Văn Hóa)(Crossway 2019).
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/