6 CÂU HỎI ĐỂ CÂN NHẮC LIỆU BẠN CÓ THẬT SỰ ĐƯỢC KÊU GỌI VÀO CHỨC VỤ TRỌN THỜI GIAN
Nguồn: https://ymi.today/2018/11/6-questions-to-consider-if-youre-called-to-full-time-ministry/
Sau khi tốt nghiệp trường Kinh Thánh, vợ chồng tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều người bạn mà chúng tôi từng cùng mơ ước và cùng được trang bị cho chức vụ.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm, nhiều bạn của chúng tôi đã rời chức vụ. Không phải tất cả đều là những câu chuyện buồn – một số người đã cảm nhận sự kêu gọi của Chúa ở một nơi khác, nhưng hầu hết các trường hợp đã trải qua nỗi đau rất lớn, cô đơn và buồn giận, đôi khi thậm chí là bị tổn thương về cảm xúc và tâm linh.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao có quá nhiều mục sư và lãnh đạo hội thánh rời bỏ chức vụ – những người nam, người nữ từng “biết” mình được kêu gọi vào chức vụ? Đâu là sự khác biệt giữa những anh chị em này và một chức vụ lâu bền?
Vợ chồng tôi đã nói chuyện rất nhiều về vấn đề này, đặc biệt khi chồng tôi đã trở thành mục sư quản nhiệm trong nhiều năm. Những cuộc thảo luận đã đưa chúng tôi đến với một số câu hỏi quan trọng mà chúng tôi tin là sẽ giúp các tín hữu nhận biết rõ hơn về tiếng gọi của chức vụ trọn thời gian.
Nếu bạn đang suy nghĩ về việc bước vào chức vụ, vợ chồng tôi cầu nguyện rằng 6 điều sau đây sẽ giúp bạn cân nhắc kỹ lưỡng về sự háo hức của mình bằng sự khôn ngoan của Thánh Kinh. Và đối với những ai đang ở trong chức vụ, chúng tôi hy vọng rằng những điều này sẽ đem lại sự khích lệ lớn lao và giúp ích cho bạn khi bạn tiếp tục trung tín trong chức vụ của mình.
1. Liệu tôi có được kêu gọi?
Bố tôi là mục sư từ khi tôi còn nhỏ. Bố luôn nói rằng chức vụ hầu việc Chúa là điều khó khăn nhất nhưng cũng thật đáng giá. Dù chúng tôi chỉ mới bước vào chức vụ vài năm, nhưng vợ chồng tôi đã thấy điều này là đúng.
Chức vụ hầu việc Chúa – dù là trọn thời gian hay bán thời gian – thường rất khó đến nỗi nếu không có sự xác nhận rõ rằng từ Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không thể nào đứng vững khi đối diện với cuộc chiến.
Chúng ta sẽ bắt đầu nghi ngờ liệu mình có nghe tiếng Chúa chính xác không, phải chăng những người cố vấn của mình đã sai, hoặc liệu có điều gì khác mà chúng ta có thể làm với kỹ năng và học vấn của mình không.
Vậy thì, làm thế nào chúng ta biết mình có được kêu gọi vào chức vụ trọn thời gian không?
Đây là hai cách đã giúp chúng tôi tái khẳng định sự kêu gọi của mình, và chúng tôi hy vọng bạn cũng sẽ thấy hữu ích:
• Chúng tôi đã kiêng ăn cầu nguyện để tìm kiếm sự xác nhận từ Chúa. Kiêng ăn thường được sử dụng trong Kinh Thánh để bày tỏ ao ước chân thật muốn biết ý muốn của Chúa hoặc nhận được sự giải cứu của Ngài (Giô-ên 2:12, E-xơ-ra 8:21-23, Thi Thiên 35:13). Ao ước này lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta từ bỏ trong tinh thần hy sinh (thường Kinh Thánh nhắc đến là thức ăn). Khi chúng tôi kiêng ăn, Chúa đã hiệp nhất vợ chồng tôi trong ước muốn phục vụ Chúa trọn thời gian, và gia thêm niềm vui khi chúng tôi đi theo hướng đó. Đó là sự xác nhận tuyệt vời từ Chúa.
• Những người lãnh đạo mà chúng tôi kính trọng đã xác nhận ân tứ của chúng tôi. Chúng tôi ghi nhớ (và vẫn ghi nhớ) rằng nếu chỉ muốn làm điều gì đó thì không có nghĩa là chúng ta làm tốt, hay làm hiệu quả việc đó. Tất cả chúng ta đều cần chân thật tự hỏi mình: “Những người mà chúng ta kính trọng có đồng ý với chúng ta về sự kêu gọi và ân tứ của chúng ta không? Nếu không, chúng ta nên từ từ xem xét lại.
2. Tôi có sẵn sàng để bị phán xét nghiêm khắc hơn không?
Gia-cơ 3:1 nói rằng: “Trong anh em không nên có nhiều người tự lập làm thầy, vì anh em biết rằng hễ là thầy, chúng ta sẽ phải chịu phán xét nghiêm khắc hơn”.
Dù chúng ta đang dạy dỗ cách gián tiếp – nắm vai trò lãnh đạo và người khác quan sát hành động của chúng ta – hoặc dạy dỗ trực tiếp qua việc giảng dạy hay viết bài thì câu Kinh Thánh Gia-cơ 3:1 nên nhắc nhở chúng ta thường xuyên dừng lại và suy ngẫm trong lòng, hãy tự hỏi:
• Tôi có đang sống cuộc đời bày tỏ sự ăn năn trước Chúa không?
• Tôi có hướng đến đời sống không chỗ trách được không?
• Tôi có sẵn sàng chấp nhận những lời góp ý chân tình từ người cố vấn dù không dễ chịu không?
Nếu chúng ta trả lời “không” cho bất cứ câu hỏi nào, thì chúng ta nên suy nghĩ lại trước khi bước vào vai trò lãnh đạo trong chức vụ. Tất cả chúng ta đều phạm tội (I Giăng 1:8), nhưng sự kêu gọi để bị phán xét nghiêm khắc hơn đòi hỏi mọi lãnh đạo phải tỉnh thức nhận biết mối nguy hiểm của tự mãn và phải tích cực làm chết tội lỗi trong đời sống mình (Rô-ma 8:13).
3. Tôi có ao ước làm đẹp lòng Chúa, chứ không phải đẹp lòng mọi người không?
Ga-la-ti 1:10 nói rằng: “Còn bây giờ, tôi muốn được lòng loài người hay Đức Chúa Trời? Có phải tôi đang cố gắng làm đẹp lòng loài người không? Nếu tôi vẫn cố làm đẹp lòng loài người thì tôi chẳng phải là đầy tớ của Đấng Christ.”
Trong chức vụ, chúng ta thường phải đưa ra nhiều quyết định mà có lẽ không làm hài lòng mọi người. Vì thế, chúng ta phải chắc chắn rằng ao ước đẹp lòng Chúa phải quan trọng hơn những buồn phiền khi làm trái ý mọi người.
Có lần chồng tôi được yêu cầu làm lễ thành hôn cho một cặp đôi mà một người tin Chúa còn một người thì không. Chúng tôi cảm thấy đây là điều chúng tôi không thể làm với lương tâm thánh sạch trước mặt Chúa. Cha mẹ của cô dâu rất giận chúng tôi và không mời chúng tôi đến đám cưới đó. Nhiều trưởng lão cũng tỏ rõ sự không đồng thuận với chúng tôi.
Khi người khác tấn công chúng ta hay không thích điều gì đó trong chức vụ của chúng ta, họ thường thách thức không chỉ cách làm và khả năng của chúng ta, nhưng cũng thách thức những điều mà chúng ta trân trọng nhất – thần học, nền tảng giáo dục và sự kêu gọi của chúng ta. Dù lúc ấy cô đơn ra sao, chúng ta phải sẵn sàng để chịu sự không thoải mái trước con người để có thể không chỗ trách được trước Chúa.
4. Tôi có được đào tạo không?
Chồng tôi và nhiều mục sư khác đã chia sẻ với tôi về áp lực mà họ cảm nhận mỗi tuần khi thực hiện công tác giảng dạy – vì họ nhận ra rằng lời mà họ rao giảng là lời của Đức Chúa Trời. Áp lực này là điều nên có.
Bởi vì những người giảng dạy phải có trách nhiệm giải trình, những người lãnh đạo, đặc biệt là những người giảng dạy nên theo đuổi việc học để có thể hiểu và rao giảng Lời Chúa cách chính xác. Lời dạy trong II Ti-mô-thê 2:15 cần văng vẳng bên tai chúng ta: “Hãy chuyên tâm để được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không có gì đáng thẹn, thẳng thắn giảng dạy lời chân lý.”
Để giảng dạy lời Chúa cách chính xác, chúng ta ít nhất phải được đào tạo trong lĩnh vực đó, và phải tiếp tục học hỏi và tăng trưởng càng hơn qua việc đọc sách, nghe các bài giảng, tham dự các hội nghị – không dựa vào sự hiểu biết riêng, nhưng cần phải được đào tạo và học hỏi từ những người đã tận hiến cuộc đời mình cho việc hiểu Lời Chúa.
5. Tôi có người cố vấn không?
Khi vợ chồng tôi trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn trong chức vụ, có những vị mục sư kỳ cựu đã giúp đỡ chúng tôi.
Trong suốt thời gian đó, chồng tôi đã giữ liên lạc thường xuyên với những người đáng kính này – vì đứng bên ngoài nên họ khách quan đủ để suy nghĩ thấu đáo và giúp cả hai chúng tôi bằng lời Kinh Thánh và kinh nghiệm suốt mấy chục năm của họ. Họ nhẹ nhàng góp ý khi chúng tôi cần thay đổi và những người đồng lao này đã khích lệ sự trung tín của chúng tôi suốt thời gian khó khăn này. Không có họ, có lẽ chúng tôi đã không còn ở trong chức vụ lâu dài bởi vì chúng tôi đã đối diện với nỗi đau lớn trong giai đoạn đó.
Cố vấn là vai trò rất quan trọng để giúp cho chức vụ thành công. Để đứng vững trước những thăng trầm, chúng ta phải tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan và sự giúp đỡ của người người đi trước. Hãy tìm đến những mục sư hay những người vợ mục sư kỳ cựu, hoặc những người đã làm điều mà bạn ao ước làm lâu dài (mục vụ thiếu nhi hay mục vụ cao niên) – họ là những người có thể cho bạn biết bạn sai chỗ nào và cũng hiểu rõ để cho bạn biết khi nào cần đứng vững vàng.
6. Gia đình hay người phối ngẫu của tôi có đồng lòng không?
Gắn bó với hội thánh – ngay cả khi người phối ngẫu của chúng ta chưa tin Chúa – là sự kêu gọi dành cho mọi tín hữu. Tuy nhiên, nếu bạn đã kết hôn và sắp bước vào chức vụ thì đây phải là sự kêu gọi chung của cả hai vợ chồng. Không nhất thiết là cả hai đều trực tiếp tham gia vào chức vụ, nhưng bởi vì vị trí của người chồng nên người vợ cũng sẽ tự nhiên được xem như người lãnh đạo, là tấm gương và là người có thể đưa ra lời khuyên khôn ngoan.
Không có sự hậu thuẫn của người phối ngẫu và sự ủng hộ của gia đình, chúng ta sẽ không thể vượt qua nỗi những khó khăn, và chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn trong chức vụ. Sự cầu nguyện, khích lệ và binh vực của gia đình sẽ giúp chúng ta vững vàng trong chức vụ.
Đây là lý do chúng ta phải sẵn sàng ưu tiên thời gian để nuôi dưỡng những mối quan hệ này. Bởi vì chồng tôi đã chọn để chủ động dành thời gian xây dựng mối quan hệ với gia đình, nên chúng tôi sẵn sàng và vui vẻ hỗ trợ anh ấy trong chức vụ bởi vì chúng tôi được lợi từ đó. Cả gia đình cùng dấn thân vào chức vụ sẽ là một niềm vui vô cùng lớn lao.
Với cuộc đời Chúa ban, nguyện tất cả chúng ta sẽ trung tín trong điều Chúa kêu gọi chúng ta làm. Nếu có bất cứ điều gì khác mà bạn muốn làm trong đời, bất cứ điều gì mà bạn được ban cho ân tứ, bất cứ tiếng gọi nào khiến bạn hào hứng, hãy làm cách hết lòng vì sự vinh hiển của Chúa.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự cảm thấy được kêu gọi vào chức vụ trọn thời gian, thì bạn sẽ không chỉ kinh nghiệm sự đồng hành của Đức Thánh Linh trên mọi nẻo đường, nhưng bạn sẽ có cuộc đời tuyệt vời đem lại ảnh hưởng đời đời và hoàn toàn đáng giá. Những mối quan hệ mà chúng ta có thể gây dựng khi đồng hành cùng các anh chị em trong Chúa, yêu thương người khác và chiến đấu chống lại điều ác sẽ thật sự là những mối dây liên kết không gì sánh được cho những mối quan hệ khác mà chúng ta có.
Chức vụ hầu việc Chúa là điều quý giá và được kêu gọi vào chức vụ là một đặc ân. Vợ chồng tôi không hề hối tiếc khi đã dâng cuộc đời mình để bước theo tiếng gọi này và không thể nghĩ mình sẽ làm điều gì khác với những năm tháng Chúa ban cho.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/