6 DẤU HIỆU CHO THẤY CHÚNG TA ĐANG AN PHẬN TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI CHÚA

Chúng ta thường nói bản thân và với nhau rằng đừng “an phận” trong mối liên hệ, sự nghiệp, hay những điều chúng ta muốn trong cuộc sống. Nhưng khi nói đến mối liên hệ của chúng ta với Chúa thì sao? Đó có phải là nơi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã “đủ tốt” không?

Chúng ta biết rằng Chúa tuyệt vời, vô hạn, toàn năng – đường lối và ý tưởng Ngài vượt xa chúng ta (Ê-sai 55:8-9) – tuy nhiên Ngài chọn hạ mình xuống để làm người như chúng ta, nhờ đó chúng ta được biết Ngài. Cách chúng ta liên hệ với Chúa có phản ánh sự “hiếu kỳ” thánh khiết muốn hiểu biết nhiều hơn về chính Ngài không?

Hay chúng ta chỉ có mối liên hệ hời hợt bề ngoài và để Ngài ở bên ngoài cuộc đời chúng ta – chỉ đến với Ngài vào buổi tối trước một sự kiện quan trọng, sáng Chúa Nhật, hay Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh?

Những dấu hiệu này không nhằm khiến cho bất cứ ai cảm thấy tội lỗi, nhưng để khích lệ chúng ta thấy rằng Chúa mong muốn có mối liên hệ sống động với chúng ta. Hãy cùng nhau xem thử sẽ thế nào khi chúng ta hết lòng, hết sức, hết tâm trí trong mối liên hệ với Chúa.

6-Signs_2-copy-1

1. Chúng ta không mong gặp Chúa trong lời Ngài

Lần gần nhất bạn cảm thấy thật sự được thôi thúc bởi một câu Kinh Thánh là khi nào? Chúng ta dễ lơ là mỗi khi bắt gặp những phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc mà dường như xuất hiện ở mọi bài giảng, hoặc khi học Kinh Thánh, chúng ta mặc định đưa ra câu trả lời từ các sách giải nghĩa thay vì thực sự khám phá điều mà Chúa muốn phán với chúng ta thông qua một phân đoạn cụ thể.

Có lẽ việc đọc Kinh Thánh đã trở nên một công việc thường nhật mà chúng ta làm ngày qua ngày để có thể hoàn thành mục tiêu “dành thời gian tĩnh nguyện” và đánh dấu “đã hoàn tất” trong danh sách việc cần làm.

Nhưng nếu chúng ta thực sự tin rằng Kinh Thánh là lời sống và linh nghiệm (Hê-bơ-rơ 4:12), làm thế nào chúng ta có thể mời Chúa dùng lời Ngài để dò xét lòng mình và bày tỏ cho chúng ta biết những lĩnh vực cần được tỉa sửa – hoặc giúp chúng ta nhìn thấy Lời Ngài có thể cung cấp sự hướng dẫn mà chúng ta cần trong một vấn đề mà chúng ta đang cầu nguyện?

Hãy cầu xin Chúa phán với chúng ta bất cứ khi nào chúng ta mở Lời Ngài ra, để giúp chúng ta nhận ra rằng đó không chỉ là đọc một quyển sách, mà là đến với tấm lòng và ý định của Ngài dành cho chúng ta – vì vậy “con mắt của lòng anh em được soi sáng” (Ê-phê-sô 1:18), và chúng ta sẽ thực sự biết ý nghĩa của mối liên hệ với Chúai trong địa vị làm con cái yêu dấu của Ngài, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài.

Hãy sẵn sàng ngồi xuống và chờ đợi khi chúng ta đến trước mặt Ngài, và để Lời Ngài uốn nắn tấm lòng, quan điểm, và mục đích của chúng ta, nhờ đó đời sống của chúng ta sẽ luôn thấm đượm ân điển của Ngài, và chúng ta có thể sáng suốt trong cách phản ứng với thế gian xung quanh mình.

6-Signs_3

2. Đức tin của chúng ta được định hình bởi mạng xã hội hơn là Lời Chúa

Nhờ có internet và mạng xã hội, giờ đây chúng ta có thể tiếp cận với Lời Chúa và vô số nội dung Cơ Đốc cách dễ dàng. Nhưng đồng thời, sự tiện lợi này làm cho chúng ta dễ bị xao nhãng khỏi việc thực sự đọc Lời Chúa, khi mà nhiều thông báo và tin nhắn đến khiến chúng ta bị phân tâm.

Hoặc thậm chí chúng ta hài lòng với việc dành 5 phút giải lao giữa giờ làm việc cho Chúa. Khi mức độ tập trung của chúng ta ngày càng ít đi, thói quen sử dụng mạng xã hội khiến chúng ta chỉ thích những câu Kinh Thánh ngắn gọn, hoặc những câu trích dẫn mang tính khích lệ và truyền cảm hứng, thay vì ham thích học hỏi, đào sâu Lời Chúa.

Kết quả là, nhiều người trong chúng ta chỉ hiểu biết nửa vời (và non trẻ) về Lời Chúa và có nền tảng nông cạn – điều này thể hiện ở sự thất vọng của chúng ta khi sự đáp lời của Chúa không giống như điều chúng ta trông chờ, hoặc khi đời sống thuộc linh của chúng ta không giống với hình ảnh đời sống Cơ Đốc nhân đắc thắng mà chúng ta thấy trên Instagram; hoặc chúng ta cứ cầu nguyện lặp đi lặp lại một vấn đề, xin Chúa ban cho sự an nghỉ và bình an, nhưng vẫn tiếp tục lo lắng và bực dọc về công việc của mình.

Bạn có nhớ ẩn dụ về người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:1-9) không? Chúa Jêsus hiểu những thách thức mà chúng ta gặp phải khi lắng nghe Lời Ngài. Đừng hài lòng với những lời nhắc nhở “ăn liền” trên mạng mà có thể rơi dọc đường hoặc trở nên khô héo hay nghẹt ngòi bởi những khó khăn trong cuộc đời. Hãy mời Thánh Linh vun xới mảnh đất của tấm lòng chúng ta để Lời của Đấng Christ có thể đâm rễ và tăng trưởng mạnh mẽ trong lòng chúng ta (Cô-lô-se 3:16).

Điều này có nghĩa là chúng ta thực sự đắm chìm trong Lời Chúa, học cách ở trong Lời Chúa, và cam kết trong lòng để Lời Chúa hành động trong chúng ta, và đời sống chúng ta sẽ kết quả.

6-Signs_4

3. Lời cầu nguyện của chúng ta giống như danh sách nhiệm vụ cho Chúa

Thẳng thắn mà nói, thời gian cầu nguyện có thể nhàm chán, đặc biệt khi bạn ngồi trong phòng với những Cơ Đốc nhân khác và bạn phải nhắm mắt lại, cố gắng tập trung vào một danh sách dài những điều cần cầu nguyện để không buồn ngủ.

Có lẽ cảm giác của bạn về việc cầu nguyện là như vậy bởi vì chúng ta cầu nguyện như thể giao một “danh sách công việc” cho Chúa. Rồi chúng ta tự hỏi tại sao phải cầu nguyện khi Chúa đã biết điều chúng ta cần! Chưa kể là nếu lời cầu nguyện của chúng ta thường là những lời kêu cầu ngắn (“Xin Chúa giúp con!”, “Xin Chúa ở cùng con!”) khi cuộc sống không như ý muốn, thì không có gì ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy không hứng thú khi tương giao với Chúa.

Nhưng nếu nghiên cứu những lời cầu nguyện sống động trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy các nhân vật Kinh Thánh nhìn Chúa khác biệt thế nào. Lời cầu nguyện của họ không chỉ là cơ hội để trút lên Chúa về những điều họ cảm thấy hay trải qua, mà còn là cầu xin Ngài mở con mắt tâm linh của họ và mở rộng tầm nhìn thuộc linh của họ. Chẳng hạn, hãy xem lời cầu nguyện trong Ê-phê-sô 3:16-19:

Tôi cầu xin Ngài, tùy sự phong phú của vinh quang Ngài, ban cho anh em năng lực bởi Thánh Linh Ngài, để con người bên trong của anh em trở nên mạnh mẽ; và bởi đức tin, Đấng Christ ngự trong lòng anh em. Tôi cũng cầu nguyện để anh em đâm rễ và vững lập trong tình yêu thương; để cùng với tất cả các thánh đồ, anh em có thể thấu hiểu chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu ấy, và biết được tình yêu thương của Đấng Christ, là tình yêu vượt quá mọi sự hiểu biết, để anh em được đầy dẫy mọi sự sung mãn của Đức Chúa Trời.

Lần gần nhất chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho mình có sự hiểu biết thuộc linh – để chúng ta biết được tình yêu vượt quá sự hiểu biết của Chúa, để chúng ta có thể trở nên ngày càng giống Chúa hơn trong mọi đường lối mình, là khi nào? Lần gần nhất chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho cơ hội để phục vụ những người thân yêu của mình, và nhìn thấy quyền năng vượt trội của Chúa đang hành động trong cuộc sống của họ là khi nào?

Đừng chỉ xem Chúa như ông già Noel hay thần đèn – để chúng ta có thể thấy và liên hệ với Ngài như là Chúa, Đấng Cứu Rỗi và người bạn của chúng ta.

6-Signs_4

4. Chúng ta hài lòng với việc sống dựa vào đức tin của người khác

Nhiều người trong chúng ta đã có lúc ghen tị với những Cơ Đốc nhân khác mà có vẻ “sâu nhiệm hơn” hoặc “sâu sắc hơn” trong đức tin. Có lẽ những câu chuyện đức tin của họ làm khơi dậy trong lòng chúng ta một niềm khao khát để gặp gỡ Chúa nhiều hơn, nhưng lại bị dập tắt khi chúng ta nhận ra rằng thực tế thì điều đó không dễ dàng!

Nếu như bạn bỏ cuộc trong hành trình tăng trưởng đức tin, nghĩ rằng cần phải có xuất thân đặc biệt thì mới đạt đến trình độ đó, II Phi-e-rơ 1:3 khích lệ chúng ta bằng lẽ thật này: “Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài.” Chính quyền năng đã ban năng lực cho những Cơ Đốc nhân “sâu nhiệm” đó cũng sẽ ban năng lực cho chúng ta!

Nhưng tất nhiên, điều này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực để “rèn luyện bản thân trong sự tin kính” và bền lòng thậm chí khi cảm thấy nỗ lực của chúng ta không kết quả. Học hỏi Lời Chúa và theo đuổi Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta là công việc khó, và nếu như chúng ta chỉ dựa vào mục sư của mình hay những tác giả Cơ Đốc khác để nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị suy dinh dưỡng thuộc linh.

Trong Giê-rê-mi 29:13, Chúa hứa rằng chúng ta sẽ tìm thấy Ngài và gặp được, khi chúng ta tìm kiếm Ngài hết lòng. Ngài muốn chúng ta tìm kiếm Ngài, để gặp Ngài “mặt đối mặt”, và bước đi gần gũi với chúng ta.

Đừng hài lòng với sự hiểu biết gián tiếp về Đức Chúa Trời – hãy tha thiết tìm kiếm Chúa trong Kinh Thánh, và tin rằng Ngài sẽ bày tỏ chính Ngài với bạn như Ngài đã từng bày tỏ với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép … và những dòng dõi thánh theo sau họ. Hãy cầu xin Ngài bày tỏ cho bạn thấy cách Ngài đang hành động, và bạn sẽ bất ngờ khi nhìn thấy “những câu chuyện đức tin” mà Chúa đã viết trong cuộc đời bạn.

6-Signs_5

5.Chúng ta giới hạn thời gian với Chúa vào khung thời gian nhất định trong ngày và trong tuần.

Chúng ta biết rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta – nhưng sự bận rộn trong cuộc sống khiến chúng ta giới hạn thời gian với Chúa chỉ trong những buổi thờ phượng Chúa Nhật, hoặc “những buổi sáng” hay “những buổi đêm” khi chúng ta chưa tỉnh táo hoặc chỉ còn chút sức lực sót lại để dành thời gian chất lượng với Chúa.

Chúng ta càng đẩy Chúa ra ngoài lề của cuộc sống mình thì chúng ta càng xây dựng cuộc đời trên nền tảng tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh và nguồn lực của bản thân trong mọi việc chúng ta làm. Và khi làm vậy, chúng ta bắt đầu cảm thấy việc dành thời gian với Chúa giống như thêm một buổi nhóm bắt buộc khác mà chúng ta phải tham dự, và đánh mất niềm vui khi bước đi với Chúa như người bạn đồng hành của mình – và cũng đánh mất niềm vui khi biết rằng Ngài quan tâm sâu xa cả điều nhỏ và điều lớn trong cuộc sống của chúng ta.

Sẽ cần thời gian để lớn lên trong nhận thức về sự hiện diện của Chúa, và hướng suy nghĩ và sự chú ý của chúng ta vào Chúa suốt cả ngày. Nhưng Chúa đã ban cho chúng ta Thánh Linh Ngài, là Đấng hướng dẫn, cố vấn, và giúp đỡ – Ngài là Đấng sẽ “dạy dỗ các con mọi điều”, “nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con (Giăng 14:26), và đặt chân chúng ta trên nền vững chắc của Đấng Christ. Chúng ta càng đáp lại sự thúc giục của Chúa, thì chúng ta càng nhạy bén hơn về sự dẫn dắt của Ngài trong cuộc đời chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể đồng bước với Ngài, và nói như trong Thi Thiên: “Con hằng để Đức Giê-hô-va đứng trước mặt con; Con chẳng hề bị rúng động vì Ngài ở bên phải con” (Thi Thiên 16:8).

6-Signs_7

6.Chúng ta thích tăng trưởng và thờ phượng Chúa một mình.

Dù chúng ta đã phải điều chỉnh để nhóm thờ phượng Chúa qua hình thức trực tuyến trong suốt đại dịch COVID-19, nhưng Kinh Thánh cho thấy rõ rằng chúng ta không thể tăng trưởng thuộc linh trong sự cô lập.

Hê-bơ-rơ 10:23-25 bảo chúng ta “quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành” và “chớ bỏ sự nhóm lại… nhưng phải khuyên bảo nhau” – và có một lý do tốt đẹp cho việc này.

Tất cả chúng ta đều đối mặt với những lúc nản lòng, khi chúng ta thấy khó để thấy và hiểu điều Chúa đang làm trên cuộc đời chúng ta. Chúng ta sẽ bị cám dỗ lung lay trong đức tin, hoặc nghi ngờ liệu Chúa có thực sự là Đấng mà Ngài đã tuyên bố không.

Trong những lúc như vậy, chúng ta rất cần sức mạnh của cộng đồng để giúp chúng ta “giữ vững lời tuyên xưng về niềm hy vọng” (Hê-bơ-rơ 10:23), để nhắc nhở chúng ta về những lúc Chúa đã thành tín và chân thật, họ sẽ nâng đỡ chúng ta bằng sự cầu nguyện khi chúng ta không thể, và họ sẽ nhẹ nhàng hướng chúng ta đến với Kinh Thánh để củng cố đức tin của chúng ta.

Quan trọng hơn, khi chúng ta thông công với những tín hữu khác và tìm kiếm Chúa cùng nhau, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những khía cạnh khác nhau về bản tính của Chúa phản ánh thông qua đời sống của họ. Ví dụ, sự hiện diện kiên định của một người bạn có thể nhắc chúng ta về lòng nhân từ của Chúa dẫn đến sự ăn năn (Rô-ma 2:4), trong khi những lời sửa trị nhẹ nhàng và kiên quyết của người khác có thể chứng tỏ tình yêu thương xót của Chúa dành cho chúng ta.

Bởi vì, như sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta, thân thể của Đấng Christ gồm nhiều chi thể với những tài năng và ân tứ thuộc linh khác nhau, đóng những vai trò khác nhau (I Cô-rinh-tô 12:12-27), nên chúng ta cần quan điểm, kinh nghiệm và sự khôn ngoan của nhau để đạt đến sự hiểu biết đầy trọn và sâu sắc hơn về Chúa.

Vì thế, đúng là có thể sẽ dễ dàng và thuận tiện lợi hơn khi thờ phượng Chúa trong sự thoải mái tại nhà riêng, nhưng khi chúng ta mở lòng mình ra với cộng đồng mà Ngài đã ban cho để khích lệ và bước đi cùng chúng ta, thì chúng ta bắt đầu sống bày tỏ ý định của Ngài dành cho chúng ta trong thân thể Đấng Christ.

6-Signs_8

Chuyển ngữ: Lê Hoàng Bích Ngọc

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2023/02/6-signs-were-settling-in-our-relationship-with-god/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/