6 DẤU HIỆU CHO THẤY ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN CỦA BẠN ĐANG QUÁ THOẢI MÁI
Bạn có nhớ lần đầu tiên khi bạn trở thành Cơ Đốc nhân không? Bạn cảm thấy hào hứng với mọi thứ – những bài hát, những buổi học Kinh Thánh, những bài giảng. Chúng ta biết ơn vì có Chúa Jêsus trong cuộc đời mình và mong muốn cống hiến tất cả những gì có thể để phục vụ hội thánh.
Nhưng cũng giống với bất cứ mối liên hệ nào, theo thời gian, chúng ta trở nên thoải mái và an phận. Mối liên hệ của chúng ta với Chúa trở nên giống như cuộc hẹn mỗi tuần một lần, còn những ngày khác thì cùng lắm là gặp gỡ khoảng 10-15 phút vào cùng thời gian, cùng địa điểm. Chúa vẫn luôn là một hằng số trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nếu thành thật, thì Ngài giống như một hằng số ẩn phía sau, là Đấng mà chúng ta tìm đến khi cần điều gì đó hoặc có thời gian rảnh rỗi.
Vấn đề là, chúng ta không nhất thiết phải mong đợi để có được cảm giác giống như lúc mới tin Chúa. Nhưng nếu nhìn vào lời cam kết của mình, chúng ta sẵn sàng hy sinh đến mức nào để phát triển mối liên hệ này – có phải chúng ta hơi quá thoải mái không? Thoải mái đến mức mà mối liên hệ này, lẽ ra là mối liên hệ sẽ định hướng cuộc sống của chúng ta, lại trở thành một thứ thêm vào trong danh sách việc cần làm của chúng ta?
Cơ Đốc giáo có quyết định cách chúng ta sống không, hay chúng ta đã tái định nghĩa lại Cơ Đốc giáo cho phù hợp với mình? Dưới đây là một số điều giúp bạn xem xét liệu đời sống Cơ Đốc nhân của bạn có đang trở nên quá thoải mái không:
1. Bạn chỉ “kết nối” với hội thánh và Chúa vào lúc thuận tiện
Ngay cả khi tận dụng những tiện ích của công nghệ, thì chúng ta cũng đừng quên hội thánh thực sự là gì – hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình để cho đi và chia sẻ cuộc sống của mình với nhau trong thân thể của Ngài.
Khi đại dịch mới xảy ra, thật được an ủi khi biết rằng chúng ta vẫn có thể “đi nhà thờ” chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhưng giờ đây khi có cơ hội quay trở lại, hầu hết chúng ta đều thấy rằng không dễ để thức dậy sớm, chạy xe một quãng đường dài và ngồi trong hội thánh với khẩu trang. Chúng ta lưỡng lự để quay lại nhà thờ, không phải vì COVID, mà vì… ở nhà dễ dàng hơn, và chúng ta có thể “dự nhóm” vào lúc thuận tiện.
Theo thời gian cùng với sự phát triển của công nghệ, có vẻ như chúng ta đã quen với việc “kết nối” với hội thánh bất cứ khi nào mình muốn – điều này khác xa với khải tượng về sự gắn bó với nhau trong Công Vụ 2:44-46.
Ngay cả khi tận dụng những tiện ích của công nghệ, thì chúng ta cũng đừng quên hội thánh thực sự là gì – hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình để cho đi và chia sẻ cuộc sống của mình với nhau trong thân thể của Ngài.
Là một chi thể trong hội thánh không phải là nghe bài giảng hay tham gia lớp học Kinh Thánh qua Zoom trong một tiếng đồng hồ, cũng không phải là dâng hiến và chỉ nói nhưng không làm. Nhưng đó là cho đi và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với nhau.
Phải thực sự dốc sức trong sự cầu nguyện, hiện diện với một người bạn đang cô đơn và/hoặc đang đau buồn, giúp đỡ những người gặp khó khăn và biết ơn với những gì chúng ta có – những điều này chỉ xảy ra khi chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình và thực sự đến với nhau như các chi thể trong thân Ngài. Tình yêu đích thực không hề thoải mái, nhưng nó vô cùng quý giá.
2. Hầu hết bạn bè không biết bạn là Cơ Đốc nhân
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được kêu gọi đến với một thế giới quan và một lối sống trái ngược với nền văn hóa xung quanh. Điều này có nghĩa là không làm những gì thế gian cho là chấp nhận được và hợp lý, mà là nhìn vào gương của Chúa Jêsus và làm những gì đúng trong mắt Ngài.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên thể hiện một cách khác người, hoặc đưa ra tuyên bố bất cứ khi nào có cơ hội, nhưng đôi khi chúng ta lại hòa tan trong những tình huống mà chúng ta nên nổi bật. Có lẽ thật dễ cười theo những trò đùa thô thiển, hoặc giữ im lặng khi ai đó nói xấu người khác. Đó cũng có thể là những tội lỗi tinh vi – coi chuyện nói hành là “trút bầu tâm sự”, ăn cắp đồ dùng văn phòng là “mượn chút”, nói những điều cay nghiệt là “trung thực”.
Chắc chắn rồi, chúng ta không muốn mọi người nghĩ rằng Cơ Đốc nhân là một đám người bị mắc kẹt và chán ngắt, nhưng nếu thành thật, đó thực sự có phải là mong muốn tiếp cận với người khác để chúng ta có thể chia sẻ đức tin của mình, hay là không muốn người khác thấy chúng ta theo một cách nào đó? Có phải chúng ta ngại hành động khác biệt vì không muốn có nguy cơ bị tẩy chay không?
Thật dễ biện minh cho những gì mình làm, nhưng như Ca Thương 3:40 nói: “Chúng ta hãy xem đi xét lại đường lối mình, và trở về với Đức Giê-hô-va.”
Chúa Jêsus không hề thi vị khi mô tả các môn đồ của Ngài là “không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian” (Giăng 17:14). Giống như Chúa Jêsus, chúng ta phải có sự khác biệt để cho người khác thấy rằng chúng ta được kêu gọi để có một thế giới quan và lối sống khác (Giăng 17:20-26). Thông thường, điều này có nghĩa là phản văn hóa trong cách chúng ta liên hệ với người khác, cho dù đó là ưu tiên quan tâm đến mọi người hơn là hoàn thành nhiệm vụ, cư xử nhã nhặn với đồng nghiệp/sếp xấu tính hay chọn kết bạn với những người không phải là “những đứa trẻ sành điệu” hoặc thuộc một nhóm ảnh hưởng nào đó.
3. Bạn chỉ thích những câu Kinh Thánh khiến bạn cảm thấy dễ chịu
Không có gì sai khi tìm kiếm những lời an ủi và khích lệ, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ một khía cạnh quan trọng của Phúc Âm khi không dành chỗ cho những lẽ thật “nghiêm khắc hơn” của Kinh Thánh phán với cuộc sống mình.
Khi nói đến Lời Chúa, tất cả chúng ta đều dễ rơi vào tình trạng chỉ nghe những gì chúng ta muốn nghe. Cuộc sống của chúng ta đã đủ căng thẳng, nên tất nhiên chúng ta muốn bắt đầu hoặc kết thúc một ngày bằng những lời an ủi và khích lệ. Vì vậy, khi đọc một câu như Ê-phê-sô 1:4, chúng ta tập trung nhiều hơn vào phần “Ngài đã chọn chúng ta” và lướt qua phần “thánh hóa và không chỗ chê trách”.
Nhưng Lời Chúa còn mang đến nhiều điều hơn thế. Như trong Hê-bê-rơ 4:12 nói rõ ràng và chắc chắn với chúng ta rằng: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng”.
Đây là một điều tốt và đầy hy vọng, vì Lời Chúa nắm giữ quyền năng đến nỗi khi—nếu—chúng ta thực sự nghe Lời ấy, chúng ta không thể không thay đổi. Ngay cả khi những lẽ thật khắc nghiệt của Kinh Thánh cứa vào lòng chúng ta, chúng không nhằm mục đích để chúng ta bị kết án (Rô-ma 8:1), nhưng để thấy rằng chúng ta cần Chúa biết bao và Ngài đã làm tất cả để cứu chuộc chúng ta.
Không giống như băng cá nhân hoặc thuốc giảm đau chỉ có thể cầm máu hay giảm đau tạm thời, Lời Ngài có tác dụng như một phương pháp điều trị thích hợp và là liều thuốc làm sạch vết thương mưng mủ và chữa lành những căn bệnh trong tâm linh chúng ta.
4. Bạn cảm thấy không có gì to tát khi một số người thân yêu không tin Chúa
Chúng ta có thể không biết làm thế nào, khi nào, hoặc liệu những người thân yêu của mình sẽ tin Chúa hay không, nhưng chúng ta không nên ngừng cầu nguyện cho điều đó xảy ra. Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến họ, chúng ta không thể không động lòng gì trước số phận của họ.
Đây là một điều khó khăn, bởi vì chúng ta không phải là người có quyền thay đổi suy nghĩ và tấm lòng của con người. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không thể làm gì về điều đó. Câu hỏi đặt ra là, việc bạn bè và những người thân yêu chưa biết Chúa có khiến chúng ta nặng lòng không? Chúng ta có mong mỏi họ được biết Chúa không, và điều đó có khiến chúng ta quỳ gối cầu nguyện không?
Mặc dù chúng ta biết rằng sự cứu rỗi là công việc của Đức Thánh Linh, nhưng lời cầu nguyện không chỉ là một câu nói qua loa với Chúa rằng: “Ý Cha được nên”. Chúng ta hãy hỏi Chúa: “Chúa ơi, ý muốn của Ngài dành cho con ở đây là gì? Làm thế nào con có thể làm phần việc của mình để giúp những người này thấy rằng Ngài là Đức Chúa Trời có thật? Có điều gì tôi làm mà cản trở họ khỏi điều đó không? Có điều gì tôi có thể nói nhưng lại chọn không nói không?”
Hãy cầu xin Chúa không chỉ ban cho chúng ta cơ hội để nói và chia sẻ về tình yêu của Ngài, mà cũng hãy xin Chúa bày tỏ sự hiện diện và công việc của Ngài trong đời sống của chúng ta đến nỗi khi người khác nhìn vào, họ sẽ thừa nhận rằng Chúa có thật và rất chân thật.
5. Lời cầu nguyện của bạn chỉ hướng đến một cuộc sống suôn sẻ
Những khó khăn và thử thách sẽ đến trong cuộc sống này, vì vậy chúng ta hãy học cách cầu nguyện để chúng ta có thể đối mặt với sự kiên trì và đức tin bắt nguồn từ niềm hy vọng vững chắc nơi Chúa.
Đôi khi (hoặc thông thường) chúng ta dành nhiều thời gian để cầu nguyện cho cuộc sống được thuận buồm xuôi gió:
Chúa ơi, xin giúp con hoàn thành công việc tốt để mọi người sẽ được hạnh phúc.
Chúa ơi, xin ban cho chúng con sức khỏe tốt để có thể làm các công việc mình.
Chúa ơi, xin bảo vệ những người quan trọng trong cuộc đời của con khỏi bệnh tật.
Tất nhiên, chúng ta không muốn những điều tồi tệ xảy ra. Nhưng nếu những lời cầu nguyện của chúng ta chủ yếu xoay quanh những lời cầu xin này, thì điều đó cho thấy rằng trong những góc sâu thẳm nhất của tấm lòng, chúng ta yêu thích sự thoải mái của mình hơn bất cứ điều gì khác, và Chúa vô tình trở thành phương tiện mang lại sự thoải mái cho chúng ta. Một dấu hiệu rõ ràng của điều này là khi một điều gì đó khó chịu xảy ra, bản năng của chúng ta ngay lập tức nói: “Tại sao, Chúa ơi? Tại sao Ngài không nhậm lời cầu nguyện của con?”
Như tác giả Alistair Begg đã nói: “Cơ Đốc giáo không phải là thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống – mà là đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.” Ngay cả khi đối mặt với khó khăn và thử thách, thay vì cầu nguyện chỉ để được thoát khỏi, chúng ta hãy học cách cầu nguyện để có được sự kiên trì, được rèn luyện và đức tin bắt nguồn từ niềm hy vọng vững chắc nơi Chúa (Rô-ma 5:2-5).
6. Bạn không hào hứng về thiên đàng hay được gặp Chúa mặt đối mặt
“Thiên đàng trên đất” mà chúng ta đang bận rộn thiết lập một ngày nào đó sẽ biến mất, nhưng chỗ chúng ta ở với Chúa là đời đời và bất diệt. Vì vậy, hãy cầu nguyện rằng những niềm vui mà chúng ta kinh nghiệm sẽ làm sâu sắc thêm lòng khao khát của chúng ta đối với chính Đấng ban cho tốt lành.
Thành thật mà nói, hầu hết chúng ta không có ý tưởng rõ ràng về thiên đàng sẽ như thế nào, và vì vậy chúng ta đã vẽ bức tranh kỳ lạ này về những đám mây và các thiên thần chơi đàn hạc cả ngày, điều này nghe có vẻ không thú vị lắm. Trong khi đó, chúng ta đang bận rộn với việc thiết lập “thiên đàng trên đất” của mình, cố gắng đạt được mọi thứ trong bảng kế hoạch của mình – sự nghiệp ấn tượng, hôn nhân tuyệt vời, con cái ngoan ngoãn, tổ ấm hoàn hảo, v.v.
Những điều tốt đẹp mà chúng ta tận hưởng và khao khát trên thế gian này chỉ là những phiên bản nhỏ bé và không hoàn hảo của lòng tốt vô hạn mà Chúa đang chờ đợi để ban cho chúng ta. Bất kỳ niềm vui nào chúng ta được kinh nghiệm tại đây, ngay lúc này sẽ không giảm bớt mà sẽ làm sâu sắc thêm niềm khao khát của chúng ta đối với chính Đấng ban cho tốt lành.
Bất cứ điều gì chúng ta có bây giờ sẽ không trường tồn (Ma-thi-ơ 6:19-20; Lu-ca 12:16-21) – mọi thứ rồi sẽ đổ vỡ, thành tựu phai nhạt, các mối liên hệ kết thúc, con người rồi cũng chết – nhưng chỗ chúng ta ở với Chúa là vĩnh cửu và cơ nghiệp của chúng ta trong Ngài là bất diệt (I Phi-e-rơ 1:4). Vì vậy, ngay cả khi chúng ta tiếp tục cuộc sống hàng ngày hoặc bị mắc kẹt trong guồng quay của công việc, hãy luôn ghi nhớ điều đó trong đầu. Mong rằng điều đó sẽ thúc đẩy chúng ta “trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33).
Đừng hài lòng với những điều dễ dàng, thoải mái và tiện nghi, nhưng hãy vươn tới một đức tin được lập nền vững chắc mà sẽ còn lại trước những sóng gió cuộc đời, luôn hướng mắt về phần thưởng lớn lao nhất (Phi-líp 3:14).
Chuyển ngữ: Diệu Yến
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2021/09/6-signs-your-christianity-is-too-comfortable/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/