7 LĨNH VỰC ĐỂ TĂNG TRƯỞNG CÙNG NHAU KHI HẸN HÒ

Sau khi lướt qua những câu hỏi này trong giai đoạn độc thân, tôi đã gặp người bạn trai vào lúc mà tôi không ngờ tới. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu, việc hẹn hò khiến tôi hơi nản chí.

Nhưng tôi đã học được rằng hẹn hò không phải là một trải nghiệm mơ hồ, nó không nên như một trò chơi đoán mò đầy những điều không chắc chắn hay những suy nghĩ “nếu như” khiến bạn trằn trọc suốt đêm. Thay vào đó, hẹn hò nên là giai đoạn rõ ràng – để xác định rõ bạn và người ấy có sẵn sàng để tiến tới hôn nhân không.

Vì vậy, dựa trên những điều tôi học được từ sách vở, các bài giảng, những người tư vấn cũng như từ những cuộc hẹn hò trước đây, chúng tôi đã vạch ra bảy lĩnh vực để giúp mình tận dụng tối đa giai đoạn hẹn hò và đánh giá mức độ sẵn sàng cho hôn nhân.

1. Giao tiếp

Trong vài cuộc hẹn hò ít ỏi mà chúng tôi có trước giai đoạn phong tỏa vì Covid, người bạn trai của tôi thừa nhận rằng anh ấy không phải là người thích nhắn tin. Vì vậy, chúng tôi đồng ý gọi video cho nhau vào buổi tối và cả hai chúng tôi đều thích thú trải nghiệm đó. Sau phong tỏa, chúng tôi quyết định gặp nhau mỗi tuần một lần và gọi video cho nhau hai tuần trong tuần.

Những cuộc gọi và gặp mặt này giúp chúng tôi quen (và vui) với việc gặp nhau thường xuyên và dành thời gian với nhau.

Để biết nhau rõ hơn, chúng tôi thường trò chuyện về những điều mình học được trong ngày và hay những điều đang xảy ra trên thế giới. Chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái để chia sẻ về những mục tiêu của cuộc đời, cũng như những mong đợi cho mối quan hệ của mình.

Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Chúng ta muốn gặp nhau và trò chuyện thế nào để cả hai đều vui và giúp chúng ta biết rõ nhau hơn?
  • [Cuộc sống hằng ngày] Hôm nay anh thế nào? Có điều gì đặc biệt không (và tại sao)? Anh nghĩ mình học được gì từ tình huống này?
  • [Xung đột] Có cuộc trò chuyện hay mối quan hệ nào mà anh đang gặp khó khăn không? Anh đã giải quyết thế nào?
  • [Thời gian rảnh] Anh thích làm gì vào ngày nghỉ? Anh thường thư giãn bằng cách nào và điều đó giúp anh được phục hồi ra sao?
  • [Mục tiêu cuộc sống] Theo anh nghĩ thì sứ mạng của Chúa dành cho anh là gì? Công việc và những hoạt động khác đang giúp anh đạt được điều đó thế
    nào?
  • [Lịch sử hẹn hò] Anh có thoải mái để chia sẻ với em về những mối quan hệ hẹn hò trước đây không? Các mối quan hệ đó đã kết thúc thế nào? Anh còn giữ liên lạc với những người đó không (nếu có thì ở mức độ nào)?
  • 2. Xung đột

    Tôi biết là sẽ có những lúc căng thẳng trong mối quan hệ của chúng tôi, vì vậy khi điều đó đến, tôi không quá bất ngờ. Thay vì đối đầu với anh ấy theo cách sẽ gây ra sự phòng vệ hay chiến tranh lạnh (chẳng hạn như im lặng), tôi cố gắng hết sức để hiểu rõ vấn đề bằng cách:

    (1) hỏi về ý định của anh ấy đằng sau hành động đó (VD: anh ấy muốn điều gì sẽ xảy ra);

    (2) chia sẻ với anh ấy về cảm nhận của tôi trước hành động đó; và

    (3) Suy nghĩ về cách để chúng tôi có thể phản ứng tốt hơn nếu một tình huống tương tự xảy ra trong tương lai

    Điều này đặc biệt quan trọng khi tôi nhận ra rằng tôi cảm thấy không thoải mái với việc bạn trai tôi nói về bạn gái cũ khi chúng tôi đang ở cùng bạn bè của anh ấy. Thay vì để những cảm xúc đó kéo dài và trách bản thân là “không chấp nhận” hay “khó hài lòng”, tôi quyết định chân thật với anh ấy về cảm xúc của mình. Nhưng trước hết, tôi cho anh ấy một cơ hội để giải thích lý do anh ấy nhắc đến bạn gái cũ ngay lúc đó. Sau khi chia sẻ suy nghĩ của mình, chúng tôi thống nhất với nhau rằng anh ấy sẽ không nhắc về bạn gái cũ trước mặt tôi nữa, và khi có nhiều người khác.

    Khi giải quyết xung đột, cả hai chúng tôi thường có những lý do “hợp lý” cho điều mình muốn, nhưng chúng tôi quyết định làm theo lời khuyên của bố tôi, xem đó là nguyên tắc chung – “nếu không phải là điều tôi muốn hay điều bạn muốn thì phải là điều chúng ta cùng muốn”. Điều này giúp chúng tôi tập chú vào việc giải quyết vấn đề cùng nhau.

    Chúng tôi cũng học được rằng để giải quyết xung đột cách lành mạnh, chúng tôi cần:

    (1) không lờ đi những điều liên quan đến người ấy mà chúng ta cảm thấy khó chịu, bởi vì rất có khả năng điều đó sẽ xảy ra lần nữa

    (2) giải quyết vấn đề sớm nhất có thể, trong thời điểm tốt nhất và cách tốt nhất (gặp mặt trực tiếp là cách tốt nhất cho chúng tôi)

    (3) Học cách hỏi để làm rõ vấn đề thay vì hỏi để buộc tội (VD: “Anh có thể giải thích cho em biết vì sao anh nói điều đó không?” Thay vì “Tại sao anh nói vậy?”) và tìm cơ hội sớm nhất để xin lỗi.

    Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Chúng ta có thể nói chuyện về những vấn đề ở nhau mà chúng ta thấy khó chịu, khó xử hay không thoải mái không? (VD: sự đúng giờ, những thói quen, cách sử dụng thời gian rảnh rỗi, thái độ đối với công việc, mối quan hệ với gia đình, những kỷ luật thuộc linh)
  • Những cuộc trò chuyện này có ngày càng dễ dàng hơn không? Làm cách nào để chúng ta có thể cải thiện?
  • Tôi có thể lắng nghe và đón nhận những góp ý với sự khiêm nhường không? Tôi có sẵn sàng xin lỗi và sửa đổi không?
  • Chúng tôi học được gì từ Lời Chúa về cách giải quyết xung đột?
  • 3. Những mong đợi

    Có lẽ điều gây bối rối nhất của sự hẹn hò là hai câu hỏi: “Chúng ta đang ở giai đoạn nào?” và “Chúng ta đang hướng tới điều gì?”

    Không có một công thức nào để xác định khi nào cần nói đến những vấn đề này (dù thường thì sẽ không phải ở ngày hẹn hò đầu tiên). Nhưng chúng nên được trao đổi khi bạn biết đã đến lúc cần “xác định mối quan hệ”, để đảm bảo cả hai bạn đều hiểu và có cùng suy nghĩ với nhau.

    Nếu một trong hai (hoặc cả hai) đang cảm thấy không chắc chắn về mối quan hệ của mình và muốn “tạm dừng”, vậy thì hãy chậm lại và đừng tiếp tục nếu chưa xác định rõ khi nào bạn sẽ thảo luận lại về hai câu hỏi đó.

    Cũng vậy, nếu cả hai bạn xác định rõ rằng bạn sẽ hướng tới hôn nhân và sẵn sàng cho hôn nhân (cả về thuộc linh, tài chính, tình cảm…), thì bạn có thể bắt đầu xác định thời gian cho những cột mốc kế tiếp, chẳng hạn như đính hôn và cuối cùng là kết hôn.

    Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Giai đoạn hẹn hò này đang giúp chúng ta chắc chắn hơn hay mơ hồ hơn về hôn nhân?
  • Đâu là những cột mốc mối quan hệ mà bạn hy vọng (Ví dụ: gặp bố mẹ/gia đình/ bạn bè của nhau; chuyển đến nhóm cùng một hội thánh, tham gia khóa tư vấn tiền hôn nhân, đính hôn, chuẩn bị nhà cửa, kết hôn)?
  • Bạn có thời gian cụ thể cho từng cột mốc chưa?
  • Khi nào bạn muốn trao đổi về bước kế tiếp? Bao lâu chúng ta nên trao đổi với nhau?
  • 4. Những ranh giới

    Hai câu hỏi hay về những ranh giới mà tôi đã hỏi chính mình là:

    1. Liệu tôi sẽ cần xin lỗi người phối ngẫu tương lai của bạn trai tôi, cha mẹ của anh ấy và Chúa không?

    2. Trải nghiệm hẹn hò của tôi có khích lệ con cái của tôi trong tương lai hay một tín hữu còn mới mẻ trong niềm tin không?

    Cho đến khi chúng tôi thật sự nói “Em/anh đồng ý”, chúng tôi vẫn có khả năng sẽ không kết hôn với nhau. Vì vậy, hai câu hỏi này giúp chúng tôi thận trọng và nhớ rằng chút khoái lạc ngắn ngủi có thể dẫn đến sự hối tiếc cả đời.

    Dù người nam được khích lệ để chủ động trong việc đặt ra tốc độ và những mong đợi trong mối quan hệ, nhưng người nữ cũng có vai trò gợi ý cuộc trò chuyện. Trong trường hợp của chúng tôi, tôi khởi xướng cuộc trò chuyện với bạn trai, anh ấy đồng ý để tôi đặt ra tốc độ (và những giới hạn) cho vấn đề những ranh giới về thể xác.

    Việc đó không dễ dàng, nhưng bởi ơn Chúa, chúng tôi có thể cởi mở trong sự thú nhận của mình và đầu phục dục vọng của mình trước Chúa, trong lúc nhắc nhở chính mình rằng Chúa muốn chúng ta thánh khiết trong mọi lĩnh vực của đời sống.

    Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Dựa trên những cột mốc mối quan hệ của chúng ta, đâu là ranh giới phù hợp và thoải mái cho từng giai đoạn?
  • Chúng ta có thể chịu trách nhiệm giải trình với ai (VD: một mục sư đáng tin cậy, hay một tín hữu lớn tuổi hơn)? Bao lâu chúng ta nên trò chuyện với họ?
  • Làm thế nào để chúng ta giúp đỡ và khích lệ nhau giữ sự thánh khiết trong suy nghĩ và hành động của mình?
  • 5. Quan tâm

    Giai đoạn đầu trong mối quan hệ, tôi và bạn trai đã chia sẻ ngôn ngữ tình yêu của mình với nhau. Rất may là chúng tôi có một điểm chung – thời gian chất lượng – vì vậy chúng tôi luôn cố gắng để dành thời gian gặp nhau trực tiếp và đi dạo với nhau bất cứ khi nào có thể để tận hưởng sự hiện diện của nhau.

    Chúng tôi cũng lên kế hoạch cho những hoạt động cần thiết hầu giúp nhau tăng trưởng. Chẳng hạn, sau khi cả hai chia sẻ rằng chúng tôi muốn tăng trưởng trong sự cầu nguyện và yêu thương gia đình, chúng tôi đã quyết định cầu nguyện cho các thành viên gia đình. Điều này đặc biệt quan trọng với chúng tôi bởi vì chúng tôi gần gũi với gia đình và muốn yêu thương họ nhiều hơn trong sự giúp đỡ của Chúa.

    Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Bạn có đang trao đổi với nhau về cách bạn muốn nhận và bày tỏ sự quan tâm, để chứng minh tình yêu đối với nhau không?
  • Có cách nào để sự quan tâm của bạn dành cho nhau có thể tuôn tràn trong cuộc đời của người khác, để bạn cũng có thể quan tâm đến họ không?
  • 6. Tôn Chúa làm chủ

    Trước khi bắt đầu hẹn hò, cả hai chúng tôi đều đã xác định sẽ hẹn hò với Cơ Đốc nhân nghiêm túc trong đời sống yêu kính Chúa và bước theo Ngài. Về phần tôi, tôi đã hỏi bạn trai của mình về việc nhóm lại, tham gia nhóm nhỏ và bước đường theo Chúa mỗi ngày. Tôi muốn anh ấy chủ động trong mối liên hệ với Chúa chứ không phải làm điều đó vì tôi.

    Ngoài giờ tĩnh nguyện, tôi cũng bắt đầu có thời gian cầu nguyện với nhau thường xuyên để điều đó trở thành thói quen của chúng tôi. Dần dần, bạn trai tôi cũng bắt đầu khởi xướng giờ cầu nguyện này và chúng tôi thường xuyên khích lệ nhau bằng Lời Chúa.

    Bởi vì cả hai chúng tôi đều muốn một cuộc sống hôn nhân có sự cầu nguyện, thờ phượng Chúa và trao đổi về vấn đề niềm tin, nên việc thực hành những kỷ luật này trong hiện tại có thể giúp đảm bảo rằng những điều này sẽ tiếp tục sau khi chúng tôi kết hôn.

    Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Chúng ta có sẵn sàng dành riêng thời gian để thờ phượng Chúa, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cùng nhau không?
  • Chúng ta có nhìn thấy bất cứ suy nghĩ, thói quen hay kiểu mẫu tội lỗi nào ở nhau bằng con mắt yêu thương không?
  • Chúng ta có khích lệ nhau làm việc lành để xây dựng vương quốc Chúa không?
  • 7. Cộng đồng

    Đời sống cộng đồng rất quan trọng đối với các tín hữu, dù độc thân hay đã kết hôn. Khi tăng trưởng trong mối quan hệ của mình, cộng đồng Cơ Đốc đã đóng một vai trò rất lớn trong việc khích lệ chúng tôi hướng tới sự tin kính và chúng tôi cho phép họ nhận diện những dấu hiệu đáng ngờ trong mối quan hệ của mình (VD: những thói quen đáng ngờ hay sự say mê tiêu cực) và những ranh giới hẹn hò không lành mạnh.

    Chúng tôi cũng nhận được lời khuyên từ những cặp vợ chồng trưởng thành và giàu kinh nghiệm, là người luôn khích lệ, hướng dẫn và thậm chí la rầy vì yêu thương chúng tôi.

    Cộng đồng cũng là nơi thật tuyệt vời để chúng tôi phát triển ân tứ thuộc linh. Vì tôi và bạn trai cùng thích viết nhạc nên chúng tôi đã cộng tác với những người khác để sáng tác nhạc cho cộng đồng Cơ Đốc, để thờ phượng Chúa và giúp người khác hướng đến Chúa.

    Những câu hỏi hay để hỏi nhau:

  • Nếu không cùng hội thánh, vậy thì chúng ta đang tìm kiếm điều gì ở hội thánh của mình – chúng ta có thể tăng trưởng trong Lời Chúa, sự phục vụ người khác và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực nào? Chúng ta có sẵn sàng khám phá hội thánh của nhau và thậm chí là một hội thánh mới không?
  • Chúng ta có thể hỗ trợ nhau trong công việc Chúa thế nào dù không được kêu gọi trong cùng mục vụ?
  • Làm thế nào để mối quan hệ của chúng ta có thể trở nên phước hạnh cho người khác?
  • Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ thì tôi hy vọng 7 lĩnh vực này sẽ giúp hai bạn ngày càng xác định rõ mối quan hệ của mình và cùng tăng trưởng để trở nên giống Chúa hơn. Ngay cả khi chúng ta tìm cách để tăng trưởng trong những lĩnh vực này, đừng quên chúng ta đang làm điều đó cho Ai và hãy nhớ rằng sự tăng trưởng thật chỉ đến từ Chúa.

    Lạy Chúa Jêsus, cảm ơn Ngài đã làm gương trong việc bày tỏ kế hoạch và mục đích của Ngài cách rõ ràng cho các môn đồ ngày xưa và cho chúng con ngày nay. Con cầu nguyện cho tất cả những ai đang hẹn hò sẽ bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài để chúng con có thể yêu nhau hơn – bắt đầu bằng bảy lĩnh vực này. Xin giúp cho tất cả chúng con luôn gần gũi với tấm lòng của Ngài và biết làm vinh hiển Ngài trong mối quan hệ hẹn hò của mình. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus. Amen!

    Dịch và biên tập: ODB Việt Nam

    Nguồn: https://ymi.today/2021/04/7-areas-to-grow-in-as-a-dating-couple/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

    Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/