8 CÁCH XÂY DỰNG TÌNH BẠN VỚI CHÚA

Tác giả: Raphael Zhang

Dịch giả: Lời Sống Hằng Ngày


Được dịch từ trang YMI, một mục vụ hướng tới giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries: https://ymi.today/2018/04/8-ways-to-build-a-friendship-with-god/

Tôi thích nghĩ về Đức Chúa Trời như một người Cha và tôi thờ phượng Ngài như một vị Vua; tôi muốn vâng lời Chúa Jêsus, là Chúa và là Chủ của mình; và tôi ao ước lắng nghe Đức Thánh Linh như là Đấng Cố Vấn và Giáo Sư của mình.

Tuy nhiên, tôi nhận ra mình không thường gọi Đức Chúa Trời là bạn hữu. Tôi biết một số người sợ rằng nếu xem Chúa như một người bạn, chúng ta sẽ trở nên quá quen thuộc với Ngài và mất đi sự tôn kính dành cho Ngài.

Tuy nhiên, gần đây khi chuẩn bị cho một bài chia sẻ về chủ đề này, tôi đã có dịp để suy ngẫm về Chúa như một người Bạn và ý nghĩa của việc làm bạn với Đức Chúa Trời.


Chúa Jêsus gọi chúng ta là bạn hữu Ngài

Một trong những câu Kinh Thánh nổi tiếng nhất về tình bạn với Chúa Jêsus là Giăng 15:13-15, Chúa Jêsus phán: “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình. Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta. Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ làm. Nhưng Ta gọi các con là bạn hữu, vì Ta đã bày tỏ cho các con biết tất cả những gì Ta đã nghe nơi Cha Ta.”

Thật tuyệt. Chúng ta là ai mà Đấng Sáng Tạo trời và đất, Đấng là Đầu Tiên và Cuối Cùng muốn làm bạn với chúng ta? Thật lạ lùng! Khi suy ngẫm về vấn đề này, tôi cũng suy ngẫm về ý nghĩa của việc làm bạn với Chúa Jêsus. Ngài gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài, nhưng chúng ta có xem Ngài là Bạn Hữu không?

Tôi hy vọng những điều tôi học được từ Kinh Thánh sẽ thách thức bạn tăng trưởng trong mối quan hệ với Chúa, như tôi đã được khích lệ và thách thức.

text 1


Chúng ta là bạn của Đức Chúa Trời khi chúng ta…

1. Dành thời gian để gần gũi với Ngài

Kinh Thánh ghi lại rằng “Đức Giê-hô-va nói chuyện với Môi-se mặt đối mặt như một người nói chuyện với bạn mình” (Xuất. 33:11). Không có gì nuôi dưỡng mối quan hệ với Chúa tốt hơn là dành thời gian ở riêng với Ngài – gặp Ngài mặt đối mặt. Chẳng phải đó là cách giúp chúng ta gần gũi với bạn bè của mình sao? Cũng vậy, chúng ta cần thường xuyên gặp gỡ Chúa và dành thời gian chất lượng với Ngài để biết Ngài mật thiết hơn.

2. Tôn kính Ngài

Dù chúng ta có thể gần gũi với Chúa, nhưng sự mật thiết với Chúa cũng được xây dựng trên sự tôn kính Ngài. Kinh Thánh phán: “Đức Giê-hô-va kết bạn cùng người kính sợ Ngài, Và tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài” (Thi. 25:14).

Khi suy nghĩ về mối quan hệ con người, điều này có thể khó hiểu. Tôn kính bạn mình nghĩa là gì? Một cách giúp chúng ta suy nghĩ về điều này là tưởng tượng mình được làm bạn với vua. Được làm bạn với Đức Chúa Trời không có nghĩa là chúng ta mất đi sự tôn kính Ngài; Đức Chúa Trời là Chúa của các chúa và Vua của các vua.

Khi chúng ta làm bạn của Vua với lòng tôn kính, Ngài sẽ giãi bày những điều trong lòng Ngài với chúng ta.

3. Lắng nghe tấm lòng của Ngài

Và đây là lý do Chúa Jêsus nói với chúng ta: “Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ làm. Nhưng Ta gọi các con là bạn hữu, vì Ta đã bày tỏ cho các con biết tất cả những gì Ta đã nghe nơi Cha Ta” (Giăng 15:15).

Giống như những người bạn luôn chú ý lắng nghe nhau, vậy thì chúng ta có thể nuôi dưỡng mối quan hệ với Chúa Jêsus khi chú tâm đến những gì Ngài bày tỏ về công việc của Cha Ngài.

4. Vui mừng với sự khuyên dạy của Ngài và tin cậy sự sửa trị của Ngài

Khi đọc lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, chúng ta có xem đó là những luật lệ chán ngắt phải vâng theo, hay chúng ta vui mừng trong những lời chỉ dẫn khôn ngoan của Ngài dành cho mình? Hãy xem câu Kinh Thánh sau: “Dầu và hương liệu làm khoan khoái lòng người, Lời khuyên từ đáy lòng bạn bè cũng êm dịu như thế” (Châm. 27:9).

Khi bạn thân đưa ra lời khuyên đúng đắn, chân thành thì chúng ta vô cùng biết ơn họ. Tiêu chuẩn để đo lường sự mật thiết trong tình bạn của chúng ta với Chúa là đánh giá xem chúng ta vui mừng thế nào với lời khuyên dạy của Ngài dành cho mình trong Lời Ngài.

Có những lúc bạn bè khiển trách chúng ta vì tình yêu thương. Có lẽ chúng ta cũng cảm thấy tổn thương một chút, nhưng chúng ta biết họ quan tâm đến mình và muốn thấy mình tăng trưởng. Chúng ta không muốn họ chỉ nói những gì mình vui tai. Vì “một lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương kín đáo. Bạn bè gây thương tích do lòng yêu thương chân thật, còn hơn kẻ thù hôn hít cách giả tạo” (Châm. 27:5-6).

Tương tự, Chúa cũng sửa trị chúng ta hết lần này đến lần khác khi chúng ta không đi theo con đường ngay thẳng, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta trưởng thành. Chúng ta có tin cậy sự sửa trị của Đấng Thiết Hữu, luôn biết rõ chúng ta hơn những gì chúng ta biết về chính mình không?



text 2

5. Làm theo điều lòng Ngài ao ước

Chỉ lắng nghe tấm lòng của Đức Chúa Trời thôi thì chưa đủ, chúng ta cũng phải làm theo những gì Ngài bày tỏ với mình. Chúa Jêsus phán: “Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta” (Giăng 15:14). Chúng ta xây dựng mối quan hệ với Đức Chúa Trời khi vâng theo điều Ngài truyền dạy chúng ta làm.

6. Tôn cao Ngài và đừng tranh vinh hiển với Ngài

Khi Giăng Báp-tít được so sánh với Chúa Jêsus, ông không tìm vinh hiển cho mình, nhưng tôn cao Chúa Jêsus, ông nói: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; còn bạn của chàng rể đứng lắng nghe và rất vui mừng khi nghe tiếng của chàng rể. Đó chính là niềm vui trọn vẹn của tôi vậy. Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:29-30).

Bạn bè thường vui mừng cho nhau và muốn bạn mình thành công; niềm vui của bạn là niềm vui của chúng ta. Tình bạn chân thành không có sự tranh cạnh. Cũng vậy, khi vinh quang của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong một hoàn cảnh mà chúng ta có liên quan, chúng ta có vui mừng cho Bạn Hữu của mình không? Hay chúng ta muốn cạnh tranh với Ngài và hướng ánh đèn sân khấu đến mình?

7. Có tấm lòng thánh sạch và nói lời có ân hậu

Tôi thấy câu châm ngôn này khá thú vị: “Ai yêu tấm lòng trong sạch và môi miệng nhân hậu, sẽ được làm bạn của vua” (Châm. 22:11). Bởi vì Đức Chúa Trời là Vua của trời và đất, câu Kinh Thánh này cũng nói lên điều Ngài tìm kiếm ở một người bạn phải không?

Ai mà không thích đi chơi với những người bạn có lòng trong sạch và luôn có ân hậu trong mọi lời nói? Có lẽ, khi chúng ta tăng trưởng để trở nên người như thế, Vua sẽ vui thích tình bạn của chúng ta với Ngài.

8. Yêu mến Ngài không chút nao núng, trong sự mật thiết và sẵn sàng hy sinh

Yêu mến Đức Chúa Trời như một người bạn bao gồm việc yêu mến Ngài cách trung thành dù gặp khó khăn; yêu mến Ngài cách mật thiết và yêu mến Ngài đến nỗi hy sinh chính mình như Ngài đã yêu chúng ta.

Châm ngôn 17:17 so sánh tình bạn với tình anh em: “Bạn bè thương mến nhau luôn luôn, và anh em sinh ra để giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.” Bạn tốt luôn ở bên cạnh nhau, chứ không bỏ rơi nhau khi gặp khó khăn. Nhiều lần mối quan hệ của chúng ta với Chúa trải qua những lúc khó khăn. Chúng ta có yêu Người Bạn của mình không chút nao núng qua những lúc như thế này không?

Kinh Thánh cũng mô tả tình bạn là bức tranh đẹp về sự mật thiết, như trong tình bạn của Đa-vít và Giô-na-than: “Đa-vít vừa tâu với Sau-lơ xong thì tâm hồn của Giô-na-than kết chặt với tâm hồn Đa-vít, đến nỗi Giô-na-than yêu mến Đa-vít như chính mạng sống mình… Giô-na-than kết ước với Đa-vít, vì ông yêu mến Đa-vít như chính mạng sống mình” (I Sa. 18:1, 3). Tuyệt vời hơn vì nhờ Chúa Jêsus, giờ đây chúng ta được “kết hợp với Chúa” và “trở nên một tâm linh với Ngài” (I Côr. 6:17). Liệu chúng ta sẽ yêu mến Người Bạn của mình nhiều và mật thiết như vậy không?

Cuối cùng, tình yêu thương bạn hữu là hy sinh. Sau khi phán: “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13), Chúa Jêsus đã bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta bằng cách phó mạng sống mình trên thập tự giá, để chúng ta có thể cùng sống với Đấng Christ (Êph. 2:5).

Trong tình yêu mến dành cho Đấng Thiết Hữu, liệu chúng ta sẽ yêu mến Ngài trong sự hy sinh không? Ngài đã dâng mạng sống mình vì chúng ta. Nguyện chúng ta đáp lại tình yêu ấy bằng cách yêu mến Ngài hơn mạng sống mình, đến nỗi chẳng tiếc sự sống của mình cho đến chết (Khải. 12:11).

Vẫn còn nhiều điều tôi cần học khi tiếp tục suy ngẫm lời Kinh Thánh dạy về tình bạn với Đức Chúa Trời. Khi càng học biết về điều này, tôi vô cùng ngạc nhiên và biết ơn vì Vua của cả vũ trụ lại yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài muốn làm bạn với chúng ta. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng ngay cả khi tôi thờ phượng và tôn kính Ngài, tôi vẫn có thể đến gần Ngài như người bạn thân nhất. Tôi có thể tâm sự với Ngài mọi lúc, và Ngài cũng muốn chia sẻ tấm lòng Ngài với tôi. Trong Chúa Jêsus và chỉ qua đức tin nơi Ngài, tôi mới có thể đến gần Đấng Thiết Hữu trước ngai Ngài với sự tự do và lòng tin quyết (Êph. 3:12; Hêb. 4:16).

Bạn sẽ tham gia cùng tôi trong hành trình xây dựng tình bạn với Đức Chúa Trời chứ? Chúng ta được thông công với Ngài khi dâng cuộc đời mình cho Ngài – theo Ngài, phục vụ Ngài và “yêu mến Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ bằng tình yêu bất diệt” (Êph. 6:24).

Không có tình yêu nào vĩ đại hơn tình yêu của Ngài đến nỗi chúng ta có thể dâng cả cuộc đời mình cho Đấng Thiết Hữu đầy yêu thương.

Đọc các bài viết khác tại:https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/