Đọc Kinh Thánh: I Ti-mô-thê 6:20-21

Khi kết thúc bức thư gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô nhắc lại những điều mà ông đã nói trước đó bằng cách tập trung vào hai động từ.

Đầu tiên, Ti-mô-thê phải “tránh” khỏi những tri thức sai lạc, những giáo lý sai lầm và những điều không giúp ích cho đức tin (c.20). Các học thuyết sai lạc thường xuất hiện ở hình thức hấp dẫn. Ở Ê-phê-sô, nó đến trong vỏ bọc của “tri thức”. Nó hợp thời với các triết gia và các giáo sư lưu động để khoe khoang những triết lý của họ, cũng như tri thức huyền bí và mới lạ của họ. Các giáo sư giả ở Ê-phê-sô cũng đang làm như vậy, họ truyền đạt những tri thức được kể là vô ích, chỉ là “những lời nhảm nhí phàm tục” (c.20). Thật vậy, những tri thức vô ích này rất nguy hiểm cho đời sống thuộc linh bởi vì nó thường khiến mọi người lầm lạc. Các Cơ Đốc nhân mắc bẫy mà mù quáng tin vào đó đã “đánh mất đức tin” (c.21). Vì muốn có thứ “tri thức” này mà họ đã đánh mất đức tin ban sự sống trong Đấng Christ.

Thước đo để đánh giá bất kỳ sự dạy dỗ nào không phải là nó hấp dẫn thế nào, mà là nó có đúng không. Tính chân thật của nó sẽ luôn được đo lường bằng sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Sự dạy dỗ sai lạc có lẽ sẽ hấp dẫn với nhiều người hơn và được yêu mến hơn, nhưng những đầy tớ trung thành của Đức Chúa Trời đừng bao giờ cho phép chính mình bị cám dỗ mà dao động trong lòng tin đối với giáo lý chân chính. Là một đầy tớ trung thành, Ti-mô-thê cần làm gương cho bầy chiên của mình trong vấn đề này.

Động từ thứ hai là “giữ lấy”. Với cùng năng lực đã được sử dụng để tránh khỏi sự quyến rũ của giáo lý sai lạc, Ti-mô-thê phải bảo vệ những điều đã được giao phó cho ông, tức là Phúc Âm của Chúa Jêsus Christ. Ông phải nắm chắc điều đó trong sự giảng dạy của mình, bảo vệ nó và rao truyền nó. Để làm được điều đó, Ti-mô-thê phải cảnh giác, thận trọng không chỉ trong suy nghĩ và sự dạy dỗ của mình, mà còn thận trọng trước những điều mà người khác dạy dỗ trong hội thánh, bao gồm những điều mà các tín hữu đang thảo luận với nhau.

Bằng cách tránh khỏi và giữ lấy, Ti-mô-thê sẽ là người đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời và là một mục sư đáng tin cậy mà Đức Chúa Trời sẽ sử dụng để xây dựng hội thánh Ngài. Ti-mô-thê sẽ không thể làm điều này bằng sức riêng, mà chỉ bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà thôi (c.21).

Suy ngẫm

Hãy thử liệt kê ví dụ về những điều sai lạc được gọi là “tri thức” ngày nay? Những tri thức sai lạc của thế gian thường len lỏi vào hội thánh bằng những cách nào?

Chúa giao phó cho bạn trách nhiệm gì? Bạn đang bảo vệ điều đó như thế nào?