Đọc Kinh Thánh: I Ti-mô-thê 1:12-17

Giáo lý chân chính trong Phúc Âm của Đấng Christ sản sinh ra những cuộc đời được biến đổi cách kỳ diệu. Chính Phao-lô là một thí dụ tuyệt vời. Ông thừa nhận rằng trước đây, khi chưa biết Chúa, ông đã từng là “một kẻ phạm thượng, bắt bớ, xấc láo” (c.13). Là một người Pha-ri-si nương cậy vào sự công chính riêng (Phi-líp 3:5), tự hào về lý lịch tôn giáo và sự nhiệt huyết của chính mình, ông nghĩ rằng mình đang phục vụ Đức Chúa Trời. Nhưng ông đã khốn khổ vì thiếu hiểu biết (ông không biết Chúa Jêsus là ai) và vô tín (ông không nghiêm túc suy xét những thông tin mà ông nghe được về Chúa Jêsus). Kết quả là ông trở nên một người bắt bớ Cơ Đốc nhân cách dữ tợn.

Nhưng Đức Chúa Trời đã bày tỏ ân điển và lòng thương xót của Ngài trên Phao-lô (c.13,14,16), biến đổi ông và khiến ông trở thành một sứ đồ đặc biệt. Những sự lựa chọn đầy ân điển của Đức Chúa Trời thật là mầu nhiệm bởi chúng thường xảy đến với những người hầu như không thể. Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn bạn và tôi để làm con cái Ngài?

Có thể lắm trong tiến trình của đời sống Cơ Đốc, chúng ta quên mất Chúa đã thương xót đối với chúng ta thể nào. Có lẽ chúng ta bắt đầu cho rằng Đức Chúa Trời thật may mắn khi có chúng ta trong vương quốc Ngài! Trong trường hợp của Phao-lô, càng già đi, ông càng nhận thức tình trạng tội lỗi của mình và biết mình cần được Chúa tha thứ và thương xót. Vì vậy, dù ông đã tranh biện trong một thư tín (được viết năm 49 SC) rằng ông cũng là một sứ đồ tốt như bao sứ đồ khác (Ga-la-ti 1:1, 2:11), nhưng sáu năm sau đó, ông đã mô tả chính mình là “hèn mọn nhất trong số các sứ đồ”, thậm chí “không đáng được gọi là sứ đồ” (I Cô-rinh-tô 15:9). Sau đó 5 năm, ông lại xem mình “là người hèn mọn nhất trong tất cả các thánh đồ” (Ê-phê-sô 3:8). Cuối cùng, trong I Ti-mô-thê (bốn năm sau đó), Phao-lô đã nói về mình rằng “trong những tội nhân đó, ta là người đứng đầu” – không phải một lần mà đến hai lần (I Ti-mô-thê 1:15-16).

Càng hiểu biết về Chúa, Phao-lô càng trở nên khiêm nhường hơn – một dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ ông đang gần Chúa hơn. Hãy lưu ý lời mô tả của Phao-lô về sự uy nghi và vinh quang của Chúa (c.17) và “sự nhẫn nhục trọn vẹn của Đấng Christ” (c.16). Là người nhận ân điển và ơn thương xót biến đổi của Đức Chúa Trời, Phao-lô tin chắc rằng Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của tội nhân (c.15). Vì vậy, ông đã hoàn toàn tận hiến cho việc rao giảng Phúc Âm (c.12).

Suy ngẫm

Theo bạn, tại sao Phao-lô xem mình là người tồi tệ nhất trong những tội nhân? Bạn có cảm thấy giống như ông không? Có phải tội nhân xấu xa nhất sẽ biết ơn về lòng thương xót của Chúa nhiều nhất không (Lu-ca 7:47)?

Sự hiểu biết của bạn về Chúa tăng trưởng hơn thế nào theo thời gian? Hiện tại bạn đã biết thêm điều gì về Ngài mà 5, 10 năm trước đây bạn không biết?