BA CÂU HỎI CẦN ĐẶT RA KHI ĐỌC KINH THÁNH

Bạn có bao giờ thấy việc đọc Kinh Thánh hơi có chút khó khăn, nhàm chán và khó hiểu không? Và cũng không phải vì chúng ta thiếu sự cố gắng. Người ta thay thế bản Kinh Thánh King James bằng bản Kinh Thánh hiện đại hơn, kèm thêm một quyển giải nghĩa Kinh Thánh và cuốn nhật ký đẹp, với hy vọng ghi lại mọi sự mặc khải hoặc mọi câu Kinh Thánh phán dạy chúng ta.

Tuy nhiên, quyển nhật ký vẫn trống rỗng và thời gian tĩnh nguyện nhanh chóng trở thành điều thứ yếu. Chúng ta bắt đầu tự hỏi: “Tại sao chúng ta lại phải đọc Kinh Thánh?”

Tuy nhiên, quyển nhật ký vẫn trống rỗng và thời gian tĩnh nguyện nhanh chóng trở thành điều thứ yếu. Chúng ta bắt đầu tự hỏi: “Tại sao chúng ta lại phải đọc Kinh Thánh?”

ĐỌC KINH THÁNH #1

1. Tôi mong đợi điều gì?

Chúng ta dễ xem việc đọc Kinh Thánh cũng như một công việc bình thường khác, một việc trong danh sách “những việc cần làm”. Và do đó, chúng ta tĩnh nguyện vì trách nhiệm và thường kỳ vọng rằng mình sẽ học được điều gì đó cụ thể. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta xem thời gian này là cách để phát triển mối tương giao với Chúa?

Xem việc đọc Kinh Thánh là thời gian chất lượng với Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng phải cố gắng đọc đủ, học đủ hoặc nhận được sự mặc khải giúp thay đổi thế giới. Điều này giúp chúng ta xem giờ tĩnh nguyện là cơ hội để kết nối không chỉ với món quà là Lời Chúa, mà còn với chính Chúa, là Đấng ban món quà đó – để đặt câu hỏi, chia sẻ những nghi ngờ và cầu nguyện khi chúng ta đọc Kinh Thánh.

Vì vậy, hãy theo đuổi mối tương giao sâu sắc hơn với Chúa bằng cách đọc Lời Ngài mà không phụ thuộc vào lịch trình, tin rằng khi chúng ta đến gần với Chúa và Ngài sẽ đến gần với chúng ta (Gia-cơ 4:8).

ĐỌC KINH THÁNH #2

2. Kinh Thánh dạy tôi điều gì về Chúa?

Nếu từ nhỏ đã tham gia lớp Trường Chúa Nhật, có lẽ chúng ta sẽ quen với bài thánh ca “Jêsus yêu tôi” và thuộc nằm lòng những câu chuyện Kinh Thánh nổi tiếng. Khi lớn lên và đọc lại những câu chuyện này, chúng ta dễ lướt qua trận chiến của Đa-vít và Gô-li-át, cũng như thời gian Giô-na ở trong bụng con cá lớn. Những câu chuyện đó dần trở nên quen thuộc và cũ kỹ đối với chúng ta.

Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta đọc những câu chuyện này và những câu chuyện khác Kinh Thánh với cái nhìn tươi mới, và tự hỏi xem những câu chuyện ấy cho chúng ta biết gì về Chúa? Sự thành tín và chu cấp của Chúa được bày tỏ thế nào trong cuộc đời đầy sóng gió của Giô-sép? Hãy suy nghĩ về sự khôn ngoan và lòng thương xót được bày tỏ trong những luật lệ thời Cựu Ước. Làm sao chúng ta có thể nhìn thấy ân điển và lòng thương xót của Chúa ngay cả trong hoạn nạn như tác giả Thi Thiên (Thi Thiên 116:3-6)?

Việc tìm kiếm những sự bày tỏ về bản tính của Chúa giúp chúng ta hiểu được ngay cả những phần khô khan, khó hiểu hay những phân đoạn quen thuộc của Kinh Thánh. Điều đó cũng chỉ cho chúng ta thấy bản chất tốt lành, yêu thương và không bao giờ thay đổi của Chúa, mang lại chỗ dựa vững chắc, đặc biệt khi chúng ta đọc những phân đoạn Kinh Thánh khó hiểu.

ĐỌC KINH THÁNH #3

3. Chúa muốn phán gì với tôi?

Chúng ta thường ao ước Chúa sẽ giáng xuống từ trời để giải đáp những vấn đề trong cuộc sống của mình. Nhưng dành thời gian đọc Kinh Thánh là một cách để lắng nghe Chúa – chỉ là không giống như cách chúng ta mong đợi. Chúng ta sẽ không tìm thấy tên cụ thể của công ty mà chúng ta nên (hoặc sẽ) làm việc, người mà chúng ta nên kết hôn hoặc những hướng dẫn từng bước về cách giải quyết tình trạng hỗn loạn trong gia đình của mình.

Nhưng Kinh Thánh vẫn sống động và linh nghiệm (Hê-bơ-rơ 4:12), chứa đầy những lời khôn ngoan, chẳng hạn như hãy yêu thương nhau (Giăng 13: 34-35), tha thứ cho nhau bằng lòng thương xót (Ê-phê-sô 4:32) và quan trọng nhất, hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời trước hết (Ma-thi-ơ 6:33). Và Kinh Thánh hướng chúng ta đến sự cầu nguyện và đến với Đức Thánh Linh để tìm kiếm sự hướng dẫn giúp chúng ta sống bày tỏ những điều này.

Khi đọc Kinh Thánh, hãy suy ngẫm về cách Chúa đang thúc giục chúng ta áp dụng sự khôn ngoan của Kinh Thánh vào một tình huống cụ thể trong cuộc sống của mình.

Kinh Thánh là quyển sách quan trọng làm thay đổi cuộc đời của chúng ta, vì qua đó chúng ta nhận biết tội lỗi của mình và được thay đổi. Nhưng hơn thế nữa, dành thời gian đọc Kinh Thánh sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta với Đấng Tạo Hóa khi chúng ta hiểu về Ngài hơn, Kinh Thánh cũng dẫn chúng ta đến với Chúa, là Đấng hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi (Hê-bơ-rơ 13:8).

Biên dịch: Nguyệt Ánh

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2020/03/3-questions-to-ask-yourself-when-reading-the-bible/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/