BẠN ĐANG KIỆT SỨC, CHÁN NẢN VÀ KHÔNG NGHỈ NGƠI ĐỦ?

Từ khi bắt đầu công việc trọn thời gian đầu năm nay, tôi đã phải vật lộn với khối lượng công việc lớn và thời gian làm việc kéo dài. Vì từ nhỏ đến giờ tôi chỉ tập trung học tập mà hầu như không phải làm gì cả, nên giai đoạn chuyển tiếp để làm người trưởng thành đã và đang rất vất vả đối với tôi.

Là một nhà báo truyền hình phải làm việc suốt 12 tiếng kể cả cuối tuần, tôi đã có lúc không có thời gian gặp gia đình mình, vì để có cái gọi là cuộc sống xã hội cũng là một đặc ân.

Tôi thường xuyên cảm thấy kiệt sức vì công việc và vì phải gặp gỡ, làm việc với quá nhiều người trong cuộc sống thường nhật. Do đó, những gì tôi muốn làm trong những ngày nghỉ là trốn trong phòng và tránh hết mọi liên hệ với con người. Tôi thèm khát khoảng thời gian của riêng tôi – chỉ có tôi, món kem của mình và bộ phim Downton Abbey, chỉ vậy thôi.

Nhưng tôi lại thấy có lỗi vì phớt lờ những thứ xung quanh mình. Vậy nên tôi đã sắp xếp gặp bạn bè và gia đình để lấp đầy những ô trống còn lại trên lịch của mình với nhiều buổi ra ngoài, tụ tập và hẹn hò hơn.

Khi nói đến việc nghỉ ngơi, tôi có khuynh hướng trở nên cực đoan, hoặc là cố gắng dành thời gian hẹn gặp gia đình, bạn trai hay bạn bè càng nhiều càng tốt hoặc là chẳng làm gì cả mà chỉ xem hết tập này đến tập khác bộ phim Downton Abbey cả ngày.

Nhưng dù là dành cả ngày nghỉ ở một mình trong phòng hay ra ngoài với người thân yêu, tôi chỉ thấy mệt mỏi vào cuối ngày như thể đã đi làm ngày hôm ấy vậy. Nó kiểu như càng được “nghỉ ngơi” thì tôi càng cảm thấy và mệt mỏi và căng thẳng.

Tôi sớm nhận ra được tình trạng kiệt sức kéo dài của mình và cảm giác không có đủ thời gian bởi vì tôi đang giải quyết sự mệt mỏi của mình sai cách (bằng việc dành thời gian lướt Facebook và Instagram).

Tôi đã không cho bản thân mình thật sự nghỉ ngơi – sự nghỉ ngơi được ban cho chúng ta đến từ Người Chăn của linh hồn chúng ta, Đấng ban cho sự bình an thật và sự an nghỉ luôn luôn (Giăng 14:27).

Suốt những tháng vừa qua, tôi đã cố gắng cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, và tôi đã học được hai bài học về việc nghỉ ngơi trong lối sống hối hả của chúng ta.

1. Chúng ta được dựng nên và được truyền lệnh để nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là một từ được lặp lại xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải nghỉ ngơi. Ngay từ lúc ban đầu trong Sáng Thế Ký 2:2-3, sự nghỉ ngơi được ưu tiên, như được phản ánh trong cách Chúa sáng tạo trong sáu ngày trước khi nghỉ ngơi – không phải vì Ngài cần nghỉ ngơi, mà để thiết lập tiêu chuẩn cho con người làm theo.

Trong Mười Điều Răn, Chúa đặt mạng lệnh nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát như một quy định của Luật Pháp: “Hãy nhớ ngày Sa-bát đặng làm nên ngày thánh” (Xuất. 20:8-11).

2. Chỉ duy Chúa Jêsus là sự an nghỉ của chúng ta

Nhưng e là chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi về thể xác nên trong Ma-thi-ơ 11:28-29, Chúa Jêsus kêu gọi: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ.”

Sự nghỉ ngơi tối thượng của chúng ta được tìm thấy chỉ trong Đấng Christ, Đấng mà chúng ta có thể trút bỏ mọi muộn phiền và gánh nặng của mình trên Ngài vì Ngài săn sóc chúng ta (I Phi-e-rơ 5:7). Không giống như trong Cựu Ước, ngày Sa-bát của người Do Thái được quy định và tuân theo cách nghiêm khắc, chúng ta có Chúa Jêsus là sự nghỉ ngơi Sa-bát của chúng ta và trong Ngài chúng ta vui hưởng sự an nghỉ – không chỉ mỗi tuần một lần, mà là luôn luôn.

Chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi trọn vẹn trong Chúa Jêsus – bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào (Xuất. 33:14). Vấn đề đặt ra là: An nghỉ trong Chúa Jêsus có nghĩa là gì? Câu trả lời đơn giản đó là cứ ở trong Ngài.

Cứ ở trong Chúa Jêsus có nghĩa là có chủ đích về cách chúng ta sử dụng thời gian rảnh (Ê-phê-sô 5:15-17). Nó có nghĩa là chọn dành thời gian với Chúa Jêsus và không phí phạm thời gian vào những thú vui vô bổ, tầm thường (Thi Thiên 101:3, 119: 37).

Cứ ở trong Jêsus có nghĩa là cư ngụ, chìm đắm và nán lại trong sự hiện diện của Ngài – bằng cách hướng về Ngài trong sự cầu nguyện, suy ngẫm Lời Chúa hoặc hát ngợi khen Ngài (Thi Thiên 27:4, Giăng 15:1-7, Phi-líp 4:8).

Tôi từng tranh chiến với cảm giác tội lỗi vì muốn, thậm chí là cần xem tập mới nhất của Modern Family hay cuộc phiêu lưu mới nhất của Conan ở Israel. Mặc dù không có gì sai trái hay xấu xa khi xem chương trình yêu thích hoặc lướt trang web yêu thích nhưng chúng ta cần cẩn thận xem chúng có chiếm hết thời gian của chúng ta với Chúa không.

Một cách hay để nhận biết điều này có xảy ra hay không đó là hãy hỏi bản thân mình: Tôi có khao khát dành thời gian để làm hay xem cái này hơn là dành thời gian với Chúa không?

Trong quyển sách Reclaiming Love: Radical Relationships in a Complex World, Giám đốc mục vụ Youth For Christ ở Sri Lanka, ông Ajith Fernando đã miêu tả những người đánh đổi hành vi vì bản thể của họ như sau:

“Họ trở thành những linh hồn thấp thỏm, sợ phải dừng hoặc làm chậm lại tốc độ điên rồ và hoạt động tất bật của mình. Họ làm việc mà không nghỉ ngơi vì cảm thấy rằng sự dừng lại sẽ khiến họ phải đối diện với sự trống rỗng trong tấm lòng. Để ngăn chặn điều này, mỗi khi dừng lại để nghỉ thì họ lao vào thế giới tưởng tượng được bày ra bởi truyền hình hoặc một số trò tiêu khiển khác. Những trải nghiệm này, có thể tốt nếu chúng ta thực hiện chúng với sự tiết độ, nhưng chúng sẽ không bao giờ là một thay thế cho sự yên tĩnh trong sự hiện diện của Chúa.”

Nếu như đoạn văn trên đang nói về bạn – như nó đã nói về tôi – thì có lẽ đã đến lúc để lùi lại một bước và làm theo điều tôi sắp nói. Hãy cầu nguyện cho tấm lòng của bạn, cầu xin Chúa ban cho bạn khao khát dành thời gian với Ngài và vui thích Ngài trong khoảng thời gian đó. Nếu điều này có tác dụng, hãy tìm một nơi yên tĩnh mà bạn có thể ở với Ngài mà không bị quấy rầy. Hãy mở Kinh Thánh và dầm thấm trong Lời Chúa. Hãy suy ngẫm và ghi chép lại những gì Chúa phán với bạn.

Những ngày này, khi tôi thấy cạn kiệt năng lượng, chán nản và cảm thấy không được nghỉ ngơi đủ, tôi đã rời xa máy tính và điện thoại của mình, rồi cầu nguyện. Tôi mở những bài nhạc thánh yêu thích. Tôi đọc Lời Ngài, thỉnh thoảng có thêm những bài tĩnh nguyện nữa. Có lúc tôi đọc những quyển sách bồi linh hướng tôi đến Đấng Christ. Tôi suy ngẫm, nói chuyện và tạ ơn Chúa dựa trên những gì tôi học được.

Tôi nhận ra rằng một buổi chiều trải qua theo cách này giúp linh hồn tôi được an nghỉ sâu hơn là dành cả ngày lướt những chương trình giải trí nông cạn. Và thú vị là khao khát lấp đầy bản thân bằng mạng xã hội của tôi đã giảm đến mức tôi cảm thấy chán mỗi khi xem chúng.

Có thể việc đọc Kinh Thánh sẽ vất vả và khó hiểu hơn việc xem những video trên mạng xã hội, nhưng đừng từ bỏ nỗ lực để bước vào sự an nghỉ của Ngài. Và khi làm vậy, chúng ta sẽ biết Chúa Jêsus thật sự làm tươi mới và thỏa đáp linh hồn của chúng ta theo cách mà không ai khác hay không điều gì khác có thể làm được (Giê-rê-mi 31:25).

Anh chị em thân mến, nếu bạn đang gặp khó khăn để được nghỉ ngơi mà không cảm thấy tội lỗi, thì tôi để lại cho bạn lời hứa này trong Ê-sai 26:3—“Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người tin cậy Ngài.” Hôm nay hãy hướng tâm trí lên Chúa và hoàn toàn tin cậy Ngài, để bạn có thể thực sự kinh nghiệm sự nghỉ ngơi và bình an, khi biết rằng Ngài quan tâm chăm sóc bạn.

Tác giả: Wendy Wong

Chuyển ngữ: Thiên Ái

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2017/11/are-you-burnt-out-bored-and-barely-rested/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/