BẠN LÀ KIỂU NHÀ TRUYỀN GIÁO NÀO?

Bạn có một người bạn tuyệt vời và bạn gặp người đó mỗi ngày ở trường hay nơi làm việc; tình bạn của bạn duy trì cả trực tiếp lẫn trực tuyến, và các bạn làm rất nhiều điều cùng nhau.

Tình bạn này quan trọng với bạn – quan trọng đến mức bạn bắt đầu nghĩ về cách để chia sẻ Chúa Jêsus cho người đó vì bạn muốn bạn mình biết đến Phúc Âm.

Nhưng bạn thấy khó để chia sẻ niềm tin với bạn của mình. Bạn ước mình có thể giống như mục sư – biết cách để hướng mọi cuộc trò chuyện đến Chúa Jesus, hoặc như một người bạn của bạn – dạn dĩ chia sẻ niềm tin với những người họ gặp. Kinh Thánh truyền dạy bạn “giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15), nhưng dường như bạn cảm thấy đó không phải là việc của mình.

Có thể bạn nghĩ rằng Kinh Thánh không dạy nhiều về phương cách để bạn chia sẻ niềm tin, nhưng khi tìm hiểu có thể bạn sẽ rất bất ngờ vì Kinh Thánh đưa ra những điều hữu ích hơn bạn nghĩ.

Dù bạn có tin hay không, hãy biết rằng có nhiều kiểu người truyền bá Phúc Âm và chúng ta không cần phải giống như mục sư hay bạn bè của mình trong việc chia sẻ Phúc Âm.

Hãy cùng đọc sơ lược về tiểu sử ba nhà truyền giáo trong Kinh Thánh – Ti-mô-thê, A-ri-tạc, Phao-lô – và biết đâu bạn có thể nhìn thấy chính mình trong ba nhân vật đó.

Ti-mô-thê – Nhà truyền giáo do dự

Ti-mô-thê là một lãnh đạo trẻ tuổi. Từ những lá thư Phao-lô gửi cho ông, chúng ta thấy rằng Ti-mô-thê là một nhà truyền giáo hơi do dự và Phao-lô đã luôn khích lệ và nhắc nhở Ti-mô-thê phải tự tin, mạnh dạn hơn (I Ti. 1:2-4 & 18-19, 4:11).

Tương tự như vậy, bạn biết công tác truyền giáo là quan trọng nhưng đôi khi bạn do dự bởi vì bạn cảm thấy không sẵn sàng hoặc không chắc chắn về cách mọi người sẽ phản ứng với những điều bạn nói. Có lẽ bạn không chắc mình có đủ hiểu biết về Kinh Thánh hay không hoặc cảm thấy lo sợ rằng người khác sẽ hỏi những câu mà bạn khó trả lời.

Nếu điều đó có vẻ giống bạn, thì bạn là Ti-mô-thê. Bạn luôn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ trong hành trình truyền giáo của mình, có thể bắt đầu với một, hai người bạn và theo thời gian bạn sẽ có được sự dạn dĩ cần có để nói về Chúa cho nhiều người hơn.

A-ri-tạc – Nhà truyền giáo bận rộn

Kinh Thánh không cho biết nhiều về A-ri-tạc, nhưng chúng ta có một thông tin rằng ông có thể giống như chúng ta khi Phao-lô bảo ông “chu toàn chức vụ đã nhận nơi Chúa” (Cô-lô-se 4:17). Một số học giả kết luận rằng có lẽ A-ri-tạc thường khó hoàn thành những gì ông đã bắt đầu.

Giữa những ngày bận rộn và nhu cầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn, bạn không chắc mình sẽ tìm thấy cơ hội để nói về Chúa. Hoặc nếu người bạn của bạn quan tâm đến Kinh Thánh, bạn không chắc mình sẽ sắp xếp được thời gian để cùng thảo luận với họ. Có lẽ bạn đã bắt đầu cuộc trò chuyện và bạn biết bạn cần tiếp tục, nhưng sự bận rộn đã ngăn trở bạn.

Nếu bạn muốn bắt đầu chia sẻ về Chúa cho người khác nhưng cuộc sống của bạn quá nhiều thứ cần làm, và có thể bạn hơi bận rộn và bị phân tâm, thì bạn là A-ri-tạc.

Việc giống như A-ri-tạc không có nghĩa là bạn luôn trong tình trạng quá bận rộn không thể chia sẻ Phúc Âm cho bạn bè – mà là bạn hoàn toàn có thể dành ra những khoảng thời gian nhỏ để chia sẻ về Chúa Jêsus.

Sứ đồ Phao-lô – Nhà truyền giáo sốt sắng

Sứ đồ Phao-lô được đề cập rất nhiều trong Tân Ước. Phao-lô dường như không bao giờ gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ để nói về Chúa Jêsus và công tác Ngài thực hiện trên thập tự giá. Tuy nhiên, ông cũng đã phải vượt qua một số khó khăn để trở thành nhà truyền giáo can đảm mà chúng ra thấy trong những trang Kinh Thánh.

Không phải lúc nào bạn cũng luôn biết được câu trả lời, nhưng bạn luôn sẵn sàng học hỏi. Nếu bạn là người sốt sắng chia sẻ Kinh Thánh và yêu thích những cuộc thảo luận về niềm tin với mọi người thì bạn khá giống Phao-lô. Nếu bạn thấy mình giống với sứ đồ Phao-lô, thì bạn là một người sốt sắng.

Sự sốt sắng và hiểu biết của bạn cũng có thể được sử dụng để giúp đỡ những người bạn Cơ Đốc khác đang trong tình trạng quá nhút nhát hay quá bận rộn; có lẽ bạn có thể gợi ý một vài lời khuyên để giúp họ chia sẻ về Chúa Jêsus cho người khác.

Bạn giống với nhà truyền giáo nào nhất?

Bất kể bạn có nhiều điểm tương đồng với nhà truyền giáo nào nhất, tất cả chúng ta đều có thể học hỏi để có những cuộc trò chuyện về niềm tin tốt hơn và phát triển kỹ năng truyền đạt khi có sự giúp đỡ và khích lệ đúng đắn.

Để xem bạn là kiểu nhà truyền giáo nào, hãy truy cập trang web Dive Deeper của City Bible Forum để làm bài trắc nghiệm về Truyền giáo. Khi kết thúc bài trắc nghiệm, bạn sẽ được kết nối đến những nguồn tài liệu phù hợp với bạn hầu trang bị cho bạn những công cụ cần thiết để chia sẻ Phúc Âm với bạn bè.

Về City Bible Forum, Úc

Tại City Bible Forum, chúng tôi hiểu rằng sống bày tỏ đức tin tại nơi làm việc không hề dễ dàng. Bạn muốn sống như một môn đệ đích thực của Chúa Jêsus. Bạn muốn trở thành người đại diện cho Chúa ở một thế giới đang tìm kiếm sự chắc chắn, ý nghĩa và mục đích. Chúng tôi giúp những Cơ Đốc nhân bằng cách tạo ra những không gian để chia sẻ niềm tin và trang bị những kỹ năng để họ thực hiện điều đó.

Chuyển ngữ: Gia Thịnh

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/09/which-biblical-evangelist-are-you/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/