“BẠN ỔN KHÔNG?”: 5 LÝ DO NGĂN BẠN THỪA NHẬN “TÔI KHÔNG ỔN”

“Bạn ổn không?” – đây là câu hỏi mà thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân sẽ hỏi chúng ta.

Chúng ta cảm động vì được quan tâm, nhưng nhiều khi lại không biết nên trả lời thế nào.

“Nếu tôi thừa nhận rằng mình không ổn, liệu họ có nghĩ rằng tôi là kẻ thua cuộc không? Rằng tôi là kẻ tinh thần bất ổn?” – chúng ta lo lắng.

Có nhiều lý do khiến chúng ta ngại nói ra rằng mình cần được giúp đỡ. Nhưng bạn ơi, bạn hoàn toàn có quyền nói rằng “tôi không ổn”.

Chúa rất quan tâm đến sức khỏe của chúng ta – bao gồm cả sức khỏe tinh thần. Vì vậy, hãy cùng nhau vượt qua những rào cản trong lòng mình, để cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khiêm nhường và niềm tin để trình dâng mọi gánh nặng của mình lên cho Ngài.

R U OK?-0

R U OK?-1

R U OK?-2

Chúng ta lo sợ rằng nếu nhờ người khác giúp đỡ, họ sẽ nghĩ rằng mình “kém cỏi” hay “thần kinh”, và vâng, chẳng ai thích bị phán xét cả.

Chúng ta biết rằng thế giới này không hoàn hảo vì tội lỗi, và điều đó gây ra những đổ vỡ trong cuộc đời. Những nỗi đau này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống, dù là thể xác, tâm lý hay tinh thần.

Nhưng bạn ơi, chúng ta không hề trở nên “kém cỏi” khi tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Đó chỉ đơn thuần là cách để chúng ta chấp nhận sự yếu đuối và bất toàn của một con người – và nhắc nhở chúng ta chạy đến bên Cha yêu thương – Đấng sẽ làm mọi điều trở nên trọn vẹn một ngày không xa.

R U OK?-3

Chúng ta lo sợ bị xem là “kém cỏi” vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội và trách nhiệm của chúng ta trong công việc, hoặc mọi người sẽ không “tin tưởng” giao phó những nhiệm vụ quan trọng cho chúng ta.

Có thể không dễ dàng để tìm được người thấu hiểu điều mà chúng ta đang trải qua, nhưng chúng ta không được dựng nên để sống đơn độc. Khi đọc những câu chuyện trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng mọi anh hùng đều có một người bạn đồng hành giúp họ vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ – Môi-se có A-rôn, Đa-vít có Giô-na-than và Phao-lô có Ti-mô-thê.

Tương tự như vậy, chắc chắn ngoài kia cũng có ai đó muốn giúp đỡ chúng ta trên hành trình chữa lành tinh thần. Không phải ai cũng hiểu được những gì chúng ta đang trải qua (và điều đó không sao cả!), nhưng hãy tin rằng Chúa sẽ đưa đến cho chúng ta những người “thấu hiểu”, những người luôn sẵn sàng khi chúng ta cần họ.

R U OK?-4

Chúng ta được dạy rằng nếu “cầu nguyện chăm chỉ hơn, tin cậy mạnh mẽ hơn, đọc Kinh Thánh nhiều hơn” thì những vấn đề tâm lý sẽ tự động biến mất. Hoặc chúng ta đã nghe lời chứng của những người từng thoát khỏi căn bệnh trầm cảm, lo âu ngay khi họ cầu nguyện. Vì vậy, chúng ta cũng làm tất cả những điều đó… nhưng mọi chuyện không diễn ra như mong đợi.

Đôi khi, những vấn đề tâm lý có liên quan đến môi trường sống của chúng ta (như chấn thương hay bất ổn từ thời thơ ấu), và không thể dễ dàng vượt qua những tranh đấu ấy chỉ bằng cách đọc nhiều Kinh Thánh hơn hoặc tin cậy nhiều hơn.

Điều này không có nghĩa là việc đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện không giúp ích gì cả – thực ra, đây là những kỷ luật thuộc linh tuyệt vời giúp chúng ta tập trung vào Đấng Christ, đồng thời định hình cách chúng ta phản ứng với những vấn đề tâm lý. Nhưng bên cạnh việc trông đợi Chúa Jêsus phục hồi hoàn toàn mọi đổ vỡ, chúng ta cũng nên khôn ngoan tìm kiếm những biện pháp hỗ trợ thiết thực để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, hầu cho những mảnh vỡ tinh thần có thể được hàn gắn trọn vẹn.

R U OK?-5

Người ta nói rằng bạn có một cuộc sống tốt đẹp, chẳng phải vất vả mà vẫn được ăn no mặc ấm, thế nên bạn không có gì để phàn nàn cả.

Bởi vậy, chúng ta cứ kìm nén cảm xúc mỗi khi cảm thấy buồn, bởi vì dường như chẳng có lý do gì để mà chán nản hay lo lắng cả, phải không?

Tiếc thay, chẳng ai được miễn khỏi những nỗi đau trong cuộc đời này. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy ngay cả chiến binh dũng mãnh Ê-li (I Các Vua 19:4-14) cũng phải trải qua những lúc suy sụp. Ông kêu cầu Chúa, Đấng đang dần phục hồi linh hồn ông.

Lo âu, trầm cảm là vấn đề vượt ngoài giới tính và nền tảng kinh tế xã hội, có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể xuất thân, gia đình. Vấn đề này xuất phát từ nhiều lý do phức tạp, vậy nên tìm kiếm sự giúp đỡ chính là bước đầu tiên để nhận diện những yếu tố đang tác động đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

R U OK?-6

Vậy thì rốt cuộc, “Bạn ổn không?”

Sau này khi ai hỏi bạn như vậy, hãy nhớ rằng dù câu trả lời là gì, thì bạn cũng chẳng có gì phải xấu hổ về khó khăn mình đang trải qua.

Trên hết, chúng ta có Chúa Jêsus, Đấng thấu hiểu chúng ta hơn bất kỳ người bạn hay chuyên gia tâm lý nào. Ngài đang giơ tay về phía bạn và hỏi rằng: “Con ổn không?”, để nhờ đó, chúng ta có thể gạt bỏ mọi ánh mắt kỳ thị, phân biệt đối xử hay phán xét, để nương tựa nơi vòng tay của Đấng hằng thấu hiểu chúng ta.

Nội dung & Minh họa: YMI x @verses_illustrated

Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/09/r-u-ok-5-reasons-why-its-hard-for-us-to-say-we-arent/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/