BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: CHÚA Ở ĐÂU TRONG TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU NÀY?

Nguồn: https://ymi.today/2020/11/climate-change-where-is-god-in-all-of-this/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Khi lớn lên, tôi vẫn luôn biết biến đổi khí hậu là có thật, không phải bởi vì những gì tôi xem trên tin tức, nhưng bởi vì chính tôi đã nhìn thấy những thiệt hại mà thiên tai gây ra. Sau cơn sóng thần châu Á năm 2004 ở Sri Lanka, tôi nhớ mình đã đi cùng với bố, lúc đó bố tôi là nhân viên từ thiện, đến miền bắc của đất nước nơi đang bị một phe khủng bố kiểm soát. Lúc đó tôi chín tuổi.

Người dân ở đó không chỉ đang khổ sở giữa cuộc nội chiến của đất nước, mà giờ đây họ cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn sóng thần. Nhà cửa bị phá hủy. Vô số gia đình và trẻ em thậm chí nhỏ hơn tôi phải sống trong những chỗ trú tạm thời, ngày càng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các nhân viên cứu trợ. Sự tàn phá của thiên nhiên và của cả xã hội đã khiến tôi tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép những đau khổ này xảy ra.

Vài năm sau đó, bố tôi đưa gia đình đến Thái Lan sinh sống, và tôi đã bị mắc kẹt trong trận lụt khủng khiếp năm 2011 ở Bangkok. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy sự bất công đau lòng mà thiên tai đã phơi bày. Trong khi phần còn lại của đất nước phải chịu đau khổ, chúng tôi, người dân Bangkok ở đằng sau những cái đập ngăn lũ được bảo vệ an toàn, vẫn giữ cảm giác sai lầm về sự bình thường của cuộc sống. Những sự bất tiện trước mắt mà tôi đối diện, nhưng hàng chất đống và không thể đi lại vẫn không thể so sánh với những người đã mất kế sinh nhai.

Sau này khi hiểu hơn, tôi biết những biến cố thời tiết này có thể dẫn đến những khủng khoảng chính trị và xã hội rất phức tạp. Chẳng hạn, cơn hạn hán nghiêm trọng ở Trung Đông là nhân tố chính làm bùng nổ phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Những cuộc biểu tình chính trị đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng của Syria. Năm 2015, khi tôi đến thăm mẹ ở Anman, tôi được biết rằng hơn 10% dân số ở đất nước Jordan là người dân Syria đến tị nạn. Nói cách khác, sự thờ ơ đối với môi trường đang vô tình làm tổn hại đến con dân Chúa.

Nhớ đến con người

Dù là những hiện tượng thời tiết cực đoan, hay thiếu hụt nước và lương thực, thì những tác động của khí hậu đang gây thiệt hại cho người nghèo. Mối quan hệ cá nhân với Chúa đã giúp tôi tin chắc rằng Ngài quan tâm đến những người đang chịu đau khổ, bởi vì Ngài cũng đau trong những lúc chúng ta đau đớn. Nhưng tôi vẫn thắc mắc: Chúa ở đâu trong tất cả những điều này? Là Cơ Đốc nhân, chúng ta nên đáp ứng thế nào với sự biến đổi khí hậu?

Đau buồn trước nỗi đau mà mình chứng kiến, tôi được thúc giục đào sâu hơn để tìm ra câu trả lời. Tôi cố gắng để hiểu những gì Lời Chúa nói về môi trường, sự biến đổi khí hậu và những gì tôi có thể làm để giải quyết vấn đề qua sự nghiên cứu và làm việc.

Từ hành động yêu thương của Ngài trong công tác sáng tạo (Sáng thế ký 1), đến sự nghỉ ngơi mà Ngài đã sắp đặt cho đất đai và con người trong năm hân hỉ (Lê-vi ký 25) và cuối cùng là sự giải hòa muôn vật trên trời và dưới đất dưới Đấng Christ (Cô-lô-se 1:15-20), Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về tình yêu của Đức Chúa Trời đối với cõi tạo vật. Kinh Thánh cũng cho biết kế hoạch của Ngài để cứu chuộc chúng ta và hành tinh này.

Những lẽ thật này giúp tôi thấy rằng công lý khí hậu không chỉ giới hạn ở trách nhiệm quản lý môi trường, mà còn về vấn đề cho người đói ăn, cho người khát uống và đón tiếp khách lạ (Ma-thi-ơ 25:35). Không có chỗ nào rõ ràng hơn trong trường hợp tị nạn vì biến đổi khí hậu. Chỉ trong năm 2019 đã có 5,1 triệu người phải di tản vì thiên tai. Đó là sự nhắc nhở rõ ràng rằng tham gia vào công lý khí hậu không chỉ là cứu trái đất mà là một cách để chúng ta thực hành điều răn lớn nhất “Yêu người lân cận như chính mình” (Mác 12:31). Bằng việc yêu thương những người bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều nhất, chúng ta đang bước theo Chúa Jêsus.

Biến niềm tin thành hành động

Tôi nhận ra rằng niềm tin và môi trường không hoạt động riêng lẻ. Càng nhận ra mối liên hệ thần học giữa hai vấn đề này, tôi càng tin chắc rằng Chúa kêu gọi chúng ta, những con cái của Ngài, đáp ứng với những vấn đề biến đổi khí hậu bằng hành động, thời gian và nguồn lực của mình. Dù là qua nghề nghiệp, công việc tình nguyện, ban cho hay cách sống hằng ngày, Chúa đang mời gọi chúng ta dự phần vào công tác giải hòa của Ngài.

Trong khi tôi vẫn đang vượt qua những vấn đề phức tạp theo cái nhìn của Kinh Thánh và thường tranh chiến để hiểu tội ác về biến đổi khí hậu, tôi đang cố gắng để thực hành niềm tin của mình bằng những bước thực tiễn, bắt đầu bằng việc: bớt sử dụng túi nilong, không ăn thịt trong Mùa chay, ưu tiên phương tiện giao thông công cộng. Tôi cũng bầu chọn những người lãnh đạo cam kết hành động vì khí hậu và xem xét nhà cung cấp năng lượng mà tôi sử dụng, và đánh giá những chính sách đầu tư nhiên liệu hóa thạch ở ngân hàng của tôi.

Việc xuất thân từ ngành kinh tế môi trường đã giúp tôi áp dụng những gì đã học vào công việc qua việc nghiên cứu về thích nghi khí hậu và tư vấn chiến lược khí hậu. Tôi cũng có cơ hội đồng sáng lập một mạng dưới khắp nước Anh, nơi tôi đang sống, dành cho những thanh niên Cơ Đốc tìm kiếm công lý khí hậu trong cộng đồng địa phương của mình. Chúng tôi tạo các “nhóm sống xanh” tại nhà thờ, trường đại học và nơi làm việc mà ủng hộ hành động thân thiện môi trường, giống như chuyển đổi nhà cung cấp năng lượng, đăng ký tham gia phong trào nhà thờ theo xu hướng sinh thái, và một số trong chúng tôi đang tham gia kêu gọi “Chúa Nhật khí hậu” ở nước Anh – một giờ nhóm dành riêng để thảo luận các sáng kiến về khí hậu khi nước Anh đăng cai COP26, hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu vào năm tới.

Khi càng có nhiều người được thuyết phục về việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tôi nhận thấy điều này bắt đầu tác động đến các chính sách ở cấp độ xã hội. Đối với một số quốc gia, sự khủng khoảng tài chính này là lúc để “xây lại tốt hơn” và tạo ra một trạng thái “bình thường mới” hỗ trợ môi trường tốt hơn. Từ việc tăng thói quen đi bộ trong thành phố, tăng ngày làm việc tại nhà, tôi hy vọng rằng thế giới hậu đại dịch Covid sẽ xanh hơn trước rất nhiều.

Nắm chắc niềm hy vọng đời đời

Tuy vậy, có những ngày tôi đã tự hỏi liệu những điều này có đáng không? Những nỗ lực nhỏ bé của tôi có tạo nên sự khác biệt nào không? Trong tiến trình giải quyết vấn đề khí hậu, chúng ta có đang quên ăn năn tội lỗi mình, lối sống chuộng vật chất đã đưa chúng ta vào mớ hỗn độn này ngay từ đầu? Giữa những câu hỏi chưa có hồi kết, tôi luôn trở về với niềm hy vọng đời đời đang chờ đợi chúng ta.

Có niềm hy vọng đời đời trong Đấng Christ không có nghĩa là sống cách bất cẩn, nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta rồi cũng sẽ rời trái đất mà đến thiên đàng. Lời Chúa cho biết rằng niềm hy vọng đời đời của chúng ta có liên quan đến hành tinh mà chúng ta sống: chúng ta sẽ trải qua cõi đời đời trong thế giới được phục hồi, được đổi mới. Việc chăm sóc hành tinh trong hiện tại là đầu tư vào tương lai sẽ đến, trời mới đất mới (Khải huyền 21), là nơi tất cả mọi thứ trong hành tinh đổ vỡ của chúng ta sẽ được làm mới.

Khi suy ngẫm Kinh Thánh, tôi thấy rằng Chúa không chỉ quan tâm đến con người, nhưng cũng quan tâm đến thế giới mà Ngài yêu mến (Giăng 3:16). Tấm lòng và công tác liên tục của Ngài để giải hòa muôn vật trên trời và dưới đất với chính Ngài (Cô-lô-se 1:15-20). Thật được an ủi khi biết rằng Ngài khóc cùng với chúng ta trước sự tàn phá của thế giới và chúng ta có sự đảm bảo đồng thời về ân điển và sự phục hồi của Ngài. Điều đó thôi thúc tôi trung tín trong những bước nhỏ bé hướng tới công lý khí hậu, bất kể kết quả ra sao.

Khi tôi dự phần vào công tác giải hòa này, Chúa đã dạy tôi không xem thường những điều nhỏ bé này. Những sáng kiến về công lý khí hậu mà Cơ Đốc nhân thực hiện có thể là cách truyền giáo gây ngạc nhiên và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Một khảo sát năm 2020 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã cho thấy gần một nửa số người trong độ tuổi 18-34 ở Mỹ nói rằng căng thẳng về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến họ. Tuy vậy, trong những lúc đau buồn này, một cách tiếp cận Cơ Đốc đối với biến đổi khí hậu đã giúp những người đang vật lộn với nỗi sợ hiện hữu có thể tìm thấy sự an ủi từ Đấng có quyền năng dẹp yên mọi bão tố (Mác 4:35-41). Đức tin đã giúp sự rên siết được bày tỏ trong cách tin kính và không tuyệt vọng trước vấn đề khí hậu.

Tất cả chúng ta đều mong muốn chứng kiến mối quan hệ phục hồi với Đấng Tạo Hóa và muôn vật của Ngài. Việc quản lý hành tinh và tìm kiếm công lý trong điều chúng ta nói và làm là cách để nếm trước lời hứa vinh hiển sẽ đến.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/