CÁCH ĐỂ BÀY TỎ NIỀM TIN CƠ ĐỐC TẠI NƠI LÀM VIỆC

Bày tỏ niềm tin Cơ Đốc ở nơi làm việc có thể là một điều đáng sợ. Nếu ai đó phát hiện ra chúng ta là Cơ Đốc nhân, họ sẽ mặc nhiên cho rằng chúng ta là những kẻ thù nghịch, cố chấp và phân biệt chủng tộc. Chúng ta thường sẽ lúng túng để bảo vệ quan điểm tôn giáo của mình. Vì vậy theo phản ứng tự nhiên, chúng ta muốn im lặng, không để ai biết mình là Cơ Đốc nhân và cố gắng tránh đề cập đến Chúa Jêsus.

Tôi là bác sĩ, làm việc vài ngày trong tuần ở bệnh viện (ngoài công việc mục vụ là làm diễn giả). Ngày nọ, có một cô điều dưỡng hỏi tôi: “Anh làm gì vào những ngày còn lại trong tuần?”. Tôi hít thở thật sâu rồi lẩm bẩm: “Tôi làm công việc Cơ Đốc trọn thời gian”. Cô ấy bối rối hỏi: “Nghĩa là sao anh?”

Tôi hít thở sâu hơn rồi lẩm bẩm: “Tôi chia sẻ cho mọi người nghe về Chúa Jêsus trong Kinh Thánh.”

Có một sự im lặng đến kinh ngạc. Nụ cười trên môi tắt hẳn và cô ấy bước đi. Cô ta phớt lờ tôi mấy tiếng sau đó.

Có một sự im lặng đến kinh ngạc. Nụ cười trên môi tắt hẳn và cô ấy bước đi. Cô ta phớt lờ tôi mấy tiếng sau đó.

Tôi nghĩ thầm: “Thôi rồi, mình đã làm cô ấy tức giận”.

Vài ngày sau, cô ấy lại gần nói chuyện: “Tôi là một Cơ Đốc nhân toàn thời gian, tôi đến nhà thờ mỗi Chúa nhật. Thực ra, tôi sẽ tham dự khóa bồi linh cuối tuần này”.

Lần này tôi nghĩ: “Wow, dù tôi là Cơ Đốc nhân, nhưng cô ấy lại không biết làm sao để nói cho tôi biết cô ấy cũng là Cơ Đốc nhân”.

Nếu chúng ta cảm thấy khó khăn khi tuyên xưng đức tin với Cơ Đốc nhân khác ở nơi làm việc, thì làm sao có thể chia sẻ niềm tin của mình với những đồng nghiệp chưa tin?

Tuy rằng chúng ta có mong muốn cháy bỏng để nói về Chúa Jêsus cho những đồng nghiệp chưa tin, chúng ta dành nhiều thời gian với họ nhưng lại không biết làm cách nào để bày tỏ niềm tin của mình.

Vậy, chúng ta có thể làm gì để chia sẻ về Chúa cho đồng nghiệp của mình mà không ngại ngùng? Đây là 3 bí quyết mà tôi học được:

CHRISTIAN AT WORK #1

# 1 – Tự hào về Chúa Jêsus ở nơi làm việc

Khi mới đọc, Ma-thi-ơ 10:32-33 có thể gây sợ hãi. “Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.” Vậy thì, nếu tôi chối Chúa ở nơi làm việc, thì Ngài sẽ chối tôi! Nhưng câu Kinh Thánh này cũng nói điều ngược lại, Chúa Jêsus tự hào nhận chúng ta trước mặt Cha Ngài. Ngài nói với Cha rằng: “Người này thuộc về Con, Con tự hào về họ.” Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể tự hào về Chúa Jêsus, Chúa với tôi và tôi với Ngài.

Đôi khi, việc bày tỏ niềm tin Cơ Đốc ở nơi làm việc là điều đáng sợ bởi vì chúng ta cảm thấy quá cô đơn. Việc đó giống như làm một cổ động viên đội Australian Wallabies trong trận bóng bầu dục rất được mong đợi, bị bao quanh bởi một biển người hâm mộ của đội New Zealand All Blacks.

Nhưng trọng tâm của phân đoạn này cho biết rằng chúng ta không đơn độc. Chúa Jêsus ở cùng chúng ta. Thật vậy, Chúa Jêsus tự hào ở cùng chúng ta tại nơi làm việc. Ngài khoe điều đó cùng Cha Ngài. Cũng vậy tại nơi công sở, chúng ta có thể tự hào khi được thuộc về Ngài. Điều này có nghĩa là gì?

Tôi nghĩ nó gần giống như việc tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm người đàn ông của gia đình. Không phải lúc nào tôi cũng như vậy. Tôi đã sống độc thân trong một thời gian dài. Tôi lái một chiếc xe thể thao 2 chỗ ngồi. Tôi dành hầu hết thời gian trên chiếc xe. Tôi ghé nhà người này, người kia vào giờ ăn tối để được mời ăn.

Giờ tôi đã là người đàn ông của gia đình. Và tôi tự hào về điều đó. Tôi không la lớn hay khoe khoang về điều đó. Tôi chỉ đơn giản muốn nói là nó toát ra từ con người tôi – trong cách tôi suy nghĩ, cư xử và nói chuyện.

Ví dụ như, nếu tôi được yêu cầu tăng ca, tôi sẽ nói rằng tôi không thể vì tôi đã hứa sẽ đưa vợ đi chơi vào dịp sinh nhật của cô ấy. Hoặc khi mọi người hỏi về hoạt động cuối tuần, tôi sẽ nói về trận bóng đá của các con. Hay khi có ai đó cần đi nhờ, tôi sẽ cho họ lên chiếc xe màu xám buồn tẻ của gia đình tôi – với ghế trẻ em, vỏ bánh kẹo và những vệt sô-cô-la.

Tự hào về Chúa ở nơi làm việc cũng vậy. Lòng yêu kính Ngài quá lớn đến nỗi tuôn tràn ra trong đời sống chúng ta. Chúng ta mạnh dạn đề nghị cầu nguyện cho ai đó khi họ chia sẻ nan đề họ đang gặp phải. Chúng ta không ngại nói mình chở con đến nhà thờ để con sinh hoạt với ban thiếu nhi vào tối thứ sáu. Khi ai đó hỏi tôi về kế hoạch cho lễ Phục Sinh, tôi sẽ nói về ý nghĩa đặc biệt của lễ Phục Sinh đối với Cơ Đốc nhân như tôi.

CHRISTIAN AT WORK #2

# 2 –Đừng chờ đợi sự trọn vẹn

Kinh Thánh nói rằng chúng ta đựng “của quý nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ uy quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 4:7). Câu Kinh Thánh này nói rằng Đức Chúa Trời mang Tin Lành đến thế giới này trong những chiếc bình đất sét tẻ nhạt, tầm thường – đó là chúng ta! Điều này có nghĩa là Ngài sử dụng chúng ta – không phải dù chúng ta yếu đuối, mà vì chúng ta yếu đuối – để chia sẻ Tin Lành cho bạn bè xung quanh.

Giống như những người lái mô tô thường chọn những chiếc xe độ – loại xe khá cũ, ồn ào, rỉ dầu và nhả rất nhiều khói. Họ có thể chọn những chiếc xe mạnh hơn, mới và nhanh hơn, nhưng điều đó lại không thú vị. Các tay đua nhìn thấy vẻ đẹp quyến rũ và phong cách của những chiếc xe chậm chạp, không đáng tin cậy đó.

Cũng giống như vậy, Ngài chọn sử dụng chúng ta để nói về Chúa Jêsus cho bạn bè xung quanh dù có những người tài năng và giỏi giang hơn nhiều.

Hầu hết mọi người cũng lo lắng rằng mình không đủ năng lực để nói về Chúa ở nơi làm việc. Chúng ta e thẹn, cảm thấy ngại ngùng và kém cỏi. Nhưng đó chính xác là lý do Chúa sử dụng chúng ta. Bất chấp những yếu đuối của chúng ta. Đúng hơn là bởi vì chúng ta yếu đuối.

Trong công việc của tôi tại mục vụ City Bible Forum, tôi thường gặp những người nói về Chúa cho bạn bè ở nơi làm việc. Họ là những người mời bạn bè chưa tin Chúa đến tham dự những sự kiện của mục vụ chúng tôi.

Nhưng khi nói chuyện với những người này, tôi nhận thấy họ vô cùng nhút nhát và không giỏi giao tiếp xã hội. Thường họ là nhân viên văn phòng, những người có địa vị thấp. Nhưng có lẽ đó là lý do tại sao họ lại là những người truyền bá Phúc âm hiệu quả nhất. Đức Chúa Trời sử dụng sự nhút nhát của họ – vì những người như vậy ít khi làm mất lòng người khác. Ngài sử dụng sự vụng về của họ – vì những người như vậy ít có khả năng trở nên thô lỗ, gay gắt, tự cho mình là đúng. Ngài sử dụng vị trí xã hội thấp kém của họ để người khác không cảm thấy bị ép buộc hay phải miễn cưỡng đồng ý một lời mời.

CHRISTIAN AT WORK #3

# 3 –Hỏi đồng nghiệp về tín ngưỡng của họ

Bạn có nhớ các thí nghiệm hóa học thời trung học không? Thường thì sẽ có sẵn tất cả thành phần để thực hiện phản ứng hóa học. Nhưng sẽ không có gì xảy ra cho đến khi ta thêm chất xúc tác, nó sẽ thúc đẩy các thành phần khác phản ứng.

Cũng tương tự như khi nói chuyện với đồng nghiệp về Chúa Jêsus, thông thường tất cả thành phần đã có sẵn: chúng ta có mối quan hệ, sự tin tưởng, tài nguyên con người. Nhưng sẽ không có gì xảy ra cho đến khi chúng ta hỏi một câu xúc tác để thúc đẩy cuộc trò chuyện lên cấp độ tiếp theo.

Ví dụ như, bạn sẽ hỏi: “Bạn có theo tín ngưỡng gì không?”, “Cha mẹ bạn theo đạo gì?”, “Điều tuyệt vời nhất trong tín ngưỡng đó là gì?”

Những câu hỏi này khơi gợi để họ nói về những điều tâm linh. Lúc này, chúng ta chỉ đơn giản lắng nghe để hiểu chứ không phản hồi. Mục đích để họ cảm thấy an toàn khi chia sẻ về những điều sâu thẳm và chân thực nhất đối với họ. Họ có thể bộc bạch mà không sợ bị phán xét; họ được lắng nghe và thấu hiểu.

Nếu chúng ta cho họ cảm giác an toàn khi chia sẻ về niềm tin của mình, sớm muộn gì họ cũng sẽ cởi mở để trò chuyện về niềm tin của chúng ta.

Trong vài tháng gần đây, tôi có hỏi đồng nghiệp về niềm tin Phật giáo của họ, lắng nghe họ nói về tôn giáo của họ, cũng như niềm tin đó có ý nghĩa thế nào đối với họ. Và hiện tại, họ bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi về niềm tin của tôi và cho phép tôi chia sẻ về Chúa Jêsus.

Việc chia sẻ về Chúa Jêsus ở nơi làm việc có thể đáng sợ – đặc biệt khi nơi đó đa dạng các thành phần và chúng ta không muốn đụng chạm đến ai. Hoặc chúng ta có thể nghĩ rằng mình chỉ có thể nói về Chúa khi mình là người hướng ngoại, có cuộc sống tốt đẹp, không phạm tội. Vì thế, chúng ta giữ im lặng và tránh nói về vấn đề niềm tin. Nhưng chúng ta không nên như vậy. Chúa Jêsus ở cùng bạn tại nơi làm việc, bạn không đơn độc đâu. Ngài tự hào về bạn, vì vậy bạn cũng có thể tự hào là con cái Ngài. Và Chúa muốn sử dụng chúng ta theo đúng con người của chúng ta – những bình đất sét bị vỡ – để chứa đựng và truyền bá Phúc âm của Ngài. Chia sẻ niềm tin ở nơi làm việc cũng không cần phải là một khoảnh khắc truyền giảng trịnh trọng. Nó có thể đơn giản như vầy: “Này, kể cho tôi nghe về đức tin của bạn đi” và cho họ cảm thấy thoải mái để chia sẻ.

Tác giả: Sam Chan

Về tác giả: Sam Chan (Tiến sĩ, Trinity Evangelical Divinity School), là một nhà truyền giáo cộng tác với City Bible Forum ở thành phố Sydney, nước Úc; nơi ông thường chia sẻ Phúc âm cho các giám đốc ngân hàng và luật sư trong lúc ăn sáng, các nhân viên vào giờ ăn trưa và sinh viên học sinh vào buổi tối. Ông làm diễn giả tại các hội nghị trên khắp thế giới về những chủ đề đạo đức, kể chuyện, biện giải niềm tin và truyền bá Phúc âm trong thời kỳ suy thoái của Cơ Đốc giáo. Tiến sĩ Sam còn chia sẻ về Chúa Jêsus cho thế giới hậu Covid trên những kênh khác như The Post-Covid Playbook, gần đây ông còn xuất bản cuốn sách mới, có tựa đề How to Talk About Jesus.

Chuyển ngữ: Huỳnh Kiên

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2021/05/how-to-come-out-as-a-christian-at-work/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/