CÁCH ĐỂ LẤY LẠI SỰ TỰ TIN SAU KHI LÀM VIỆC TRONG MÔI TRƯỜNG TIÊU CỰC
Việc tự vực bản thân dậy sau khi lòng tự trọng của chúng ta bị đánh đổ nhiều lần trong một môi trường làm việc độc hại thật không dễ dàng.
Những lời nhận xét tiêu cực từ vị sếp yêu sách, những tin đồn lan truyền bởi một số đồng nghiệp “đâm sau lưng” hoặc cảm thấy kiệt sức khi phải giải quyết những thách thức khó khăn trong công việc có thể khiến chúng ta tổn thương đến mức phải cân nhắc thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của mình – bất cứ điều gì để tránh phải quay lại lĩnh vực đó.
Tuy nhiên, khi dành một chút thời gian nghỉ ngơi và làm mới mình, kết nối với tình yêu thương và sự ấm áp từ Chúa, chúng ta sẽ có thể đứng dậy một lần nữa. Sự phục hồi không phải là điều xảy ra ngay lập tức, nhưng sau đây là một vài cách mà bạn có thể thực hiện để lấy lại sự tự tin của mình trong công việc.
1. Dành thời gian để nghỉ ngơi và làm mới mình
Chúng ta rất dễ bị cám dỗ để bắt đầu tìm kiếm việc làm ngay lập tức, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải dành thời gian để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, để những vết thương cũ không ảnh hưởng đến vai trò mới của mình.
Nếu tài chính cho phép, hãy đi đâu đó để nghỉ ngơi một thời gian ngắn. Nếu không, hãy dành một chút thời gian sau khi làm việc hoặc vào cuối tuần để tĩnh nguyện. Hãy dùng cơ hội này để chạy đến dưới chân Chúa Jêsus, Đấng đã phán rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).
Khi chúng ta trình dâng sự tan vỡ của mình cho Chúa trong lời cầu nguyện, để Ngài nhẹ nhàng dẫn dắt chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh hầu làm mới lại linh hồn chúng ta (Thi Thiên 23:1-3), cũng như hành động trên những điều khiến chúng ta tổn thương và hàn gắn những vết thương của chúng ta (Thi Thiên 147:3).
2. Suy nghĩ về những lĩnh vực tăng trưởng
Chúng ta rời bỏ môi trường làm việc độc hại với lời hứa rằng chừng nào còn sống, chúng ta sẽ không bao giờ nhắc đến nơi đó một lần nữa. Nhưng cố chôn giấu những ký ức đó vào sâu trong tâm trí không phải là việc làm khôn ngoan nhất hay lành mạnh nhất. Dù đau đớn hay sang chấn, chúng ta sẽ phải suy ngẫm về những gì mình đã học được từ kinh nghiệm đó. Đó cũng là bước quan trọng để được chữa lành và phục hồi.
Bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi như: Tôi đã học được gì cho bản thân tại nơi làm việc vừa qua – có thể là môi trường làm việc không phù hợp? Tôi đã đối diện với những thách thức nào? Tôi có thể nắm lấy lẽ thật nào nếu điều này xảy ra một lần nữa trong tương lai?
Hoặc, nếu đây đã là nơi làm việc “độc hại” thứ năm mà chúng ta từ bỏ, liệu chúng ta có thể thừa nhận rằng vấn đề nằm ở phía mình không. Có bất kỳ vấn đề hoặc phản hồi lặp đi lặp lại nào xuất hiện từ những nơi làm việc trước của chúng ta không? Điều gì khiến chúng ta không chấp nhận những phản hồi đó? Chúng ta có thể làm gì để thay đổi hành vi gây tổn hại này và phát triển từ đó?
Đây là lúc một người bạn đáng tin cậy hoặc một người hướng dẫn xuất hiện, dù là để giúp chúng ta gỡ bỏ mối hỗn độn của môi trường làm việc độc hại, nâng đỡ khi chúng ta bị chà đạp hết lần này đến lần khác hoặc để chỉ ra một cách thành thật nhưng đầy yêu thương những điều chúng ta không thấy, hầu cho chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta cũng có thể mời Đức Thánh Linh giúp “thử nghiệm con và biết tư tưởng con; thử xem con có lối ác nào không” (Thi Thiên 139: 23-24) và để Ngài cho chúng ta thấy cách chúng ta có thể hạ mình và tăng trưởng từ những kinh nghiệm đó.
3. Tiếp tục trau dồi kỹ năng
Môi trường làm việc độc hại có thể khiến chúng ta đặt dấu chấm hỏi về những khả năng hoặc nghi ngờ niềm đam mê của mình. Có phải, rốt cuộc chúng ta đã làm nhầm lĩnh vực?
Giờ đây, chúng ta được tự do để khám phá những lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng khác, phù hợp hơn với chính mình. Vì sao chúng ta không dành thời gian để trau dồi và tái khám phá những kỹ năng của mình trong một môi trường an toàn – chẳng hạn như làm tình nguyện viên?
Nếu một trang trại ở vùng quê đang tìm kiếm một kế toán (và nếu chúng ta giỏi về con số), tại sao không thử ngỏ ý giúp họ? Hoặc có thể chúng ta luôn yêu thích việc dạy học và điều này có thể trở thành cơ hội để dạy chữ hoặc dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng cao.
Chúng ta sẽ không thể biết được rằng những cơ hội này có thể đem chúng ta đến với những tình bạn mới, một sự nhận biết mới về mục đích hoặc thậm chí là một công việc mới.
4. Tiếp tục tiến về phía trước
Thật tuyệt vời! Khoảng thời gian chúng ta dành để nghỉ ngơi, suy xét và làm công việc tình nguyện đã rất hiệu quả và bây giờ chúng ta đã có một công việc mới, với mức lương cao hơn và thời gian làm việc cũng tốt hơn. Những tổn thương ở nơi làm việc cũ bắt đầu nổi lên và chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo lắng rằng nơi làm việc mới này cũng độc hại như những nơi trước đó.
Nhưng tin tức tuyệt vời là quá khứ không có quyền trên chúng ta. Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy quên những điều ở đằng sau và thay vào đó bươn theo những điều ở phía trước (Phi-líp 3:13). Vậy, hãy nắm lấy thách thức mới này với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì một khởi đầu mới. Con có một chút lo lắng nhưng con biết Ngài sẽ đi trước con và Ngài sẽ ở cùng con trong nơi làm việc mới này.”
Nếu cảm thấy căng thẳng và lo lắng, hãy thực hiện một số bài tập hít thở và quan sát mọi thứ xung quanh để nhắc nhở bản thân rằng chúng ta đang sống trong hiện tại.
5. Cầu nguyện và tìm những người hỗ trợ
Chúng ta đã vượt qua mốc thời gian thử việc ba tháng, tìm được một nhóm đồng nghiệp mới để cùng ăn trưa và một lần nữa, chúng ta lại làm rất tốt trong vai trò mới của mình.
Nhưng thay vì nhảy lên vui sướng, chúng ta lại bị tê liệt vì sợ hãi và nghi ngờ bản thân, tự hỏi liệu mình có đủ khả năng để làm tốt như vậy hay không. Rồi những bình luận tiêu cực từ các sếp cũ bắt đầu quay trở lại trong tâm trí chúng ta.
Khi điều đó xảy ra, hãy cầu nguyện và trình dâng nỗi sợ hãi của chúng ta cho Chúa, biết rằng ân điển của Ngài đủ cho sự yếu đuối của chúng ta (II Cô-rinh-tô 12:9). Chúng ta cũng có thể thử thách lối suy nghĩ của bản thân và ngăn chặn những suy nghĩ phê phán đó bằng cách đánh hạ chúng (II Cô-rinh-tô 10:5). Đừng ngại tìm đến bạn bè, thành viên trong gia đình và những người thân yêu để họ cầu thay cũng như hỗ trợ chúng ta. Họ có thể mang đến những cái nhìn sâu sắc và sự khôn ngoan giúp chúng ta bắt đầu hành trình mới của mình một cách tốt đẹp!
Nhưng chúng ta biết rằng, với sự giúp đỡ của Chúa và những người thân yêu đáng tin cậy, chúng ta có thể phục hồi và lấy lại sự tự tin trong công việc.
Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2021/04/how-to-regain-your-confidence-after-a-toxic-work-environment/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/