CÁCH GÓP Ý VÀ ĐÓN NHẬN LỜI GÓP Ý TRONG TINH THẦN HÒA NHÃ

Chắc hẳn, chẳng có ai trong chúng ta thích bị chỉ trích cả, và chúng ta cũng thật dễ phản ứng lại với những sự phản hồi mang tính tiêu cực từ người khác. Thay vì lắng nghe người khác nói, theo bản năng, chúng ta sẽ phản ứng lại ngay với những lý do của mình để chứng minh điều mình làm là đúng.

Trọng tâm của vấn đề có lẽ là chính tấm lòng của chúng ta – cách chúng ta nhìn nhận về chính mình trong mối liên hệ với công việc của chúng ta.

Khi chúng ta nhận định giá trị của chính mình dựa trên những thành tích mà chúng ta đạt được, sự thành công hay sự thất bại trong công việc trở nên thước đo cho sự thành công hay thất bại của chúng ta.

Điều này tự nhiên khiến chúng ta phản ứng lại với những lời chỉ trích, sau đó trở thành một sự công kích cá nhân.

Dưới đây là hai điều có thể giúp chúng ta tiếp nhận những sự góp ý một cách tích cực hơn:

HOW TO GIVE-1

1. Hãy nhớ địa vị thật của mình

Địa vị của chúng ta là những gì Đức Chúa Cha phán về Đức Chúa Con và tất cả những ai ở trong Ngài—rằng chúng ta là con cái được Ngài yêu thương và chấp nhận, bất kể công việc của chúng ta là gì (Ma-thi-ơ 3:17; Cô-lô-se 3:1, 3, 12).

Địa vị này không phụ thuộc vào những thành tựu hay thất bại của chúng ta, bởi đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời mà chúng ta nhận được qua đức tin.

Sẽ thật hữu ích nếu mỗi ngày chúng ta tạm dừng lại và nhắc nhở chính mình về lẽ thật này, đặc biệt là khi chúng ta sắp sửa nhận những lời đánh giá hoặc phê bình về công việc của mình. Việc chúng ta tiếp nhận lẽ thật này giúp chúng ta ghi nhớ rằng dù người khác có nói gì, tốt hay là xấu thì điều đó cũng không thể nói lên danh tính thật của chúng ta. Điều này sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn trong việc tiếp nhận những sự phản hồi từ người khác mà không cảm thấy mình bị công kích.

HOW TO GIVE_2

2. Hãy nhớ kết quả là sự tăng trưởng

Việc ghi nhớ điều này sẽ làm dịu lòng chúng ta khi phải nghe những điều khó nghe nhưng hữu ích từ người khác, đặc biệt là từ những người nói ra vì yêu thương và quan tâm đến chúng ta (Châm Ngôn 27:6; 27:9, 17).

Điều này không có nghĩa là chúng ta phải đồng ý với mọi lời phê bình mình nhận được, mà học để hòa nhã và khiêm nhường lắng nghe xem có điều nào đúng và xem thử mình có thể cải thiện và tăng trưởng thế nào.

Vậy còn khi chúng ta đưa ra lời phê bình hoặc góp ý với người khác thì sao?)

Một lần nữa, địa vị của chúng ta trong Đấng Christ là điều quan trọng. Việc nhận ra giá trị của mình đến bởi sự ban cho của Chúa sẽ khiến chúng ta khiêm nhường. Chúng ta không có điều gì đáng để lên mình kiêu ngạo cả.
Hãy ghi nhớ rằng chúng ta là tội nhân được cứu bởi ân điển sẽ thôi thúc chúng ta sống bày tỏ ân điển của Chúa cho tất cả mọi người và đón nhận nhiệm vụ này với một tinh thần khiêm nhường.

Dưới đây là 3 bước để đưa ra lời góp ý một cách khiêm nhường và hòa nhã:

HOW TO GIVE_3

1. Hãy hỏi, đừng giả định

Có thể chúng ta chắc chắn rằng ai đó đã phạm phải sai lầm thật sự, họ có điểm yếu hoặc điểm mù nào đó cần phải giải quyết. Tuy nhiên, với một thái độ đầy hòa nhã có nghĩa là chúng ta sẽ bắt đầu bằng một câu hỏi thay vì một lời buộc tội. Ví dụ như: “Tôi nghĩ có thể là như vậy, bạn nghĩ thế nào?”

Điều này hữu ích vì nhiều lý do. Trước hết, nó bày tỏ sự khiêm nhường – chúng ta nhận biết rằng lời phê bình hoặc sự góp ý của mình có thể sai! Thứ hai, điều này giúp cho người kia từ từ nhận ra điều sai trật hoặc điểm yếu của mình, nhờ đó họ sẽ không cảm thấy bị công kích.

Khi học cách đưa ra câu hỏi một cách nhẹ nhàng, chúng ta đang làm giống như cách Chúa tỉa sửa chúng ta – đầy kiên nhẫn. Đức Chúa Trời đầy nhân từ và thương xót trong việc sửa dạy con cái Ngài, đôi khi phải mất nhiều năm để thay đổi chúng ta bởi Thánh Linh Ngài (Rô-ma 2:4; I Ti-mô-thê 1:16; II Phi-e-rơ 3:9, 15).

Nếu như Cha Toàn Hảo còn rất nhân từ trong việc tỉa sửa chúng ta, thì chúng ta là những con người đầy khiếm khuyết càng cần phải học theo cách của Ngài khi đưa ra góp ý cho người khác biết dường nào.

HOW TO GIVE_4

2. Lắng nghe và đáp ứng cách phù hợp

Khi bắt đầu bằng câu hỏi, chúng ta cần lắng nghe câu trả lời của người kia rồi đáp ứng một cách phù hợp (Châm Ngôn 10:19, 18:2; Gia-cơ 1:19).

Một cách để cho thấy rằng bạn đang lắng nghe đó là nhắc lại những gì bạn nghe bằng ngôn từ của bạn – điều này đảm bảo rằng bạn hiểu đúng vấn đề.

Nếu người đó thừa nhận họ đã biết thì có lẽ bạn không cần phải nói thêm để nhấn mạnh sai lầm đó nữa mà có thể đưa ra một số phương cách mang tính xây dựng.

Hoặc nếu đó là điều mà họ không biết là họ cần nghe, có lẽ bạn cần làm rõ vấn đề hơn một chút. Hãy cho họ cơ hội để đặt câu hỏi và làm rõ, thậm chí có thể là không đồng ý với bạn vì xét cho cùng, có thể bạn không có được bức tranh toàn cảnh.

Nếu sau tất cả, họ bác bỏ lời góp ý của bạn, thì không sao cả. Hãy nhớ rằng công việc của bạn không phải là ép buộc họ chấp nhận lời góp ý. Đó không phải là một cách tiếp cận khiêm nhường và hòa nhã.

Thay vào đó, hãy vui vì bạn dám bày tỏ mối bận tâm của mình và dám đưa ra sự góp ý. Còn đáp ứng tùy thuộc ở họ.

HOW TO GIVE_5

3. Sự thay đổi cần thời gian

Chúng ta thường hy vọng rằng lời góp ý hoặc phê bình của mình sẽ mang đến một sự thay đổi ngay tức thì trong tấm lòng cũng như cách hành xử, nhưng thực tế là sự thay đổi thường chậm hơn và đến một cách từ từ. Đã bao nhiêu lần bạn nhận được lời góp ý và bạn phản bác nó ngay lập tức, chỉ để nhận ra sự thật trong đó sau khi suy nghĩ về những gì mình nghe? Điều tương tự cũng áp dụng ở đây—ai biết được người đó sẽ nhận ra điều gì trong vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần tới.

Trên hết, hãy giao phó kết quả cho Chúa vì Ngài là Đấng tể trị. Chúng ta có thể phó thác cho Chúa biết rằng chúng ta đã hoàn thành trách nhiệm khiêm nhường đưa ra lời góp ý hòa nhã.

Cho dù chúng ta là người đón nhận lời góp ý hay là người đưa ra lời góp ý thì cả hai điều này đều vô cùng thách thức (và có thể cũng không mấy thoải mái). Nhưng khi chúng ta nhắc nhở bản thân rằng địa vị của chúng ta chính yếu là ở trong Đấng Christ, thì việc học cách đưa ra và đón nhận sự góp ý một cách tích cực sẽ giúp chúng ta trở nên giống Đấng Christ càng hơn, trong ân điển và sự khiêm nhường.

HOW TO GIVE_6

Nội dung & Minh họa: YMI

Chuyển ngữ: H’rah Kpa

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/08/how-to-give-and-receive-feedback-with-grace/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/