CÁCH THỂ HIỆN SỰ BẤT ĐỒNG TRÊN FACEBOOK

Trong suốt thời đại học, tôi đã góp phần trong vai trò lãnh đạo mục vụ sinh viên. Một lần nọ, tôi đã tranh cãi với một người trong nhóm lãnh đạo. Không hiểu sao tôi đã mất bình tĩnh và quát cô ấy trước mặt các thành viên khác và các sinh viên. (Vâng, thật là một hành động tồi tệ. Tôi biết! Tôi đã xin lỗi và chúng tôi đã giải quyết vấn đề. Chúng tôi vẫn là bạn cho đến ngày nay).

Tôi tự hỏi các sinh viên đã nghĩ gì về điều đó. Có lẽ các em đã cảm thấy vô cùng khó xử khi chứng kiến cảnh hai người tranh cãi trước mặt nhiều người. Họ đã nghĩ gì? Và chúng tôi đã làm gương thế nào cho họ?

Tôi thỉnh thoảng cũng nghĩ về điều tương tự khi theo dõi cách các Cơ Đốc nhân ứng xử trên mạng.

Trong nền văn hóa mà mạng xã hội lên ngôi, chúng ta đang mất đi khả năng bày tỏ sự bất đồng một cách lịch sự. Chúng ta đang mất khả năng chấp nhận các ý kiến khác nhau với sự tôn trọng. Phần lớn cộng đồng của chúng ta dường như nghĩ rằng chúng ta không thể bày tỏ sự bất đồng với ai đó mà không dùng lời nói và thái độ để tấn công họ. Tuy nhiên, là những người theo Chúa Jêsus, chúng ta không thể rơi vào cái bẫy đó.

Mạng xã hội là một công cụ và nền tảng kết nối đáng kinh ngạc mà tôi biết ơn khi nghĩ về nó. Có lẽ bạn cũng vậy. Các nền tảng như Facebook và Twitter giúp tôi duy trì kết nối với bạn bè, với ban nhạc mà tôi thích và những nội dung giúp ích cho đức tin của tôi. Tuy nhiên, trong khi sử dụng các nền tảng này, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo rằng chúng ta thể hiện sự tôn trọng với mọi người và chúng ta đại diện cho Chúa Jêsus.

Trên mạng xã hội, một cuộc tranh cãi công khai giữa các lãnh đạo mục vụ có thể được theo dõi bởi nhiều người. Chúng ta có thể đang nêu gương cho cả thế giới, và họ sẽ rút ra kết luận gì về chúng ta hoặc Đấng Cứu Rỗi của chúng ta? Cái giá là khá cao.

Làm thế nào chúng ta có thể giữ được lời chứng và những phẩm chất Cơ Đốc khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là khi chúng ta có sự bất đồng? Dưới đây là một số quy tắc có thể hữu ích cho bạn:

1. Xem trọng người mà bạn đang nói chuyện

Mỗi người mà chúng ta trò chuyện và nói về đều là những người được Đức Chúa Trời tạo dựng theo ảnh tượng của Ngài, được Đức Chúa Trời yêu thương. Họ được Ngài quý trọng đến nỗi Ngài đã sai Con Một của Ngài đến và chết thay cho họ, để phục hồi mối quan hệ của họ với Ngài.

“Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được.” (I Giăng 4:20)

Khi nói chuyện với người khác trên mạng, chúng ta có nhìn nhận giá trị của họ theo cách của Chúa không? Chúa sẽ cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy cách chúng ta cư xử với những đứa con yêu dấu khác của Ngài?

Đôi khi, chúng ta nói những điều trên mạng mà chúng ta sẽ không nói với người khác trực tiếp. Trước khi đăng bài, chúng ta có thể hỏi bản thân liệu chúng ta có nói theo cách này nếu đang trò chuyện mặt đối mặt với người đó. Liệu chúng ta sẽ gọi tên họ như vậy? Chúng ta sẽ xem nhẹ quan điểm của họ như vậy? Giọng điệu của chúng ta có gắt gỏng và trịch thượng như vậy không?

Hãy nhớ điều này: Cách chúng ta đối xử với mọi người là sự bày tỏ tình yêu của chúng ta với Chúa. Và Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài với mọi người qua cách chúng ta đối xử với họ. Ứng xử tốt với người khác trên mạng có thể là một hành động thờ phượng Chúa, cũng như là một lời chứng mạnh mẽ với người khác.

2. Lắng nghe trước khi nói

Tôi thấy điều này, và có lẽ bạn cũng thấy. Bất cứ khi nào mọi người có góc nhìn hoặc trải nghiệm cuộc sống khác, họ thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách bảo vệ quan điểm của họ. Họ thậm chí có thể bôi nhọ ý kiến và kinh nghiệm của người khác trước khi họ nghe điều đó.

Chúng ta thấy điều này lặp đi lặp lại khi mọi người nói về các vấn đề chủng tộc, chính trị, thần học,… và danh sách này còn rất nhiều.

Kinh Thánh kêu gọi những người theo Đấng Christ hướng đến một cách tiếp cận hoàn toàn khác.

Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều nầy: Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 1:19-20)

Lắng nghe trước khi nói. Hãy nghe người khác nói. Hãy nghĩ điều tốt nhất về họ. Nghe để học và hiểu, không chỉ để trả lời. Lắng nghe mà không ngắt lời.

Trong văn hóa của chúng ta, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng người chúng ta đang trò chuyện là không có gì giá trị để đóng góp ngay cả trước khi chúng ta nghe họ trình bày. Chúng ta quá háo hức để thể hiện quan điểm của mình đến nỗi không quan tâm đến ý kiến của người khác. Chúng ta nghĩ điều mình nói quan trọng hơn điều người khác nói. Nhưng chúng ta đừng sống theo tiêu chuẩn của đời này, mà hãy sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh.

Khi bình luận trên mạng xã hội, tôi thích đề cập tên của họ khi tôi trả lời. Tôi cũng thích bắt đầu bằng cách khẳng định rằng tôi đồng ý điều họ nói hoặc điều họ nói khiến tôi phải suy nghĩ, ngay cả khi sau đó tôi bày tỏ sự không đồng ý trong bình luận của mình. Việc nói cách cá nhân và bắt đầu bằng sự khẳng định thể hiện sự nhân từ, khiêm tốn và thể hiện rằng chúng ta thực sự đọc và đánh giá cao ý kiến của họ.

Chúng ta có thể tránh được nhiều sự tức giận trong văn hóa, trong các cuộc trò chuyện và trên mạng xã hội chỉ bằng việc học cách “mau nghe, chậm nói”. Tôi tin rằng Chúa có thể sử dụng chúng ta để mang lại sự chữa lành và bình an cho những cuộc trò chuyện đầy thử thách, có thể gây chia rẽ nếu chúng ta học cách hạ mình, tôn trọng người xung quanh, biết lắng nghe trước khi nói.

3. Xây dựng, đừng hủy phá

“Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29)

Trước khi bình luận, đăng bài trên mạng xã hội, chúng ta có thể tự hỏi: Liệu điều tôi sắp nói có ích cho việc xây dựng người khác theo nhu cầu của họ không? Tôi có đang nói theo cách có lợi cho người đọc? Những phẩm chất này có thể hiện trong lời nói của tôi ngay cả khi tôi đang bày tỏ sự bất đồng không?

Tôi đã nhận được một số nhận xét gay gắt về các bài đăng trên blog mà tôi viết và điều mà tôi học được là hãy nói lời có ân hậu thay vì châm ngòi cho sự giận dữ và thù hằn. Khi ai đó bình luận với thái độ mỉa mai hoặc tức giận, hãy phớt lờ điều đó nếu cuộc trò chuyện không hữu ích, hoặc đáp lại bằng tinh thần ngược lại đó là sự tử tế. Nếu chúng ta ngừng cho thêm củi, lửa sẽ không tiếp tục cháy.

Cùng với đó, hãy biết khi nào nên dừng lại một cách tinh tế. Đôi khi các cuộc trò chuyện của chúng ta trên mạng xã hội vượt quá giới hạn lành mạnh và hữu ích trong bối cảnh của nó. Trong trường hợp đó, chúng ta nên chuyển các cuộc trò chuyện đó sang các kênh cá nhân hơn, chẳng hạn như tin nhắn riêng tư hoặc đối thoại trực tiếp, hoặc tránh xa chúng hoàn toàn với sự tôn trọng.

Chúng ta vẫn có thể tham gia mạng xã hội, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa và giữ những phẩm chất Cơ Đốc. Hãy làm gương cho những người khác trong cách chúng ta tham gia mạng xã hội. Tôi sẽ làm như vậy. Còn bạn thì sao?

Chuyển ngữ: Nhựt Hồng

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2017/11/how-to-disagree-on-facebook/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/