CHẾ NGỰ CÁI LƯỠI: 3 CÂU HỎI CẦN ĐẶT RA

Có lẽ, nhiều người trong chúng ta quen với câu ngạn ngữ cổ này: “Gậy và đá có thể làm gãy xương tôi, nhưng lời nói không bao giờ làm hại được tôi.”

Giáo viên môn văn học Anh của tôi từng phản đối câu nói trên. Cô ấy nói rằng: “Gậy và đá thật sự có thể làm gãy xương em, nhưng em sẽ phục hồi sau đó. Còn lời nói, nếu không được sử dụng cách cẩn thận và cân nhắc, thì đâm xuyên qua người tựa như con dao cứa vào trong tim.

Tôi nhớ mình đã bị sốc bởi lời minh hoạ về sức mạnh của ngôn từ. Nhưng giáo viên của tôi đã đúng. Kinh Thánh nhấn mạnh sức mạnh của cái lưỡi, nhận ra rằng dầu nó là một “bộ phận nhỏ”, nhưng nó “khoe khoang những việc lớn” (Giăng 3:5). Dầu nhỏ, cái lưỡi lại chứa đựng tiềm tàng để gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Chỉ một tia lửa nhỏ có thể làm bùng lên cơn hỏa hoạn thì cũng vậy, một lời nói thiếu suy nghĩ có thể gây nên sự hiểu lầm giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp.

Chỉ sau đó, tôi mới nhận ra rằng lời nói của mình đã thật sự gây tổn thương cho bạn tôi. Sự bất cẩn của tôi kèm với những lời nói nhẫn tâm được thốt ra không chỉ làm tổn thương những anh chị em cùng niềm tin, mà còn khiến cho những người không tin vấp phạm.

Vậy chúng ta phải bảo vệ tấm lòng và môi miệng mình khỏi những “lời xẳng xớm trêu thạnh nộ” thế nào? Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta phải để Chúa làm trung tâm đời sống của mình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải có tấm lòng và đáp ứng phù hợp với sự dạy dỗ của Chúa, bất luận hoàn cảnh có khó khăn ra sao hay chúng ta đang phải chịu những lời nói gây nhức nhối thể nào.

Tôi cũng đã học để tự hỏi bản thân ba câu hỏi này trước khi phản ứng lại những lời nói gây tổn thương:

1. Chúa muốn tôi đáp lại như thế nào?

Một trong hai lời dạy chính yếu mà Chúa Jêsus dạy các môn đồ là: “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta” (Giăng 13:34-35). Là người tin Chúa, chúng ta phải luôn bày tỏ tình yêu của Đấng Christ đối với nhau — không chỉ trong hành động, mà còn trong lời nói nữa.

Người ta thường nói rằng chúng ta nên “tha thứ và quên đi” để những tổn thương sẽ trôi vào dĩ vãng. Nhưng sự thật là rất khó để quên đi những lời mà người khác đã nói với chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng mỗi tình huống, dù khó khăn hay thù địch thế nào, đều mang đến cơ hội để chúng ta bày tỏ tình yêu và ân điển của Chúa cho người khác.

2. Chúa muốn tôi nói gì?

Chúng ta có thể thấy điều này trong Cô-lô-se 4:6: “Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thế nào với mỗi người.”

Bất luận ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta nên rèn tập sự kiên nhẫn, tình yêu thương, và sự ân hậu trong lời nói. Chúng ta cũng được khuyên dạy phải phản ứng theo cách tinh tế và khác biệt hầu thu hút nhiều người đến với Phúc Âm.

3. Chúa muốn tôi đáp lại khi nào?

Trong một vài tình huống, sự hiểu lầm tốt nhất nên được giải quyết ngay lập tức thay vì cứ để nó âm ỉ. Nhưng thông thường, khi đáp lại ngay lúc đó thì tôi dễ đưa ra những câu trả lời thiếu suy nghĩ và gay gắt. Tuy nhiên, nếu tôi cảm nhận được sự thúc giục êm dịu của Chúa để rút lui và cầu nguyện trước khi trả lời, tôi nhận thấy rằng lời nói phát ra từ môi miệng sẽ có tình yêu, lẽ thật và ân điển mà mang đến ích lợi hơn là gây tổn hại.

Vậy, chúng ta nên đáp lại khi nào? Điều này tùy thuộc vào mỗi tình huống. Đôi khi, chúng ta cảm thấy mình cần bình tĩnh lại trước, và cầu nguyện với Chúa để Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan và có sự xức dầu của Chúa trên môi miệng trước khi chúng ta nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, hay là người thân trong gia đình. Sau đó chúng ta có thể nhẹ nhàng trả lời riêng với người đã làm chúng ta tổn thương. Ma-thi-ơ 18:15 nói rằng: “Nếu anh em con có lỗi với con, hãy gặp riêng và nói cho người ấy biết điều đó. Nếu người ấy chịu nghe thì con được lại anh em”.

Đã có rất nhiều lần tôi vừa bất cẩn vừa nhẫn tâm trong lời nói của mình. Trong một vài trường hợp, tôi đã nhờ ơn Chúa để giải hoà với bạn mình; nhưng một vài trường hợp khác, tôi lại không thể. Tôi cầu nguyện rằng đến lúc thích hợp, tôi sẽ có thể tái xây dựng những tình bạn mà Chúa đã ban cho tôi.

Cái lưỡi của chúng ta, cùng với bản chất con người tội lỗi, có thể phá đổ và hủy diệt. Nhưng nếu chúng ta để Chúa làm trung tâm đời sống mình, thì môi miệng của chúng ta có thể xây dựng và gây dựng người khác, cũng như làm vinh hiển danh Chúa.

Chuyển ngữ: Hoàng Thi

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2015/09/taming-our-tongues-3-questions-to-ask/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/