CHIẾN ĐẤU VỚI LỜI NÓI DỐI “TÔI KHÔNG ĐỦ GIỎI”

Tôi ngồi khóc nức nở trong phòng tắm và có cảm giác như mình không thể nào thở nổi. “Ngươi không đủ giỏi” – câu nói ấy cứ thì thầm mãi bên tai tôi cho đến khi tôi chấp nhận: “Đúng vậy, mình chẳng giỏi gì cả”. Tôi bực bội và hét toáng lên, đấm tay vào tường rồi khóc lớn hơn nữa.

Tôi hiện đang là du học sinh tại Hàn Quốc. Sau kỳ nghỉ đông với gia đình tại Philippines, lẽ ra tôi đã có thể trở về trường và bắt đầu năm cuối của mình vào tháng 3 năm 2020. Nhưng bởi vì lệnh cấm di chuyển buộc tôi phải ở lại với gia đình mình. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải hủy bỏ mọi kế hoạch, bao gồm cả những dự án nghiên cứu, kỳ thực tập và cả vai trò lãnh đạo trong các tổ chức.

Tôi đã dành toàn bộ thời gian đầu của giai đoạn phong tỏa để hối hả tìm kiếm những cơ hội mới có thể thay thế cho những thứ mà tôi đã phải hủy bỏ. Nhiều ngày trôi qua mà tôi vẫn không tìm ra cơ hội nào, tôi dần chìm sâu vào nỗi lo lắng và sự tủi thân. Tôi bắt đầu tin rằng mình không có giá trị, không có ích và không có tương lai.

Trong nhiều tháng, tôi thức dậy với nỗi thất vọng tràn trề và tâm trí bị tê liệt bởi sự lo lắng, đến mức tôi đã khóc hàng giờ trên giường. Tôi tỏ vẻ khó chịu với gia đình mình và thậm chí có lúc nổi cơn thịnh nộ. Tôi ghen tị với bạn bè của mình, những người có thể trở về trường và tiếp tục các hoạt động thường lệ trước khi có lệnh phong tỏa.

Trong một khoảng thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ là một học sinh giỏi khi tham gia vào tất cả những hoạt động của trường. Tôi không biết rằng mình đã vô thức định hình giá trị bản thân bằng thành tích học tập, điều đã trở thành nguồn hứng khởi và an toàn tuyệt đối của tôi. Và khi không thể thực hiện những điều này, tôi cảm thấy mình thật kém cỏi.

Học cách tìm thấy giá trị của mình nơi Chúa

Tôi luôn muốn được làm bác sĩ. Tôi nghĩ cách chắc chắn nhất để thực hiện mục tiêu này đó là đạt thật nhiều thành tích, điều có thể giúp tôi có thêm nhiều cơ hội để vào trường y.

Nhưng khi tôi bận rộn với đủ loại hoạt động như thế, mối liên hệ của tôi với Chúa bị ảnh hưởng. Mặc dù tôi rất năng nổ phục vụ trong hội thánh, nhưng mối tương giao cá nhân của tôi với Chúa bị ảnh hưởng. Tôi dành ít thời gian để suy ngẫm lời Chúa. Tôi cầu nguyện cách nửa vời. Tôi đã dành mọi lúc rảnh rỗi của mình để tìm kiếm thêm các cơ hội việc làm, lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong sự nghiệp của tôi và mơ mộng về tương lai.

Tôi biện minh cho tất cả những điều này bằng việc tự nhủ với bản thân rằng tôi cần phải thành công để làm sáng danh Chúa và trở nên chứng nhân tốt cho người khác. Mặc dù việc thành công hay đạt thành tích tốt không có gì là sai, nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta cố gắng hết sức và làm rạng danh Chúa qua tất cả những gì chúng ta làm (Truyền Đạo 9:10; I Cô-rinh-tô 10:31), chứ không phải để những điều này chiếm mất vị trí của Chúa trong đời sống của chúng ta.

Một ngày nọ, tôi lại lo lắng về việc học và những quyết định nghề nghiệp của mình, nhưng lần này tôi thấy tuyệt vọng và thất bại hơn bình thường. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi vì dường như không ai hiểu những gì tôi thực sự phải trải qua và tôi không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ những người tôi đã liên hệ với hy vọng họ có thể giúp mình. Nhưng tôi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không từ chối tôi, vì vậy tôi cầu nguyện với Ngài. Ngay cả trước khi tôi thốt ra một lời nào, Chúa đã nhẹ nhàng nói với tôi: “Hãy tìm giá trị của con trong Ta”. Tôi xưng nhận rằng tôi đã tôn thờ những hình tượng khác ngoài Chúa và cầu xin Ngài tha thứ.

Chúa đã dùng sự thất bại này để tiết lộ tình trạng thực sự trong tấm lòng tôi. Chúa Jêsus phán trong Ma-thi-ơ 6:21 rằng: “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó”. Vì tôi không có sự bình an khi Chúa lấy đi những thành tích, cơ hội, tôi mới nhận ra rằng mình đã cho phép những điều này trở thành thần tượng.

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Vài ngày sau khi cầu nguyện, tôi lại lo lắng. Dù tôi đã bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, nhưng trong tâm trí mình, tôi vẫn cố chấp khao khát những thành tựu của mình. Sau khi nhận biết lời hứa của Chúa, tôi lại choáng ngợp bởi hoàn cảnh của mình và mất tập trung vào Ngài một lần nữa.

Một ngày nọ, tôi lo lắng đến mức phải vào viện cấp cứu vì cảm giác tức ngực và khó thở. Cảm ơn Chúa vì các bác sĩ đã nhanh chóng giải quyết vấn đề và tôi được về nhà sau vài giờ. Nhưng đó quả là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với tôi.

Thi Thiên 23 vẽ ra bức tranh tuyệt vời của sự an nghỉ và thỏa lòng trong Chúa:

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài làm tươi mới linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công chính vì cớ danh Ngài” (Thi Thiên 23:1-3). Nhìn lại bản thân, tôi thấy sức khỏe của mình đang ở mức tồi tệ nhất — về thể chất, tinh thần và cảm xúc — bởi vì tôi đã bỏ quên Người chăn thật của mình. Tôi đã đi lạc.

Cảm ơn Chúa vì Ngài đã tìm thấy tôi. Sau nhiều tháng sống trong vòng luẩn quẩn của sự tủi thân và lo lắng, cuối cùng, tôi đã từ bỏ thần tượng của mình và chọn tập chú vào Đấng chăn dắt tôi.

Con của Vua Trời

Trong những tháng qua, Lời Chúa nhắc nhở tôi rằng Đức Chúa Trời là Vua của muôn loài, là người Cha nhân từ, và Ngài luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng ta (Phục Truyền 10:12-13).

Kẻ thù đã dùng thần tượng để đánh lạc hướng tôi khỏi Chúa và những phước lành tuyệt vời mà tôi có trong Ngài. Tôi biết ơn Chúa vì Ngài đã gạt đi câu nói “Ngươi không đủ giỏi” trong tâm trí tôi bằng lời an ủi của Ngài — “Con là con của Ta”. Khi quyết định an nghỉ trong địa vị là con của Chúa, tôi đã cảm nhận được tình yêu của Ngài tràn ngập trong cuộc đời tôi.

Mặc dù trong một thời gian dài, tôi đã không tôn Chúa làm ưu tiên, nhưng Ngài vẫn chữa lành tất cả những vết thương của tôi trong những tháng qua. Đức Chúa Trời không chỉ mang lại cho tôi sự chữa lành tâm linh, Ngài còn phục hồi sức khỏe thể chất cho tôi. Chúa đã chữa bệnh trầm cảm của tôi và thay thế những lo toan trong tôi bằng sự bình an “vượt trên mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4: 7).

Khi ở trong sự hiện diện của Cha Thiên Thượng, tôi có thể thức dậy mỗi ngày với đầy niềm hy vọng. Giờ đây, tôi có thể tìm thấy niềm vui trong những khoảnh khắc bên gia đình và Chúa đã chỉ cho tôi những cách mới để phục vụ gia đình mình. Và tôi cũng đã bắt đầu có những cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn với bạn bè.

Vào tháng 9 năm 2020, tức là sáu tháng sau khi có lệnh phong tỏa, Chúa đã ban cho tôi những cơ hội mới để làm việc từ xa. Tôi tiếp tục đối mặt với nhiều sự bấp bênh trong việc học của mình. Nhiều lần tôi bị cám dỗ muốn kiểm soát tình hình và lại lo lắng, nhưng Chúa vẫn luôn nhắc nhở: “Con là con của Ta”. Ngay cả khi Chúa không mở ra thêm bất kỳ cơ hội nào cho tôi hoặc sự nghiệp mà tôi đã hoạch định cho bản thân thất bại đi chăng nữa, tôi biết mình có giá trị và một tương lai trong Ngài.

Tôn Chúa trên hết mọi điều

Bất cứ khi nào tôi bị cám dỗ để đặt thành tích lên trên Chúa một lần nữa, tôi được nhắc nhở rằng việc loại bỏ thần tượng không phải là chuyện một sớm một chiều — đó là sự quyết tâm từ bỏ mỗi ngày. Vậy nên, hằng ngày, chúng ta phải có ý thức tôn Chúa lên trên hết mọi việc.

Thật khó để làm điều này nhưng chúng ta có tất cả sự giúp đỡ mà chúng ta cần: Đức Chúa Trời đã ban Đức Thánh Linh để hướng dẫn chúng ta (Giăng 14:15-17), Kinh Thánh để chỉ dạy chúng ta (II Ti-mô-thê 3:16-17), hội thánh để khích lệ và nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; Gia-cơ 5:16). Nếu chúng ta đã thờ hình tượng, thì Ngài là thành tín sẽ tha thứ cho chúng ta (I Giăng 1:9). Trong Đấng Christ, chúng ta đều sẽ vượt qua những hoạn nạn (Giăng 16:33).

Việc tôn Chúa lên trên hết là vì lợi ích của chúng ta. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta tôn Ngài lên hàng đầu vì Ngài đáng được tôn vinh trên tất cả. Tôi cầu nguyện và mong ước tất cả con cái Chúa sẽ cùng nhau ca ngợi Ngài: “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài; Hãy trang sức bằng sự thánh khiết mà thờ phượng Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 29:2).

Nguồn: https://ymi.today/2021/03/battling-the-im-not-good-enough-lie/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Biên dịch: Thanh Tuyền

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/