CHÚNG TA CÓ ĐANG ĐÁNH MẤT TRỌNG TÂM CỦA MÙA CHAY?

Nguồn: https://ymi.today/2019/04/are-we-missing-the-point-of-lent/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Tôi từng không quá quan tâm đến lịch phụng vụ cho đến cách đây vài năm. Thật vậy, tôi không chắc mình có thể gọi như vậy hay không. Ngoài việc chú ý đến những dịp lễ đặc biệt như Giáng Sinh hoặc Phục sinh thì ý tưởng trải qua một năm và gắn các yếu tố của đức tin Cơ Đốc vào một thời gian cụ thể có vẻ xa lạ và cứng nhắc đối với tôi.

Hãy lấy ví dụ về Mùa Chay. Mùa Chay dường như là thời điểm vâng lời cách miễn cưỡng khi mọi người cố gắng “dọn mình” bằng cách kiêng ăn hoặc tham dự nhiều giờ nhóm ở nhà thờ hơn. Nó không giống như một mùa lễ đặc biệt của đời sống Cơ Đốc mà giống nỗ lực để “sắp xếp thời gian với Chúa” hơn. Nhưng nếu Mùa Chay thúc giục chúng ta chú ý nhiều hơn vào mối liên hệ của mình với Chúa thì đó có phải là điều xấu không?

Lịch có phục vụ cho các mối liên hệ quan trọng nhất của chúng ta không?

Lịch có thể là mối nguy hại. Nếu ai đó có được mật khẩu ứng dụng iCal của tôi và ghi vào một sự kiện tổ chức ở bên kia thành phố vào giữa trưa chỉ để làm trò vui, và tôi đi đến đó thì điều đó có thể phá hỏng một tuần của tôi. Hãy nghĩ về việc chúng ta có thể bị kiểm soát bởi những đòi hỏi ngày càng tăng đối với thời khóa biểu ở trường, sự kiện công việc và nếu có con cái – những chuyến du lịch thể thao. Lịch trình có thể kiểm soát chúng ta hoặc chúng ta kiểm soát chúng. Không có sự lựa chọn nào khác.

Nhưng lịch cũng hữu ích. Khi tôi lớn lên, kết hôn, có con cái và thêm những trách nhiệm mới mẻ, lịch cá nhân trở nên vô cùng cần thiết. Mỗi khi điện thoại của tôi rung lên, tôi biết đã đến lúc làm việc tiếp theo – một cuộc họp khác hoặc một sự kiện gia đình. Bất kể những ảo tưởng của tôi, tôi vẫn “lên lịch cho mối quan hệ”, chẳng hạn như thời gian đặc biệt để ngừng làm việc, như thế tôi sẽ có thể dành thời gian cho gia đình hoặc bạn bè. Tôi nhận thấy điều đó ngăn những đòi hỏi của cuộc sống lấn át những điều thực sự quan trọng – mối quan hệ với những người yêu thương.

Nếu lịch có thể phục vụ cho các mối quan hệ thân cận nhất của chúng ta, vậy còn mối liên hệ với Chúa thì sao? Điều đó đã khiến tôi suy xét lại về lịch phụng vụ. Có lẽ bạn cũng đã cân nhắc điều đó. Trong hàng trăm năm, Giáo hội khắp nơi, ở tất cả các dòng Cơ Đốc giáo chính thống đã chấp nhận lịch phụng vụ đó. Vì sao? Một phần của câu trả lời nằm ở việc hiểu được mục đích của nó.

Thông điệp của Mùa Chay không phải là “dọn mình”

Ngay lúc này, lịch phụng vụ hướng chúng ta đến Mùa Chay – thời gian chuẩn bị để kỷ niệm sự sống lại của Chúa Jêsus trong dịp Lễ Phục Sinh.

Như đã đề cập, tôi từng nghĩ về mục đích của Mùa Chay là báo hiệu đã đến lúc “quay lại với Chúa”. Là lúc để bước vào mùa tự kỷ luật mới, hoàn toàn giống như chiếc đồng hồ thông minh rung lên khi bạn ngồi quá lâu, nhắc nhở rằng nếu không đứng lên di chuyển thì sức khỏe của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Tôi từng thấy có những người bạn xem Mùa Chay như động lực để tập trung vào việc tự cải thiện bản thân, bắt đầu các thói quen hoạt động mới hoặc thực hành một số hình thức chăm sóc bản thân mới. Không có điều nào trong những điều này tự thân nó là xấu. Thật vậy, đa số chúng đều hữu ích! Một phần của Mùa Chay có nghĩa là kiểm tra cuộc sống của chính mình và điều chỉnh lại một cách thích hợp.

Nhưng chúng ta cần nhận ra sự cám dỗ có thể ẩn giấu trong khuynh hướng xem Mùa Chay như cơ hội tự hoàn thiện bản thân. Nền văn hóa của chúng ta đánh giá cao những thành tựu. Bất kể đó là gì – điểm số, giải thưởng, cơ hội làm việc, những người xung quanh chúng ta hoặc những điều tốt đẹp họ nói về chúng ta – chúng ta dễ dàng tin rằng giá trị của mình được kết nối trực tiếp với sự thành công trong những lĩnh vực này. Có một động lực bên trong nói rằng nếu chúng ta đạt được đủ thành tựu, thì chúng ta có thể sẽ được tán thưởng cho sự thành công của mình, tốt nhất là bằng ‘lượt thích’, ‘lượt thả tim’ hoặc ‘lượt chia sẻ’. Cá nhân tôi, đây chính là điều khiến tôi phải lấp đầy lịch trình của mình và ngủ rất ít, ngay cả khi tôi cố gắng hoàn thành những điều tốt đẹp. Điều đó thật nguy hiểm.

Đương nhiên, vấn đề tiếp cận Mùa Chay theo cách này là trong sâu thẳm, nó cộng hưởng với ước muốn tội lỗi của chúng ta là làm gì đó để tự cải thiện bản thân. Đó là một ý tưởng hấp dẫn: chúng ta có thể đóng vai trò nào đó trong sự thành công về mặt thuộc linh của chính mình.

Trọng tâm thật của Mùa Chay

Rất may, trọng tâm thật sự của Mùa Chay không phải về bất kỳ điều nào trong những điều trên. Không phải là “dọn mình” hoặc thể hiện với Chúa rằng bản thân đã đạt được thành công để Ngài có thể chấp nhận bạn trong khi những người khác nhìn xem bạn. Thực tế trái ngược như vậy.

Thông điệp của Mùa Chay là trình dâng con người bất toàn của bạn cho Chúa để Ngài làm những việc mà chỉ Ngài mới làm được. Mùa Chay nói về ân điển. Chúng ta kinh nghiệm ân điển đó khi được nhắc nhở để suy ngẫm, tra xét trong chính tâm hồn mình để nhìn vào thực trạng đời sống của chính mình.

Như hầu hết mọi người, nếu làm việc này cách chân thành, chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy thất vọng và nản lòng. Khi tôi tra xét chính mình, tôi thấy mình không phải là kiểu Cơ Đốc nhân, người chồng, người cha hoặc người bạn mà tôi muốn. Đó chính là sự thật. Điều đó không giống với ân điển, nhưng đó là sự thật trớ trêu của Mùa Chay: Khi dành thời gian tra xét bản thân cách thành thật, chúng ta cũng sẽ thấy sự thật mà Chúa đã biết. Và Mùa Chay mời gọi chúng ta trình dâng cái nhìn trung thực đó của bản thân lên cho Chúa, để nhận biết rằng có nhiều điều cần thay đổi và cầu xin Ngài thực hiện mọi điều mà chúng ta không thể tự mình làm được: giúp chúng ta thay đổi, nhờ mọi điều Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta khiến những điều đó có thể được thực hiện trong chúng ta (II Cô-rinh-tô 5:21).

Vậy thì, tiếp theo sẽ là gì?

Hãy làm cho Mùa Chay trở nên thiết thực. Chúng ta “kỷ niệm Mùa Chay” như thế nào với cái nhìn mới mẻ này? Hãy xem xét việc kiêng ăn, một việc làm cốt lõi trong mùa lễ này (bạn có nhớ những người đã từ bỏ sô-cô-la và thịt không?). Theo Kinh Thánh, về mặt cốt lõi, kiêng ăn không phải để tỏ ra thánh với người khác (xem Ma-thi-ơ 6:16-18). Quan trọng hơn nữa, kiêng ăn không phải để tỏ ra thánh với Chúa (xem Ê-sai 58). Kiêng ăn là nhận biết rằng nguồn duy nhất đem đến sự thỏa nguyện trong cuộc đời này là chính Chúa.

Kiêng ăn trong Mùa Chay nhắc nhở chúng ta về mục đích của dịp lễ này, rằng chúng ta không cố gắng làm cho mình trở nên thánh bằng chính khả năng của mình, nhưng nhận biết một điều khác – rằng Chúa đã tạo dựng chúng ta có tâm linh khao khát Ngài.

Mùa Chay kết thúc vào ngày lễ Phục Sinh, có nghĩa là đã sắp chấm dứt. Có thể bạn sẽ cảm thấy như mình đã bỏ lỡ, nhưng đừng lo lắng! Mùa Chay sẽ trở lại vào năm sau, cho chúng ta món quà là lời nhắc nhở để suy ngẫm, kiêng ăn và kinh nghiệm ân điển mới mẻ của Chúa.

Quan trọng hơn, lịch phụng vụ cung cấp nhiều cơ hội để chúng ta được nhắc nhở về mối liên hệ với Chúa trong suốt một năm. Tiếp theo sau Lễ Phục Sinh là mùa Phục Sinh – 50 ngày để kỷ niệm lời hứa về sự sống lại. Tại sao chúng ta không dành thời gian đó để sống trong ánh sáng của Sự Sống Mới mà Chúa Jêsus ban cho chúng ta? Đối với bạn, điều đó sẽ như thế nào?

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/