CHUYỆN GÌ XẢY RA NẾU TÔI KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN SỰ ĐAU KHỔ CỦA MÌNH?
Trong nhiều năm, tôi đã phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe. Tôi đã phải chấp nhận những hạn chế về thể chất và những khó khăn với việc học ở trường vì các vấn đề về bệnh tự miễn, lo lắng và chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nhưng tôi cũng không biết cách nào để chung sống hòa bình với những cơn rối loạn và suy sụp tinh thần trong cuộc sống.
Tôi cứ suy diễn quá mức, sự lo lắng xâm chiếm tôi, những suy nghĩ không đúng đắn và những âm thanh ồn ào cứ quanh quẩn trong đầu. Tôi hầu như không bao giờ cảm thấy bình tâm được. Trong khi tôi cố gắng hành động bình tĩnh trước công chúng, những suy nghĩ của tôi luôn cuộn trào.
Sự căng thẳng của việc chống lại những dòng suy nghĩ lặp đi lặp lại nhưng luôn chiếm hết tâm trí này khiến tôi không thể đối phó với những thử thách khác trong cuộc sống hay nói chuyện tử tế với các thành viên trong gia đình. Cũng có những lúc vui vẻ, nhưng hầu hết thời gian, nếu không khóc nức nở trên sàn thì tôi căng thẳng, cáu kỉnh và sắp bùng nổ.
Tại sao lại như vậy Chúa ơi?
Tôi có thể trình bày thật chính xác và chi tiết về lý do tại sao Chúa để cho con cái của Ngài phải chịu đau khổ. Tôi biết rằng ma quỷ bước vào thế giới vì cớ tội lỗi, rằng cuối cùng Đức Chúa Trời đã đánh bại ma quỷ qua thập tự giá, và rằng Ngài cho phép đau khổ xảy ra trong cuộc sống của chúng ta vì sự trưởng thành của chúng ta và hơn hết là vinh quang của Ngài. Tôi cũng tin rằng một ngày nào đó, Chúa sẽ chào đón con cái của Ngài vào một vương quốc không còn nước mắt.
Tuy nhiên, khi ngay cả việc sống mỗi ngày cũng trở nên khó khăn, sự hiểu biết này không còn mang lại cho tôi sự bình yên nữa. Tôi bị giam cầm trong những suy nghĩ không mong muốn và hành vi cáu kỉnh, tôi ngày càng trở nên bực bội.
Qua sự đau khổ của tôi, Chúa đã giúp tôi càng có lòng trắc ẩn, khiêm nhường và phụ thuộc vào Chúa nhiều hơn trong cuộc sống của mình, và tôi biết rằng mình nên vui mừng. Nhưng chẳng phải Đức Chúa Trời đã hoàn thành điều tốt lành đó thông qua rất nhiều các hoàn cảnh khác—ít đau đớn hơn, dễ chấp nhận hơn sao? Nếu tôi phải ốm yếu và điên loạn chỉ để rồi nhìn thấy sự bất lực của mình khi không có Đấng Christ và thờ phượng Ngài, chẳng lẽ Đức Chúa Trời khủng khiếp và tồi tệ đến thế ư?
Tôi không thể ghét Chúa, vì vậy tôi ghét bản thân mình, những suy nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu mà chẳng có cách nào để giải quyết chúng.
Tại sao tôi không dừng lại được?
Xét về mặt đạo đức, những vấn đề về thể chất của tôi khá thông thường, nhưng tôi đã đánh đồng những suy nghĩ ngông cuồng của mình với tội lỗi và cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Sự lo lắng của tôi, sự tức giận với Chúa, những suy nghĩ chỉ trích về người khác, những cảm xúc đầy thù hận và dòng suy nghĩ không đúng đắn mà tôi cũng không mong muốn là không thể chấp nhận được. Nhưng cho dù tôi có cố gắng thế nào để ngăn chặn hoặc loại bỏ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, tôi cũng không bao giờ có thể ngăn chặn được làn sóng đó.
Theo thời gian, tôi bắt đầu hiểu rằng các vấn đề về thần kinh là gốc rễ của những rối loạn và xung đột trong tôi. Nhận biết điều này đã an ủi tôi, nhưng dù tôi không cảm thấy phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ trong đầu mình, tôi vẫn phải chống lại chúng. Tôi dính vào một cuộc giằng co liên tục giữa việc muốn tha thứ cho bản thân và đắm mình trong cảm giác tội lỗi. Phần lớn sự đau khổ của tôi bắt nguồn từ nỗi sợ hãi rằng mọi suy nghĩ khủng khiếp đó đều được ghi lại và tôi sẽ phải đối mặt với bằng chứng đó vào Ngày Phán xét. Khi tôi lo lắng về việc Đức Chúa Trời sẽ xem xét các tình huống giảm nhẹ của tôi thế nào, tôi đã quên mất rằng những sự xấu xa của tôi đã bị đóng đinh trên thập tự giá (Cô-lô-se 2:13-14).
Khi tôi nghe mục sư giảng lời Chúa mỗi tuần, nghiên cứu Kinh Thánh và tham gia vào cộng đồng Cơ Đốc, Đức Chúa Trời đã sử dụng những phương tiện ân điển bình thường này để củng cố niềm tin của tôi vào Phúc m và mở rộng sự hiểu biết của tôi về quyền năng của Phúc Âm. Tôi thấy rằng tội lỗi và sự tan vỡ của tôi đều đã chết và tôi không cần phải ám ảnh về tội lỗi hay sự vô tội của mình, bởi vì tôi thoát khỏi tội lỗi và sống trong Đấng Christ. Làm sao tôi có thể oán trách Đức Chúa Trời vì đã để cho tôi đau khổ trong khi Ngài đã cứu tôi khỏi tội lỗi và công nhận sự công bình của Đấng Christ cho tôi? Làm sao tôi có thể tức giận với Ngài khi Con Ngài đã gánh lấy tội lỗi và chết thay tôi?
Chúa đáp lời
Theo thời gian, những tình cảnh đó trong cuộc sống của tôi được cải thiện. Tôi vẫn phải vật lộn với sức khỏe của mình, nhưng không còn phải vật lộn với những suy nghĩ len lỏi vào đã khiến cuộc sống của tôi trở nên khốn khổ. Tôi đã nhận được giải pháp mà tôi mong muốn và đã chứng kiến sự trưởng thành của mình thông qua đau khổ. Nhưng trong một thời gian dài sau đó, tôi tiếp tục cảm thấy rằng Chúa thật bất công. Một cách thường xuyên, những suy nghĩ biết ơn của tôi về sự trưởng thành thuộc linh nhường chỗ cho một cuộc tranh luận bên trong rằng liệu có bất kỳ lý do gì cho những gì Chúa đòi hỏi tôi phải chịu đựng hay không.
Tôi không thể hiểu cũng như giải thích tại sao Đức Chúa Trời thiết kế cuộc đời tôi theo cách của Ngài, nhưng tôi biết rằng Ngài tốt lành, Ngài quyền năng và Ngài yêu thương. Vì những gì tôi đã phải chịu đựng, tôi biết rằng niềm tin của tôi là có thật. Đức Chúa Trời đã lấy đi những gì tôi coi trọng và phụ thuộc vào nhất—đạo đức và phẩm giá tự cho mình là đúng mà tôi đã rất vất vả để duy trì—và kéo tôi đến gần Ngài hơn.
Kết thúc có hậu của tôi đã không đến khi tôi cảm thấy nhẹ nhõm hoặc nhận được lời giải thích. Thay vào đó, giải pháp đến khi tôi dần dần yêu mến Đấng Cứu Rỗi của mình hơn là ước muốn điều khiển cuộc sống của chính mình. Charles Spurgeon, nhà thuyết giáo người Anh, từng nói: “Tôi đã học cách yêu mến ngọn sóng xô đẩy tôi vào Vầng đá của mọi thời đại.” Tôi đã sử dụng câu trích dẫn này để điều chỉnh lại quan điểm của mình, chấp nhận rằng Chúa gọi tôi đến với một điều gì đó vĩ đại hơn ý tưởng của tôi về sự tốt lành: Ngài gọi tôi đến với chính Ngài. Niềm tự hào duy nhất của tôi là Đấng Christ, không phải những gì tôi đã làm tốt hay tội lỗi nào mà tôi đã chiến đấu chống lại một cách đắc thắng. Tôi sẽ chấp nhận sự tốt lành và giá trị của bất cứ điều gì khiến tôi gắn bó với Chúa.
Chuyển ngữ: Ngọc Duyên
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2017/04/what-if-i-cant-accept-my-suffering/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/