CƠ ĐỐC NHÂN NÊN PHẢN ỨNG THẾ NÀO TRƯỚC ĐAU KHỔ TRONG THẾ GIỚI NÀY?


Nguồn: YMI, mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries (https://ymi.today/2018/08/what-should-christians-do-about-the-pain-and-suffering-in-this-world/)

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đầu bếp kiêm tác giả nổi tiếng Anthony Bourdain tự kết liễu đời mình. Không ai nghĩ vậy cả. Hiếm ai biết được những tranh chiến nội tâm đã tước đi niềm vui sống của anh ấy, dù anh được biết đến là hiện thân của sức sống mãnh liệt. Tin buồn đến như một cú sốc, ngay cả khi có quá nhiều tin buồn.

Chúng ta sẽ không bao giờ được miễn trừ với nỗi đau vốn là một phần của cuộc sống trên thế giới này: chiến tranh, diệt chủng, khủng bố, nghèo đói, thiên tai và các sự kiện khủng khiếp khác trên quy mô toàn cầu… Và trong đời sống cá nhân cũng vậy, vô số nỗi đau như: mối quan hệ tan vỡ, bệnh tật về thể chất hoặc tinh thần, mất người thân. Cú sốc có thể rất nặng nề trong một khoảng thời gian, đôi khi là rất dài, chúng ta tổn thương đến mức suy nhược, đến nỗi thế giới như đang sụp đổ xung quanh chúng ta. Chẳng lấy làm lạ khi trong cuốn sách The Problem of Pain (tạm dịch: Vấn Đề Của Nỗi Đau), nhà văn vĩ đại C.S. Lewis đã gọi nỗi đau là “cái loa khuấy động thế giới bị điếc” của Chúa. Ông viết: “Chúng ta có thể lờ đi ngay cả niềm vui, nhưng nỗi đau thì nhất định được chú ý.”

Nhận biết sự đổ vỡ của chính chúng ta và thế giới mà chúng ta phải đối diện hằng ngày, chúng ta nên phản ứng thế nào trước những đau khổ? Là người tin Chúa, chúng ta phải làm gì? Đối mặt với những tranh chiến khủng khiếp, chúng ta không có câu trả lời dễ dàng. Nhiều người đã có những bài viết hữu ích về lý do của đau khổ và phản ứng cá nhân đối với sự mất mát và tổn thương về tinh thần, vì vậy tôi quan tâm hơn về phản ứng của chúng ta với tư cách là cộng đồng Cơ Đốc. Cơ Đốc nhân khác biệt gì với thế giới trong cách chúng ta đối diện với đau khổ?


1. Khóc

Nỗi đau cảnh báo chúng ta về một thực tế rằng có điều gì đó không ổn với thế giới và với con người. Vì vậy, đau buồn cùng nhau, “khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15) là điều đúng đắn.

Chúng ta cũng khóc với Chúa. Nếu không thành thật thừa nhận sự yếu đuối và tổn thương của mình, chúng ta có nguy cơ trở nên kiệt sức và hoài nghi, cố chấp vào năng lực của chính mình mà không có được sự yên ủi và an ninh thực sự trong Chúa. Trong lời chào gởi đến các Cơ Đốc nhân ở Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô mô tả Chúa là “Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi” (II Cô-rinh-tô 1:3). Trong cơn hoạn nạn, Phao-lô hướng về Chúa, Đấng ban sự an ủi.

Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể thắc mắc, thậm chí tranh chiến về những gì Chúa đã làm trong cuộc sống của chúng ta. Thực tế là các tác giả Thi Thiên đã trút đổ tấm lòng tan vỡ của mình và đặt những kế hoạch thất bại của mình dưới chân Chúa. Cảm xúc chân thật của họ đi từ sợ hãi đến tức giận, bối rối đến tuyệt vọng, tự thương hại đến hối hận. Giống như Đa-vít đã ít nhất một lần tìm kiếm sự an ủi mà không thể tìm thấy (Thi Thiên 69:20), có thể không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy được an ủi. Tuy nhiên, giống như Đa-vít vẫn kêu cầu “chân lý cứu rỗi” (Thi Thiên 69:13), chúng ta có thể tin cậy rằng Đức Chúa Trời luôn hiện diện cách yêu thương, Ngài “ở gần những người có lòng đau thương”, hứa ban sự cứu rỗi cho người tin Ngài (Thi Thiên 34:18). Đó là niềm an ủi lớn lao, ngay cả khi những đau khổ hiện tại của chúng ta khó có thể chịu đựng được.

Và không chỉ dừng ở đó.


2. Chia sẻ sự yên ủi của Chúa

Than khóc với Chúa đem đến sự yên ủi của Ngài, và Phao-lô nói rằng sự yên ủi của Chúa ban cho chúng ta cần được chia sẻ với người khác (II Cô-rinh-tô 1:4). Lý do là gì? Là vì Chúa Jêsus. Việc theo Chúa đem đến cả đau khổ và yên ủi, cũng như hiệp nhất mọi tín hữu trong cùng một hành trình:

Vì như sự đau đớn của Đấng Christ tràn đầy trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đấng Christ mà sự an ủi của chúng tôi cũng tràn đầy thể ấy. Nếu chúng tôi chịu hoạn nạn, ấy là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; hoặc nếu chúng tôi được an ủi, ấy là để anh em được an ủi, là sự an ủi mà anh em kinh nghiệm được khi nhẫn nhục chịu đựng những đau đớn mà chúng tôi đã chịu. Niềm hi vọng của chúng tôi nơi anh em thật vững chắc, vì biết rằng khi anh em dự phần trong sự đau đớn của chúng tôi thì cũng sẽ được dự phần trong sự an ủi của chúng tôi. (II Cô-rinh-tô 1:5-7)

Thật là một bức tranh lạ thường về sự hiệp nhất trong Đấng Christ, được thể hiện qua sự hiệp một của cộng đồng Cơ đốc nhân, thậm chí là sự thân thiết, trong việc chịu đựng đau khổ! Thật vậy, cộng đồng là một trong những phương tiện Chúa dùng để đem đến sự an ủi. Phao-lô viết trong II Cô-rinh-tô 7:6-7 rằng chuyến viếng thăm của Tít và sự quan tâm của các tín hữu tại Cô-rinh-tô đã khích lệ ông. Eugene Peterson đã diễn giải II Cô-rinh-tô 1:6 như thế này: “Lúc khó khăn của anh em cũng là lúc khó khăn của chúng tôi”. Chúng ta đối diện với hoàn cảnh này cùng nhau.

An ủi người khác bằng sự yên ủi mà chúng ta nhận được từ Chúa không chỉ đơn thuần là giảm bớt buồn phiền. Điều đó có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, cho dù gặp đau buồn hay hạnh phúc, chúng ta nên quan tâm và hành động vì hạnh phúc và sự cứu rỗi của người khác – để họ có thể tiếp tục tin cậy Chúa Jêsus. Sự khích lệ của chúng ta giúp người khác kiên nhẫn chịu đựng khó khăn và không từ bỏ đức tin nơi Chúa Jêsus, bởi vì mục tiêu chung của chúng ta, tức niềm hy vọng mà Phao-lô đề cập trong câu 7, là sống đời đời với Đức Chúa Trời.

Với mục tiêu này trong tâm trí, chúng ta có thể góp phần bằng nhiều cách thiết thực để an ủi và giúp đỡ người khác tùy nhu cầu của họ: sự hiện diện, bữa ăn ngon, hỗ trợ tài chính, giúp trông con khi cần, phương tiện di chuyển, lời khích lệ và nhiều điều khác nữa. Những điều này xuất hiện trong tâm trí tôi vì trong những lúc mất mát hoặc bệnh tật, tôi đã nhận được những sự an ủi này từ các anh chị em trong Đấng Christ.

Còn bạn thì sao? Bạn đã nhận được sự yên ủi nào từ nơi Chúa và các Cơ Đốc nhân khác? Bạn có thể chia sẻ điều gì?


3. Cầu xin Chúa giúp bạn bền lòng để tôn vinh Ngài

Tôi không biết bạn thế nào, nhưng ngay từ đầu tôi đã luôn cầu nguyện để được thoát khỏi nỗi đau, xin Chúa cất đi sự đau khổ và tôi cũng cầu nguyện điều này cho những người thân yêu. Thật thiếu suy nghĩ phải không?

Nhưng gần đây, một Cơ Đốc nhân lớn tuổi đã nói với tôi rằng thời đại của chúng ta đang trở nên rất sợ đau. Không phải cô ấy đang khuyến khích mọi người tìm kiếm những trải nghiệm đau đớn. Chỉ là cô ấy thấy rằng bây giờ có nhiều loại dược phẩm mới giúp giảm bớt nỗi đau mà những người thời xưa đã phải chịu đựng quá nhiều.

Chúng ta tự hỏi liệu những lựa chọn trong y học và sức khỏe cũng được phản ánh trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, con người ngày càng theo đuổi điều thoải mái nhất, hơn là điều tốt nhất (hoặc đánh đồng cả hai). Tôi nghĩ rằng có lẽ đời sống cầu nguyện của chúng ta cũng phản ánh mong muốn được thoải mái này. Và tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc được rằng Phao-lô và những người Cô-rinh-tô cầu thay cho ông dường như đã cầu nguyện hoàn toàn khác!

Tại A-si-a, những tín hữu đầu tiên của Đấng Christ đã phải đối mặt với sự bắt bớ dữ dội đến mức họ cảm thấy mình “nhận án tử hình”. Tuy vậy, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời đang nắm quyền kiểm soát và sự đau khổ này “khiến chúng tôi không còn nhờ cậy vào chính mình nữa, mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 1:9). Chúa đã nhân từ nhậm lời cầu nguyện của nhiều tín hữu tại Cô-rinh-tô và giải cứu Phao-lô cũng như các bạn đồng hành của ông. Nhưng hãy nhìn vào điều Phao-lô nói đến về sự giải cứu – trong câu 10, rõ ràng rằng ông không có ý nói họ không chịu khổ, chỉ là họ không chết!

Thật vậy, Phao-lô chắc chắn rằng những lời cầu nguyện của tín hữu Cô-rinh-tô sẽ mang lại kết quả – không phải là không có đau khổ – nhưng là Chúa tiếp tục bảo tồn mạng sống của ông. Điều này có nghĩa là Phao-lô hoàn toàn biết trước rằng ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi rao giảng và bảo vệ Phúc Âm!

Điều này đã thay đổi hoàn toàn đời sống cầu nguyện của tôi. Không phải là bây giờ tôi cầu nguyện để được kinh nghiệm nỗi đau, nhưng trong mọi hoàn cảnh của mình cho dù đau đớn hay không – tôi khao khát tìm kiếm bất cứ điều gì thể hiện rõ nhất về Chúa và Chủ của tôi, là Chúa Jêsus. Là hội thánh, chúng ta có dám cầu nguyện theo cách này không? Đó sẽ là bằng chứng hùng hồn về địa vị của chúng ta trong Đấng Christ: “Nếu là con cái thì chúng ta cũng là người thừa kế, vừa là người thừa kế của Đức Chúa Trời vừa là người cùng thừa kế với Đấng Christ; nếu chúng ta thật sự cùng chịu khổ với Ngài thì chúng ta sẽ cùng được vinh quang với Ngài” (Rô-ma 8:17).

4. Tiếp tục làm việc thiện

Ngay cả khi chúng ta chịu khổ vì Chúa Jêsus, thế giới vẫn đang quan sát chúng ta. Phao-lô thúc giục các tín hữu tại Ga-la-ti “chớ mệt mỏi trong khi làm việc thiện, vì nếu chúng ta không nản lòng thì đến mùa chúng ta sẽ gặt” (Ga-la-ti 6:9). Chúng ta nên bày tỏ lòng rộng rãi này trong những việc thiện đối với anh em cùng đức tin cũng như những người chưa tin – theo lời của Ga-la-ti 6:10 là “cho mọi người”.

Thật vậy, sự đứng vững của Cơ Đốc nhân khi đối diện với những sự đau khổ kinh khiếp nhất luôn là lời chứng hùng hồn, chinh phục nhiều linh hồn cho Chúa Jêsus. Hãy nghĩ đến các Cơ Đốc nhân tử đạo trong cuộc bách hại của Đế chế La Mã, hoặc Bonhoeffer và các Cơ Đốc nhân người Đức khác đã chống lại Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai, hoặc các Cơ Đốc nhân Cam-pu-chia cuối cùng đã tha thứ cho những người Khmer Đỏ đã tra tấn họ.

5. Hướng về thiên đàng

Khi chúng ta tiếp tục lấy điều thiện trả điều ác, người khác bắt đầu nhận ra rằng sự đau khổ không làm lu mờ niềm hy vọng của Cơ Đốc nhân. Đó là bởi vì chúng ta không sống cho những điều đổ vỡ của trần gian này nhưng cho thế giới hoàn hảo sẽ đến. Đến lúc đó, Chúa “sẽ lau ráo nước mắt trên mắt họ. Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa” (Khải Huyền 21:4).

Trong kế hoạch tối thượng của Chúa, đau khổ không chỉ bất lực trong việc hủy diệt những người tin Ngài, mà chúng có thể dẫn đến một đức tin mạnh mẽ, được tôi luyện và khích lệ người khác trở nên giống như vậy, cho đến khi chúng ta gặp Chúa và Chủ của mình mặt đối mặt. Như mục sư và tác giả Tim Keller đã nói trong quyển Bước Với Chúa Qua Đau Khổ “chịu khổ là trọng tâm của đức tin Cơ Đốc. Đó không chỉ là cách Đấng Christ trở nên để cứu chuộc chúng ta, nhưng đó cũng là một trong những cách chính yếu để chúng ta trở nên giống Ngài và kinh nghiệm sự cứu chuộc của Ngài. Và điều đó có nghĩa là sự chịu khổ của chúng ta, mặc dù đau đớn, nhưng là điều có mục đích và hữu ích”.

Nếu bạn, giống như tôi, đôi khi cảm thấy bối rối, nản lòng hoặc tê liệt trước những tổn thương và đau đớn của thế giới này, bạn sẽ vững lòng chứ? Trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã chiến thắng điều ác tồi tệ nhất, vì chúng ta. Vậy thì trong mọi khó khăn gian khổ, chúng ta là những người chiến thắng thông qua Ngài, Đấng yêu thương chúng ta. Trong tất cả mọi người, những người tin cậy nơi Chúa Jêsus đã nhận được sự khích lệ to lớn để đối diện với đau khổ bằng sự thấu cảm, can đảm, sáng kiến thực tế và niềm hy vọng.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/