DẠY TRẺ TỰ KỶ: KHI CHÚA LÀM ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG

Nguồn: https://ymi.today/2020/04/teaching-autistic-kids-when-god-did-the-unthinkable/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Khi âm nhạc vang lên, cậu bé Edric 14 tuổi giơ một cánh tay lên cao và đặt cánh tay còn lại lên ngực mình. Cậu bé nhìn vào chiếc micrô trước mặt và theo điệu nhạc, hát lên câu đầu tiên của bài hát. Với giọng hát vững chắc, cậu bé dẫn dắt tất cả chúng tôi, học sinh và giáo viên, vào phần điệp khúc.

Đó là dịp lễ Giáng Sinh và chúng tôi đang trình bày một loạt các bài hát tại quán cà phê của hội thánh. Khi chúng tôi kết thúc, đám đông – gồm những phụ huynh háo hức, những vị mục sư tò mò và những khách bình thường trong quán cà phê – đã nổ ra tràng vỗ tay. Giọng ca chính cười toe toét khi chúng tôi đập tay với nhau và sau đó chúng tôi nhanh chóng đưa lũ trẻ trở lại phòng học.

Giờ đây, sự kiện đặc biệt này là một trong những điểm nổi bật trong thời gian của tôi ở Shalomkids – một mục vụ dành cho trẻ tự kỷ. Lần đầu tiên từ khi mục vụ bắt đầu, chúng tôi đã thực hiện thành công một tiết mục ở nơi công cộng mà không có đứa trẻ nào cảm thấy bị khủng hoảng! Nhưng không chỉ là cảm giấy nhẹ nhõm, tôi còn vô cùng xúc động vì đây là lần đầu tiên bọn trẻ của chúng tôi công bố niềm hy vọng của Phúc Âm trước mọi người. Chỉ một năm trước đây, điều này là không tưởng. Giống như Chúa đang nói với tôi rằng: “Hãy xem Ta có thể làm gì!”

Khởi đầu cuộc hành trình của tôi

Khi tham gia vào mục vụ năm 2009, tôi 21 tuổi và là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ ở trường đại học. Nhiều người thường hỏi vì sao tôi quyết định tham gia Shalomkids. Gia đình và họ hàng của tôi không có ai mắc chứng tự kỷ. Thậm chí tôi còn không biết tự kỷ là gì.

Điều đó xảy ra vào một ngày Chúa Nhật khi tôi nhìn thấy thông báo tuyển dụng giáo viên cho mục vụ trong tờ thông báo của hội thánh, và điều gì đó đã khiến tôi đến gặp mục sư để hỏi xem có cần kinh nghiệm nào không.

Có lẽ đó là sự thúc giục thiêng liêng đã đưa tôi đến với mục vụ. Nhưng với tôi ở tuổi 21, đó chẳng qua chỉ là sự tò mò của tuổi trẻ. Bất kỳ người nào bước vào độ tuổi 30 sẽ khẳng định rằng đôi khi lựa chọn ít quan trọng nhất ở độ tuổi 20 sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Và quyết định này chính là một trong số đó.

Mục sư nói với tôi rằng đây là một mục vụ mới và tất cả các giáo viên sẽ được huấn luyện. Với lời khích lệ này, tôi đã đăng ký tham gia lớp huấn luyện và trở thành một trong những giáo viên tiên phong của Shalomkids.

Chẳng bao lâu sau, tôi biết được rằng chứng tự kỷ là dạng rối loạn phát triển thần kinh, thể hiện cách rõ ràng nhất trong giao tiếp xã hội và trong các hành vi lặp đi lặp lại.

Người bị tự kỷ có thể hiểu sai các tín hiệu giao tiếp như ngôn ngữ cơ thể hoặc giọng điệu, hoặc thậm chí hoàn toàn bỏ qua chúng. Trong những trường hợp đó, phản ứng của họ có thể trở nên không phù hợp với tình huống, gián tiếp gây ra giận dữ hoặc bối rối. Họ có thể thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại, chẳng hạn như làm theo một thói quen, gắn bó với một đồ vật yêu thích và hành vi rập khuôn (hành vi tự kích thích như vỗ tay, đung đưa và lặp lại các âm thanh và cụm từ).

Ở Shalomkids, tất cả những đứa trẻ đều được chẩn đoán là mắc chứng tự kỷ và hầu hết đều học ở các trường giáo dục đặc biệt. Một số trẻ cũng bị thiểu năng trí tuệ và một số ít được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Theo dõi Edric phát triển

Lần đầu tiên khi Edric đến với chúng tôi, cháu chỉ mới 8 tuổi và không nói một lời nào. Thực tế, trong suốt giờ ngợi khen, khi mọi đứa trẻ đều tập trung ở phía trước để cùng nhau hát những bài ngợi khen thì cháu lại chọn ngồi dưới bàn ở cuối phòng học. Không có sự thuyết phục nào có thể kéo cháu ra khỏi đó. Khi đó, hầu hết các giáo viên đều mới học về chứng tự kỷ nên chúng tôi không biết phải làm gì. Kéo cháu ra? Trao một phần thưởng? Đe dọa cháu bằng hình phạt?

Một giáo viên kỳ cựu gợi ý rằng chúng tôi nên giúp cháu tham gia ở ngay tại chỗ cháu đang ngồi. Chúng tôi đồng ý không chút do dự, chỉ đơn giản là vui mừng vì nhận được sự hướng dẫn ngay lúc đó. Một giáo viên chui xuống gầm bàn để hướng dẫn Edric trong khi tất cả chúng tôi tiếp tục với giờ ngợi khen. Điều đó tiếp diễn trong nhiều tuần, và mỗi lần như vậy, Edric đều quan sát giờ ngợi khen từ dưới gầm bàn.

Một ngày thứ bảy nọ, cháu ngồi trên ghế ở cuối phòng thay vì ngồi dưới gầm bàn. Chúng tôi quyết định không phức tạp hóa vấn đề mà cứ tiếp tục chương trình. Nhưng chúng tôi thầm vui mừng. Và trong buổi lượng giá ngày hôm đó, khi tất cả bọn trẻ đã ra về, chúng tôi bày tỏ sự phấn khởi trước “bước đột phá” này.

Từng chút một, khi nhiều tuần trôi qua, chúng tôi dời chiếc ghế gần hơn về phía trước. Hơn một năm sau, chiếc ghế của Edric cuối cùng cũng sát vào hàng ghế cuối cùng.

Sau một vài tháng, chúng tôi chú ý thấy cháu đã tự di chuyển lên hàng đầu tiên. Cháu vẫn không nói nhiều nhưng cháu hát. Và khi chúng tôi hát những bài có cử điệu, cháu cũng làm theo tất cả những cử điệu đó. Sau đó, vào một ngày thứ bảy, cháu đã khiến chúng tôi kinh ngạc khi giơ một tay lên và đặt tay còn lại nơi ngực khi chúng tôi hát bài “Món Quà Dâng Chúa”. Đảo mắt nhìn xung quanh, chúng tôi phát hiện ra rằng không ai trong chúng tôi đã dạy cháu làm điều đó.

Khi tôi cuối cùng cũng vượt qua được cú sốc, tôi thấy mình tràn ngập cảm xúc. Đây cũng chính là cậu bé đã kiên quyết ngồi dưới gầm bàn trong giờ ngợi khen. Tuy nhiên, ba năm sau, cháu đã ở đây, ngợi khen Chúa bằng giọng nói, đôi tay và cả con người của mình.

Và bài hát cháu chọn để bày tỏ sự thờ phượng Chúa không thể phù hợp hơn trong lúc này:

Tất cả những gì con có được
Tất cả những gì con sẽ trở thành
Con dâng lên cho Ngài, Chúa ơi
Và con dâng với lòng biết ơn

Mọi bài ca con hát
Mọi lời ngợi khen của con
Mọi điều con làm
Là món quà dâng Ngài.

Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận thấy rằng sự biến đổi này chỉ có thể là công tác của Đức Thánh Linh. Thánh Linh đã giúp Edric có thể hát và cháu đã hát như một món quà dâng lên Chúa.

Nhiều năm sau, khi hội thánh mời Shalomkids thực hiện một tiết mục trong quán cà phê của hội thánh, chúng tôi quyết định rằng Edric sẽ hát “bài hát của cháu”.

Như bạn biết, Edric đã hát rất hay. Không ai nhìn thấy cháu ngày hôm đó có thể đoán được rằng hơn năm năm trước, cháu là một cậu bé trốn dưới gầm bàn trong giờ ngợi khen.

Chính Đức Thánh Linh hành động

Hàng tuần, khi dạy bọn trẻ về Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus, không phải lúc nào chúng tôi cũng biết liệu chúng có đang lắng nghe hoặc thậm chí tiếp thu những điều chúng tôi nói hay không. Đôi mắt của chúng đảo khắp nơi. Một vài cháu thì kích động. Một số đeo thiết bị bảo vệ tai (bịt tai giúp giảm thiểu quá tải thính giác). Nhưng khi tôi thấy Edric mở lòng trong sự thờ phượng, tôi biết. Ngay cả khi lời nói thất bại, Thánh Linh vẫn có thể hành động.

Chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời giúp chúng ta hiểu được những điều Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không (I Cô-rinh-tô 2:12). Và tất cả những gì chúng ta cần phải làm là trung tín và tiếp tục công bố Lời của Đức Chúa Trời.

Vương quốc của Đức Chúa Trời dành cho tất cả những ai tin nơi Phúc Âm của Chúa Jêsus. Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi về những người tự kỷ hoặc thiểu năng trí tuệ rằng: “Liệu họ có thể hiểu điều mà họ không thể nhìn thấy hay không?” Sau 11 năm phục vụ với Shalomkids, tôi đã học được rằng ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu được cách họ nhận biết Chúa Jêsus là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi, điều đó không có nghĩa là không thể! Vai trò của tôi đơn giản chỉ là làm phần việc của mình để trình bày Phúc Âm và tin cậy rằng Đức Thánh Linh sẽ phán trong tấm lòng cũng như tâm trí của họ.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/