ĐIỀU CẦN LÀM KHI KINH THÁNH TRỞ NÊN KHÓ HIỂU

Chúng ta thường sẽ học biết thêm nhiều điều về Chúa khi đọc Kinh Thánh trong tinh thần tìm tòi và đặt ra những câu hỏi. Nhưng khi có thắc mắc mà càng đọc càng thấy khó hiểu thì bạn sẽ làm gì?

Ví dụ, tôi đang đọc xuyên suốt bốn sách Phúc m, tôi đọc thấy Chúa Jêsus phán ở Ma-thi-ơ 11:29 rằng: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ”. Nhưng trong Mác 11, tôi thấy Chúa Jêsus đã rủa sả cây vả không có trái, và lật bàn xô ghế ở đền thờ. Tôi thấy khó để liên tưởng hai hình ảnh này với sự nhu mì và khiêm nhường được nói đến trước đó.

Và với cảm giác bối rối, tôi dần thấy nghi ngờ rồi đi dần vào sự bất tín, tôi đã muốn dừng việc đọc Kinh Thánh. Mặc dù đó là phản ứng dễ xảy ra khi đối diện với sự nghi ngờ, nhưng đây là năm điều đã giúp tôi đối diện với những bối rối của chính mình:

1. Đừng bỏ qua việc đọc Kinh Thánh và sự nhóm lại.

Tôi đã từng thấy nhiều người bạn rời nhà thờ, rồi rời khỏi cộng đồng Cơ Đốc khi họ không tìm ra được câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Tôi nhớ bản thân mình cũng đã từng đối diện với những câu hỏi tương tự, và tôi tin chắc rằng Kinh Thánh có mọi câu trả lời. Cho nên, dù khi đức tin bị thử thách, tôi quyết định vẫn gắn bó với hội thánh, vẫn trung tín đọc Kinh Thánh, và tìm hỏi những Cơ Đốc Nhân khác hoặc những người am hiểu Kinh Thánh cho đến khi tôi hiểu rõ và hiểu đúng về Chúa.

Khi bạn có những thắc mắc về Kinh Thánh, bạn sẽ dễ nghi ngờ tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Nhưng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 1:20-21). Lời Kinh Thánh là chân thật (Thi Thiên 119). Kinh Thánh giúp ích và đầy đủ cho chúng ta (II Ti-mô-thê 3:15-17). Những lời tuyên bố này hoặc là hồ đồ, hoặc là chân thật. Nếu bạn tin Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh nói tới, bạn cũng phải tin rằng Kinh Thánh chính là lời của Đức Chúa Trời.

Dù Kinh Thánh được viết bởi nhiều trước giả ở những nơi chốn khác nhau trong khoảng thời gian khác nhau, nhưng toàn bộ Kinh Thánh đều nói về cùng một Đức Chúa Trời và cùng một thông điệp Phúc m. Đây là một sự thống nhất kì diệu. Các sử gia cũng đồng ý về sự tồn tại của Chúa Jêsus và việc Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá. Với tôi, những bằng chứng đó đủ minh chứng cho sự đáng tin cậy của Kinh Thánh.

Từ bỏ Kinh Thánh và hội thánh để tìm kiếm sự thật về Đức Chúa Trời ở những chỗ khác là một sai lầm. Bởi vì thế gian đã chối bỏ Đức Chúa Trời, làm sao họ có thể cho bạn biết sự thật về Ngài được?

2. Cầu nguyện xin Chúa ban cho sự thông hiểu

Gia-cơ 1:5 nói rằng nếu có ai kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời. Trước khi Chúa Jêsus chịu chết, Ngài hứa sẽ ban Thánh Linh để dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc lại mọi điều Ngài đã phán dạy (Giăng 14:26). Chúng ta ngày nay cũng có Đức Thánh Linh là Đấng Mưu Luận ở cùng, nên hãy để Thánh Linh dẫn dắt trong mọi sự. Hãy cầu nguyện xin Ngài ban cho bạn sự khôn ngoan, sự thông hiểu, và một tấm lòng đón nhận lẽ thật.

Có lẽ bạn nghi ngờ rằng Chúa sẽ không cho bạn một câu trả lời cụ thể. Tôi đã từng như vậy. Tôi đã hỏi Chúa tại sao Ngài có thể lật bàn của những kẻ buôn trong đền thờ và rủa sả cây vả, nhưng chúng ta thì phải yêu kẻ thù mình và không lấy ác báo ác. Nhưng tôi đã không nhận được một sự giải thích nào về thắc mắc này. Thay vào đó, tôi được nhắc nhở bởi Lời Chúa trong sách Gióp, khi Gióp hỏi Chúa về nguyên nhân ông chịu đau khổ: “Khi Ta đặt nền trái đất thì con ở đâu? Nếu con thông sáng, hãy cho Ta biết” (Gióp 38:4).

Tôi đã nói với Chúa rằng điều đó thật vô nghĩa. Khi những thắc mắc ngày càng nhiều hơn, tôi bắt đầu tự hỏi, tại sao tôi nên tin vào một Đức Chúa Trời mà chưa bao giờ làm cho tôi một phép lạ nào như Kinh Thánh đề cập. Chỉ là lời động viên từ một ai đó yêu tôi, đó là tất cả những gì Chúa có thể làm cho tôi sao?

Nhưng sau khi tôi đến với Chúa trong sự cầu nguyện, Chúa cho tôi thấy cách Ngài đang hành động trên thế giới này, và trên cuộc sống của chính tôi. Mẹ tôi đã tình cờ gặp một người hai lần sau một buổi nhóm Chúa Nhật, và người đó đã trở thành nhà trị liệu cho tôi. Người bạn thân của tôi bắt đầu chia sẻ với tôi về những sự bày tỏ cô ấy nhận được từ Chúa và những điều Chúa đã và đang hành động trên cuộc đời của cô ấy. Vì vậy, dù tôi không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, Ngài vẫn đang điều khiển mọi thứ xung quanh tôi. Và giờ đây, khi nhìn lại mọi thứ, tôi có thể nhìn thấy chứng cớ của Ngài qua những thử thách và sự cứng cỏi của tôi.

Chúa sẽ giúp bạn hiểu được những điều bạn đang thắc mắc. Hãy cứ đến với Chúa, và gõ cửa không ngừng, và đừng từ bỏ việc tìm kiếm Ngài với trọn tấm lòng. Hãy kiên nhẫn chờ đời, bạn sẽ nhìn thấy bức tranh lớn hơn.

3. Trở về với những điều căn bản

Khi bạn đối diện với những câu hỏi khiến bạn bối rối về niềm tin, bạn cần có một nền tảng đức tin vững vàng. Niềm tin của bạn đang đứng trên điều gì? Điều gì bạn biết chắc? Hãy kể ra những điều bạn tin chắc, hoặc những điều bạn nên tin chắc. Đây là danh sách của tôi:

  • Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo thế giới và mọi sự Ngài tạo dựng là tốt lành (Sáng Thế Ký 1)
  • Loài người bất tuân Ngài và tội lỗi đã bước vào thế gian. (Sáng Thế Ký 3)
  • Đức Chúa Trời đã đến thế gian làm người, qua Chúa Jêsus, để chết thay cho tội lỗi chúng ta. (Ma-thi-ơ 1-2; Lu-ca 2)
  • Chúa Jêsus đã chết và sống lại sau ba ngày, đắc thắng tội lỗi và sự chết. (được đề cập ở sách Phúc Âm)
  • Những ai tin Ngài sẽ được tha thứ mọi tội và nhận được sự sống đời đời. (Ma-thi-ơ 26:28; Giăng 3:16)
  • Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống một cuộc đời thánh khiết và tôn kính Ngài (Truyền Đạo 12:13).
  • Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh cho người tin Ngài để giúp đỡ họ sống cuộc đời tốt đẹp. (Giăng 14:16-18)
  • Có thể những điều trên không liên quan trực tiếp đến những câu hỏi bạn đang thắc mắc, nhưng những điều xuất phát từ sự tò mò có thể nhanh chóng dẫn đến việc nghi ngờ mọi thứ bạn cho rằng mình đang tin tưởng. Trong những trường hợp này, tôi nhận thấy mình cần quay trở lại những điều cơ bản về niềm tin, để xem rằng nền móng của mình liệu vẫn đang chắc chắn.Tôi đọc lại về sự giáng sinh của Chúa Jêsus, sự chết và phục sinh của Ngài.

    Nhớ lại những điều cơ bản của niềm tin sẽ giúp bạn nhận biết đâu là lẽ thật, và đâu chỉ là quan điểm hay sự suy luận. Điều đó sẽ giúp bạn không lạc lối trong khi đi tìm lời giải đáp.

    4. Trò chuyện với một Cơ Đốc nhân trưởng thành mà bạn tin tưởng.

    Kinh Thánh là cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới, nên có lẽ, những thắc mắc và câu hỏi của bạn đã được đặt ra trước đây. Và những người đã tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi đó sẽ có thể chia sẻ với bạn những điều họ đã khám phá. Nhưng điều quan trọng là bạn cần tìm một Cơ Đốc nhân mà bạn tin tưởng – một người mà bạn không ngại chia sẻ, và phải là người có nền tảng và hiểu biết Kinh Thánh tốt.

    Đối với tôi, người đó là bố tôi. Có một lần, khi tôi đọc II Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-9, phân đoạn đó nói rằng Chúa sẽ phán xét những kẻ gây nên hoạn nạn. Và khi đấy, tôi đã có một câu hỏi: Nếu những người này cũng đang chịu khốn khổ và họ không cố ý gây hoạn nạn cho người khác thì sao? Tôi đã hỏi bố tôi điều đó, và chúng tôi đã nói về sự phán xét của Chúa và ơn thương xót của Ngài. Bố đã nhắc tôi về I Giăng 1:9 rằng, nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính. Và điều đó đã giúp tôi hiểu được phân đoạn Kinh Thánh.

    5. Sử dụng các nguồn tài liệu trên internet cách khôn ngoan

    Nếu bạn không có một Cơ Đốc nhân đáng tin cậy để tìm đến, bạn có thể tìm kiếm ở những nguồn tài liệu đáng tin cậy dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Những câu trả lời của bố tôi không phải lúc nào cũng giúp tôi hiểu được rõ ràng, nên đôi khi tôi cũng tìm hiểu thêm ở những nguồn tài liệu này.

    Cách để nhận biết nguồn tài liệu có đáng tin cậy không là bạn cần xem những tài liệu này có đang mâu thuẫn với những điều cơ bản về niềm tin mà tôi đã nhắc đến ở trên không. Nếu có sự mâu thuẫn, thì đó là những nguồn tài liệu không đáng tin cậy. Nếu không, bạn cần xem thêm số lượng về nội dung Kinh Thánh họ có, và họ có đang đối chiếu Kinh Thánh hay không. Ví dụ, nếu những bài viết về sự phán xét trong Cựu Ước, nhưng không đối chiếu với Tân Ước, thì những nguồn này có thể không đáng tin cậy.

    Tôi thường tham khảo Constable’s Notes ở trang Bible.org để tìm hiểu về những phân đoạn Kinh Thánh tôi thấy khó hiểu, hoặc trang GotQuestions.org có giải đáp cho đa số câu hỏi chúng ta thường có liên quan đến Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Tôi sớm nhận thấy việc đọc những bài viết và chia sẻ của một ai đó dễ khiến chúng ta cảm thấy bối rối, đặc biệt khi những điều đó đi ngược lại với những điều tôi được bố tôi dạy bảo hoặc những điều cơ bản của niềm tin. Do đó, tôi khuyên các bạn nên tìm kiếm dựa trên những nguồn đáng tin cậy, như trang Desiring God hoặc Our Daily Bread Ministries.

    Tôi đã thật sự tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc của mình sau khi cầu nguyện nhiều, đọc và suy ngẫm. Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, và do đó, Ngài có thẩm quyền mà chúng ta không có. Có những điều Ngài có thể làm nhưng chúng ta không có thẩm quyền để thực hiện. Thật vậy, liệu tôi có thể giúp Ngài sáng tạo nên thế gian này không, do đó, tôi là ai mà có quyền rủa sả cây vả khi bản thân tôi cũng chính do Ngài tạo dựng.

    Sau nhiều điều, tôi nhận thấy sẽ có nhiều điều mà chúng ta sẽ không thể hiểu được, hay chỉ biết được một phần; vì chúng ta như người mù đang chạm vào từng bộ phần của con voi để hình dung nó. Có nhiều câu hỏi tôi sẽ ghi chú lại và sẽ hỏi Ngài khi tôi đến thiên đàng.

    Nếu bạn có câu hỏi nào về Đức Chúa Trời hay Kinh Thánh, tôi muốn khích lệ bạn hãy mang những nghi ngờ đến với Chúa và cầu xin Chúa bày tỏ cho bạn. Đừng dùng những nghi ngờ làm cái cớ để dừng đọc Kinh thánh. Hãy thử chia nhỏ từng phần Kinh Thánh và dành nhiều thời gian hơn để đọc và suy ngẫm, hoặc bạn cũng có thể dùng sách giải nghĩa Kinh Thánh nhưng điều quan trọng hơn cả, hãy đảm bảo rằng, bạn vẫn đang tìm kiếm chính Chúa. Khi chúng ta vẫn ở trong mối liên hệ với Ngài, chính Chúa sẽ làm việc trên đời sống chúng ta (Giăng 15:5) và Ngài sẽ minh chứng về chính Ngài là Đấng Chân Thật.

    Tác giả: Carol Lerh, Singapore

    Chuyển ngữ: Hồng Ân

    Biên tập: ODB Việt Nam

    Nguồn: https://ymi.today/2018/07/what-to-do-when-the-bible-is-confusing/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

    Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/