ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI BẠN ĐANG NGHI NGỜ TRONG ĐỨC TIN
Chắc hẳn sẽ rất căng thẳng nếu những người mà bạn yêu thương bắt đầu nghi ngờ Chúa. Chúng ta lo lắng rằng mình sẽ không có câu trả lời đủ để thuyết phục họ giữ vững đức tin và lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ rời bỏ Chúa.
Nhưng nghi ngờ là điều hết sức bình thường trên bước đường theo Chúa. Và Chúa sẽ giúp chúng ta biết được đức tin có ý nghĩa gì khi đối mặt với những thực tế khó khăn của cuộc sống. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể đồng hành với người bạn đang đối diện với những câu hỏi khó:
1. Hãy cầu nguyện luôn, đừng chỉ dựa vào lý lẽ:
Chỉ bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, chứ lời lẽ khôn khéo của chúng ta không thể thuyết phục một người trong đức tin (I Cô-rinh-tô 2:4-5).
Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ là chỉ bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, chứ lời lẽ khôn khéo của chúng ta không thể thuyết phục một người trong đức tin (I Cô-rinh-tô 2:4-5).
Thế nên, hãy cầu xin Chúa dẫn dắt khi chúng ta trò chuyện với bạn mình, để chúng ta trở nên “hữu dụng cho chủ và sẵn sàng cho mọi việc lành”, nhờ đó giúp họ tái kết nối với Chúa (II Ti-mô-thê 1:21).
Chúng ta cũng có thể cầu thay cho bạn của mình rằng Chúa sẽ bày tỏ Ngài cho họ, ban cho họ sự giúp đỡ phù hợp và bảo vệ họ khỏi ma quỷ trong lúc họ tranh chiến với những câu hỏi của mình (Ê-phê-sô 6:12).
2. Hãy đặt câu hỏi, thay vì chỉnh sửa lời phát biểu
Thường có nhiều điều khác ẩn chứa đằng sau những gì họ đang nói, hãy giúp họ nhận ra điều gì thật sự đang diễn ra trong thế giới nội tâm của họ. (Lu-ca 9:47)
Theo bản năng, chúng ta luôn muốn chỉnh sửa những “phát biểu sai lầm” của bạn mình ngay sau khi họ kết thúc câu nói. Nhưng cho dù sự nghi ngờ của họ là những lập luận logic, đặt dấu hỏi về các giáo lý của Cơ Đốc giáo, hay những lời buộc tội đầy cảm xúc thách thức bản tính của Chúa, hoặc những lời đùa cợt thiếu tôn trọng chế nhạo niềm tin, thì thường có nhiều điều khác ẩn chứa đằng sau những gì họ đang nói.
Chúa Jêsus hiểu rõ điều này. Ngài luôn nghe thấy tiếng khóc than thật sự của những người mà Ngài gặp (Giăng 4; Lu-ca 9:47; Lu-ca 5:22; Mác 10:17-22). Nhờ đó, Ngài đề cập đến chính xác những nan đề trong tấm lòng.
Việc đặt những câu hỏi như: “Điều gì khiến bạn có những câu hỏi/cảm xúc này?”, “Khía cạnh nào trong bản tính của Chúa mà bạn thấy khó tin nhất?”, “Điều gì làm bạn đau lòng nhất?”, “Bạn sợ điều gì?” sẽ giúp chúng ta (và họ) nhận ra điều gì thật sự đang diễn ra trong thế giới nội tâm của họ.
3. Hãy cùng nhau thảo luận về những điều nghi ngờ, ngay cả khi chúng ta không có mọi câu trả lời
Việc tìm hiểu kỹ hơn về lý do khiến bạn mình nghi ngờ có thể giúp chúng ta nhận ra đâu là sự giúp đỡ sẽ hữu ích cho họ. Ngay cả khi không biết mọi câu trả lời, chúng ta vẫn có thể cùng học một phân đoạn Kinh Thánh với nhau, và gợi ý cho họ những nguồn tài liệu hoặc những người có thể giúp đỡ họ trong từng trường hợp cụ thể (Truyền Đạo 4:10).
Đôi lúc, có thể họ sẽ hỏi về những kinh nghiệm cá nhân của chúng ta với Chúa hoặc cách chúng ta hiểu về một số phân đoạn trong Kinh Thánh. Trong trường hợp này, luật vàng (Ma-thi-ơ 7:12) rất hữu ích: hãy nói với họ theo cách mà chúng ta muốn người khác nói với mình. Thay vì đưa ra lời khuyên về những điều họ nên hoặc không nên tin, chúng ta có thể khiêm nhường kể cho họ nghe câu chuyện của chính mình và để họ tự quyết định điều gì là ích lợi cho họ.
4. Hãy dành thời gian, nhưng cũng vạch ra những ranh giới cần thiết
Cảm thông với nỗi đau của bạn bè đến mức quên chăm sóc bản thân là điều thực sự không tốt – vì vậy hãy nhớ dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lực. (Mác 6:30-32)
Thường thì chúng ta dễ dồn hết tâm trí vào việc giúp đỡ bạn mình. Nhưng cảm thông với nỗi đau của họ đến mức quên chăm sóc bản thân thì thực sự không tốt. Ngay cả Chúa Jêsus cũng đã tạm lánh xa đám đông để nghỉ ngơi và tĩnh lặng một mình (Mác 6:30-32; Lu-ca 5:16).
Đôi khi, có thể bạn bè sẽ đem mọi nỗi thất vọng của họ với thế giới, với Chúa trút đổ lên chúng ta. Điều này thường xảy ra với một người đang trải qua sự đau đớn và nghi ngờ sâu sắc. Nhưng nếu cách họ đang thể hiện khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái hoặc kiệt sức, thì hãy vạch ra ranh giới rõ ràng. Hãy thử vài điều như: “Mình hiểu là bạn đang tức giận, nhưng mình sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện này nếu chúng ta đồng ý không sử dụng những từ ngữ tiêu cực” hoặc “Mình hiểu là bạn đang thất vọng, nhưng hiện tại mình đang bận. Mình có thể liên lạc với bạn sau được không?”
Những ranh giới này tạo ra không gian an toàn cho mọi người liên quan. Người bạn của chúng ta sẽ tôn trọng lời đề nghị này (có lẽ họ chỉ nhất thời quên mất bản thân). Nếu họ hờn giận và quyết định không nói với chúng ta về những nghi ngờ của họ, chúng ta vẫn có thể tiếp tục cầu nguyện cho họ, luôn nhớ rằng Chúa sẽ có cách của Ngài để phán với họ.
5. Hãy chiến đấu với những nghi ngờ, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng tình bạn
Tiếp tục làm những điều mà bạn thích được làm cùng nhau. (Châm ngôn 17:22)
Có thể chúng ta quá quan tâm đến đời sống thuộc linh của bạn mình đến nỗi mọi cuộc trò chuyện đều trở thành lúc để giải quyết những nghi ngờ của họ. Nhưng hãy nhớ rằng, họ không phải là một dự án mà là một con người!
Những mối nghi ngờ đã ăn sâu trong một người sẽ cần nhiều thời gian để giải quyết. Đừng quên tiếp tục xây dựng tình bạn bằng những điều mà bạn thích được làm cùng nhau (Châm Ngôn 17:22a). Thường thì sự đồng hành của một người bạn thân sẽ giúp cho người kia cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Sự chấp nhận mà họ cảm nhận được từ tình yêu thương và sự giúp đỡ của chúng ta có lẽ là điều họ cần để tiếp tục kiên trì trong đức tin.
Ngay cả những người mạnh mẽ nhất trong chúng ta cũng có lúc nghi ngờ Chúa. Nhưng những giai đoạn nghi ngờ đó cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến chỗ có đức tin sâu sắc hơn. Hãy cứ tiếp tục phó thác những người bạn của chúng ta cho Chúa, vì Ngài là Đấng yêu thương họ nhất.
Nguồn: https://ymi.today/2021/02/how-to-walk-with-a-friend-whos-doubting-the-faith/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/