ĐỒNG HÀNH VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐANG CHỊU ĐAU KHỔ

Người bạn tâm giao. Một bờ vai để nương tựa. Người bạn chí cốt. Tất cả chúng ta đều cần những người như vậy và tất cả chúng ta đều giữ những vai trò khác nhau này trong những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.

Dầu vậy, đó là những vai trò không hề dễ dàng. Khi ai đó đang ở trong tình trạng tổn thương nhất thì thông thường khi chúng ta nói hay làm điều gì đó đều ảnh hưởng lớn nhất. Dù có mục đích tốt nhưng lời nói và việc làm không đúng mực hoặc không nhạy bén có thể phá hoại, ngăn cản hoặc khiến những người bạn nản lòng khi tìm đến chúng ta để có được sự an ủi và nâng đỡ.

Có bao giờ bạn nghe qua cụm từ “người an ủi Gióp” chưa? Căn cứ vào Google, cụm từ này có nghĩa là “gây thêm đau khổ dưới danh nghĩa an ủi”. Nếu bạn quen thuộc câu chuyện kể về Gióp trong Kinh Thánh thì bạn có thể đoán ra cụm từ này nhắc đến ba người bạn của Gióp là những người thay vì đem lại sự nâng đỡ và an ủi cho ông khi ông phải đối diện với sự đau khổ thì lại đem đến nhiều sự đau khổ hơn qua việc cáo buộc và chỉ trích ông.

Dầu vậy, chúng ta có thể học được nhiều điều từ câu chuyện của Gióp về việc đồng hành với bạn hữu trong những thời điểm khó khăn.

1. Đến bên cạnh

Gióp là người trọn vẹn và ngay thẳng, Chúa ban phước cho ông có nhiều con cái và vô số của cải. Chúa cho phép Sa-tan tấn công Gióp để xem phản ứng của ông ra sao. Trong thời gian ngắn, Gióp mất hết con cái và của cải, và bị ung nhọt từ bàn chân cho đến đỉnh đầu. Do đó, ba người bạn của ông đến thăm ông.

“Khi ba người bạn của Gióp là Ê-li-pha người Thê-man, Binh-đát người Su-a và Sô-pha người Na-a-ma được tin về các tai hoạ đã xảy đến cho ông, thì họ từ xứ mình hẹn nhau đến để chia buồn và an ủi ông” (Gióp 2:11). Ba người bạn thậm chí xé áo quần của mình để biểu thị sự đau buồn và ở cùng ông Gióp bảy ngày đêm trong im lặng (Gióp 2:12-13).

Thật đáng ngưỡng mộ mức độ chân thành và nhạy bén của ba người bạn này và chúng ta có thể học được vài điều qua việc làm này. Chúng ta cũng hãy mạnh dạn và can đảm thực hiện bước đầu tiên để đến bên cạnh những người bạn đang gặp khó khăn và đồng hành với họ.

2. Đừng phán xét

Mặc dù khởi đầu những người bạn của Gióp có ý tốt nhưng rốt cuộc họ là những người bạn tồi tệ.

Mặc dù họ làm việc tốt là im lặng trong bảy ngày đầu tiên nhưng vấn đề nảy sinh khi họ bắt đầu nói. Thay vì an ủi và khích lệ Gióp thì những người bạn này phán xét ông.

Ngoài ra những người bạn thân này cay nghiệt phán xét ông. Ba người bạn này tự nói rằng ông Gióp đã phạm tội và đáng phải chịu sự đau đớn này mặc dù Kinh Thánh chép rằng ông là “người ngay thẳng và trọn vẹn” (Gióp 1:1).

Những người bạn này nói ông là ngạo mạn, gian ác và không kính sợ Chúa. Thậm chí họ còn nói Gióp thích làm điều ác (Gióp 20:12) và còn nói những con cháu của ông đáng bị tai họa giáng xuống (Gióp 18:19). Chắc chắn đó là điều mà ông Gióp không muốn nghe vào lúc đó.

Tôi từng có những trải nghiệm đau đớn với một người bạn, hy vọng giải thích một số thay đổi trong tính cách của tôi mà anh ấy nhận thấy không phù hợp. Tôi thật sự bị tổn thương khi người bạn của mình chỉ trích tôi vì điều mà tôi nói với anh ấy. Mặc dù có một số điều đúng trong những lời chỉ trích của bạn tôi mà tôi đã xin lỗi nhưng trải nghiệm sau cùng đã khiến chúng tôi xa nhau và nhìn anh ấy với đôi mắt khác.

Chúng ta phải cẩn thận không nên xét đoán lẫn nhau và không nên rút ra kết luận về lý do người khác đang chịu khổ.

3. Im lặng và lắng nghe

Ê-li-hu, người bạn thứ tư, vẫn giữ im lặng trong phần lớn sách Gióp, trong khi ba người kia tranh cãi, ông chỉ lên tiếng khi những người khác đã trình bày xong quan điểm của mình.

Tương tự như Ê-li-hu, chúng ta không nên nhanh chóng đáp lại những điều xuất hiện đầu tiên trong tâm trí vì như chúng ta đã thấy, điều đó có thể không cần thiết.

Gần đây, người bạn của tôi trong quân ngũ kể với tôi chuyện anh ấy và bạn gái của anh ấy thường xuyên cãi nhau, vì cớ bất cứ khi nào anh ấy tâm sự với cô ấy về những vấn đề mà anh ấy đối diện trong quân đội thì cô ấy cứ khuyên anh ấy nên làm gì để giải quyết chúng. Thường thì anh ấy đã biết cách giải quyết đúng đắn và chỉ muốn một người lắng nghe đồng cảm. Khi nghe anh ấy trò chuyện, tôi thật sự biết ơn vì mình chỉ im lặng lắng nghe anh ấy mà không cố gắng đưa ra bất kỳ lời nhận xét nào hoặc đưa ra bất kỳ giải pháp nào cho tình trạng khó khăn của anh ấy.

4. Khích lệ

Sau cùng khi Ê-li-hu nói, ông không xét đoán Gióp vì những tội lỗi quá khứ mà ông không phạm, nhưng thay vào đó Ê-li-hu đặt vấn đề về những gì Gióp đang nói. Kinh Thánh cho biết: “Ông nổi giận với Gióp vì Gióp tự xưng mình là công chính hơn Đức Chúa Trời” (Gióp 32:2).

Dầu vậy, Ê-li-hu cũng là người duy nhất trong số bốn người bạn đem lại hy vọng cho Gióp. Ông nhận thấy tình trạng khó khăn của Gióp và sau đó nói đến lời hứa phục hồi đầy hứa hẹn và sự nhân từ của Chúa: “Người cầu nguyện với Chúa và được Ngài đoái thương, khiến người mừng vui khi trông thấy mặt Ngài, và Ngài phục hồi người vì sự công chính của người” (Gióp 33:26).

Ê-li-hu nói với Gióp rằng Chúa có chương trình và cho phép đau khổ xảy đến để tôi luyện chúng ta. Ê-li-hu đem lại một viễn cảnh hy vọng hoàn toàn tươi mới và cần thiết.

Trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, tôi đã trải qua tình trạng nản lòng thuộc linh khi phải giải quyết tội lỗi của mình, và sự nghi ngờ về ơn cứu rỗi. Bất cứ khi nào tôi được nghỉ mỗi buổi tối thứ Sáu thì tôi bắt đầu tham gia buổi nhóm thanh niên của người anh họ.

Nhóm thanh niên này rất dễ thương và thân thiện nhưng chính người chị linh hướng khoảng 30 tuổi đã chủ động đến với tôi và hỏi thăm về đời sống thuộc linh của tôi. Chị ấy dường như chân thành và là một người trưởng thành nên tôi tin tưởng kể cho chị ấy nghe về những vấn đề mà tôi đang gặp phải.

Chúng tôi đã có một trò chuyện chân thành và đầy ý nghĩa. Mặc dù ban đầu tôi nghĩ mình biết tất cả mọi câu trả lời trong sách giáo khoa phù hợp với hoàn cảnh mình nhưng những lời khích lệ và cầu nguyện thật sự nâng đỡ tôi và làm tôi tươi mới.

Sau đó, những cam kết trong quân đội đã khiến tôi không thể tiếp tục tham gia các buổi nhóm thanh niên. Nhưng lúc đó, tôi rất tạ ơn Chúa vì tôi đã thoát khỏi giai đoạn ngờ vực thuộc linh và chán nản, đa phần là nhờ sự khích lệ và tình bạn của người chị này.

Tóm lại, hãy mau nghe và nhanh ôm lấy người khác, chậm nói và càng phải chậm phán xét.

Trên hết mọi điều, đừng ngại đến bên cạnh, vì cớ có thể chúng ta không hoàn hảo và thường hay nói và làm điều sai trật nhưng chúng ta có thể cầu nguyện và tin cậy Chúa chỉ dẫn chúng ta trong những cuộc nói chuyện với những người bạn đang chịu đau khổ. Xin Chúa giúp chúng ta trở thành ống dẫn phước cho những người đang cần giúp đỡ xung quanh chúng ta.

Tác giả: Chong Shou En, Singapore

Chuyển ngữ: Nguyên Hưng

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2018/02/walking-with-suffering-friends/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/