ĐƯỢC THÁNH HÓA CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Nguồn: https://ymi.today/2018/04/what-does-it-mean-to-be-sanctified/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Gần đây có người đã viết từ “#thánhkhiết” lên cửa phòng của tôi. Tôi sống trong ký túc xá của một trường đại học Cơ Đốc và hướng dẫn một nhóm học Kinh Thánh hàng tuần trên tầng của tôi, vì vậy hashtag đầy sáng tạo này khiến tôi mỉm cười. Nó cũng khiến tôi nghĩ đến một câu hỏi mà tôi đã vật lộn trong suốt nhiều tuần qua. “#Thánhkhiết” có nghĩa là gì? Hay nói cách khác, sự nên thánh là gì?

Tôi lớn lên trong hội thánh nên từ “nên thánh” không phải là mới mẻ đối với tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đã hiểu rõ về thuật ngữ đó. Tôi đã bắt đầu muốn tìm hiểu rõ hơn vào một ngày nọ khi tôi đang đọc I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3: “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải được thánh hóa.” Câu Kinh Thánh này gắn sự thánh hóa với việc lánh xa sự gian dâm, nhưng tôi tự hỏi sự thánh hóa có ý nghĩa gì ở phương diện rộng hơn.

Người cố vấn của tôi đã hướng tôi đến với Rô-ma 6-8, là phần Kinh Thánh cũng đề cập đến sự nên thánh. Rô-ma 6:22 mô tả rằng chúng ta đã chết đối với tội lỗi, đã được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi và bây giờ đã trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời. Theo Rô-ma 6:22, điều này dẫn đến “sự thánh hóa”, hay như bản dịch khác là “sự nên thánh”. Nhưng điều này diễn ra thế nào? Và có nghĩa là gì?

Bắt đầu khi chúng ta được giải phóng khỏi tội lỗi

Gần đây tôi đã nghe một bài giảng về sự tha thứ. Trong bài giảng này, vị mục sư sử dụng một minh họa dựa vào tiểu thuyết The Scarlet Letter (Chữ A Màu Đỏ) của tiểu thuyết gia người Mỹ Nathaniel Hawthorne. Trong câu chuyện đó, người phụ nữ phạm tội ngoại tình phải mang một chữ A màu đỏ trên ngực để biểu thị cho tội lỗi của cô. Trong suốt bài giảng, vị mục sư giải thích rằng Chúa Jêsus đã cất đi tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho chúng ta, Ngài đã lột bỏ những chữ cái tội lỗi mà chúng ta mang trên ngực. Tôi nghĩ đây có thể là minh họa tuyệt vời về cách sự nên thánh bắt đầu. Như Rô-ma 6:22 nói, sự nên thánh bắt đầu khi chúng ta được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi và được biệt riêng để làm nô lệ cho Đức Chúa Trời.

Bài giảng về sự tha thứ đó đã giúp tôi liên kết thuật ngữ “nên thánh” với vai trò của sự nên thánh trong câu chuyện Phúc Âm. Về cơ bản, tôi thật tội lỗi và mang trên người những chữ cái khác nhau. Nhưng khi tôi được tha thứ, Chúa Jêsus không nhìn thấy những chữ cái đó, hay sự hư nát của tội lỗi, mà Ngài nhìn thấy một tạo vật mới. Ngài nhìn thấy tôi là thánh khiết, được sanh lại qua tình yêu và công tác của Ngài trên thập tự giá.

Tuy nhiên, vẫn còn một nan đề, như Phao-lô trình bày trong Rô-ma 7. Chúng ta vẫn phải chiến đấu với bản chất tội lỗi của mình. Phao-lô nói: “Tôi không hiểu điều mình làm. Vì tôi không làm điều mình muốn mà lại làm điều mình ghét” (Rô-ma 7:15). Có lẽ đây là tranh chiến lớn nhất của mọi Cơ Đốc nhân. Tất cả chúng ta đều tranh chiến, và tiếp tục tranh chiến với tội lỗi. Chúng ta đều bị cuốn vào trận chiến bên trong giữa thiện và ác.

Chẳng hạn, tôi (thỉnh thoảng) cố gắng ăn uống lành mạnh. Tôi biết tôi nên ăn uống lành mạnh, tôi thật sự muốn ăn uống lành mạnh, nhưng vì lý do nào đó, khi tôi nhìn thấy một món ăn vặt yêu thích, tôi lại ăn dù biết nó không tốt cho cơ thể của tôi và tôi muốn cố gắng để sống lành mạnh hơn.

Chúa đã tha thứ cho tội lỗi của tôi và Ngài xem tôi là thánh khiết, tuy vậy tôi vẫn bị giằng xé giữa ước muốn thánh khiết và ham muốn tội lỗi. Tôi bị cám dỗ và tôi nói với Chúa rằng: Chúa đừng lo! Con sẽ làm mọi điều đúng. Con sẽ đến với Ngài. Con sẽ đọc Kinh Thánh mỗi ngày và đối xử tốt với mọi người. Ổn thôi. Ngài không cần phải làm gì cả, con có thể tự lo cho mình.

Nhờ Chúa hành động trong tấm lòng chúng ta

Nhưng, đây không phải là cách sự nên thánh diễn ra. Sự nên thánh là quá trình tiếp diễn mà Chúa hành động trong tấm lòng của tôi để thay đổi ước muốn của tôi. Quá trình ấy bắt đầu với sự tha thứ của Chúa cho tội lỗi của tôi và vẫn tiếp tục suốt cuộc đời tôi khi tôi bước đi trong mối quan hệ với Chúa và học biết trở nên giống Đấng Christ càng hơn.

Phao-lô an ủi chúng ta trong tội lỗi của mình bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng “Nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết ở trong anh em, thì Đấng đã khiến Đấng Christ sống lại từ cõi chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài đang ở trong anh em mà ban sự sống cho thân thể hay chết của anh em” (Rô-ma 8:11). Nếu Đức Chúa Trời có thể khiến Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết, thì Ngài có thể dập dắt ước muốn phạm tội trong chúng ta và khiến chúng ta ao ước sự công chính. I Phi-e-rơ 1 cho chúng ta biết rằng Đức Thánh Linh hành động trong chúng ta để thánh hóa chúng ta hầu chúng ta vâng phục Đấng Christ và sống cuộc đời thánh khiết. Và vì vậy, chúng ta tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu làm việc lành trong chúng ta sẽ làm trọn việc ấy (Phi-líp 1:6).

Chỉ bởi ân điển của Ngài mà tôi có thể tin. Chỉ bởi ân điển liên tục của Ngài mà tôi bước đi trên con đường thánh khiết, cho đến khi tôi được trình diện trước mặt Đấng Christ, không chỗ trách được. Nhưng tôi không bước đi trên con đường này một mình. Một trong những câu Kinh Thánh yêu thích của tôi là Ê-sai 41:13: “Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, Đấng nắm giữ tay phải con và phán với con rằng: “Đừng sợ, chính Ta sẽ giúp đỡ con.”

Tôi suy nghĩ về I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3 một lần nữa: “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải được thánh hóa, tức là phải lánh xa sự gian dâm”. Câu Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta rằng là Cơ Đốc nhân, chúng ta được biệt riêng. Ý muốn của Chúa dành cho chúng ta là trở nên giống Đấng Christ càng hơn, để nên thánh. Dù chúng ta vẫn phạm tội và gánh chịu hậu quả của tội lỗi, nhưng Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống chúng ta để thay đổi tấm lòng chúng ta và cho chúng ta biết ý nghĩa của việc trở nên giống Chúa Jêsus. Chúng ta không cần phải sợ hãi, và chúng ta không cần phải định nghĩa chính mình bằng những chữ cái gắn chặt với chúng ta. Chúa Jêsus nắm tay phải của chúng ta và bước đi với chúng ta; tất cả những gì chúng ta phải làm là khiêm nhường và sẵn lòng bước cùng với Chúa của mình.

Tôi không thể làm gì để khiến tôi công chính trước mặt Chúa. Tôi không thể tự mình theo đuổi lối sống thánh khiết. Nhưng tôi tin chắc với sự vui mừng rằng Đức Chúa Trời đầy ân điển và quyền năng đã làm và đang làm điều đó cho tôi. Chính quyền năng thánh hóa của Ngài khiến tôi trở nên “#thánhkhiết”.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/