GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT THEO CÁCH LÀNH MẠNH
Hãy tưởng tượng một cuộc sống không có xung đột, cũng chẳng có bất hòa và tổn thương. Và nếu có xảy ra thì chúng ta cũng có thể vui vẻ đón nhận, và chấp nhận sự bất đồng. Nếu vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ thật hạnh phúc và vui vẻ biết bao!
Nhưng thật đáng tiếc, bởi vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân và chúng ta sống trong một thế giới đau khổ nên những xung đột xuất hiện và chúng sẽ nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Các xung đột thật không dễ chịu chút nào nhưng chúng có thể giúp chúng ta lớn lên và trưởng thành để ngày càng trở nên giống Chúa Cứu Thế nếu như chúng ta giải quyết chúng theo cách tốt đẹp, phù hợp với Kinh Thánh.
Vậy thì, mỗi một người nên đối diện với xung đột bằng cách nào để không buông ra những lời độc dữ, không tỏ thái độ thờ ơ lạnh nhạt, hoặc đáp lại bằng những câu trả lời mang hàm ý hận thù?
Dù biết là rất khó nhưng chúng ta nên cố gắng đáp lại trong yêu thương, nghĩa là không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ (I Cô-rinh-tô 13:5). Kinh Thánh cũng nhắc nhở chúng ta phải có lòng mềm mại, nhân từ, nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau (Cô-lô-se 3:13).
Đây là một số lời khuyên hữu ích để xem xét về những điều nên và không nên làm khi xung đột diễn ra:
Đôi khi, tránh né người đã gây tổn thương cho chúng ta sẽ dễ hơn là đối mặt với họ. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn đưa mình ra khỏi cuộc sống của họ và tự nuôi giữ cảm xúc trong lòng.
Thật tốt khi chúng ta dành thời gian nghỉ ngơi để chữa lành những tổn thương của mình, việc khư khư đeo bám cơn giận chưa được giải tỏa hoặc chưa tha thứ cho người khác có thể khiến chúng ta hao mòn, và cuối cùng dễ khiến cho mối quan hệ không thể cứu vãn được nữa.
Dù chúng ta ở trong hoàn cảnh nào đi nữa thì Kinh Thánh dạy rằng tha thứ là cách tốt nhất để giải quyết xung đột.
Chúng ta thường cảm thấy khó (và hầu như là bất công) khi phải tha thứ cho người đã làm mình bị tổn thương, nhưng chúng ta nên tha thứ vì Chúa Cứu Thế đã tha thứ cho chúng ta trước (Ê-phê-sô 4:32). Và nếu chúng ta có làm ai đó bị tổn thương thì chúng ta cũng hãy đến gặp người đó để xin họ tha thứ cho mình (Ma-thi-ơ 5:23-24).
Tổn thương mà họ gây nên vô cùng sâu sắc. Căm giận và đau buồn thường trào dâng trong lòng mỗi khi chúng ta nhớ đến. Và bây giờ họ còn tìm cách nói chuyện với chúng ta, thật tức cười! Giờ cứ tránh mặt họ để dạy cho họ một bài học!
Sự tránh mặt hoặc tỏ ra lạnh nhạt có thể làm cho chúng ta ảo tưởng rằng mình đang kiểm soát tình huống, nhưng điều đó không giúp giải tỏa bớt cơn giận trong lòng chúng ta, cũng chẳng dành cho người ấy cơ hội để giải thích hoặc nói lời xin lỗi.
Nếu cảm thấy không thể nói chuyện với đối phương trong lúc xung đột nảy lửa thì chúng ta có thể lịch sự bảo với họ rằng bây giờ mình không có tâm trạng nào để giải quyết vấn đề, nhưng hứa với họ rằng mình sẽ dành thời gian để làm điều đó ngay khi sẵn sàng. Xét cho cùng thì Kinh Thánh dạy rằng lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu cơn thịnh nộ (Châm Ngôn 15:1), vì vậy chúng ta hãy ngôn ngoan làm dịu cơn giận trước khi tìm kiếm sự hòa giải với người khác.
Thay vì giải quyết xung đột với người khác thì chúng ta dễ khiến một cuộc xung đột khác phát sinh bởi vì chúng ta cứ khăng khăng bắt mọi chuyện phải làm theo ý mình nhưng lại không mở lòng lắng nghe quan điểm của người khác.
Thật tệ khi áp đặt ý mình cho người khác khi giải quyết xung đột. Điều này cũng cho thấy bạn coi thường người khác, cứ như thể là những gì họ nói chẳng đáng cho bạn phải xem xét.
Để tránh lặp lại sai lầm này, chúng ta cần suy nghĩ tại sao mình cứ muốn mọi chuyện phải giải quyết theo ý mình. Phải chăng đó là do lòng kiêu ngạo của chúng ta? Rô-ma 12:16 dạy chúng ta hãy sống hòa hợp với nhau…, và đừng tự cho mình là khôn ngoan. Chúng ta có thể cầu xin Chúa giúp mình lột bỏ những lớp áo kiêu ngạo và xin Ngài ban cho chúng ta lòng khiêm nhường để nhờ ơn Chúa mà giải quyết xung đột.
Có lúc chúng ta vô tình đi quá giới hạn và làm cho người bạn thân hoặc đồng nghiệp tức giận. Chúng ta hy vọng họ coi đó “chỉ là một trò đùa”, nhưng họ lại cứ trách móc và chúng ta cố biện minh. Chúng ta bực tức cho rằng “Chỉ là một trò đùa thôi mà, bọn họ đâu cần phải làm lớn chuyện như vậy chứ.”
Mặc dù chúng ta biết mình hoàn toàn sai nhưng vẫn cố bịa ra một mớ lời biện minh để giữ thể diện cho mình và lại còn đổ lỗi cho người khác nữa.
Thật không thoải mái chút nào khi nghe người khác nói ra lỗi sai của chúng ta, nhưng Châm Ngôn 28:13 khuyên chúng ta thú nhận tội lỗi vì ai xưng nó ra và lìa bỏ nó thì sẽ được thương xót. Tình huống ở trên có thể là cơ hội cho chúng ta tự đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được cảm giác của đối phương và đưa ra lời xin lỗi.
Có thể chúng ta không muốn thừa nhận những gì người khác nói về mình là đúng. Chúng ta cứ nghĩ là “Người ta buộc tội tôi điều này điều nọ thật quá đáng!” Để đáp trả, chúng ta cãi lại họ, chú ý kỹ từng lời họ đã nói ra để mà hằn học, muốn cho họ nếm mùi cay đắng.
Xác thịt chúng ta cảm thấy hả hê chỉ trong thời gian ngắn mà thôi, nhưng lời dữ chúng ta đã nói ra có thể làm bùng lên một cuộc cãi cọ hoặc xa hơn nữa là hủy hoại mối quan hệ của chúng ta.
Châm Ngôn 18:21 nói rằng sống chết do nơi quyền của lưỡi, và khi chúng ta thấy mình dễ nổi nóng thì có thể cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn miệng lưỡi mình và xin Ngài dạy chúng ta nói năng có ân hậu (và không ác ý) khi chúng ta tức giận.
Một ai đó đã làm điều vô cùng bất công với chúng ta và chúng ta thấy sốc, giận dữ và cảm thấy bị phản bội. Bây giờ chúng ta muốn kể hết mọi chuyện cho người khác nghe.
Biết rằng dồn nén cảm xúc là điều không tốt, nói ra sẽ giúp chúng ta giải tỏa bớt suy nghĩ, nhưng chúng ta hãy cẩn thận với những lời ra từ miệng mình để không phải hối hận về những điều mình trót nói ra trong lúc nhất thời nóng giận.
Châm Ngôn 19:20 khuyên dạy chúng ta hãy nghe lời khuyên (Châm Ngôn 19:20), bởi vậy chúng ta chỉ nên chia sẻ chuyện của mình với một nhóm bạn thân đáng tin cậy (khi chúng ta đã bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo). Điều này giúp chúng ta yên tâm vì được những người hiểu rõ về mình lắng nghe, mặt khác cũng giúp bảo vệ danh dự cho người đã gây tổn thương cho chúng ta.
Một cuộc tranh cãi nảy lửa thường khiến chúng ta bới móc lỗi lầm quá khứ của hai bên ra để nói, bên nào cũng muốn mình hơn. Chúng ta thường chì chiết đối phương, “Anh/ chị có còn nhớ là lần trước đã từng gây ra chuyện như thế này rồi không?”
Nói xấu nhau, đặc biệt là bới móc lỗi lầm quá khứ của người kia ra để lên án chỉ làm chúng ta sướng miệng trong chốc lát. Nhưng hầu hết thời gian sau chúng ta sẽ hối tiếc về những gì mình đã lỡ nói ra. Và đến khi đó thì đã quá muộn, không thu hồi lại được nữa.
Chúng ta cần nhớ rằng tình yêu thương… không nuôi dưỡng điều dữ (I Cô-rinh-tô 13:5), và sự hủy diệt ở nơi cái lưỡi, bởi vì nó là ngọn lửa… làm ô uế toàn thân (Gia-cơ 3:6). Thay vì bới móc lỗi lầm quá khứ của người khác thì chúng ta cần kiềm chế miệng lưỡi mình và khi nói thì lời nói của anh em phải luôn có ân hậu (Cô-lô-se 4:6).
Trong giây phút nóng nảy, chúng ta đã viết và đăng lên mạng xã hội một dòng trạng thái giận dữ nhằm bêu xấu người đã xúc phạm mình, chẳng hạn, “Anh/ chị A thân mến, tôi không thể tin nổi là anh chị đã dám nói tôi…” Và đăng xong thì bây giờ chúng ta chờ mong cho nhiều người vào nhắn tin thể hiện sự cảm thông chia sẻ với mình…
Chúng ta cho rằng đây là sự trả thù ngọt ngào! Xác thịt của chúng ta tạm thời cảm thấy được an ủi khi phơi bày lỗi lầm của đối phương cho thiên hạ biết, nhưng chúng ta đâu lường trước được rằng mối quan hệ của chúng ta sẽ bị hủy hoại một cách nghiêm trọng thế nào!
Như trong I Cô-rinh-tô 13:5 nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu thương không bôi nhọ người khác, không kiếm tư lợi (I Cô-rinh-tô 13:5), vậy nên thay vì công khai vì bêu xấu đối phương thì tại sao chúng ta không cầm bút viết vào quyển nhật ký, hoặc trút bầu tâm sự gửi đến người ấy trong một lá thư (mà chúng ta viết xong có khi lại đem xé bỏ) nếu như làm điều này có thể giúp chúng ta giải tỏa phần nào?
Lời nói vô tâm của người khác làm chúng ta khó chịu, nhưng thay vì thẳng thắn nói chuyện với họ thì lắm lúc chúng ta cứ tiếp tục chiến thuật ngấm ngầm căm giận. Khi họ hỏi xem chúng ta cảm thấy thế nào thì chúng ta trả lời lạnh nhạt, “Anh/ chị nên tự mà biết.”
Chúng ta nghĩ rằng họ nên tìm biết cảm giác của chúng ta lúc này ra sao vì rốt cuộc họ chính là người đã xúc phạm chúng ta. Thế nhưng phần lớn mọi người không thể đọc biết được tâm trạng của chúng ta, và việc gửi những tin nhắn khó hiểu hoặc là đánh lừa tâm lý đối phương có nguy cơ dẫn đến những sự hiểu lầm hoặc khiến chúng ta chồng chất thêm cay đắng với họ.
Châm Ngôn 24:26 dạy rằng lời nói chân thành là dấu hiệu của tình bạn. Do đó, thay vì hy vọng đối phương có thể đọc được suy nghĩ của mình hoặc họ nhận thấy họ đã làm chúng ta thật sự buồn khổ ra sao thì tốt hơn hết là chúng ta nên thẳng thắn nói chuyện (nhưng theo cách lịch sự) với họ để họ biết chúng ta đã bị họ làm cho tổn thương thế nào.
Tất nhiên là đọc về cách giải quyết xung đột thì thường dễ hơn là đem áp dụng vào cuộc sống.
Tốt nhất là chúng ta đừng dựa vào sức riêng của mình. Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan (Gia-cơ 1:5) để giải quyết, và nếu như chúng ta bị tổn thương thì hãy cầu xin Chúa chữa lành. Chúng ta cũng có thể xin Chúa nhắc nhở chúng ta rằng các xung đột không phải lúc nào cũng là hoàn cảnh mà chúng ta phải một thân một mình đối diện với nhiều người nhưng là cơ hội để chúng ta và họ cùng nhau giải quyết và có thể kết quả là mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn.
Lần tới, nếu bạn vướng vào một xung đột cần giải quyết thì xin đừng phản ứng theo bản năng xác thịt nhưng hãy cân nhắc để xử lý sự việc theo cách tin kính Chúa!
Nội dung & Minh họa: YMI X Amy Domingo (@amy_domingo)
Chuyển ngữ: Huyền Trang
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2020/09/confronting-conflict-the-healthy-way/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/