GIÃN CÁCH ĐỂ GẦN NHAU HƠN
“Giãn cách” là cụm từ đã trở nên quen thuộc với chúng ta trong hơn một năm qua khi đại dịch COVID-19 tràn lan khắp thế giới khiến nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hoặc phong tỏa. Từ chỗ bối rối, lo sợ đến mất kiên nhẫn, chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi với những quy định hạn chế đi lại và gặp gỡ người khác trong một thời gian dài. Tuy vậy, ở một khía cạnh nào đó, bạn sẽ thấy rằng giãn cách không làm chúng ta xa nhau mà ngược lại, còn giúp chúng ta gần nhau hơn.
1. Gần nhau hơn trong gia đình: Hơn bao giờ hết, COVID-19 đã giúp cho những thành viên gia đình xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh cuộc sống hiện đại vô cùng bận rộn. Cha mẹ, con cái có nhiều thời gian để quây quần với nhau trong bữa cơm gia đình và những hoạt động chung tại nhà. Gia đình có thời gian để ngồi bên cạnh nhau cùng thờ phượng Chúa và cầu nguyện. Tuy vậy, thời gian giãn cách cũng có thể làm bộc lộ rất nhiều nan đề trong gia đình mà bấy lâu nay có lẽ chúng ta đã nhắm mắt ngó lơ. Một hiểu lầm chưa được giải thích? Một sự ức chế chưa bao giờ nói ra? Một xung đột chưa được giải quyết?
Cô-lô-se 3:18-21 nói đến thiết kế ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho gia đình: “Hỡi những người làm vợ, hãy thuận phục chồng mình, như thế mới thích hợp là người ở trong Chúa. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu vợ mình, đừng cay nghiệt với nàng. Hỡi những người làm con, hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì điều nầy đẹp lòng Chúa. Hỡi những người làm cha, đừng chọc giận con cái mình, e chúng nản lòng chăng.” Phải chăng giãn cách là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại các mối quan hệ trong gia đình mình? Chúng ta có đang sống đúng với bổn phận của mình là người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con theo như Lời Chúa dạy không? Chúa đang thúc giục chúng ta làm gì để gia đình của chúng ta thật sự đẹp lòng Chúa?
2. Gần nhau hơn trong Hội thánh: Gần hai tháng qua, hầu hết những hội thánh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành không thể nhóm lại trực tiếp tại nhà thờ vì phải thực hiện các biện pháp giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Tuy vậy, các hội thánh cũng đã tìm thấy cơ hội trong những thách thức để duy trì việc thờ phượng Chúa và gây dựng nhau. Rất nhiều hội thánh đã nhờ ơn Chúa để có thể thực hiện các chương trình trực tuyến cho giờ thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhật, sinh hoạt ban ngành cũng như các buổi nhóm cầu nguyện để nâng đỡ đức tin của nhau với tinh thần “xa mặt chứ không cách lòng” (I Tê. 2:17). Dù phương cách thay đổi, nhưng tinh thần cốt lõi vẫn y nguyên: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê. 10:25). Nguyện Chúa ban ơn để chúng ta cứ khích lệ nhau trong sự thờ phượng Chúa và sống bày tỏ đức tin trong những ngày sau rốt đầy thử thách này.
3. Gần nhau hơn trong cộng đồng: Chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần cảm thấy ấm lòng khi đọc tin tức về các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân trong những ngày dịch bệnh vừa qua: Siêu thị 0 đồng, ATM gạo miễn phí, bếp ăn nghĩa tình, gian hàng yêu thương, chuyến xe yêu thương chở hàng tấn rau củ quả từ Lâm Đồng về Sài Gòn… Nhiều hội thánh và tổ chức Cơ Đốc cũng đã thực hiện các chương trình thiện nguyện để san sẻ khó khăn với cộng đồng và bày tỏ tình yêu của Chúa. Lời Chúa trong Ga-la-ti 6:9-10 khích lệ chúng ta: “Chớ mệt mỏi trong khi làm việc thiện, vì nếu chúng ta không nản lòng thì đến mùa chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc có cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em trong gia đình đức tin”. Xung quanh bạn có ai đang gặp khó khăn trong đời sống vì dịch bệnh không? Có ai đó cô đơn đang cần sự an ủi? Có ai đó thiếu thốn đang cần sự giúp đỡ? Có ai đó tuyệt vọng đang cần niềm hy vọng đời đời của Chúa Jêsus? Nguyện Thánh Linh cảm thúc bạn để bạn thực hiện điều Ngài muốn bạn làm.
Gần nhau hơn hay xa nhau hơn? Điều đó phụ thuộc vào quyết định của chúng ta. Cô-lô-se 3:14 nhắc nhở chúng ta rằng: “Tình yêu thương… là dây liên kết của sự toàn hảo”. Thật vậy, nếu đủ yêu thương thì giãn cách cũng chỉ để chúng ta gần nhau hơn.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/