HỌC CÁCH TIN CẬY CHÚA TRONG SA MẠC

Ngày tôi hẹn hò với người mà sau này trở thành vợ của tôi, tính cách thực tế và quyết đoán của bản thân đã khiến tôi ngay từ đầu khẳng định với cô ấy rằng: “Anh đã được kêu gọi cho mục vụ truyền giáo và anh sẽ đi. Em có đi cùng anh không? Nếu không, anh nghĩ chúng ta không cần tiến xa hơn trong mối quan hệ này.”

Sau này nghĩ lại, tôi thấy đó là cuộc nói chuyện không những khô khan mà thực ra còn khá gay gắt.

Bạn gái tôi liền hỏi: “Điều gì khiến anh chắc chắn như vậy?”

Suốt bảy năm, tôi đã dành trọn tấm lòng mình cho công tác truyền giáo nhưng chưa bao giờ cảm thấy băn khoăn bởi câu hỏi như thế. Tôi luôn có thể biện hộ cho việc giải thích về sự kêu gọi của mình, rằng đó chẳng phải là sự kêu gọi cá nhân hay sao? Nhưng lần này tôi phải suy xét cẩn thận; tôi không thể nói việc này không liên quan đến cô ấy vì chúng tôi đang hẹn hò và sẽ kết hôn trong tương lai.

Tôi nhớ lại hành trình phục vụ của mình bắt đầu khi tôi đến thăm một hội thánh vào bảy năm trước. Khi đó tôi chưa phải là Cơ Đốc nhân. Tôi đọc Kinh Thánh chỉ để chứng minh rằng Kinh Thánh sai và bạn bè đã mời tôi đến nhiều hội thánh khác nhau. Chúa Nhật đó, mục sư ở hội thánh mà tôi đến đã chia sẻ nhiều lời chứng từ những mục vụ truyền giáo khác nhau. Những câu chuyện ngược với những lý luận mà bản thân tôi tự hào đã khiến tôi được cảm động cách mạnh mẽ. Đó là lần đầu tiên tôi tham gia vào công tác truyền giáo. Tôi được kêu gọi.

Trong quá trình tìm hiểu Cơ Đốc giáo, tôi đã trở thành một Cơ Đốc nhân. Sự cảm động trong tấm lòng mà tôi kinh nghiệm trở thành trọng tâm trong hành trình đức tin của tôi. Ngay sau khi được cử hành thánh lễ báp-têm, tôi nỗ lực tham gia vào các công tác trong hội thánh. Tôi tham gia với hội thánh trong các chuyến đi hàng tháng tới đất nước láng giềng. Tôi sốt sắng tham gia các chuyến truyền giáo dài hạn và dự phần vào ban truyền giáo, cuối cùng là đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong ban truyền giáo.

Trong lúc ấy, bạn gái tôi cũng được kêu gọi vào một công việc truyền giáo riêng. Sau này khi chúng tôi đã kết hôn, cô ấy cùng nhóm lại tại hội thánh của tôi và giúp tôi trong công tác truyền giáo.

Vì hành trình đức tin của tôi từ ban đầu đã tập trung vào truyền giáo nên tôi thường dễ nản lòng nếu người khác không có cùng nhiệt huyết như mình. Tôi dựa vào sức lực, sự hiểu biết, kỹ năng lên kế hoạch của chính mình để cố gắng phát triển mục vụ truyền giáo của hội thánh. Tôi liên kết với những tổ chức truyền giáo khác và tìm kiếm cơ hội cộng tác với họ. Tôi lập ra những nội quy, thủ tục, hệ thống và cơ cấu, trong danh nghĩa tạo điều kiện cho mục vụ hoạt động tốt. Thậm chí tôi còn có khẩu hiệu hấp dẫn như: “Hãy đến và trở nên môn đồ; hãy đi và môn đồ hóa”.

Nói chung, tôi cảm thấy mình như một cứu tinh – người có trách nhiệm giúp đỡ người khác nhận ra và nắm bắt trọng tâm của công tác truyền giáo. Thực tế, tôi tự cho mình là công chính và nhiệt huyết. Tôi chạy trước Chúa. Và khi đó, tôi thực sự làm hỏng công việc đang thực hiện. Lòng nhiệt huyết của tôi dẫn đến sự bất mãn, nghi ngờ, chia rẽ và phàn nàn. Những người khác bình luận sau lưng tôi rằng: “Cậu thanh niên này lại bắt đầu một cái gì đó (phi thực tế) nữa rồi.”

Suốt chín năm, tôi thấy mình chẳng hoàn thành được việc gì. Mặc dù tôi không bao giờ nghi ngờ sự kêu gọi nhưng mọi việc dường như khó khăn và tôi bắt đầu nản lòng.

Nhưng gần đây, một tổ chức truyền giáo mà tôi có cơ hội biết đến đã giới thiệu cho tôi một quyển sách có tên Cây Mận Trong Sa Mạc. Đó là tập hợp những câu chuyện về truyền giáo. Đọc qua những thành công và thất bại, những lúc mạnh mẽ và yếu lòng của các giáo sĩ, tôi thực sự được khích lệ trong hành trình của chính mình. Đây là ba điều đặc biệt mà tôi hy vọng chính mình sẽ ghi nhớ khi tiếp tục theo đuổi công tác truyền giáo.

1. Kế hoạch của Chúa vượt trổi hơn thất bại của con người

Câu chuyện đầu tiên trong quyển sách là về hai giáo sĩ trở về quê hương từ đất nước mà họ đang truyền giáo – ngay thời điểm công việc của họ bắt đầu kết quả. Thực tế là họ đã bị trục xuất khỏi quốc gia đó vài lần. Ngay cả khi đang viết quyển sách này, họ vẫn chưa có câu trả lời cho việc vì sao điều đó lại xảy ra với họ.

Tôi tự hỏi các giáo sĩ đã cảm thấy khó khăn thế nào khi phải rời đi trong lúc những việc quan trọng như vậy đang diễn ra. Tôi cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của họ – tôi tưởng tượng tôi đang nản lòng, thắc mắc, nghi ngờ, than vãn – tất cả những phản ứng tự nhiên trong tình cảnh đó.

Nhưng dù các giáo sĩ chắc hẳn rất thất vọng vì không thể phục vụ tại quốc gia đó nhưng hiện nay tại đó đã có một hội thánh. Chúa đã thành tín và thực hiện những công việc tốt lành.

Có rất nhiều câu chuyện truyền giáo tôi được nghe trong quá khứ tập trung vào những thành công – số người được biến đổi, số nhà thờ được xây dựng. Dường như công tác truyền giáo chỉ có sự hào nhoáng và thành công. Nhưng đây lại là câu chuyện về sự thất bại và thất vọng.

Thật được khích lệ khi biết rằng công tác truyền giáo, thực tế trong bất cứ cuộc đời Cơ Đốc nhân nào, đều phải trả giá, nhưng đó là đặc ân tuyệt vời. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được kêu gọi từ bỏ bản thân, đầu phục, tin cậy, nương dựa, kiên trì, mạnh mẽ, để được an ninh và neo chặt trong tâm trí và linh hồn. Chúng ta không thể hoàn thành bất kỳ việc gì bằng sức lực và kế hoạch của riêng mình. Nhưng dù ở trong thất bại và yếu đuối, chúng ta vẫn có thể làm chứng rằng sức mạnh và năng quyền của Chúa làm được mọi sự.

2. Hầu việc Chúa là vì Ngài, chứ không phải vì chúng ta

Một câu chuyện khác trong quyển sách là về người vợ của một bác sĩ truyền giáo. Trong khi chồng bà là người năng nổ và có ảnh hưởng trong chức vụ, thì bà đấu tranh với tiếng gọi và mục đích của mình. Vai trò của phụ nữ rất bị hạn chế trong khu vực mà các nhà truyền giáo này phục vụ. Và người vợ phải “yên phận” dành phần lớn thời gian ở nhà và nuôi dạy con cái.

Bà viết:

Suốt những năm qua, cám dỗ đối với tôi là suy nghĩ chúng ta quá bình thường, giới hạn trong sức mạnh thuộc linh, quá ít ỏi… Điều tôi đạt được trong những năm tháng ở hoang mạc, ngồi bên chiếc bàn bếp là gì? Nhưng câu trả lời dành cho tôi là việc chúng ta xuất hiện với thế giới nói chung hay với chính mình như thế nào không quan trọng; chúng ta phải làm những gì Chúa đã kêu gọi chúng ta làm… Chúng ta chẳng bao giờ biết những bông trái Thánh Linh nào sẽ kết quả và vẫn đang kết quả, từ tình bạn mà chúng ta xây dựng và trong những cuộc trò chuyện mà chúng ta có.

Trái với dự đoán, tác giả kết thúc bằng trạng thái thỏa lòng và có mục đích, biết rõ ý nghĩa của sự trung tín trong tất cả những việc Chúa giao phó và có mục đích cho bà, trong lúc nỗ lực chỉ để làm vui lòng một Đấng duy nhất. Tôi được nhắc nhở rằng định nghĩa của Chúa về sự lớn lao không được đo bằng tiêu chuẩn con người và điều quan trọng nhất là tôi trung tín hầu việc Ngài.

3. Mọi sự hiệp làm làm ích cho những ai yêu mến Chúa

Câu chuyện cuối tôi muốn chia sẻ là về đôi vợ chồng giáo sĩ phục vụ một bộ tộc ở vùng hẻo lánh trong thời gian rất dài mà không thấy kết quả. Họ đã hy sinh tài chính, thậm chí là sức khỏe để chẳng nhận được gì cả – người chồng qua đời vì bệnh ở độ tuổi rất trẻ – 44 tuổi. Sau việc đó, hầu hết mọi người đều khuyên người góa phụ trẻ này đừng tiếp tục công việc, nhưng cô vẫn quay trở lại.

Khi cô trở lại, dân làng kêu lên: “Thấy chưa, cô ấy yêu chúng ta. Cô ấy trở lại rồi. Đấng mà cô ấy yêu chắc chắn là có thật”.

Nỗi đau và lòng nhẫn nại của các giáo sĩ sinh ra vẻ đẹp và bông trái. Như câu chuyện của Jim và Elizabeth Elliot đã giúp tôi đặt mọi điều vào viễn cảnh đời đời: Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài (Rô-ma 8:28).

Để kết luận, câu chuyện của những người nam, người nữ sẵn sàng dâng tất cả cho Chúa giúp tôi hiểu hơn về sự rủi ro và đau khổ – chúng ta không mong muốn nhưng sẵn sàng đón nhận khi những điều đó xảy ra, biết rằng Kinh Thánh đã báo trước rằng Chúa sẽ không để những việc đó trở nên vô ích.

Hiện giờ, vợ chồng tôi đang là ứng viên của một tổ chức truyền giáo. Chúng tôi đã đăng ký một số khóa học và đang được huấn luyện và trang bị để có thể phục vụ ở bất cứ nơi nào Chúa sai phái. Chúng tôi phải học cân nhắc lại mọi thứ, từ lựa chọn nghề nghiệp đến những lựa chọn nhỏ nhặt hàng ngày, để chuẩn bị cho công tác sau này.

Những câu chuyện truyền giáo này tác động đến tôi cách sâu sắc vì chúng thật sống động và rõ ràng. Nhưng nhờ vậy mà tôi bắt đầu có tấm lòng hy sinh và tin cậy, và trên hết, tôi thấy được sự thành tín của Chúa vượt qua mọi sự chết và đau đớn, thất vọng và sợ hãi. Quyển Cây Mận Trong Sa Mạc cảm động tôi rất nhiều và tôi rất muốn giới thiệu quyển sách này đến các giáo sĩ tương lai.

Tác giả: Judah Koh, Singapore

Nguồn: YMI https://ymi.today/2019/05/learning-to-trust-god-in-the-desert/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/

Biên dịch: Thiên Ái

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày