HỘI THÁNH TRONG GIAI ĐOẠN “BÌNH THƯỜNG MỚI”: TÔI CÓ NÊN BẮT ĐẦU NHÓM LẠI?

Sau năm tháng, cuối cùng tôi cũng đã đi nhà thờ trở lại vào tuần trước. Tôi đã mong đợi đó sẽ là sự kiện đầy xúc động đối với mình, nhưng tôi phải thú nhận rằng mọi thứ đã không diễn ra như vậy.

Kể từ khi các nhà thờ ở Singapore phải đóng cửa theo lệnh giãn cách xã hội vào tháng 4 vừa rồi, tôi đã rất nhớ cảm giác được “đi nhà thờ”. Đối với tôi, ít nhất thì việc tham dự buổi nhóm Chúa Nhật trực tuyến tại nhà qua màn hình không thể mang lại “bầu không khí” như khi ngồi trong băng ghế nhà thờ để thờ phượng Chúa với những anh chị em cùng đức tin.

Vì vậy, tôi rất vui mừng khi chính phủ cuối cùng đã thông báo cho phép nhóm lại, với số lượng tối đa 100 người cho mỗi buổi lễ. Và khi bước vào nhà thờ Chúa Nhật tuần trước, tôi nghĩ mình sẽ rất xúc động, có thể là vì biết ơn Chúa hoặc cảm thấy nhẹ nhõm, hay kinh ngạc vì cuối cùng tôi đã có thể trở lại nhà thờ.

Nhưng tôi đã không có cảm xúc đó.

Tất nhiên, việc áp dụng các hạn chế là điều không thể tránh khỏi. Theo quy định, chúng tôi phải ngồi cách xa nhau 1m ở những khu vực khác nhau và không được phép hát hoặc tiếp xúc gần. Chúng tôi có thể vẫy tay và mỉm cười với nhau bằng mắt (vì phải luôn đeo khẩu trang), nhưng không được đi loanh quanh trò chuyện. Trong giờ Tiệc Thánh, các tín hữu phải tự đến nhận bánh và chén, rồi quay lại băng ghế. Ngay cả giờ thông công sau buổi nhóm, chúng tôi cũng không thể tụ tập thành nhóm đông hơn năm người.

Thật sự thì không phải tôi phàn nàn. Tôi tin rằng chúng ta cần hết sức cẩn thận nếu muốn quay trở lại cuộc sống “bình thường” mà không khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại.

Nhưng khi ngồi đó, tôi nhận ra rằng mặc dù thật tuyệt khi đã được đến nhà thờ nhóm lại, nhưng điều tôi nhớ nhất về hội thánh là sự thông công với nhau. Vì vậy, dù đã được đến nhà thờ nhóm lại, nhưng tôi vẫn chưa có cảm giác thật sự của một hội thánh.

Điều đó khiến tôi tự hỏi: Tại sao cần đến nhà thờ nếu vẫn còn phải áp dụng tất cả những hạn chế này? Có nhất thiết phải quay lại nhà thờ không khi các buổi nhóm hiện tại ở nhà thờ không còn như trước đây – và tôi sẽ thoải mái hơn khi dự nhóm tại nhà mà không cần đeo khẩu trang hoặc cùng nhóm lại với nhóm tế bào của mình?

Chúng ta đang “nhóm lại” một cách sáng tạo hơn… Nhưng điều đó có đủ không?

Trong những tháng qua, nhiều người trong chúng ta đã nhận ra rằng một số chương trình của hội thánh – chẳng hạn như việc rao giảng Lời Chúa và cầu nguyện – có thể được thực hiện trực tuyến cách hiệu quả. Nhưng không chương trình trực tuyến nào có thể thay thế hoàn toàn cho việc cùng nhau hát ngợi khen Chúa, trao nhau những cái bắt tay, những cái ôm và hỏi thăm nhau về tuần lễ qua.

Không có gì ngạc nhiên khi Kinh Thánh thường dùng từ “koinonia” – trong tiếng Hy Lạp nghĩa là một cộng đồng thánh và một mối thông công thiêng liêng – để mô tả sự gặp gỡ của các tín hữu.

Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công (koinonia) với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. (Công vụ 2:42)

Hê-bơ-rơ 10:24-25 cũng cho thấy rằng khích lệ lẫn nhau là một phần của việc “nhóm lại”:

Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

Điều này đã khiến tôi suy nghĩ về hội thánh. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 đã khiến nhiều người trong chúng ta thấy rằng việc “nhóm lại” có thể được thực hiện theo những cách mới mẻ và sáng tạo (bao gồm trực tuyến), thì những suy nghĩ về điều chúng ta nhớ nhất này là một thách thức để thực hiện việc “nhóm lại” cách khác biệt.

Thật vậy, những người bạn đã chia sẻ rằng họ nhớ việc hát ngợi khen Chúa cùng nhau và sự thông công của hội chúng, cũng nói rằng giờ đây họ sẽ chủ động hơn trong việc chào thăm, bắt chuyện và khích lệ nhau, cả trong hội thánh và ngoài xã hội. Suy cho cùng, những điều này không phải chỉ là phần bổ sung không cần thiết trước và sau buổi nhóm – mà là một phần thiết yếu khi các tín hữu nhóm lại với nhau.

Lý do tôi quyết định đến nhà thờ nhóm lại

Tôi đã nghe một số bạn bè lo ngại rằng việc nhóm trở lại tại nhà thờ có thể đe dọa những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Một số người đặt ra câu hỏi: Chúng ta có thể hiện trách nhiệm với xã hội không khi nhóm lại quá sớm?

Chính tôi cũng đã tự hỏi điều đó và tôi muốn đưa ra một lý do chính đáng để quay lại nhà thờ khi có thể: chắc chắn không phải vì chúng ta tin rằng nỗ lực trung tín nhóm lại của chúng ta sẽ được ban thưởng bằng sự miễn nhiễm với COVID-19 và cũng không phải vì chúng ta tin rằng việc nhóm lại là điều bắt buộc. Nhưng lý do đó là bởi vì tận sâu trong tấm lòng, chúng ta có niềm tin rằng cuộc sống phải tiếp tục.

Trên vài phương diện, chấp nhận một số rủi ro nhỏ để trở lại nếp sống bình thường thể hiện niềm hy vọng nhiệt thành của chúng ta rằng những điều này sẽ sớm qua. Vì vậy, chúng ta bắt đầu nhóm tại nhà thờ đơn giản vì chúng ta tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được trở lại nhà thờ, thờ phượng Chúa và thông công vui vẻ với nhau.

Ngay cả khi có những hạn chế về cách chúng ta có thể “thông công” trong vài tháng tới, thì vẫn có giá trị trong việc cùng đến một địa điểm, với những người cùng niềm tin, để cùng thờ phượng Chúa với nhau. Có lẽ, đối với một số người trong chúng ta, đây có thể là thách thức cần thiết để chủ động xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với một nhóm nhỏ hơn – thay vì có mối quan hệ rộng rãi với nhiều người.

Thách thức thật

Vì vậy, dù quan điểm của bạn là gì, điều quan trọng cần nhớ – ít nhất trong hiện tại – đó là việc lựa chọn có quay lại các buổi nhóm trực tiếp hay không là vấn đề của niềm tin cá nhân, những cân nhắc về sức khỏe và nhiều yếu tố thực tế khác.

Nhưng dù theo cách nào, tôi tin rằng, chúng ta vẫn được thách thức bởi lời kêu gọi trong Hê-bơ-rơ 10:24-25: “Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau.”

Nếu chưa sẵn sàng quay trở lại các buổi nhóm trực tiếp, làm cách nào để bạn khích lệ người khác trong đức tin? Bạn đang bày tỏ sự quan tâm đến người khác bằng những cách thiết thực nào? Làm thế nào để bạn giữ mối liên hệ với những anh em trong Chúa, cũng như khích lệ, an ủi và cầu nguyện cho họ?

Và nếu bạn chọn quay trở lại các buổi nhóm trực tiếp, bạn đã thể hiện tình yêu thương bằng cách có trách nhiệm và quan tâm đến xã hội như thế nào? Bạn sẽ kiên nhẫn với những người làm công việc truy vết và kiểm tra chứ? Bạn có chọn đối xử tử tế và thông cảm với những người sợ hãi và lo lắng, ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy không?

Và mặc dù chúng ta đang mong chờ đến ngày có thể nhóm trở lại cách bình thường ở nhà thờ – có ban nhạc thờ phượng trực tiếp, không còn các bài giảng được ghi hình trước và có thể trực tiếp dâng tiền vào túi dâng hiến – chúng ta cũng phải chấp nhận sự thật rằng các buổi nhóm mà chúng ta từng biết sẽ không còn như trước nữa. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể tiếp tục nhắc nhở nhau về điều thực sự quan trọng?

Xét cho cùng, trong khi các hình thức nhóm lại của hội thánh có thể cần phải thích ứng với những thách thức mới của thời đại, thì sự thông công vẫn sẽ luôn là một phần trong thân thể Đấng Christ.

Về tác giả: Sau nhiều năm hoạt động trong ngành báo chí, Leslie đã quyết định chuyển từ làm việc với tin xấu sang tin tốt. Anh tin vào sức mạnh của từ ngữ (đặc biệt khi chúng hài hước). Anh hiện là một biên tập viên ở Our Daily Bread Ministries.

Tác giả: Leslie Koh

Biên dịch: Nhựt Hồng

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: (https://ymi.today/2020/10/church-in-the-new-normal-should-i-start-going-back/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/