KHI HỘI THÁNH TẠI GIÊ-RU-SA-LEM CẦN GIÚP ĐỠ
Có thể nói người dân tại thành phố Hồ Chí Minh nói chung và con cái Chúa nói riêng đang trải qua những ngày rất khó khăn vì dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Nhiều tín hữu đã bị nhiễm bệnh, nhiều người phải ở trong các khu phong tỏa hoặc bị cách ly tập trung. Lệnh giãn cách xã hội cũng khiến cho rất nhiều người bị mất việc, công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không những thế, tình trạng khan hiếm rau củ quả và các mặt hàng thiết yếu đã trở thành đề tài nóng trong những ngày qua. Tuy vậy, khung cảnh ảm đạm đó lại trở nên ấm áp lạ thường khi hội thánh và con dân Chúa khắp các tỉnh đang đồng lòng hướng về thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh ấy nhắc chúng ta nhớ đến công tác cứu trợ đã được sứ đồ Phao-lô kêu gọi để giúp đỡ các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem khi họ trải qua sự thiếu thốn trong cơn đói kém suốt thời gian trị vì của hoàng đế Claudius (41-54 SCN). Việc cứu trợ này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của các hội thánh dân ngoại và đem lại nhiều sự khích lệ cũng như hướng dẫn cho chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể học được 3 nguyên tắc quan trọng trong công tác cứu trợ qua II Cô-rinh-tô 8:1-24.
#1. Tự nguyện và rộng rãi
Chúng ta có thể thấy nguyên tắc này qua tấm gương tuyệt vời của các Hội thánh xứ Ma-xê-đô-ni-a (II Cô. 8:1-6), bao gồm Hội thánh Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca và Bê-rê. Điều đáng chú ý ở đây là họ không phải là những người giàu có, dư dật. Tuy vậy, sự ban cho của họ không bị giới hạn trong những gì họ có, dù cũng đang ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng người Ma-xê-đô-ni-a đã khẩn khoản nài xin Phao-lô cho họ được dự phần trong việc giúp đỡ các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem, và họ đã tự nguyện quyên góp theo khả năng của mình, lại cũng quá khả năng nữa (II Cô. 8:3-4). Điều này khiến sứ đồ Phao-lô vô cùng được khích lệ và ông khen ngợi tinh thần ban cho rộng rãi của người Ma-xê-đô-ni-a.
#2. Kịp thời và thực tiễn
Sứ đồ Phao-lô đã nêu lên tấm gương rộng rãi của các Hội thánh xứ Ma-xê-đô-ni-a để khích lệ Hội thánh Cô-rinh-tô (II Cô. 8:7-15) về tinh thần ban cho. Ban đầu, khi nghe về sự khó khăn của các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem, Hội thánh Cô-rinh-tô cũng đã bày tỏ sự nhiệt thành mong muốn được dự phần vào sự giúp đỡ này. Nhưng vì một lý do nào đó, họ đã lơ đễnh và trì hoãn sự quyên góp mà họ khởi sự từ năm trước (II Cô. 8:10). Hội thánh Cô-rinh-tô là một hội thánh vượt trội về các ân tứ thuộc linh, và sứ đồ Phao-lô muốn khích lệ họ cũng vươt trội trong việc ban cho nữa. Nhưng đó không phải là một mệnh lệnh vì việc từ thiện là điều không thể ép buộc, ông muốn thử nghiệm tình yêu thương chân thật của họ, là điều cần được bày tỏ bằng hành động – kịp thời và thực tiễn. Và họ cần thể hiện điều đó bằng cách hoàn tất điều họ đã bắt đầu trong khả năng của mình với sự sẵn lòng chứ không phải bị thúc ép.
#3. Minh bạch và ngay thẳng
Chúng ta có thể học hỏi điều này từ việc kêu gọi quyên góp và tổ chức công tác cứu trợ của sứ đồ Phao-lô (II Cô. 8:16-24). Ông nói trong II Cô-rinh-tô 8:20 rằng: “Chúng tôi thận trọng để tránh bất cứ lời than phiền nào về cách sử dụng số tiền quyên góp lớn lao nầy”. Minh bạch là yếu tố rất quan trọng trong công tác từ thiện, và sứ đồ Phao-lô biết sẽ có nhiều người không ngần ngại bêu xấu và vu khống ông sử dụng tiền từ thiện cho mục đích riêng. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô không làm công việc quyên góp một mình nhưng ông có những người cộng sự trách nhiệm để cùng ông thực hiện. Đây là những người được Phao-lô khen ngợi về tinh thần nhiệt thành và được mọi người tin cậy. Phao-lô và các cộng sự cố gắng hết sức để “làm điều tốt đẹp, chẳng những ở trước mặt Chúa, mà cả trước mặt người ta nữa” (II Cô. 8:21).
Công tác cứu trợ không chỉ bày tỏ sự quan tâm, yêu thương giữa các tín hữu mà còn bày tỏ sự hiệp một trong thân thể Đấng Christ. Trên hết, điều Phao-lô muốn nhấn mạnh đó là ân điển của Đức Chúa Trời. Các hội thánh tại Ma-xê-đô-ni-a ban cho cách rộng rãi bởi vì họ đã kinh nghiệm dư dật ân điển của Đức Chúa Trời. Ân điển ấy đã mở tấm lòng họ và cũng mở bàn tay của họ. Sứ đồ Phao-lô đã tiếp tục nói đến sự ban cho trong II Cô-rinh-tô 9, và dù là người thực hiện công tác quyên góp hay là người ban cho thì điều ông ao ước đó là họ làm tất cả vì sự vinh quang của Chúa. Qua việc từ thiện của chúng ta, người khác sẽ cảm tạ Chúa và danh Ngài sẽ được vinh hiển (II Cô. 9:11-12).
Tác giả: Sarang Mai
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/