KHI NGƯỜI TỐT PHẢI CHỊU KHỔ

Bạn có bao giờ hối hận vì đã làm chứng chưa?

Năm 19 tuổi, tôi đã cầu nguyện rất nhiều để có thể được nhận vào một chương trình học bổng tại một trường đại học địa phương. Mỗi năm, chỉ có ba phần trăm số sinh viên chưa tốt nghiệp được chọn vào chương trình này. Cuối cùng thì tôi cũng được chọn dù không có một hàng điểm A thẳng tắp trong kết quả thi của mình. Vậy nên tôi đã làm chứng trong giờ nhóm tế bào, rằng tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã mở cánh cổng cơ hội đó cho tôi.

Nhưng sau đó trong học kỳ đầu tiên và thứ hai của mình, điểm số của tôi không đủ tốt và tôi bị gửi thư cảnh cáo học vụ đến hai lần. Bản chất của thông điệp đó là: hãy học nghiêm túc lên nếu không cậu sẽ bị đuổi khỏi chương trình này. Tôi nghĩ chắc là do mình chưa thích nghi được với cuộc sống đại học trong học kỳ đầu tiên.

Tôi ngẫm nghĩ về phương pháp học của mình và cố gắng học chăm hơn, thông minh hơn. Điều này bao gồm không chọn những mô-đun mà ngày thi quá gần với một bài thi khác và cố gắng quản lý thời gian tốt hơn. Tôi đã nghĩ rằng tình hình sẽ được cải thiện.

Nhưng nó lại không xảy ra, và thư cảnh cáo thứ hai đến như một đòn rất mạnh với tôi. Tôi chưa từng bao giờ nhận bất kỳ thư cảnh cáo nào trong suốt quãng đời đi học; nhưng giờ tôi nhận đến hai bức thư.

Với tất cả sự hiểu biết của mình, tôi đã làm những gì có thể và đã nỗ lực hết sức để đạt điểm cao hơn trong học kỳ thứ hai. Do đó, tôi thật sự bối rối trước điểm cuối kỳ sau những kỳ thi của mình.

Tôi không tài nào hiểu được tại sao điểm số của mình thành ra như vậy mặc cho tất cả những gì tôi đã làm. Có một điều chắc chắn là tôi không trông chờ một điểm số hoàn hảo, nhưng tôi đã mong đợi mình làm khá hơn. Tôi suy xét lòng mình và tin rằng mình đã làm hết sức. Tôi cố đổ lỗi cho các giáo sư – tôi thậm chí đã đề nghị phúc khảo một bài thi của mình, nhưng điểm số vẫn không thay đổi. Cuối cùng, tôi đổ lỗi cho Chúa – Đấng mà tôi đã cầu xin để được kết quả tốt.

Tại thời điểm đó, tôi hối hận vì đã làm chứng quá sớm. Và tôi cố gắng lý giải tình hình của mình. Tôi đã không quý trọng món quà của Ngài – cơ hội bước vào chương trình học bổng. Vậy sao Chúa lại lấy đi điều Ngài đã ban cho? Và không giống với ca từ trong bài hát “Luôn Ca Ngợi Chúa” (Blessed Be Your Name)”, lòng tôi chọn không ca ngợi danh Chúa.

Thú thật, không phải Kinh Thánh hay hội thánh là nơi đầu tiên tôi tìm đến để tìm lời giải đáp. Tôi không chắc mọi người sẽ phản ứng như thế nào khi tôi nói tôi đang đổ lỗi cho Chúa. Vì vậy mà tôi tìm đến Google, gõ cụm từ “thất vọng với Chúa” và tìm thấy một quyển sách với tựa đề tương tự của một tác giả Cơ Đốc người Mỹ tên Philip Yancey.

Sau khi đọc quyển sách – trong sách tác giả Yancey đào sâu sách Gióp cũng như các sách Cựu Ước khác về câu chuyện những tiên tri than khóc với Chúa, tôi càng thêm cảm kích với đường lối của Chúa.

1. Người ngay thẳng cũng chịu khổ

Tác giả Yancey viết rằng sách Gióp “miêu tả những điều tồi tệ nhất xảy đến cho người tốt nhất”. Gióp không có chỗ chê trách và ông ngay thẳng, ông kính sợ Chúa và tránh xa điều ác (1:1). Chúa đã nói về chính ông như vậy và Ngài nói không có ai trên đất giống như Gióp (1:8, 2:3).

Nhưng chỉ trong một ngày, Gióp mất hết bò, lừa, chiên, lạc đà và những đứa con của mình (1:14-19). Vào một ngày khác, ông chịu đau đớn khắp cơ thể, từ đầu đến ngón chân (2:7).

Ba người bạn của ông, Ê-li-pha, Bi-đát và Giô-phát ngụ ý sự chịu đựng mà ông đang gánh là do những tội ông đã phạm, nhưng Chúa quở trách họ vì nói sai (42:7). Chúa cũng không đề cập bất cứ tội lỗi đặc biệt nào là nguồn cơn cho sự chịu đựng của Gióp.

Không phải tất cả những sự chịu đựng mà chúng ta trải qua là bởi tội lỗi của chúng ta. Đối với một số người trong chúng ta, lời nhắc nhở chúng ta cần đó là: “đó không phải lỗi của bạn”.

Đôi khi, người ta rơi vào hoàn cảnh không tốt ở trường hay tại nơi công sở vì họ không chăm chỉ, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Có thể bạn từng có kinh nghiệm giống tôi: bạn nghĩ mình đã học hành chăm chỉ, được trúng tủ, làm mọi thứ mình có thể, nhưng vẫn không đủ đạt điểm số tốt. Kể cả trong việc học, công thức thành công không phải lúc nào cũng là: càng dành nhiều thời gian ôn tập (hoặc làm bài tập, học gia sư) thì điểm càng cao.

2. Phản ứng của chúng ta đối với đau khổ rất quan trọng

Sự chịu khổ của Gióp bắt đầu từ lúc có cuộc đối thoại giữa Chúa và Sa-tan. Tác giả Yancey viết rằng cuộc đối thoại đó giống như một vụ “đánh cược”, một vụ “cá cược”.

Sa-tan cho rằng Gióp trung thành với Chúa là vì ông được chúc phước và vu cáo Gióp chỉ là một người tin Chúa trong thuận cảnh (1:10-11). Sa-tan thách thức Chúa: hãy phá hủy mọi thứ Gióp có và ông chắc chắn sẽ rủa sả Chúa (1:11, 2:5). Chúa trả lời: Ta chấp thuận thử thách, nhưng hãy trừ mạng sống của Gióp ra (1:12, 2:6)

Và thế là Gióp mất hết mọi thứ. Yancey viết “Gióp đã diễn trong một cuộc chiến siêu nhiên trước những khán giả trong thế giới vô hình”.

Kinh Thánh ghi lại một ví dụ khác về hành động của con người có tác động đến thế giới vô hình: cuộc ra đi rao giảng của các sứ đồ khiến Sa-tan “từ trời sa xuống như chớp” (Lu-ca 10:1-18); sự ăn năn của một tội nhân đem đến sự vui mừng trên thiên đàng (Lu-ca 15:7).

Rất khó để hình dung rằng phản ứng của một người cũng quan trọng trong thế giới tâm linh, nhưng đó là những gì sách Gióp cho chúng ta thấy. Phản ứng của chúng ta đối với thử thách rất quan trọng. Thử thách của Gióp là phải tin cậy Chúa mặc cho tất cả những gì xảy đến, là giữ đức tin.

Đối với trường hợp của mình, tôi tin thử thách của mình là đối diện với nguy cơ bị đuổi khỏi chương trình học bổng mà tôi rất muốn là một phần trong đó. Liệu tôi vẫn sẽ trung tín? Hay tình huống sẽ chỉ ra tôi chỉ là một người tin Chúa trong thuận cảnh?

Tôi không biết liệu phản ứng của mình đối với sự thử thách đức tin đó có ảnh hưởng đến thế giới tâm linh hay không, nhưng tôi tin rằng điều đó làm hài lòng Chúa (Hê-bơ-rơ 11:6). Tôi tin phản ứng của mình cũng quan trọng với Ngài vì chúng rèn luyện đức tin và giúp mối tương giao với Chúa của tôi trở nên mật thiết.

Bây giờ sau nhiều năm kể từ sự việc đó, tôi có thể nói tôi đã ít dao động hơn khi đối diện với nhiều lần chịu khổ khác – những lúc như thể Chúa lấy đi những gì Ngài ban. Tôi vẫn khóc nhiều đêm khi người hướng dẫn hội thánh của tôi (người Chúa đặt để trong cuộc sống tôi) đi sai lệch khỏi niềm tin và rời bỏ hội thánh. Tôi cũng khóc khi người thân của mình sảy thai sau khi Chúa ban một sinh linh nhỏ bé trong bụng của cô ấy. Nếu đức tin của tôi giống như một căn nhà thì nó sẽ rung động mỗi khi tôi đối diện với những thời điểm khắc nghiệt này, nhưng nó không sụp đổ, vì nền tảng niềm tin trong sự tốt lành của Chúa trong tôi giờ đây đã vững mạnh hơn.

3. Có một số vấn đề chúng ta không bao giờ hiểu được

Chúa không trả lời câu hỏi “tại sao lại là con” của Gióp. Thay vì vậy, Chúa hỏi Gióp nhiều câu hỏi, dùng sự thiếu hiểu biết của Gióp về trật tự tự nhiên của trái đất Chúa tạo dựng để chỉ ra sự thiếu hiểu biết của ông về trật tự đạo đức của Ngài (Gióp 38-41).

Gióp trả lời: “Thật, con đã nói những điều con không hiểu, Những việc quá diệu kỳ mà con không hề biết” (42:3).

Trong quyển sách Surprised by Suffering (tạm dịch: Ngạc Nhiên Bởi Sự Chịu Khổ), tác giả R.C Sproul viết: “Cuối cùng, câu trả lời duy nhất Chúa cho Gióp đó là sự mặc khải về chính Ngài. Giống như Chúa phán với ông: “Gióp, Ta là lời giải đáp của con”. Ngài không bảo Gióp tin vào một kế hoạch mà hãy tin vào một Đức Chúa Trời gần gũi, là Đấng tể trị, khôn ngoan và tốt lành”.

Vậy nên, tôi học cách bày tỏ những thất vọng, mối nghi ngờ và những câu hỏi với Chúa, như những gì Gióp đã làm (7:11-21, 10:2-18). Tôi chọn tiếp tục nhận lấy thêm những trách nhiệm ở nhà thờ trong khi thừa nhận nỗi lo sợ với Chúa rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến thời gian học và điểm số của bản thân. Bởi ân điển của Chúa, điểm số của tôi được cải thiện một cách kỳ diệu trong học kỳ thứ ba ở đại học, học kỳ mà tôi đã trải qua sự thất vọng với Chúa.

Sự thật là, chúng ta là con người, chứ không phải là Chúa. Sự hiểu biết về không gian và thời gian của chúng ta khác với sự hiểu biết của Đức Chúa Trời Toàn Tại – Đấng xem thời gian là vĩnh cửu, một hiện tại không bao giờ kết thúc.

Tác giả Yancey viết: “Không quan trọng chúng ta lý trí thế nào, Chúa đôi lúc có vẻ như không công bằng trong viễn cảnh của một con người bị mắc kẹt trong thời gian… Cho đến khi lịch sử chạy hết tiến trình của nó, chúng ta sẽ không hiểu được làm cách nào ‘mọi sự hiệp lại làm ích’ được (Rô-ma 8:28).”

Bởi ân điển của Chúa, tôi đã có một bài làm chứng khác sau học kỳ thứ ba của mình, không phải chỉ nói về việc Chúa chúc phước cho tôi được cải thiện điểm số, mà còn về việc Ngài nâng đỡ và rèn luyện đức tin của tôi qua mọi điều.

Tác giả: Priscilla G., Singapore

Chuyển ngữ: Thiên Ái

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2016/07/when-good-people-suffer/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/